Họp báo Công bố các chỉ tiêu chủ yếu đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2017 và giai đoạn 2010-2016

Sáng ngày 06 tháng 02 năm 2018, Tổng cục Thống kê (TCTK) phối hợp với Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo công bố các chỉ tiêu chủ yếu đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2017 và giai đoạn 2010-2016. Đồng chủ trì họp báo, gồm: Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng TCTK; ông Nguyễn Hồng Long, Phó Trưởng ban, Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, Văn phòng Chính phủ; ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp, TCTK và tham dự họp báo có ông Phạm Quang Vinh, Phó Tổng cục trưởng TCTK; lãnh đạo, chuyên viên các đơn vị cơ quan TCTK, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; các phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn báo chí.

Đại diện TCTK, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng, TCTK thông cáo báo chí các chỉ tiêu chủ yếu đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2017 và giai đoạn 2010-2016, như sau:

– Tổng số doanh nghiệp thực tế đang hoạt động (không bao gồm các doanh nghiệp đã đăng ký, chưa đi vào hoạt động, các doanh nghiệp ngừng hoạt động có đăng ký) do ngành Thống kê điều tra, cập nhật đến thời điểm 31/12/2017 trên phạm vi cả nước ước tính là 561.064 doanh nghiệp, tăng 11,1% so với năm 2016, bình quân giai đoạn 2010-2016 mỗi năm tăng 10,4% số doanh nghiệp. Phân theo khu vực kinh tế, dịch vụ là khu vực hiện có số lượng doanh nghiệp hoạt động nhiều nhất, đồng thời là khu vực có tốc độ tăng số doanh nghiệp hoạt động cao nhất. Tại thời điểm 31/12/2016 số doanh nghiệp đang hoạt động của khu vực này là 354.244 doanh nghiệp, bình quân giai đoạn 2010-2016 mỗi năm khu vực này tăng thêm 11,5% số doanh nghiệp. Phân theo thành phần kinh tế, tại thời điểm 31/12/2016 số doanh nghiệp nhà nước thực tế đang hoạt động là 2.663 doanh nghiệp, bình quân giai đoạn 2010-2016 mỗi năm khu vực này giảm 3,4%, trong khi bình quân giai đoạn này khu vực  ngoài nhà nước tăng 10,5%, FDI tăng 11,6%.

– Số doanh nghiệp thành lập mới cả nước năm 2017 đạt kỷ lục cao nhất từ trước đến nay với 126.859 doanh nghiệp, tăng 15,2% so với năm 2016. Phân theo lĩnh vực hoạt động, trong năm 2017 có 45,4 nghìn doanh nghiệp thành lập mới trong ngành bán buôn, bán lẻ (chiếm 35,8% tổng số doanh nghiệp thành lập mới), tăng 16,6% so với năm 2016; có 16,2 nghìn doanh nghiệp hoạt động trong ngành chế biến, chế tạo (chiếm 12,8%), tăng 9,4%; có 16 nghìn doanh nghiệp hoạt động trong ngành xây dựng (chiếm 12,6%), tăng 10,6%. Tổng số vốn đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới năm 2017 là 1.295,9 nghìn tỷ đồng, tăng 45,4% so với năm 2016. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 10,2 tỷ đồng tăng 26,2% so với năm 2016.

– Tổng số lao động đang làm việc trong khu vực doanh nghiệp tại thời điểm 31/12/2016 là 14,03 triệu người, bình quân giai đoạn 2010-2016 mỗi năm khu vực doanh nghiệp thu hút thêm 6,1% lao động. Có 30/63 tỉnh có tốc độ thu hút lao động trong khu vực doanh nghiệp bình quân giai đoạn 2010-2016 cao hơn tốc độ tăng bình quân cả nước, trong đó: Thái Nguyên tăng 19,7%; Bắc Ninh tăng 19,6%; Hậu Giang tăng 15,5%… Có 11/63 tỉnh có tốc độ thu hút lao động trong khu vực doanh nghiệp bình quân giai đoạn 2010-2016 giảm, những tỉnh có tốc độ giảm nhanh gồm: Bắc Kạn giảm 3,3%; Hà Giang giảm 3,0%…

– Tổng nguồn vốn sử dụng cho sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp tại thời điểm 31/12/2016 đạt 30,2 triệu tỷ đồng. Bình quân giai đoạn 2010-2016 mỗi năm khu vực doanh nghiệp thu hút tăng 16,4% vốn cho SXKD đặc biệt ngành công nghiệp thu hút 9,2 triệu tỷ đồng vốn (chiếm 31,6% vốn của toàn bộ doanh nghiệp), đang là ngành có tốc độ thu hút vốn nhanh, bình quân giai đoạn 2010-2016 mỗi năm ngành công nghiệp thu hút thêm 20% vốn cho SXKD.

– Tổng doanh thu thuần của khu vực doanh nghiệp năm 2016 đạt 17,4 triệu tỷ đồng, bình quân giai đoạn 2010-2016 mỗi năm doanh thu của các doanh nghiệp tăng 15,1%. Phân theo khu vực kinh tế, công nghiệp, xây dựng và dịch vụ là hai khu vực quy mô lớn nhất về doanh thu, đồng thời là hai khu vực tạo ra khối lượng doanh thu năm 2016 khá tương đồng với 8,9 triệu tỷ đồng và 8,5 triệu tỷ đồng.

– Tổng lợi nhuận trước thuế của khu vực doanh nghiệp năm 2016 đạt 712,947 nghìn tỷ đồng, bình quân giai đoạn 2010-2016 mỗi năm lợi nhuận toàn khu vực doanh nghiệp tăng 12,3% (thấp hơn mức tăng của vốn 16,3% và doanh thu 15,1%).

– Đóng góp ngân sách nhà nước của khu vực doanh nghiệp năm 2016 đạt 962.2 nghìn tỷ đồng. Bình quân giai đoạn 2010-2016 mỗi năm khu vực doanh nghiệp đóng góp vào ngân sách nhà nước tăng 14,8%. Phân theo thành phần kinh tế, năm 2016 mặc dầu tạo ra lợi nhuận thấp nhất nhưng các doanh nghiệp ngoài nhà nước lại đóng góp vào ngân sách nhà nước cao nhất với 434,7 nghìn tỷ đồng, bình quân tăng 17,0%/năm giai đoạn 2010-2016. Trong khi đó các doanh nghiệp FDI tạo ra lợi nhuận lớn nhất nhưng lại có tỷ lệ đóng góp vào ngân sách nhà nước thấp nhất với 250,9 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 16,9%/năm giai đoạn 2010-2016.

Các đại biểu tham dự đã bình luận và đưa ra một số câu hỏi xoay quanh vấn đề tình hình phát triển doanh nghiệp Việt Nam và được Đồng chủ trì họp báo giải đáp thỏa đáng.

Một số hình ảnh tại buổi Họp báo:

Ông Nguyễn Bích Lâm Tổng cục trưởng, TCTK thông cáo báo chí các chỉ tiêu chủ yếu đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2017 và giai đoạn 2010-2016

Đồng chủ trì họp báo

Toàn cảnh Họp báo

Thái Học