Số người nhiễm nCoV ở Mỹ cao hơn thống kê

Dữ liệu xét nghiệm kháng thể ở 10 thành phố và bang của nước Mỹ, cho thấy có nơi số ca Covid-19 cao hơn 13 lần thống kê chính thức.

Nghiên cứu được Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, công bố ngày 21/7 trên Tạp chí Y khoa JAMA. Khảo sát cho thấy lượng lớn người bệnh không triệu chứng hoặc không tìm kiếm hỗ trợ y tế khiến virus ngấm ngầm lây lan.

Phân tích của các chuyên gia dựa trên xét nghiệm kháng thể, quy mô rộng nhất cho đến nay. Các nhà khoa học đã thu thập mẫu máu từ những người đã tiến hành xét nghiệm lâm sàng hoặc kiểm tra sức khỏe thông thường, tìm hiểu xem họ có từng nhiễm nCoV hay không.

Nghiên cứu nhỏ hơn, trên từng thành phố cụ thể, đã được công bố vào tháng trước.

“Dữ liệu tiếp tục cho thấy số người mắc Covid-19 vượt xa các trường hợp được báo cáo. Nhiều bệnh nhân có thể không biểu hiện, hoặc triệu chứng nhẹ. Họ không biết rằng mình đã nhiễm virus”, Tiến sĩ Fiona Havers, chuyên gia từ CDC, người đứng đầu công trình, cho biết.

Trên thực tế, tại Mỹ, khoảng 40% người bệnh không phát triển các triệu chứng đặc trưng, song vẫn có thể truyền nCoV. Nước này xét nghiệm trung bình 700.000 người mỗi ngày.

Kết quả phân tích mới nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác sàng lọc, phát hiện mức độ lây lan và ngăn chặn nó ở nhiều nơi trên cả nước

Ảnh:Người dân Manhattan đã trở lại cuộc sống bình thường, đeo khẩu trang khi ra ngoài, trung tuần tháng 7 (NY Times)

Ví dụ, tại Missouri, tỷ lệ nhiễm bệnh cao gấp 13 lần con số được báo cáo. Điều đó cho thấy khu vực này đã bỏ sót hầu hết người mang virus, có thể là mắt xích gây ra đợt bùng phát kéo dài.

Tại một số vùng, cách biệt giữa tỷ lệ nhiễm thực tế và được báo cáo giảm khi năng lực xét nghiệm được cải thiện. Chẳng hạn, ở thành phố New York, hồi tháng 4, lượng ca mắc cao gấp 12 lần các trường hợp dương tính được giới chức y tế báo cáo. Con số này giảm còn 10 lần vào đầu tháng 5.

“Đây không phải một cú sốc đối với các nhà dịch tễ học. Ngay từ đầu, chúng tôi đã dự đoán rằng báo cáo chính thức sẽ chỉ bao phủ khoảng 10% số bệnh nhân thực tế”, Carl Bergstrom, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Đại học Washington ở Seattle, cho biết.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng ngay cả ở các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, như New York, cư dân vẫn không đạt đến mức độ miễn dịch cộng đồng. Tiến sĩ Havers nhấn mạnh ngay cả những người có sức khỏe hoàn toàn bình thường cũng nên đeo khẩu trang vải, thực hiện giãn cách xã hội và rửa tay thường xuyên.

Theo dõi các số liệu theo thời gian có thể cung cấp thông tin hữu ích về sự lây lan của virus cũng như khả năng ứng phó đại dịch của từng khu vực. Tuy nhiên, nghiên cứu của CDC vẫn có những điểm hạn chế.

Tiến sĩ Rochelle Walensky, chuyên gia từ Đại học Harvard, nhận định những người mạo hiểm ra ngoài để kiểm tra y tế giữa tình trạng phong tỏa có thể không đại diện cho phần đông dân số. Bên cạnh đó, phân tích chỉ được thực hiện trên 10 thành phố và bang, trong khi mỗi khu vực có cách ứng phó với dịch bệnh khác nhau, số lượng xét nghiệm không đồng nhất.

Các nhà khoa học cũng không thu thập dữ liệu về chủng tộc, dân tộc, tiền sử chẩn đoán, mức độ triệu chứng và hành vi phòng ngừa cá nhân của người bệnh.

Lệ Hằng (sưu tầm)

Nguồn: https://vnexpress.net/so-nguoi-nhiem-ncov-o-my-cao-hon-thong-ke-4134216.html