Người sử dụng lao động đang tìm kiếm những kỹ năng nghề nghiệp gì?

Lực lượng lao động Việt Nam đã sẵn sàng cho tương lai hay chưa, chuyển “từ lúa gạo đến rôbốt” chưa. Việc phát triển một lực lượng  lao động có tay nghề cao đáp ứng cho một nền kinh tế công nghiệp hóa vào năm 2020 đã được khẳng định là một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam, khi mà đất nước đã gia nhập nhóm các nước có thu nhập trung bình trên thế giới.

Vậy, các tiêu chí cho một lực lượng có tay nghề cao là gì. Nói cách khác, lực lượng lao động Việt Nam cần chuẩn bị những kỹ năng nghề nghiệp nào cho hiện tại và cho thập kỷ sắp tới? Để tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi này các nhà nghiên cứu đã bắt đầu bằng việc lắng nghe xem những người sử dụng lao động nói gì. Ngân hàng Thế giới cùng với Viện Nghiên cứu Quản lý Trung ương (CIEM), một trong đơn vị nghiên cứu hàng đầu tại Việt Nam, gần đây đã tiến hành một cuộc khảo sát với sự tham gia của 350 công ty thuộc lĩnh vực sản xuất và dịch vụ tại Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Khảo sát tập trung tìm hiểu ý kiến của người sử dụng lao động về các kỹ năng nghề nghiệp hiện nay lực lượng lao động của họ đang có và những kỹ năng mà họ đang tìm kiếm.

Tư duy phản biện, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm.

Các kết quả tìm thấy có thể không như những gì bạn nghĩ. Thứ nhất, những người sử dụng lao động nói rằng họ không cảm thấy hài lòng với chất lượng về giáo dục và tay nghề của lực lượng lao động hiện có, đặc biệt là của các kỹ sư và các kỹ thuật viên. Điều này đặc biệt thể hiện rõ ở các doanh nghiệp sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế Việt Nam sang một nền kinh tế công nghiệp hóa tiên tiến: đó là các công ty sáng tạo và xuất khẩu.

Thứ hai, những người sử dụng lao động cho biết họ không chỉ tìm kiếm các kỹ năng kỹ thuật, chẳng hạn như khả năng thực hành của một thợ điện. Người sử dụng lao động cũng tìm các kỹ năng mà giới chuyên môn gọi là “nhận thức” và “xã hội”, hoặc “hành vi”. Ví dụ, bên cạnh các kỹ năng kỹ thuật cụ thể cho công việc, tư duy phê phán là kỹ năng cần có nhất đối với giới công chức, văn phòng và quản lý, tiếp theo đó là các kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng lãnh đạo và kỹ năng giao tiếp. Các kỹ năng làm việc theo nhóm và giải quyết vấn đề là các kỹ năng quan trọng đối với giới công nhân. Những kết quả khảo sát này phù hợp với ý kiến của rất nhiều độc giả rằng cần thiết phải thúc đẩy tư duy phản biện.

Việt Nam cần áp dụng chiến lược nào cho phát triển kỹ năng nghề nghiệp  để chuyển đổi từ nền kinh tế nông nghiệp sang công nghiệp hóa? Câu hỏi này thừa nhận một thực tế là ở Việt Nam hiện nay vẫn có một phần lớn lực lượng lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Ngoài ra, nguồn lao động dồi dào và tương đối rẻ của Việt Nam vẫn còn là một lợi thế so sánh trong sản xuất.Vậy đây chính là thời điểm phù hợp để tập trung vào các kỹ năng nghề nghiệp cho một nền kinh tế công nghiệp hóa? Đúng vậy. Nền kinh tế của Việt Nam, của các nước láng giềng và của các đối thủ cạnh tranh đang thay đổi nhanh chóng. Đã có các ý kiến cho rằng Trung Quốc đang mất dần vị thế là quốc gia chuyên sản xuất các sản phẩm chi phí thấp cho toàn cầu. Mức lương tăng ở các quốc gia Đông Nam Á là một dấu hiệu cho thấy các việc làm chi phí thấp, tay nghề thấp sẽ mất đi nhanh chóng hơn so với việc xây dựng một lực lượng lao động được giáo dục và đào tạo phù hợp cho các việc làm kỹ thuật cao. Như độc giả Phasina trên blog của chúng tôi chia sẻ, nếu Việt Nam muốn đi trước đón đầu thì đây là thời điểm phù hợp để bắt đầu hành động.

Nên bắt đầu từ đâu?

Cần bắt đầu từ đâu để cải thiện kỹ năng nghề nghiệp của lực lượng lao động? Giáo dục và cải cách giáo dục có lẽ chính là nơi bắt đầu. Cải cách giáo dục cần tập trung vào các mục tiêu nào? Cải cách giáo dục thường khó đạt được thành công nếu nó đến từ chỉ thị của các quan chức chính phủ. Kinh nghiệm từ khắp nơi trên thế giới cho thấy rằng các cải cách giáo dục cơ bản cần thiết để chuẩn bị lực lượng lao động Việt Nam cho tương lai đòi hỏi một cuộc thảo luận mở trong xã hội, có sự tham gia của các doanh nghiệp, các trường phổ thông và các trường đại học, cha mẹ và học sinh, các cơ quan có thẩm quyền các cấp. Thảo luận này cần được bắt đầu với diễn đàn dành cho những người sử dụng lao động  để truyền đạt về những gì họ đang tìm kiếm và để đảm bảo tất cả mọi người đều nhận được thông điệp này: Tư duy phản biện, kỹ năng giao tiếp và làm việc theo nhóm là các kỹ năng cần thiết cho tương lai.

VA sưu tầm từ:

nguồn: http://blogs.worldbank.org/eastasiapacific/vi/nguoi-su-dung-lao-dong-dang-tim-kiem-nhung-ky-nang-nghe-nghiep-gi?cid=EAP_VietnameNLVI_P_EXT