Từ Điển Thống Kê
< Tất cả bài
In bài

Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư ICOR

Ý nghĩa: Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR) phản ánh hiệu quả sử dụng vốn đầu tư để tăng trưởng kinh tế. ICOR là một trong những cơ sở để rà soát và sửa đổi mục tiêu đầu tư nhằm nâng cao hiệu quả về chất lượng sử dụng vốn đầu tư.

Khái niệm: Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (Hệ số ICOR) là chỉ tiêu kinh tế tổng hợp phản ánh cần bao nhiêu đồng vốn đầu tư thực hiện tăng thêm để tăng thêm 1 đồng tổng sản phẩm trong nước (GDP). Hệ số ICOR thay đổi tùy theo thực trạng kinh tế – xã hội trong từng thời kỳ khác nhau, phụ thuộc vào cơ cấu đầu tư và hiệu quả sử dụng đồng vốn. Nếu hệ số ICOR thấp, chứng tỏ đầu tư có hiệu quả cao và ngược lại.

Công thức tính:

Trong đó:

ICOR: Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư;

V1: Vốn đầu t­ư thực hiện của năm nghiên cứu;

G1: Tổng sản phẩm trong nước của năm nghiên cứu;

G0: Tổng sản phẩm trong nước của năm trước năm nghiên cứu.

Các chỉ tiêu về vốn đầu tư thực hiện và tổng sản phẩm trong nước để tính hệ số ICOR phải được tính theo cùng một loại giá: Giá hiện hành hoặc giá so sánh. Khi tính theo giá hiện hành phải tính theo giá hiện hành của cùng một năm, cụ thể phải chuyển GDP của năm trước năm nghiên cứu (G0) về giá hiện hành của năm nghiên cứu (giá hiện hành dùng để tính G1).

ICOR còn có thể tính gián tiếp theo công thức sau:

Trong đó:

ICOR: Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư;

IV: Tỷ lệ vốn đầu tư­ so với tổng sản phẩm trong nước;

IG: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước.

ICOR tính theo công thức này cho biết để tăng thêm một phần trăm tổng sản phẩm trong nước đòi hỏi phải tăng tỷ lệ vốn đầu t­ư so với GDP là bao nhiêu phần trăm. ICOR tính theo công thức này thường cho kết quả cao hơn. Tổng cục Thống kê chưa công bố chỉ tiêu này.

Tuy nhiên, Hệ số ICOR của nước ta đã được thể hiện ở một số ấn phẩm, trong đó có ấn phẩm của Ngân hàng thế giới cho thấy hệ số ICOR của Việt Nam ở mức cao và tăng dần qua các giai đoạn (Bảng 8). Điều này cho thấy hiệu quả đầu tư của Việt Nam giai đoạn sau kém hơn giai đoạn trước.

Bảng 8: Hệ số ICOR của Việt Nam qua các giai đoạn

STT Giai đoạn ICOR
1 2001-2005 4,88
2 2006-2010 6,96
3 2011-2015 6,91

Nguồn: Báo cáo động thái và thực trạng kinh tế Việt Nam

Nguồn số liệu để biên soạn chỉ tiêu này từ Điều tra vốn đầu tư thực hiện; Điều tra doanh nghiệp; Điều tra cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể phi nông nghiệp; Điều tra cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể; Điều tra thu thập thông tin lập bảng cân đối liên ngành và tính hệ số chi phí trung gian; Điều tra thu thập thông tin tính các chỉ tiêu giá trị sản xuất và giá trị tăng thêm của các đơn vị sự nghiệp và tổ chức vô vị lợi; Dữ liệu hành chính; Chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia. Tổng cục Thống kê chủ trì (Bộ Tài chính phối hợp) chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp.