‘Khám sức khỏe’ tổng thể nền kinh tế để thực hiện mục tiêu kép và vươn lên sau đại dịch
Từ 1/7, Tổng điều tra kinh tế giai đoạn II sẽ được thực hiện trên phạm vi toàn bộ các xã/ phường/ thị trấn rộng khắp cả nước nhằm thu thập thông tin của trên 5 triệu cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể và trên 45 nghìn cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng.
Đại dịch COVID-19 xảy ra trong năm 2020, tiếp diễn vào năm 2021 là những trở ngại không nhỏ cho quá trình phát triển kinh tế – xã hội trong cả nước, ảnh hưởng trực tiếp đến “sức khỏe” của từng doanh nghiệp và người dân.
Chính vì vậy, việc triển khai Tổng điều tra kinh tế năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm thu thập thông tin đầy đủ để thấy rõ bức tranh kinh tế toàn diện của cả nước, sự phát triển của từng khối đơn vị kinh tế thế nào, của từng địa phương, khu vực ra sao, bộ, ban, ngành, các địa phương xây dựng, đề ra các chính sách, giải pháp cụ thể, hữu hiệu nhằm thực hiện mục tiêu, chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2025 của cả nước, từng ngành và từng địa phương.
Dựa trên kết quả của Tổng điều tra có thể đánh giá sự phát triển về số lượng, quy mô và lao động của các cơ sở kinh tế; kết quả sản xuất kinh doanh; mức độ ứng dụng công nghệ thông tin; cơ cấu, sự phân bố của các cơ sở và của lao động theo địa phương, theo ngành kinh tế và theo hình thức sở hữu nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý của Đảng, nhà nước, các bộ, ngành và địa phương.
Theo Tổng cục Thống kê, Tổng điều tra kinh tế là cuộc điều tra được triển khai 5 năm 1 lần, có quy mô lớn và độ phức tạp nhất của ngành thống kê. Tổng điều tra kinh tế năm 2021 là cuộc Tổng điều tra kinh tế lần thứ 6 tại Việt Nam nhằm cung cấp thông tin toàn diện về tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã; đơn vị sự nghiệp; cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể và các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng trên cả nước. Cuộc Tổng điều tra kinh tế lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam vào năm 1995 và cuộc Tổng điều tra kinh tế lần gần đây nhất được thực hiện vào năm 2017.
Tổng điều tra kinh tế năm 2021 được thực hiện trong hai giai đoạn. Giai đoạn I (từ ngày 01/3 đến ngày 30/5/2021) thực hiện thu thập thông tin toàn bộ các doanh nghiệp, hợp tác xã; đơn vị sự nghiệp; hiệp hội. Đến thời điểm hiện nay, công tác thu thập thông tin giai đoạn I cơ bản được thực hiện theo đúng kế hoạch, dữ liệu được truyền đưa và lưu trữ trên máy chủ của Tổng cục Thống kê ngay sau khi kết thúc thu thập thông tin tại các đơn vị điều tra.
Giai đoạn II (từ ngày 01-30/7/2021), Tổng cục Thống kê thực hiện thu thập thông tin toàn bộ các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể và các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng. Nội dung thông tin cần thu thập bao gồm: Kết quả sản xuất kinh doanh phân tổ chi tiết theo các đơn vị hành chính và theo phân ngành kinh tế; số lượng, quy mô và lao động của các đơn vị điều tra; mức độ ứng dụng công nghệ thông tin;…
Tổng điều tra kinh tế Giai đoạn II sẽ được thực hiện trên phạm vi toàn bộ các xã/ phường/ thị trấn rộng khắp cả nước nhằm thu thập thông tin của trên 5 triệu cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể và trên 45 nghìn cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng. Dự kiến lực lượng tham gia Tổng điều tra kinh tế Giai đoạn II là khoảng 30 nghìn người, trong đó khoảng 25 nghìn điều tra viên thống kê có trình độ nghiệp vụ, kỹ năng điều tra và có thể sử dụng thành thạo các thiết bị di động thông minh sẽ được tuyển dụng để thực hiện nhiệm vụ thu thập thông tin tại địa bàn.
Tổng điều tra kinh tế giai đoạn II đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh các thể, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng có một số điểm mới, thay đổi so với Tổng điều tra kinh tế năm 2017.
Cụ thể, đối tượng của Tổng điều tra kinh tế năm 2021 bao gồm cả các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể không có địa điểm kinh doanh cố định (năm 2017 các cơ sở này chỉ được lập bảng kê mà không được điều tra thu thập thông tin). Do vậy, khối lượng các đơn vị điều tra trong Tổng điều tra kinh tế năm 2021 tăng hơn so với năm 2017 do cả hai yếu tố: Do thay đổi phương pháp và do tình hình phát triển sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, tổng điều tra lần này cũng tiến hành thu thập thông tin của các cơ sở theo hướng tiếp cận ngành sản phẩm thay vì ngành kinh tế, do vậy việc xác định ngành kinh tế và mã ngành kinh tế tương ứng đảm bảo chính xác hơn. Hơn nữa, do ứng dụng công nghệ thông tin nên điều tra viên có thể thực hiện việc xác định ngành sản phẩm dựa trên phần mềm tra cứu tự động từ thông tin mô tả sản phẩm, điều này giúp cho việc ghi mã được nhanh hơn và kịp thời phục vụ việc khai thác các thông tin chuyên sâu về từng chuyên ngành.
Tổng cục Thống kê cũng sẽ ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong các công đoạn của Tổng điều tra từ công việc rà soát, cập nhật bảng kê đến việc thu thập thông tin tại địa bàn và công tác kiểm tra, giám sát điều tra… giúp nâng cao chất lượng thông tin, rút ngắn thời gian điều tra và xử lý số liệu.
The Tổng cục Thống kê, Tổng điều tra kinh tế Giai đoạn II được thực hiện trên phạm vi lớn với nhiều thách thức trong việc thu thập thông tin chính xác, đầy đủ và kịp thời; đáp ứng yêu cầu bảo mật thông tin và đảm bảo hệ thống thông tin, đường truyền dữ liệu thông suốt từ địa phương đến Trung ương. Đặc biệt, trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, công tác thu thập thông tin Giai đoạn II gặp nhiều thách thức, khó khăn đòi hỏi Ban chỉ đạo Tổng điều tra Trung ương và các Ban Chỉ đạo Tổng điều tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ bảo đảm tiến độ Tổng điều tra, chất lượng thông tin, đồng thời phòng chống dịch an toàn, hiệu quả.
Cho đến thời điểm này, Ban Chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế Trung ương đang tiếp tục phối hợp với các Ban Chỉ đạo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương hoàn tất công tác chuẩn bị Tổng điều tra, đảm bảo thực hiện thu thập thông tin tại địa bàn theo đúng tiến độ; đồng thời khắc phục khó khăn để thích ứng với diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 đảm bảo phòng dịch an toàn. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng của Ban Chỉ đạo Tổng điều tra các cấp từ Trung ương đến địa phương, Tổng cục Thống kê tin tưởng cuộc Tổng điều tra kinh tế Giai đoạn II sẽ thành công tốt đẹp./.
Nguồn: baochinhphu.vn