Tổng cục Thống kê làm việc với UBND tỉnh Bắc Ninh về tăng trưởng và phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn Tỉnh
Chiều ngày 9/5/2024, tại Hà Nội, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (TCTK) Lê Trung Hiếu đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Bắc Ninh nhằm trao đổi các nội dung liên quan đến tình hình tăng trưởng và phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn Tỉnh. Tham dự buổi làm việc, UBND tỉnh Bắc Ninh có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Tân Phượng và các thành viên đoàn công tác.
Phó Tổng cục trưởng TCTK Lê Trung Hiếu phát biểu tại buổi làm việc
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Tổng cục trưởng TCTK Lê Trung Hiếu thay mặt lãnh đạo Tổng cục cảm ơn sự quan tâm của Đảng ủy, Hội đồng Nhân dân và UBND tỉnh Bắc Ninh thời gian qua đã có hỗ trợ tích cực cho TCTK để tăng cường công tác thống kê trên địa bàn, đặc biệt là công tác biên soạn số liệu GRDP theo từng quý.
Hiện, cơ cấu kinh tế tỉnh Bắc Ninh phụ thuộc tăng trưởng rất lớn vào ngành công nghiệp, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Qua các giai đoạn phát triển của Tỉnh từ năm 2010 đến năm 2020, ngành chế biến, chế tạo đã có hỗ trợ rất tốt vào tăng trưởng của Tỉnh. Tuy nhiên, từ năm 2021 đến năm 2023 đã có suy giảm cũng do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có sự suy giảm. Trong buổi làm việc, Phó Tổng cục trưởng TCTK Lê Trung Hiếu đề nghị UBND tỉnh Bắc Ninh làm rõ thêm tình hình thực tế trên địa bàn Tỉnh, đặc biệt là ngành công nghiệp và thương mại chiếm tỷ trong lớn cũng như thông tin các dự án, công trình mới tăng trên địa bàn Tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Ngô Tân Phượng phát biểu tại buổi làm việc
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Ngô Tân Phượng, để bám sát được mục tiêu tăng trưởng Đại hội lần thứ XX của tỉnh Bắc Ninh đề ra, Tỉnh rất cần nhận được sự thám vấn và chia sẻ các nội dung liên quan đến tình hình tăng trưởng và phát triển kinh tế của Tỉnh trong thời gian tới; và bày tỏ mong muốn qua buổi làm việc hai bên sẽ cùng nhau làm rõ hơn, chi tiết hơn một số chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội của Tỉnh, trên cơ sở đó có những tham mưu, giúp thống kê địa phương và rà soát lại những nguồn lực của địa phương.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã nghe đại diện tỉnh Bắc Ninh trình bày báo cáo tình hình tăng trưởng và phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn Tỉnh. Theo đó, tăng trưởng GRDP của Tỉnh theo giá so sánh 2010 ước đạt 126.484 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, giảm sâu 9,28%. đây là mức giảm sâu nhất từ trước đến nay và cũng là mức giảm sâu nhất trong 63 tỉnh, thành phố năm 2023.
Với mức tăng trưởng kinh tế bị giảm sâu (-9,28%) của năm 2023 thì bình quân mỗi năm giai đoạn 2021 – 2023 chỉ tăng được 0,4%/năm, trong đó, công nghiệp và xây dựng giảm 1,27%/năm; dịch vụ chỉ tăng 6,67%/năm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 1,49%/năm; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,94%/năm (Trong khi đó, mục tiêu Đại hội XX: GRDP giai đoạn 2021 – 2023 bình quân phải tăng từ 7 – 8%/năm; trong đó công nghiệp và xây dựng tăng 7 – 8%/năm; dịch vụ tăng 8,3% – 9,1%/năm, thuế sản phẩm 7,0 – 7,5%/năm; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1 – 1,2%/năm). Như vậy, với kết quả này các chỉ tiêu kinh tế của Tỉnh hiện đang thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra.
Quý I năm 2024, cả hệ thống chính trị tỉnh Bắc Ninh đã nỗ lực quyết liệt chỉ đạo, điều hành trên tất cả các lĩnh vực công tác, thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết, Kết luận, chỉ đạo của Trung ương; sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh. Theo đó, tình hình kinh tế – xã hội trên địa bàn Tỉnh quý I năm 2024 có xu hướng cải thiện, một số lĩnh vực tốt hơn so với cùng kỳ năm trước, tạo động lực mới, khí thế mới để tiếp tục thúc đẩy công việc trong quý II và các quý tiếp theo, góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng và phát triển của năm 2024.
Tháng Tư, tình hình kinh tế – xã hội của Tỉnh có sự cải thiện đáng kể so với các tháng trước đó, xuất hiện nhiều điểm sáng trong tháng được thể hiện bằng một số chỉ số phản ánh kinh tế trong ngắn hạn tăng lên, có những chỉ số đạt mức tăng cao như: Chỉ số IIP tăng 6,25% so với cùng tháng năm trước. Kết quả thống kê cho thấy, có đến 20/24 ngành cấp 2 có chỉ số sản xuất tăng so với cùng kỳ.
Số doanh nghiệp thành lập mới được 462 doanh nghiệp, tăng khá so với cùng kỳ tháng trước 6,7%. Bốn tháng đầu năm niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài đối với tỉnh Bắc Ninh đang tiếp tục tăng lên, khi có thêm 157 dự án đầu tư nước ngoài đăng ký mới tăng đột biến (tăng 80 dự án, tức tăng 103,9%) so với cùng kỳ.
Vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng Tư ước tính đạt 429,4 tỷ đồng, tăng khá cao 11,8% so với cùng kỳ tháng trước.
Thương mại và dịch vụ tháng Tư hoạt động dần sôi động trở lại, đặc biệt lĩnh vực du lịch lữ hành tăng gấp nhiều lần, kéo theo dịch vụ lưu trú, ăn uống cũng tăng ở mức 2 con số. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng ước đạt 8.321 tỷ đồng, tăng khá so với cùng tháng năm trước.
Ngoài ra, hoạt động vận tải trên địa bàn Tỉnh tháng Tư cũng ghi nhận mức tăng trưởng, thu Ngân sách Nhà nước ước đạt 2.140 tỷ đồng, tăng cao 19,1% so với cùng tháng năm trước. Tổng chi ngân sách địa phương ước đạt 1.207 tỷ, tăng 28%.
Toàn cảnh buổi làm việc
Tại buổi làm việc, hai bên đã dành thời gian cùng nhau trao đổi, chia sẻ về các nội dung một số chỉ tiêu vào tăng trưởng kinh tế của Tỉnh.
Phát biểu kết thúc, Phó Tổng cục trưởng TCTK Lê Trung Hiếu đánh giá cao kết quả buổi làm việc và thông qua đó, UBND tỉnh Bắc Ninh và các sở, ngành của Tỉnh hiểu thêm về công tác thống kê. Đối với đề xuất của tỉnh Bắc Ninh về công tác đào tạo tập huấn, Phó Tổng cục trưởng Lê Trung Hiếu cho biết hiện TCTK đang lập danh sách nhu cầu của các Tỉnh và sẵn sàng phối hợp để triển khai công tác này./.