Trong nhiều năm trở lại đây, năm nào Việt Nam cũng đặt mục tiêu CPI tăng dưới 4%, nhưng chưa năm nào tăng đến 4%

Câu hỏi:  (PV Mạnh Bôn (Thực hiện) Báo đầu tư) Trong nhiều năm trở lại đây, năm nào Việt Nam cũng đặt mục tiêu CPI tăng dưới 4%, nhưng chưa năm nào tăng đến 4%. Ông có cho rằng, nên đặt lại mục tiêu lạm phát? (Nguồn: https://baodautu.vn/da-den-luc-xay-dung-nguong-lam-phat-thay-chi-tieu-lam-phat-d150579.html)

Trả lời:

Nguyễn Bích Lâm, Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê

Lạm phát là một trong những chỉ tiêu kinh tế vĩ mô cơ bản được Quốc hội thông qua hàng năm và đây được coi như pháp lệnh, Chính phủ căn cứ vào mục tiêu này để điều hành. Trong giai đoạn 2016-2020, chưa năm nào, CPI chạm ngưỡng 4%, bình quân trong 5 năm vừa qua, CPI chỉ tăng 3,15%/năm, trong khi tăng trưởng GDP bình quân đạt 5,99%/năm, nếu loại trừ năm 2020, bình quân giai đoạn 2016-2019, GDP tăng 6,78%/năm. Như vậy, có thể thấy, trong giai đoạn 2016-2020, Việt Nam đặt chỉ tiêu lạm phát 4% là phù hợp, vừa giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, vừa tăng trưởng kinh tế ở mức khá.

Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thế giới bất định khiến lạm phát của từng nước cũng như trên thế giới rất khó dự báo, vì vậy, nhiều nước thay vì đưa ra lạm phát mục tiêu cho từng năm đã sử dụng ngưỡng lạm phát. Có lẽ, Việt Nam cũng nên đặt ra ngưỡng lạm phát thay vì chỉ tiêu lạm phát cho từng năm.