Làm nghề nào ăn nghề đấy
Ông ta là Sếp của ngành Thống kê, có cô con gái đến tuổi “cập kê”. Thời gian qua, đã có vài chàng trai qua lại và muốn hỏi cô con gái ông ta làm vợ. Bà vợ ông lúng túng, chưa biết định hướng cho con gái chọn chàng trai nào? Bà hỏi ông chồng làm như thế nào? Sẵn giọng ông phán: Bà cho mở “cuộc điều tra phỏng vấn” từng chàng trai ấy! những câu hỏi phỏng vấn là những nội dung (tiêu thức) mà Bà muốn con rể phải có!
Từ trước tới nay, mặc dù sống với ông 30 năm rồi nhưng Bà vợ không chịu quan tâm đến nghề Thống kê của chồng nên rất lúng túng, không biết tiếp sau đó là làm gì?
Bà cáu, quát ông: Sau đó làm gì nữa?
Ông được thể phán tiếp: “Nếu chọn tiêu thức là tuổi, Bà lấy tuổi con gái mình là giá trị ước lượng, thì tuổi chàng rể có sai số ± 2 tuổi;
Về thu nhập, Bà tính bình quân thu nhập của các chàng trai chọn con rể có thu nhập cao hơn thu nhập bình quân hoặc hộ gia đình nhà anh ta hoặc có thuộc nhóm hộ 1, 2 không? Để thấy được sự khác nhau giữa các chàng trai, Bà phải tính độ biến thiên. Thêm nữa, chọn chàng trai có tiền tiết kiệm (để giành = thu nhập – chi tiêu), nằm trong nhóm hộ gia đình có thu nhập khá, giàu. Con gái mình phải thực hiện một vài kiểm định về tình cảm, năng lực… của các chàng trai đó với mình.
Bà vợ và cô gái cùng nhau triển khai đúng quy trình 7 bước sản xuất thông tin thống kê trong việc này. Kết quả cuối cùng đã chọn được một chàng rể đúng theo kết luận từ thống kê.
Một thời gian sau, đoàn nhà trai sang xin hỏi cưới. Để tiện lợi cho nhà trai trong công việc sửa lễ ăn hỏi, vốn là kỹ sư xây dựng… bà ứng dụng ngay nghề nghiệp của mình và tuyên bố: Để cho nó thuận lợi cho cả hai gia đình, lễ ăn hỏi “khoán gọn” 5 mâm.
Sau 5 năm ngày cưới, vợ chồng cô con gái rất hạnh phúc. Ông, bà hoan hỉ, tổng kết: Đúng là “làm nghề nào, ăn nghề đấy”!
Vũ Liêm