Họp triển khai xây dựng Bộ chỉ tiêu Phát triển bền vững Việt Nam

Sáng ngày 17/5/2024, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê (TCTK) tổ chức họp triển khai xây dựng Bộ chỉ tiêu Phát triển bền vững Việt Nam (VSDGI). Phó Tổng cục trưởng TCTK Đỗ Thị Ngọc tham dự và chủ trì.

Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo các Vụ liên quan thuộc cơ quan TCTK; đại diện một số Bộ gồm: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường là các thành viên của Tổ Biên tập xây dựng Bộ chỉ tiêu.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Tổng cục trưởng TCTK Đỗ Thị Ngọc cho biết, các chỉ tiêu phát triển bền vững đang ngày càng được cộng đồng thế giới quan tâm. Muốn đo lường được sự phát triển bền vững cần có Bộ chỉ tiêu thống kê thống kê phát triển bền vững làm căn cứ đánh giá. Vì vậy, trên cơ sở báo cáo đánh giá Bộ chỉ tiêu cũ, Tổ biên tập cần tổng hợp, rà soát và xây dựng Bộ chỉ tiêu mới đáp ứng yêu cầu hiện nay.

Họp triển khai xây dựng Bộ chỉ tiêu Phát triển bền vững Việt Nam
Phó Tổng cục trưởng Đỗ Thị Ngọc nhấn mạnh tầm quan trọng của các chỉ tiêu thống kê bền vững
Tại cuộc họp, các đại biểu tham dự đã được nghe đại diện đơn vị đầu mối là Vụ Phương pháp chế độ và Quản lý chất lượng thống kê trình bày về tình hình, kế hoạch, phân công thực hiện để triển khai xây dựng Thông tư quy định Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững Việt Nam. Trong đó có sự cần thiết và căn cứ sửa đổi VSDGI, các công việc đã thực hiện, dự thảo Danh mục VSDGI sửa đổi và kế hoạch thực hiện tiếp theo.

Theo đó, để giám sát tiến độ đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững theo Quyết định số 841/QĐ-TTg ngày 14 tháng 7 năm 2023. Trong số 117 chỉ tiêu trong Lộ trình, chỉ có 56/117 chỉ tiêu tương ứng với các chỉ tiêu trong Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững Việt Nam. Còn lại, nhiều chỉ tiêu tương ứng nhưng đã được sửa đổi cho phù hợp với các văn bản hiện tại, và nhiều chỉ tiêu trong Lộ trình chưa được quy định trong Bộ chỉ tiêu VSDGI. Trong Lộ trình, Thủ tướng Chính phủ đã phân công Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan rà soát, bổ sung, cập nhật Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững Việt Nam. Do đó, Việc sửa đổi VSDGI là cần thiết nhằm bảo đảm phù hợp, phản ánh đầy đủ các chỉ tiêu theo Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam; thống nhất với Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia sửa đổi; phù hợp, bảo đảm so sánh quốc tế; bảo đảm tính sẵn có của số liệu chỉ tiêu để phục vụ theo dõi, giám sát các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.

Tại cuộc họp, đơn vị chủ trì đã xin ý kiến về các nội dung, như: Nguyên tắc xây dựng, các căn cứ sửa đổi chỉ tiêu VSDGI, kế hoạch và phân công triển khai thực hiện, dự thảo Báo cáo tổng kết và Dự thảo Bảng đề xuất sửa đổi VSDGI. Theo đó, đến thời điểm hiện tại, dự thảo danh mục chỉ tiêu VSDGI có tổng số 147 chỉ tiêu, trong đó đề xuất giữ nguyên 82 chỉ tiêu, sửa tên 42 chỉ tiêu, bỏ 15 chỉ tiêu và bổ sung 23 chỉ tiêu.

Toàn cảnh buổi họp
Dưới sự chủ trì của Phó Tổng cục trưởng Đỗ Thị Ngọc, các thành viên của Tổ Biên tập đã thảo luận nghiêm túc về các vấn đề được xin ý kiến. Trong đó, hầu hết các Bộ có đại diện tham dự đã có ý kiến mang tính xây dựng về các chỉ tiêu liên quan do Bộ chủ trì và phối hợp. Bên cạnh đó, với tiến độ công việc được thực hiện, thành viên Tổ biên tập thuộc Bộ kỳ vọng Thông tư sẽ sớm hoàn thành và trình Bộ trưởng phê duyệt vào tháng 11/2024 theo đúng tiến độ.

Kết thúc cuộc họp, Phó Tổng cục trưởng Đỗ Thị Ngọc cảm ơn sự nỗ lực, cố gắng, nhiệt tình của các thành viên Tổ biên tập xây dựng Thông tư quy định Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững Việt Nam. Để xây dựng Thông tư đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, Phó Tổng cục trưởng phân công thực hiện công việc đối với đơn vị đầu mối và các thành viên Tổ biên tập. Đồng thời đề nghị, Vụ Phương pháp chế độ và Quản lý chất lượng thông tin thống kê – đơn vị đầu mối tiếp tục rà soát, tách, chia các chỉ tiêu thuộc từng Bộ, ngành, đơn vị, chỉ rõ những nội dung cần xin ý kiến và gửi thành viên Tổ biên tập (trước ngày 31/5/2024). Thành viên Tổ biên tập chủ động phối hợp tham gia ý kiến đối với các nội dung phụ trách khi có yêu cầu từ cơ quan soạn thảo. Phấn đấu hoàn thành Thông tư theo đúng lộ trình đã đề ra để hoàn thành và trình lãnh đạo Bộ phê duyệt theo kế hoạch./.