Một vài suy nghĩ về Thống kê và ngôn ngữ Thống kê
Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy biến động. Kinh tế thị trường cùng cơ chế vận hành của nó thúc đẩy sự ra đời của một số ngành khoa học mới cùng với ngôn ngữ của nó.
Những ngôn ngữ phổ thông đã được giải quyết trong các môn học cơ bản như: ngôn ngữ học, ngôn ngữ máy tính, ngôn ngữ thi ca, ngôn ngữ âm nhạc… Còn ngôn ngữ của những con số thì sao?
Thống kê là một đặc thù ký tự, ngôn ngữ thống kê diễn tả đa chiều các hiện tượng. Thực chất con số không biết nói. Và xét về mặt âm thanh cũng như ký tự, con số càng không biết nói và không thể nói được. Chẳng qua là con người nói hộ con số về bản chất hiện tượng kinh tế- xã hội mà con số là tượng trưng được xếp đặt theo những phương cách phục vụ cho đối tượng nghiên cứu.
Trong Kinh Dịch các phép bói cỏ thi là sự kết hợp tuyệt vời giữa xác suất thống kê với kinh nghiệm được luận bàn hàng nhiều thế kỷ. Nó là sự thông thái của trí huệ kết hợp với các phương pháp ẩn dụ. Các định nghĩa mở ngõ hầu vừa mặc định, vừa phù hợp với văn cảnh “như là” mà con người mong ước. Kinh nghiệm thực chứng và mô tả bên ngoài luôn bổ sung cho nhau. Thực chất là bản chất và hiện tượng mà thống kê gọi đó là chất và lượng. Ví dụ nhìn bề ngoài, về mặt mô tả lượng, quả táo tây màu đỏ sắp cho ta thu hoạch. Về quan sát chất thì hòn đá to nhỏ theo khối lượng không quan trọng, thực chất nó đều có tính lửa khi va chạm mạnh. Dù chúng ta ngâm nước hàng ngàn năm, tính lửa vẫn còn. Quan sát và nghiên cứu thống kê cũng vậy, không thể thiên lệch, không thể thêm bớt, phải nhìn sâu như chính hiện tượng thì mới thấy tính bản chất, tính quy luật của đá, của nước. Đá có tính lửa, nước có tính ướt và chảy chỗ trũng…
Trở lại trao đổi về ngôn ngữ thống kê là gì? Đây là vấn đề hoàn toàn mới mẻ cả về cách tiếp cận cũng như khái niệm. Ngôn ngữ thống kê là có thật không? bị che khuất không, hay là sự câm lặng “mặc định”, “ngầm hiểu” giữa hiện tượng kinh tế- xã hội và người sử dụng thông tin thống kê. Thực chất, ở một khía cạnh nào đó, nó là các biển báo, các biển chỉ dẫn, là cầu nối về logic để hiểu rõ hiện tượng có quy mô như thế nào, phát triển theo xu hướng gì?
Vì vậy người sản xuất thông tin thống kê dựa vào kinh nghiệm, nhu cầu của người dùng tin, bằng phương pháp của mình giúp người dùng tin hiểu đúng sự vật hiện tượng như người sản xuất, chưa kể giúp họ có cách nhìn động hơn, phát hiện xu hướng vận động và phát triển theo phương cách của họ. Giúp họ tự tìm ra các quy luật vận động theo phương pháp thống kê từ đơn giản đến phức tạp,
Thống kê là đa dạng các quan hệ kinh tế- xã hội cần nghiên cứu, nhưng ngôn ngữ thống kê là rời rạc. Toán học và xác suất thống kê là hồn cốt của các suy luận không liên tục. Một hiện tượng, một con số không nói được điều gì nên phải xâu chuỗi, hoặc “nghe nhạc điệu” để “đoán chương trình”. Dự đoán là quan trọng trong thống kê. Dự đoán để ứng dụng vào thực tế, biến các hiểu biết về thống kê vào hoạch định chính sách cũng như xây dựng kế hoạch ngắn và dài hạn.
Trên thực tế, dù tượng thanh, tượng hình hay mô phỏng, ngôn ngữ máy tính đã thâm nhập khá lớn vào quá trình thống kê…Định tính đã đi vào thống kê như một sự thách đố nhưng là thực tế.Thế giới đã và đang nghiên cứu nhiều về các chỉ tiêu tổng hợp định tính. Và chúng ta cũng phải chấp nhận nó như quan điểm của Job Steve, nghiên cứu cái có từ cái không trong phần mềm của mình. Đồng thời chúng ta cũng không nên và cũng không thể coi con số là tất cả, vì trên thực tế xây dựng thể chế, đường lối còn phải trông cậy vào các nhà chính trị, ngoại giao, quân sự, tâm linh… Trên thực tế đôi khi chúng ta quan niệm nghiên cứu con số là tĩnh “chết cứng” trong sự biến động của xã hội, chưa kể phải dự đoán những điều sắp xảy ra là vô cùng khó khăn. Do vậy cần nghiên cứu nó cả về mặt quy mô lẫn phương pháp. Phương pháp là chìa khóa giải mã cho ngôn ngữ thống kê mà máy tính là công cụ hữu hiệu cho phương pháp. Vai trò con người là tối quan trọng. Con người trung thực, hiểu biết, diễn tả đúng bản chất, hiện tượng nghiên cứu làm cho con số thống kê và ngôn ngữ thống kê sống động, có sức hấp dẫn và tính hiệu quả.
Tuy nhiên, mặt trái của của công cụ tin học, kỹ thuật số làm đảo lộn tư duy cũ. Các phương pháp thống kê được công cụ máy tính trợ giúp khiến cho việc nghiên cứu về lượng đơn giản dễ dàng hơn, song tính thẩm mỹ của các báo cáo ngày càng khô cứng, ít định tính khiến cho tiếng nói của các con số rời rạc, ít tính thuyết phục.
Bước đầu tiếp cận thống kê không phải là nguyên lý thống kê, không phải là xác suất thống kê, và cũng không phải chỉ là phương pháp thuần túy. Cái chính ở đây là tìm ra bản chất hồn cốt của các con số tự nó nói lên điều gì. Nghiên cứu thống kê là nghiên cứu đa diện, số lớn, tìm xu hướng trong mối quan hệ định tính và định lượng của một kết cấu logic chỉnh thể. Tương quan chất – lượng đặt đúng con số vào vị trí của nó mà mọi người đều thống nhất, không thể bàn cãi.
Cần phải nói rằng, nghiên cứu ngôn ngữ thống kê không chỉ là đi sâu, làm rõ thêm những điều còn thắc mắc của người làm công tác thống kê mà thống kê luôn gắn liền với kinh nghiệm và tâm trạng. Đôi khi văn cảnh, sự xúc động làm cho bút pháp phát triển theo chiều hướng chệch với suy nghĩ ban đầu. Đó là ngữ cảnh, văn cảnh , thần bút do tác động của môi trường chính trị- xã hội, cảm xúc của người phân tích…Quả thật, ngôn ngữ thống kê khi được thể hiện bằng một bản văn hoàn chỉnh là vô cùng khó khăn nhưng nó lại hoàn toàn phụ thuộc vào trách nhiệm của người thể hiện.
Nhiệm vụ của thống kê là nghiên cứu các hiện tượng kinh tế – xã hội số lớn. Nhưng trong môi trường kinh tế trí thức, trật tự sản xuất công xưởng của Trung Quốc đang là thách thức trong việc nghiên cứu các quy luật kinh tế số lượng trong điều kiện mới. Các quy luật kinh tế có những thay đổi. Vậy tiếp tục nghiên cứu quy mô hay là sự kết hợp nghiên cứu quy mô với nghiên cứu đơn lẻ. Cần tập trung nghiên cứu các chỉ tiêu chất lượng tăng trưởng bền vững, môi trường, năng suất lao động… Vì vậy phải thay đổi phương pháp nghiên cứu. Cách “quăng chài thả lưới” theo truyền thống điều tra chọn mẫu để suy rộng, làm sạch, tuy cũ nhưng rất quan trọng. Điều tra thống kê vẫn là trụ cột số một, so sánh thống kê là trụ cột số hai. Có so sánh mới tìm ra sự phát triển, công bằng , minh bạch theo các chuẩn mực quốc tế. Các tài liệu, hồ sơ hành chính, các báo cáo tổng hợp từ hệ thống chỉ tiêu các cấp là trụ cột thứ ba. Trụ cột thứ tư của thống kê là dự báo thống kê cho toàn nền kinh tế. Và nhiệm vụ cuối cùng là tổng hợp báo cáo thường niên với chính phủ, quốc hội; Niên giám thống kê toàn quốc phục vụ các cơ quan đảng, chính quyền các cấp, các doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu kinh tế trong và ngoài nước.
Một vài suy nghĩ ban đầu về thống kê và ngôn ngữ thống kê còn sơ lược, có thể còn nông cạn, không có những tài liệu nghiên cứu viện dẫn, song tính hấp dẫn của ngôn ngữ không lời này đã khuyến khích người viết say mê. Vì yêu nghề thống kê và những con số nên: Ngôn ngữ thống kê là tiếng nói quyết xác của thống kê, thể hiện cả trình độ nghề nghiệp, đạo đức của người làm công tác thống kê.
Quả thực, nếu đây là đề tài cần quan tâm, thì chúng ta cùng trao đổi, bàn luận để người làm thống kê hiểu sâu hơn về thống kê và càng thêm yêu những con số với ngôn ngữ riêng của nó.
TS. Trần Hữu Thực