Nhiều doanh nghiệp trong nước đang gặp khó khăn trong sản xuất cũng như lưu thông khiến cho giá cả hàng hóa tăng cao, sẽ tạo áp lực lên lạm phát nền kinh tế trong năm 2021 như thế nào
Câu hỏi: (PV Thúy Hiền (Thực hiện) BNEWS/TTXVN) Hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong nước đang gặp khó khăn trong sản xuất cũng như lưu thông khiến cho giá cả hàng hóa tăng cao, ông cho biết điều này sẽ tạo áp lực lên lạm phát nền kinh tế trong năm 2021 như thế nào? (Nguồn: https://bnews.vn/dut-gay-chuoi-san-xuat-va-cung-ung-se-gay-nen-suc-ep-lam-phat-cao-trong-nam-2022/209574.html)
Trả lời:
Nguyễn Bích Lâm, Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê
Để phòng tránh dịch COVID-19 lây lan ra cộng đồng, ưu tiên bảo vệ sức khoẻ và tính mạng của người dân, nhiều địa phương là trung tâm kinh tế, văn hoá của vùng và cả nước đã thực hiện giãn cách xã hội. Điều này, ảnh hưởng tới cuộc sống mưu sinh của người lao động, đặc biệt lao động ngoại tỉnh.
Nhiều lao động ngoại tỉnh đã và sẽ phải hồi hương, gây nên tình trạng thiếu hụt lao động đối với khu vực doanh nghiệp. Để có lao động làm việc, doanh nghiệp sẽ phải trả lương cao hơn, tăng chi phí đào tạo và tuyển dụng lao động, kết quả làm tăng giá thành sản phẩm, giảm sức cạnh tranh.
Trong 7 tháng năm 2021, có gần 79,7 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, gần 40,3 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn. Riêng Cần Thơ có đến 95% số doanh nghiệp ngừng hoạt động.
Mặc dù, có một bộ phận doanh nghiệp đã áp dụng phương thức “3 tại chỗ” nhưng hoạt động sản xuất không kéo dài được lâu. Nguyên nhân là chi phí sản xuất của doanh nghiệp bị đội lên tương đương với chi phí tiền lương hàng tháng của người lao động. Một doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, doanh nghiệp áp dụng phương thức “3 tại chỗ” đã đội chi phí bình quân tăng thêm 9,4 triệu đồng cho một lao động của doanh nghiệp.
Nếu dịch không được kiểm soát, giãn cách xã hội kéo dài, nguồn cung của nền kinh tế bị thiếu hụt sẽ đẩy giá cả tăng cao. Đây cũng là yếu tố gây áp lực lên lạm phát của nền kinh tế trong năm 2022 và các năm tiếp theo. Năm 2021 không chịu áp lực lạm phát vượt mục tiêu 4% vì nhu cầu tiêu dùng giảm sút do giãn cách xã hội, Chính phủ thực hiện các gói hỗ trợ và giảm giá một số loại hàng hoá và dịch vụ thiết yếu như điện, cước viễn thông… đồng thời, lạm phát bình quân 8 tháng năm 2021 ở mức thấp.