Sử dụng dữ liệu điện thoại di động để ước lượng phơi nhiễm ô nhiễm không khí

Hiện nay, ô nhiễm không khí đang là một trong những thách thức lớn nhất mà các thành phố phải đối mặt. Việc cải thiện chất lượng không khí là một nhu cầu cấp thiết nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực đến sức khỏe. Để đánh giá hiệu quả của các chính sách phù hợp nhằm giảm thiểu tác động của ô nhiễm đô thị, cần phải tiến hành đánh giá phơi nhiễm ô nhiễm không khí với dân số một cách nghiêm ngặt.

Một nhóm các nhà nghiên cứu từ Đại học Bách khoa Madrid (UPM) phối hợp với các trung tâm nghiên cứu khác đã tiến hành phán đoán và phân tích chất lượng không khí ở các thành phố dựa trên biến động dân số từ dữ liệu điện thoại di động. Việc sử dụng rộng rãi loại thiết bị này cho phép các nhà nghiên cứu thu thập một lượng lớn dữ liệu định vị và mức độ phơi nhiễm thực sự với ô nhiễm không khí trong suốt cả ngày. Các nhà nghiên cứu đã đánh giá tính di động của người dân thành thị và ước lượng thời gian thực của họ tiếp xúc với ô nhiễm không khí.

Theo cách truyền thống, các nghiên cứu sử dụng dữ liệu điều tra dân số để nghiên cứu về mức độ tiếp xúc của dân số với ô nhiễm không khí. Do đó, các nghiên cứu này cho rằng ảnh hưởng của ô nhiễm không khí phụ thuộc vào chất lượng không khí của thành phố – địa điểm nhà ở của mỗi người.

Một nghiên cứu của các thành viên nhóm nghiên cứu Công nghệ Môi trường và Tài nguyên Công nghiệp đã phát triển một phương pháp nhằm ước lượng mức độ phơi nhiễm thực tế dựa trên biến động dân số từ dữ liệu điện thoại di động (bản ghi chi tiết cuộc gọi – CDR). CDR cung cấp thông tin vị trí người dân và cho phép các nhà nghiên cứu xây dựng mô hình di động của hàng triệu người dân và cuối cùng là ước lượng phân bố địa lý của cá nhân bất cứ thời điểm nào.

Nhóm nghiên cứu ước lượng mức độ phơi nhiễm thực sự của người dân với ô nhiễm không khí bằng cách sử dụng dữ liệu điện thoại di động và dữ liệu nồng độ chất ô nhiễm được báo cáo bởi các mô hình chất lượng không khí có độ phân giải cao. Phương pháp này đã được thử nghiệm tại thành phố Madrid (Tây Ban Nha) để đánh giá mức độ phơi nhiễm của dân số với khí Nitơ dioxide (NO2) và kết quả được so sánh với kết quả thu được thông qua các phương pháp truyền thống dựa trên điều tra dân số.

Rafael Borge, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết: “Với quy mô toàn thành phố, hai phương pháp đều có kết quả phơi nhiễm tương tự nhau. Tuy nhiên, ở cấp độ nhỏ hơn, như ở cấp huyện hoặc khu phố thì lại có sự khác biệt đáng kể”. Điều này rất quan trọng khi đánh giá tác động của các chính sách cải thiện chất lượng không khí có thể ảnh hưởng đến các thành phố như hạn chế giao thông đường bộ ở trung tâm thành phố.

Nghiên cứu này là bước đi đầu tiên trong việc sử dụng dữ liệu di động để đánh giá mức độ ô nhiễm không khí phơi nhiễm với dân số. Các kết quả nghiên cứu tiếp theo trong tương lai sẽ giúp cải thiện tiện ích khi kết hợp với công nghệ.

“Chúng ta sẽ có thể hiểu rõ hơn về sự đóng góp của phơi nhiễm trên từng loại môi trường bằng cách phân loại sự hiện diện của dân số qua các hoạt động (nhà ở, nơi làm việc,…) và du lịch. Điều này giúp đánh giá tốt hơn về tác động không khí mà chúng ta hít thở. “Phương pháp này cũng có thể hữu ích trong đánh giá tác động đối với sức khỏe và ứng dụng trong các nghiên cứu dịch tễ học”.

Phạm Hạnh (dịch)

Nguồn: https://phys.org/news/2019-07-mobile-air-pollution-exposure.html