Tổng cục Thống kê tổ chức Hội thảo khoa học 30 năm chuyển đổi mô hình hạch toán quốc gia
Sáng ngày 20/12/2022, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê (TCTK) tổ chức Hội thảo khoa học “30 năm chuyển đổi mô hình hạch toán quốc gia từ hạch toán sản phẩm vật chất sang hệ thống tài khoản quốc gia”. Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương tham dự và chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có các Phó Tổng cục trưởng: Nguyễn Trung Tiến, Lê Trung Hiếu; Một số đồng chí nguyên Lãnh đạo Tổng cục Thống kê: Nguyên Tổng cục trưởng Đỗ Thức, nguyên Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tiến; Thủ trưởng các đơn vị thuộc cơ quan TCTK, Viện Khoa học Thống kê; một số đồng chí nguyên lãnh đạo Vụ Hệ thống Tài khoản Quốc gia; đại diện Khoa Thống kê trường Đại học Kinh tế quốc dân; đại diện Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) tại Việt Nam và một số cơ quan thông tấn báo chí.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương cho biết: Thống kê tài khoản quốc gia là một lĩnh vực quan trọng, đóng vai trò trung tâm hệ thống thống kê nhà nước, số liệu thống kê tài khoản quốc gia luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và lãnh đạo các cấp. Các chỉ tiêu thống kê tài khoản quốc gia cung cấp các thông tin tổng hợp về tình hình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước qua các năm, làm cơ sở cho việc quản lý, điều hành các hoạt động kinh tế.
Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương tham dự và chủ trì Hội thảo “30 năm chuyển đổi
mô hình hạch toán quốc gia từ hạch toán sản phẩm vật chất sang hệ thống tài khoản quốc gia
Trong những năm qua, công tác thống kê đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển, đặc biệt là việc chuyển đổi mô hình hạch toán quốc gia từ hệ thống cân đối vật chất (MPS) sang hệ thống tài khoản quốc gia (SNA). Sự chuyển đổi đánh dấu bước ngoặt quan trọng của công tác thống kê tài khoản quốc gia nói riêng và công tác thống kê Việt Nam nói chung; đánh dấu sự chuyển đổi về tư duy và nhận thức kinh tế từ quan điểm của kinh tế tập trung, bao cấp sang quan điểm kinh tế thị trường cởi mở hơn thông qua việc áp dụng phương pháp hạch toán theo SNA của cơ quan Thống kê Liên hợp quốc. Đây là phương pháp được hầu hết các quốc gia phát triển trên thế giới áp dụng trong hạch toán tài khoản quốc gia, vừa đáp ứng yêu cầu thông tin phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của Đảng, Nhà nước trong thời kỳ mới, đồng thời có thể cung cấp cho các tổ chức quốc tế để phục vụ so sánh quốc tế.
Trải qua 30 năm, công tác thống kê Tài khoản quốc gia của Tổng cục Thống kê ngày càng được củng cố, phát triển và hội nhập mạnh mẽ với mạng lưới thống kê Tài khoản quốc gia của thế giới. Kết quả biên soạn hệ thống tài khoản quốc gia luôn được Đảng, Chính phủ, bộ ngành, chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức quốc tế, các nhà kinh tế… quan tâm, coi trọng. Số liệu đã và đang được sử dụng rộng rãi và không thể thiếu trong hoạch định chính sách, chiến lược, kế hoạch của quốc gia, của vùng, địa phương, ngành, lĩnh vực.
Đóng góp vào những thành công đó, không thể không nhắc tới sự đóng góp lớn lao của các thế hệ lãnh đạo, công chức làm thống kê tài khoản quốc gia ở Trung ương và địa phương; các chuyên gia quốc tế và trong nước, những người đã đặt những viên gạch, nền móng đầu tiên cho công tác thống kê tài khoản quốc gia. Hội thảo hôm nay, nhằm nhìn nhận những thành quả đã đạt được, ghi nhận sự đóng góp của các thế hệ lãnh đạo, công chức tài khoản quốc gia cũng như sự hỗ trợ, giúp đỡ quý báu của các chuyên gia trong nước và quốc tế đối với với công cuộc phát triển của thống kê tài khoản quốc gia trong thời gian qua. Đồng thời, các lãnh đạo, công chức làm công tác tài khoản quốc gia hiện nay kế thừa, phát huy những thành tựu của thế hệ cha anh để làm giàu thêm những thành quả Hệ thống tài khoản quốc gia mang lại cho xã hội và đất nước. Các đại biểu tham dự hội thảo cùng xem Clip tư liệu về 30 năm thực hiện chuyển đổi SNA
Tại Hội thảo, Ban Tổ chức đã chuẩn bị clip tư liệu về 30 năm thực hiện chuyển đổi SNA và trình chiếu trước các đại biểu tham dự. Ngay sau đó, Phó Tổng cục trưởng TCTK Lê Trung Hiếu đã Tổng kết chặng đường 30 năm thực hiện chuyển đổi SNA. Báo cáo Tổng kết đã cho thấy, bối cảnh kinh tế – xã hội và thực trạng công tác thống kê tài khoản quốc gia của đất nước trước năm 1992; động lực thúc đẩy chuyển đổi mô hình hạch toán quốc gia. Từ năm 1989-1992, với sự tài trợ của Thống kê Liên hợp quốc, ngành Thống kê đã tiến hành nghiên cứu và áp dụng SNA vào Việt Nam. Sau 3 năm nghiên cứu, SNA đã chính thức được áp dụng tại Việt Nam từ năm 1993 theo Quyết định số 183/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc áp dụng Hệ thống Tài khoản quốc gia. Thống kê SNA ở Việt Nam được xây dựng trên cơ sở kế thừa về mặt phương pháp luận, cơ sở thông tin, thực tiễn hạch toán và đội ngũ cán bộ làm công tác này theo Hệ thống cân đối sản phẩm vật chất (MPS). Cùng với sự giúp đỡ của các nước, các tổ chức và chuyên gia thống kê quốc tế, Thống kê Việt Nam đã nghiên cứu, thực hiện chuyển đổi một cách khoa học từ MPS sang SNA để biên soạn các chỉ tiêu kinh tế tổng hợp chủ yếu như: Tổng sản phẩm trong nước (GDP), Tổng thu nhập quốc gia (GNI), Thu nhập quốc gia khả dụng (NDI), Để dành (S),… và các tài khoản cho phạm vi cả nước và các tỉnh, thành phố.
Theo đó, những dấu mốc đáng nhớ trong hành trình 30 năm thực hiện SNA phải kể đến: (1) Triển khai Dự án “Hệ thống tài khoản quốc gia ở Việt Nam” năm 1989; (2) Chính thức áp dụng Hệ thống tài khoản quốc gia ở Việt Nam từ năm 1993; (3) Hoàn thiện Hệ thống Tài khoản quốc gia ở Việt Nam dưới sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển Châu Á từ năm 1996-2003; (4) Thực hiện khắc phục chênh lệch số liệu tổng sản phẩm trong nước giữa Trung ương và địa phương; (5) Thực hiện đổi mới quy trình biên soạn số liệu GRDP; (6) Đánh giá lại quy mô GDP, GRDP; (7) Triển khai Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát; (8) Ban hành Thông tư quy định phân loại khu vực thể chế áp dụng trong thống kê Việt Nam; (9) Xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê; (10) Xây dựng Nghị định Quy định nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và quy trình biên soạn chỉ tiêu GDP, GRDP và Thông tư hướng dẫn.
Phó Tổng cục trưởng Lê Trung Hiếu báo cáo Tổng kết chặng đường 30 năm thực hiện chuyển đổi SNA
Qua 30 năm chuyển đổi thực hiện SNA tại Việt Nam, TCTK đã đạt được những kết quả tích cực: Sản phẩm thống kê SNA đã và đang được sử dụng phổ biến, đặc biệt trong công tác quản lý, điều hành của Chính phủ; xây dựng chính sách, kế hoạch… của các Bộ, ngành, chính quyền địa phương; Khung thể chế được hình thành và hoàn thiện theo thời gian; Về nguồn nhân lực, TCTK đã đào tạo và xây dựng được đội ngũ công chức tài khoản quốc gia khá bài bản, có năng lực và vững vàng chuyên môn trong suốt thời kỳ triển khai thực hiện SNA tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Báo cáo đã thể hiện xu hướng phát triển tài khoản quốc gia trên thế giới; Sự cần thiết phải phát triển công tác thống kê SNA ở Việt Nam; Phương hướng hoàn thiện thống kê tài khoản quốc gia Việt Nam cùng các giải pháp thực hiện.
Các đại biểu tham dự Hội thảo cũng được nghe tham luận của các thế hệ trẻ đang làm công tác thống kê TKQG và lắng nghe chia sẻ của các thế hệ lãnh đạo, công chức TKQG đã nghỉ hưu. Đặc biệt, trong đó có phần chia sẻ của Ông Nguyễn Quán – Nguyên Trợ lý dự án VIE/88-032 về việc áp dụng Hệ thống tài khoản quốc gia (SNA) vào Việt Nam từ năm 1990 và những kinh nghiệm rút ra trong quá trình thực hiện và Ông Bùi Bá Cường – Nguyên Vụ trưởng Vụ HT TKQG thời kỳ 2001-2010 chia sẻ về quá trình TCTK áp dụng thực hiện SNA. Sau phần tham luận, dưới sự điều hành của Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận về các nội dung xoay quanh chủ đề của Hội thảo.
Phát biểu trong phần thảo luận, bà Nguyễn Thị Vân Anh, đại diện IMF tại Việt Nam gửi lời chúc mừng TCTK đã có những bước tiến quan trọng trong chuyển đổi mô hình hạch toán quốc gia từ hạch toán vật chất sang hệ thống tài khoản quốc gia. Việc áp dụng chuẩn mực thống kê SNA 2008 đã giúp các số liệu thống kê của Việt Nam có tính chất so sánh quốc tế và IMF vinh dự khi được góp một phần nhỏ trong quá trình chuyển đổi này. Các số liệu thống kê về tài khoản quốc gia do TCTK cung cấp rất quan trọng và được IMF sử dụng rất nhiều trong các phân tích, đánh giá, dự báo của IMF, giúp IMF có những khuyến nghị chính sách kịp thời đối với Chính phủ Việt Nam trong điều hành kinh tế vĩ mô. IMF cam kết sẽ tiếp tục đồng hành với TCTK trong cải thiện chất lượng, tính kịp thời của số kiệu thống kê, giúp Thống kê Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với Thống kê quốc tế cũng như tuân thủ các thông lệ, chuẩn mực quốc tế.
Trong không khí cởi mở, thân mật, một số đồng chí nguyên lãnh đạo Tổng cục Thống kê, nguyên thủ trưởng, công chức Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia, cơ quan TCTK đã thảo luận, chia sẻ về chặng đường 30 năm Hệ Thống tài khoản quốc gia.
Toàn cảnh buổi Hội thảo khoa học “30 năm chuyển đổi mô hình hạch toán quốc gia
từ hạch toán sản phẩm vật chất sang hệ thống tài khoản quốc gia”
Kết thúc Hội thảo, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương khẳng định, trong tương lai, TCTK sẽ nâng cấp 2 trường Cao đẳng Thống kê để có nền tảng đào tạo nguồn nhân lực thống kê, mở rộng và nâng cao thêm vị thế của Ngành Thống kê, hướng đến mục tiêu xây dựng ngành Thống kê vững mạnh, đóng góp vào sự phát triển của đất nước, vào hạnh phúc của người dân. Đó cũng chính là cam kết của Tổng cục trưởng với các thế hệ đi trước và các thế hệ cán bộ, công chức đang thực hiện công tác thống kê nói chung và công tác TKQG nói riêng.
Ông Bùi Bá Cường – Nguyên Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản Quốc gia thời kỳ 2001-2010 chia sẻ về
quá trình TCTK áp dụng thực hiện SNA tại Việt Nam