Nghiệm thu sơ bộ đề tài “Nghiên cứu xây dựng nội dung báo cáo thống kê về chất lượng tăng trưởng Việt Nam và áp dụng cho giai đoạn 2006 – 2010”

Thực hiện Quyết định số 23/QĐ-VTKE ngày 12 tháng 6 năm 2013 của Viện trưởng Viện Khoa học Thống kê, ngày 03 tháng 7 năm 2013, Ban chủ nhiệm đề tài đã tiến hành tổ chức nghiệm thu sơ bộ đề tài khoa học cấp Bộ: “Nghiên cứu xây dựng nội dung báo cáo thống kê về chất lượng tăng trưởng Việt Nam và áp dụng cho giai đoạn 2006 – 2010” do CN. Nguyễn Thị Việt Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ, làm chủ nhiệm đề tài.

Tham gia Hội đồng nghiệm thu có: PGS.TS. Tăng Văn Khiên (Hội Thống kê Việt Nam) – Chủ tịch hội đồng, cùng phản biện, ủy viên và Thư ký hội đồng; với sự tham gia của đại diện Lãnh đạo, cán bộ Viện Khoa học Thống kê và thành viên ban chủ nhiệm đề tài.

Kết quả nghiên cứu của đề tài đáp ứng được mục tiêu, nội dung nghiên cứu đã đề ra trình bày ở 2 tài liệu nghiên cứu:

Tài liệu thứ nhất: là Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu đề tài khoa học. Ngoài phần tổng quan, đặt vấn đề, kết luận và kiến nghị, Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu gồm 3 chương:

(1) Cơ sở lý luận và thực tiễn đề xuất nội dung của chất lượng tăng trưởng; (2) Xác định chỉ tiêu, nguồn số liệu phản ánh chất lượng tăng trưởng; (3) Đề xuất khung báo cáo thống kê phân tích chất lượng tăng trưởng.

Tài liệu thứ hai: Báo cáo thống kê về Chất lượng tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2006-2010. Báo cáo này được xây dựng theo đúng Khung báo cáo thống kê phân tích chất lượng tăng trưởng được trình bày trong tài liệu thứ nhất.

Hầu hết các thành viên trong hội đồng nghiệm thu sơ bộ đều cho rằng đây là một đề tài rất khó và rộng, đồng thời rất cần thiết, có ý nghĩa cả về mặt lý luận và thực tiễn, có tính ứng dụng cao.

Kết quả nghiên cứu được Hội đồng nghiệm thu sơ bộ đánh giá cao và đồng ý đưa vào nghiệm thu chính thức. Hội đồng cũng chỉ ra một số vấn đề cần bổ sung và hoàn thiện đó là bỏ bớt một số chỉ tiêu không liên quan trực tiếp đến chất lượng tăng trưởng (CLTT); Một số chỉ tiêu cần giải thích rõ nội dung, phương pháp tính; Đưa ra kết luận chung CLTT đến đâu; Đề xuất đơn vị chủ trì tổng hợp và tính toán các chỉ tiêu phản ánh CLTT; Sử dụng một số chỉ tiêu giá để loại trừ biến động giá; Nên sắp xếp các chỉ tiêu theo nhóm vấn đề; Trong các chỉ tiêu cần phân loại: đã có sẵn, chưa có nhưng có thể tính toán được, trong tương lại gần chưa có được (mức độ đảm bảo thông tin); Rà soát bỏ bớt nội dung trùng nhau; Xem lại tên một số chỉ tiêu; Làm rõ đặc trưng của các mô hình tăng trưởng…

Thu Huyền