Sau khi chấm dứt giãn cách xã hội, sản xuất, kinh doanh tháng 5 và tháng 6 dần phục hồi. Các tháng còn lại của năm 2020, hoạt động của kinh tế liệu đã trở lại bình thường

Câu hỏi: (PV Mạnh Bôn/Báo đầu tưu) Sau khi chấm dứt giãn cách xã hội, sản xuất, kinh doanh tháng 5 và tháng 6 dần phục hồi. Theo ông, với đà này, các tháng còn lại của năm 2020, hoạt động của kinh tế liệu đã trở lại bình thường? (Nguồn: https://baodautu.vn/gdp-nam-2020-co-the-tang-khoang-41-d125293.html/)

Trả lời:

ThS. Dương Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia, Tổng cục Thống kê

Dù kinh tế Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng dự báo tình hình sản xuất, kinh doanh trong 6 tháng cuối năm có một số điểm sáng.

Cụ thể, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo do Tổng cục Thống kê thực hiện cho thấy, có 80,6% số doanh nghiệp nhận định sản xuất, kinh doanh quý III/2020 tốt lên và giữ ổn định. Trong khi đó, theo kết quả điều tra lần trước, chỉ có 59,2% doanh nghiệp có thái độ lạc quan đó. Điều này cho thấy dấu hiệu chuyển biến tích cực khi doanh nghiệp đã có niềm tin hơn trong 3 tháng tới.

Trong lĩnh vực xây dựng, một số công trình trọng điểm đang đẩy nhanh tiến độ thi công và dự kiến hoàn thành trong năm 2020 như Xây lắp hầm lò Công ty than Quang Hanh; Bệnh viện Sản nhi Ninh Bình; Trung tâm thương mại Aeon Mall Hải Phòng; Đường nối cao tốc Cầu Giẽ, Ninh Bình; Nhà máy Xi măng Lam Sơn dây chuyền 3; Công trình điện mặt trời Ea Súp…

Trong lĩnh vực chăn nuôi, để tái đàn lợn sau khi đã khống chế được dịch tả lợn châu Phi và kiềm chế lạm phát, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong việc phát triển ngành chăn nuôi lợn – ngành chiếm tỷ trọng rất lớn trong khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.

Ngoại trừ vận tải hành khách bằng hàng không và du lịch (do chưa mở cửa thị trường với khách quốc tế), thì với việc kiểm soát tốt Covid-19 và duy trì tốc độ tăng trưởng của một số ngành dịch vụ trong 6 tháng đầu năm, một số ngành kinh tế được dự báo có thể khôi phục năng lực sản xuất về trạng thái bình thường và có tốc tộ tăng trưởng tốt như nông, lâm nghiệp và thủy sản; xây dựng; công nghiệp chế biến, chế tạo; y tế; thông tin, truyền thông; tài chínhngân hàng, bảo hiểm…

Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh chưa thể kiểm soát trên phạm vi toàn cầu, thương mại quốc tế vẫn tắc nghẽn, thì khó khăn về dòng tiền là thách thức đối với doanh nghiệp, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế nói chung.