Họp báo tình hình kinh tế-xã hội quý 1 năm 2020

Chiều ngày 27/03/2020, Tổng cục Thống kê (TCTK) đã tổ chức họp báo công bố tình hình kinh tế – xã hội quý I năm 2020. Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng TCTK chủ trì buổi Họp báo. Tham dự có lãnh đạo TCTK; đại diện lãnh đạo và chuyên viên các đơn vị trực thuộc cơ quan TCTK; đại diện các cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Tại buổi Họp báo, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng TCTK đã thông báo một số vấn đề cơ bản về tình hình kinh tế – xã hội quý I năm 2020 của Việt Nam như sau:

(1) Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2020 ước tính tăng 3,82% so với cùng kỳ năm trước, trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, những nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Cộng đồng chung châu Âu (EU) đang chứng kiến tình trạng suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,08% (đóng góp 0,2% vào mức tăng trưởng chung); khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,15% (đóng góp 58,4%), trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,12%, tuy đạt mức tăng không cao nhưng vẫn đóng vai trò là động lực chính của tăng trưởng kinh tế quý I năm nay; khu vực dịch vụ tăng 3,27% (đóng góp 41,4%), trong đó các ngành dịch vụ thị trường như: Bán buôn và bán lẻ tăng 5,69%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,19%.

(2) Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản quý I/2020 gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi; hạn hán, xâm nhập mặn tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long; dịch cúm gia cầm có nguy cơ bùng phát và dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu sản phẩm nông sản. Sản xuất lâm nghiệp phát triển ổn định; sản xuất thủy sản quý I/2020 tăng thấp hơn cùng kỳ năm trước.

(3) Khu vực công nghiệp và xây dựng quý I/2020 chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19 nên đạt mức tăng trưởng thấp so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo có mức tăng thấp nhất giai đoạn 2016-2020; sản xuất và phân phối điện tăng trưởng ổn định; ngành khai khoáng giảm sâu chủ yếu do khai thác dầu thô giảm mạnh.

(4) Trong quý I/2020, khu vực doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn lên tới 18,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy các doanh nghiệp kỳ vọng dịch Covid-19 sẽ kết thúc sớm nên dự báo tình hình sản xuất kinh doanh trong quý II khả quan hơn quý I.

(5) Hoạt động thương mại, dịch vụ trong 3 tháng đầu năm 2020 diễn ra kém sôi động do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Người tiêu dùng hạn chế mua sắm nơi công cộng, đi du lịch và ăn uống ngoài gia đình. Số lượng khách quốc tế đến nước ta trong quý I/2020 giảm 18,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó giảm ở hầu hết các thị trường, mức giảm mạnh nhất tập trung ở các thị trường lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ.

(6) Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện quý I/2020 đạt mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020 do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19. Tuy nhiên, vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước quý I/2020 đạt mức tăng khá 13,2% kế hoạch năm mặc dù kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước năm 2020 cao hơn 18% so với năm 2019 và tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tín hiệu tích cực phản ánh kết quả việc Chính phủ thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

(7) Kim ngạch xuất, nhập khẩu nhiều mặt hàng của Việt Nam bị ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch Covid-19 lây lan mạnh ở các nước đối tác thương mại hàng đầu như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU và Hoa Kỳ; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa quý I/2020 đạt 115,34 tỷ USD, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 0,5%, nhập khẩu giảm 1,9%; xuất siêu quý I năm nay ước tính đạt 2,8 tỷ USD.

(8) Ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá xăng dầu thế giới giảm mạnh và nguồn cung gia cầm dồi dào là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2020 giảm 0,72% so với tháng trước, đây là chỉ số CPI thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 và bình quân quý I/2020 so với cùng kỳ năm trước đều ở mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020. Tỷ giá thương mại hàng hóa lần đầu tiên giảm trong 3 năm gần đây, phản ánh giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ra nước ngoài không được thuận lợi so với giá nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam.

Cũng tại buổi Họp báo, đại diện TCTK đã giải đáp các câu hỏi của các phóng viên, nhà báo về các vấn đề tác động đến tình hình kinh tế – xã hội nước ta trong quý I, đặc biệt là tác động của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và tình trạng xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long đến nền kinh tế Việt Nam, đồng thời đưa ra những phân tích, dự báo về tình hình kinh tế – xã hội các quý tiếp theo của năm 2020.

Một số hình ảnh tại buổi họp báo:

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng, TCTK thông cáo báo chí về tình hình kinh tế -xã hội quý 1/2020

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng, TCTK chủ trì họp báo

Ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp trả lời câu hỏi báo chí

Ông Lê Trung Hiếu, Vụ trưởng Vụ Thống kê Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản trả lời báo chí

Toàn cảnh họp báo

Thái Học