Họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế – xã hội quý III và 9 tháng đầu năm 2020

Sáng ngày 29/9/2020, Tổng cục Thống kê (TCTK) đã tổ chức họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế – xã hội quý III và 9 tháng đầu năm 2020. Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng TCTK chủ trì buổi Họp báo. Tham dự có ban lãnh đạo TCTK; đại diện lãnh đạo và chuyên viên các đơn vị thuộc cơ quan TCTK; đại diện các cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Bên cạnh đó, có sự tham dự trực tiếp của các đầu cầu thuộc các Cục Thống kê tỉnh, thành phố.

Tại buổi Họp báo, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng TCTK đã thông báo một số vấn đề cơ bản về tình hình kinh tế – xã hội của Việt Nam trong quý III và 9 tháng đầu năm 2020. Theo báo cáo, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng năm 2020 ước tính tăng 2,12% so với cùng kỳ năm trước, tuy là mức tăng thấp nhất của 9 tháng các năm trong giai đoạn 2011-2020 nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế – xã hội của các quốc gia trên thế giới thì đây là một thành công lớn của nước ta trong việc phòng chống dịch bệnh, khôi phục và phát triển kinh tế.

Một số chỉ tiêu kinh tế – xã hội chủ yếu 9 tháng năm 2020 soa với cùng kỳ năm trước, như sau:

– Tổng sản phẩm trong nước (GDP tăng 2,12% (Quý I tăng 3,68%; quý II tăng 0,39%; quý III tăng 2,62%), là mức tăng thấp nhất của 9 tháng các năm trong giai đoạn 2011-2020. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,84%, đóng góp 13,62% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,08%, đóng góp 58,35%; khu vực dịch vụ tăng 1,37%, đóng góp 28,03%.

– Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 2,4%, trong đó: khai khoáng giảm 7,4%; công nghiệp chếp biến, chế tạo tăng 3,8%; sản xuất phân phối điện tăng 2,8% và cung cấp nước, hoạt động quản lý, xử lý nước thải, rác thải tăng 3,3%;

– Số doanh nghiệp thành lập mới: 98954 doanh nghiệp

– Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 3.673,5 nghìn tỷ đồng, tăng 0,7%,

– Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện tăng 4,8%

– Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 202,86 tỷ USD, tăng 4,2%, trong đó: khu vực kinh tế trong nước tiếp tục là động lực cho sự tăng trưởng của hoạt động xuất khẩu cả nước khi đạt 71,83 tỷ USD, tăng mạnh 20,2%, chiếm 35,4% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 131,03 tỷ USD, giảm 2,9%, chiếm 64,6%.

– Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ước tính đạt 73,9%, giảm 2,6 %.

– Tỷ lệ thất nghiệp chung là 2,27%, trong đó khu vực thành thị là 3,66%; khu vực nông thôn là 1,58%.

– Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 185,87 tỷ USD, giảm 0,8%

– Xuất siêu: 16,99 tỷ USD

– Khách quốc tế đến Việt Nam giảm 70,6%

– Chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,85%

– Lạm phát cơ bản tăng 2,59%

Trong bối cảnh dịch Covid-19 đã gây ra một cú sốc lớn làm kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu suy thoái sâu và nghiêm trọng, bức tranh kinh tế – xã hội Việt Nam 9 tháng năm 2020 tiếp tục duy trì được ổn định. Sau khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng, cùng với tác động tích cực từ những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân của Chính phủ, các lĩnh vực kinh tế – xã hội đang bước vào trạng thái hoạt động trong điều kiện bình thường mới, nhiều ngành sản xuất kinh doanh có sự khởi sắc. Dịch Covid-19 tuy đã cơ bản được khống chế ở Việt Nam nhưng còn diễn biến phức tạp trên thế giới làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng tới các ngành thương mại, du lịch, vận tải và xuất nhập khẩu, doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất, thu hẹp quy mô và tạm dừng hoạt động. Thu nhập, lao động, việc làm bị ảnh hưởng, tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm ở mức cao sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Do đó cần có sự chung sức, đồng lòng của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân, sự hỗ trợ và chia sẻ gánh vác trách nhiệm giữa các thực thể trong nước trong giai đoạn khó khăn này. Trước mắt, cần tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19, không để dịch lây lan, bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân. Đồng thời, tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau: (1) Tiếp tục đưa ra gói hỗ trợ đủ lớn và hiệu quả để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế, trong đó tập trung vào đối tượng doanh nghiệp, cải cách quy trình, thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện, kịp thời. Hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong việc tìm thị trường nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu, phụ tùng, linh kiện thay thế, tháo gỡ khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời, vận động người dân ưu tiên dùng hàng trong nước, ủng hộ doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong giai đoạn khó khăn; (2) Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất có thể so với kế hoạch đề ra thông qua việc tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa nhằm thực hiện đột phá chiến lược về kết cấu hạ tầng, chuyển đổi hình thức đầu tư một số dự án cấp bách để triển khai ngay trong năm, nâng cao năng lực sản xuất và tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế; (3) Để hạn chế tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu tới kết quả sản xuất nông nghiệp cần điều chỉnh phương án sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp từng vùng, miền hoặc chuyển dịch mùa vụ sản xuất trên cơ sở tận dụng các lợi thế của địa phương, dự đoán nhu cầu thị trường và khả năng tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, cần kịp thời đưa ra các giải pháp để giữ được các thị trường tiêu thụ nông sản, giữ vững thương hiệu để duy trì hoạt động sản xuất trong bối cảnh dịch Covid-19 làm giảm nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài nước. Khuyến khích các doanh nghiệp và hộ chăn nuôi lợn đẩy nhanh tiến độ và quy mô tái đàn. Hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, chế biến cá tra đẩy mạnh tiêu thụ trên thị trường nội địa; (4) Kích cầu đầu tư trong khối doanh nghiệp sản xuất cho xuất khẩu để chủ động nguồn hàng khi thị trường các nước trên thế giới mở lại bình thường và tận dụng cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do châu Âu – Việt Nam. Cần có chính sách khuyến khích và hạn chế nhập khẩu phù hợp với tình hình sản xuất, cung cầu trong nước như khuyến khích nhập khẩu máy móc thiết bị mở rộng sản xuất, hạn chế nhập khẩu các mặt hàng, nhóm hàng hóa trong nước có đủ năng lực sản xuất. Chính phủ và doanh nghiệp nghiên cứu các giải pháp về thể chế, nguồn nhân lực, quy trình, công nghệ sản xuất và chiến lược kinh doanh để tận dụng và hòa nhập được các quy định Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVFTA và IPA); (5) Điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá linh hoạt, thận trọng, phù hợp với diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng tín dụng đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất kinh doanh. Các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát tình hình giá cả, thị trường trong nước và thế giới, diễn biến cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, biến động của đồng đô la Mỹ, đồng Nhân dân tệ và giá cả các mặt hàng để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, thực hiện lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý vào thời điểm thích hợp, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2020 dưới 4%. (6) Theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, chủ động phương án phòng chống thiên tai, cảnh báo mưa lũ, sạt lở, tác động của hạn hán, xâm nhập mặn nhằm hạn chế tối đa thiệt hại tới sản xuất và cuộc sống của người dân. Thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, lao động, việc làm. Thực hiện tốt công tác trợ giúp đột xuất, bảo đảm người dân khi gặp rủi ro, thiên tai được hỗ trợ kịp thời, khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống. Tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ.

Cuối buổi họp báo, TCTK đã dành thời gian giải đáp các câu hỏi của các phóng viên, nhà báo và các đại biểu về những vấn đề liên quan đến tình hình kinh tế – xã hội nước ta trong quý III và 9 tháng đầu năm 2020, đặc biệt là tác động dịch COVID-19 lên các lĩnh vực kinh tế-xã hội của Việt Nam.

Một số hình ảnh tại buổi họp báo:

Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng TCTK báo cáo tình hình kinh tế-xã hội của Việt Nam trong quý III và 9 tháng đầu năm 2020

Đại diện TCTK trả lời các câu hỏi của báo chí

Toàn cảnh buổi Họp báo

Khương Duy