Về chỉ số cảm nhận tham nhũng của Việt Nam

Tham nhũng là vấn đề toàn cầu, nghĩa là, nước nào cũng có tham nhũng. Nhưng mức độ tham nhũng có sự khác biệt rất lớn giữa các quốc gia. Để đo lường mức độ tham nhũng, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International – TI) đã tiến hành tính Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng (Corruption Perceptions Index – CPI) hàng năm và xếp hạng thứ tự các quốc gia trên thế giới theo “Mức độ tham nhũng mà được nhận thức tồn tại trong các giới công chức và chính trị gia”.

Để tính được CPI, sau nhiều năm nghiên cứu, từ năm 2013 TI đã bắt đầu tiến hành điều tra thăm dò đánh giá của các doanh nhân và các chính trị gia ở các nước về tham nhũng của quốc gia mình qua Bảng hỏi với những câu hỏi khác nhau có liên quan trực tiếp hay gián tiếp tới những hành vi của tham nhũng. Tất nhiên, các năm sau Bảng hỏi được bổ sung, điều chỉnh để gần với các hành vi tham nhũng được quy định ở mỗi quốc gia.

Trong Báo cáo của TI về kết quả tính CPI và xếp hạng 168 quốc gia và vùng lãnh thổ dựa trên cảm nhận của các doanh nhân và chuyên gia trong nước về tham nhũng trong khu vực công năm 2015 công bố tại Bec Lin (Cộng hòa Liên Bang Đức) ngày 27/1/2016 với tiêu đề “ Tham nhũng vẫn hoành hành, nhưng 2015 thấy nhiều triển vọng”.

Năm 2015 cho thấy khi người dân cùng  nhau hành động có thể thành công trong chiến dịch chống tham nhũng. Mặc dù tham nhũng vẫn phổ biến trên thế giới, số quốc gia được cải thiện điểm số nhiều hơn số quốc gia bị rớt điểm trong CPI. Nhìn chung 2/3 trong tổng số 168 quốc gia có số điểm dưới 50 theo thang điểm từ 0 (tham nhũng nhiều) đến 100 (không có tham nhũng). CPI trung bình toàn cầu năm 2015 là: 43; G20 là: 54. Đan Mạch là nước xếp số 1 – nước ít tham nhũng nhất thế giới với số điểm là: 91, tiếp theo là Phần Lan: 90; Singapore xếp thứ 8; Trung Quốc xếp thứ 83; đội sổ là Triều Tiên và Xô-ma li với số điểm :8.

Việt Nam có số điểm và xếp hạng như sau:

2015:  31/100 điểm, xếp hạng 112/168 quốc gia và vùng lãnh thổ;

2014:  31/100 điểm, xếp hạng 119/175 quốc gia và vùng lãnh thổ;

2013:  31/100 điểm, xếp hạng 116/175 quốc gia và vùng lãnh thổ;

2012:  31/100 điểm, xếp hạng  123/176 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Như vậy, theo kết quả này Chống tham nhũng của Việt Nam vẫn ở dưới mức trung bình và không có tiến bộ gì trong bốn năm qua (?), mặc dù xếp hạng có tăng lên một số bậc. Cơ quan đầu mối quốc gia của TI tại Việt Nam cũng có đánh giá những tiến bộ và những hạn chế cũng như một số khuyến nghị với Chính phủ Việt Nam về phòng, chống tham những của Việt Nam.

Với nước ta, đã nhiều năm đều nhận thấy tham nhũng là một tệ nạn, là “nội xâm”. Trong Nghị quyết Đại hội Đảng Cộng sản Việt nam lần thứ XII có ghi: “ … tệ quan liêu, tham nhũng chưa bị đẩy lùi” và một trong những nhiệm vụ trọng tâm là “đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu”. Còn trong Nghị quyết Quốc hội kỳ họp thứ II, Khóa XIV cũng có câu: “tham nhũng, lãng phí còn nghiêm trọng”. Trong thực tế, nhất là năm 2016, chúng ta đã đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng một cách kiên quyết, triệt để và không có vùng cấm. Và theo Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Phạm Trọng Đạt cho rằng đánh giá của TI về CPI năm 2015 “chỉ để tham khảo là chính” bởi kết quả đó không phản ảnh một cách toàn diện tình hình tham nhũng và chống tham nhũng của nước ta.

Mặt khác, chính TI cũng thừa nhận các thống kê như thế này bị hạn chế về tính chính xác, bởi thăm dò phụ thuộc vào tính chủ quan của người trả lời, nhất là nhiều người được phỏng vấn có thể không có đủ thông tin về phòng, chống tham nhũng của quốc gia; giữa các quốc gia có những quan điểm, nhận thức ( thậm chí cả quy định) hành vi nào là tham nhũng, hành vi nào không là tham nhũng (thí dụ, tiền tài trợ của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp cho việc tranh cử của các cá nhân vào các vị trí lập pháp, hành pháp … có là một hành vi tham nhũng không, bởi khi cá nhân đó khi đã nhận tài trợ, và đắc cử thì khó mà …”công tâm”). Nhiều quốc gia, trong quá trình phòng, chống tham nhũng các năm sau này mở rộng các hành vi được coi là tham nhũng cần phải bổ sung kịp thời trong Bảng hỏi. Chưa kể các hành vi tham nhũng thường được dấu kín dưới các vỏ bọc khác nhau, rất khó để phát hiện và xử lý ngay, triệt để… Chính vì vậy, CPI là một chỉ tiêu thống kê có những hạn chế nhất định về tính chính xác, và tính so sánh giữa các năm cũng bị hạn chế; chưa kể, sự thay đổi về cảm nhận tham nhũng chỉ xuất hiện trong một thời gian dài. Ngoài ra (theo quan điểm của người viết tin) việc chọn đối tượng phỏng vấn chỉ là các doanh nhân, nhà chính trị là không đủ, mà phải có các tầng lớp nhân dân với một cơ cấu thích hợp.

Nguyễn Quán