Hội nghị Công bố kết quả nghiên cứu chuyên sâu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019
Sáng ngày 18/12/2020, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê (TCTK) phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tổ chức Hội nghị Công bố kết quả nghiên cứu chuyên sau Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019 (TĐT). Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương và bà Naomi Kitahara trưởng đại diện UNFPA chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị, có bà Lê Thị Yến, Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, đại biểu Quốc hội; các Phó Tổng cục trưởng TCTK: Phạm Quang Vinh, Nguyễn Trung Tiến; đại diện lãnh đạo Bộ, ngành; lãnh đạo các Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đại diện các Tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương cho biết, TĐT năm 2019 được thực hiện theo Quyết định số 772QĐ – TTg ngày 26/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là cuộc TĐT lần thứ 5 ở Việt Nam kể từ khi đất nước thống nhất vào năm 1975. Thông qua TĐT năm 2019, các thông tin cơ bản về dân số và nhân khẩu học của hơn 96,2 triệu người là nhân khẩu thực tế thường trú tại gần 26,9 triệu hộ dân cư trên toàn lãnh thổ Việt Nam đã được thu thập nhằm phục vụ công tác quản lý, hoạch định chính sách phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và giám sát các mục tiêu phát triển bền vững mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết thực hiện. Có thể nói, với sự quyết tâm và chỉ đạo sát sao của Ban Chỉ đạo TĐT năm 2019 các cấp từ Trung ương đến địa phương, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, TĐT năm 2019 đã đạt được kết quả với nhiều điểm mới mang tính đột phá. Đặc biệt việc ứng dụng công nghệ thông tin đã được áp dụng triệt để trong tất cả các khâu của quá trình Tổng điều tra, góp phần nâng cao chất lượng số liệu, rút ngắn thời gian xử lý, công bố sớm kết quả Tổng điều tra và tiết kiệm cho ngân sách nhà nước. Kết quả TĐT năm 2019 đã được công bố vào ngày 19/12/2019, tiếp theo kết quả này, TCTK thực hiện nghiên cứu phân tích chuyên sâu một số chủ đề dân số, gồm: Mức sinh, mất cân bằng giới tính khi sinh, di cư và đô thị hóa, già hóa dân số, đồng thời dự báo dân số Việt Nam giai đọan 2019-2069. Những phát hiện chính từ nghiên cứu này nhằm tiếp tục cung cấp bằng chứng về thực trạng, xu hướng, các nhân tố ảnh hưởng tới dân số và đề xuất những kiến nghị nhằm đạt các mục tiêu phát triển bền vững.
Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh thêm, kết quả nghiên cứu chuyên sâu từ số liệu TĐT năm 2019, mức sinh của Việt Nam hiện nay duy trì quanh mức sinh thay thế sẽ tác động làm giảm tốc độ tăng dân số trong tương lại. Theo đó, dự báo tốc độ tăng dân số trong vòng 10 năm tới sẽ thấp hơn 1%/năm. Mặc dù vậy mức sinh giữa các vùng, miền và các nhóm dân số có sự khác biệt đáng kể, trong đó, mức sinh của một số dân tộc thiểu số còn rất cao. Cụ thể, dân tộc Mông là một trong 6 dân tộc ít người có quy mô dân số trên 1 triệu người có mức sinh cao nhất là 3, 59 con/phụ nữ. Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên là các vùng có mức sinh cao nhất. Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long là hai vùng có mức sinh thấp nhất cả nước.
Với thực trạng mức sinh, cơ cấu dân số cũng như tỷ số giới tính khi sinh cao như hiện nay cơ cấu dân số trong tương lai sẽ có sự thay đổi theo hướng già hóa và thiếu hụt nam giới ở một số nhóm tuổi. Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương cho biết, dự báo cho thấy nếu tỷ số giới tính khi sinh vẫn giữ nguyên như hiện nay nam giới từ 15-49 tuổi sẽ dư thừa so với nữ giới cùng nhóm tuổi vào năm 2034 là khoảng 1,5 triệu người, năm 2059 sẽ chênh lệch là 2,5 triệu người. Ngoài ra, dự báo dân số cũng đã được thực hiện theo ba phương án: Trung bình, thấp và cao. Dựa trên ba kịch bản về sự thay đổi mức sinh gắn với kịch bản về tử vong và kịch bản về di cư. Dự báo theo phương án trung bình, đến năm 2030 Việt Nam sẽ kết thúc thời kỳ cơ cấu dân số vàng. Dự báo thời kỳ dân số già sẽ kéo dài trong 28 năm (giai đoạn từ năm 2026-2054), sau đó là thời kỳ dân số rất già (giai đoạn 2055-2069). Điều này sẽ tác động lớn đến nguồn lực lao động cũng như các vấn đề xã hội mới nảy sinh. Những thông tin này cung cấp các bằng chứng quan trọng làm cơ sở cho việc xây dựng và hoạch định chính sách phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong thời gian tới.
Để có được những thông tin đầu vào giá trị, quý báu và thiết thực, TCTK đã nhận được sự hợp tác và hỗ trợ của UNFPA nói chung và thực hiện các nghiên cứu, phân tích chuyên sâu số liệu TĐT năm 2019 nói riêng. Nhân dịp này, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương đã cảm ơn sự đóng góp quý báu của các chuyên gia, cán bộ văn phòng UNFPA tại Việt Nam trong quá trình biên soạn hoàn thiện các ấn phẩm cũng như các Bộ, ban, ngành, các công chức, viên chức trong toàn ngành Thống kê đã tham gia nhiệt tình trách nhiệm trong toàn bộ quá trình thực hiện TĐT năm 2019.
Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương phát biểu khai mạc Hội nghi
Phát biểu tại Hội nghị, bà Naomi Kitahara trưởng đại diện UNFPA cho biết, chủ đề mức sinh tại Việt Nam hiện đang thu hút rất nhiều sự quan tâm. Kết quả TĐT năm 2019 khẳng định tỷ suất sinh của Việt Nam ổn định, hiện tại là 2,09 con/phụ nữ. Điều này một lần nữa cho thấy sự xem xét kịp thời của Chính phủ Việt Nam trong việc chuyển hướng công tác dân số, từ dân số kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển theo Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững. Bà Naomi Kitahara cũng chia sẻ UNFPA đã có nhiều năm hợp tác thành công với TCTK trong việc triển khai các cuộc TĐT dân số và nhà ở kể từ năm 1979. Bà tin tưởng những quốc gia có dữ liệu tin cậy, độc lập và chất lượng là những quốc gia thành công về phát triển văn hóa-xã hội. UNFPA sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này với chương trình quốc gia hiện tại và hơn thế nữa.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe các bài trình bày từ các chuyên gia trong và ngoài nước, cụ thể: PGS. TS. Giang Thanh Long, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân trình bày Kết quả phân tích già hóa dân số và Tiến sỹ Christophe Z Guilmoto, chuyên gia nhân khẩu học, Viện nghiên cứu Dân số và Phát triển (CEPED/IRD), Paris trình bày Kết quả phân tích về tỷ số giới tính khi sinh. Tiếp đó, các đại biểu đã được nghe bà Vũ Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động, TCTK trình bày Kết quả phân tích về mức sinh; ông Nguyễn Huy Minh, Phó vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao, TCTK động trình bày Kết quả phân tích về di cư và đô thị hóa; bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động, TCTK trình bày Dự báo dân số Việt Nam đến năm 2069.
Phát biểu kết thúc Hội nghị, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương khẳng định, Hội nghị đã hoàn thành tất cả các nội dung trong chương trình đã đề ra với 7 bài trình bày và 2 phiên thảo luận về các vấn đề quan trọng liên quan đến dân số. Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương bày tỏ tin tưởng các kết quả công bố ngày hôm nay sẽ là những thông tin hữu ích, kịp thời phục vụ quá trình thực hiện chính sách cũng như các chỉ đạo điều hàng của các cấp, các ngành để thực hiện các mục tiêu về dân số và phát triển như đã đề ra trong Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa 12 ngày 25/10/2017 về công tác dân số trong tình hình mới. Ngoài ra, thông tin về các kho dữ liệu TĐT sẽ giúp việc tiếp tục tiếp cận thông tin của người dùng tin được thuận tiện và dễ dàng hơn. Trong khuôn khổ hạn hẹp về thời gian của Hội nghị, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương bày tỏ mong muốn sẽ tiếp tục nhận được các ý kiến trao đổi của đại biểu về các nội dung của Hội nghị trong thời gian tới./.
Toàn cảnh Hội thảo
Nguồn: http://consosukien.vn/