Đối thoại về thể chế kinh tế thị trường Việt Nam
Sáng ngày 29/7/2020, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Viện Fraser Canada và Trung tâm Nghiên cứu các Giải pháp Thị trường cho các vấn đề Kinh tế – Xã hội (MASSEI) tổ chức tọa đàm chính sách “Đối thoại về thể chế kinh tế thị trường Việt Nam”.
Tham dự tọa đàm có PGS.TS Nguyễn Văn Thạo – Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận trung ương; bà Nguyễn Thị Hương – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê; GS.TS Trần Thọ Đạt – Chủ tịch Hội đồng trường ĐHKTQD, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ; PGS.TS Bùi Đức Thọ – Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng; cùng đại diện lãnh đạo một số đơn vị TCTK, các tổ chức chính trị – xã hội trong toàn trường; đại diện các cơ quan Bộ, ban, ngành, các cơ quan nghiên cứu, hoạch định chính sách, các chuyên gia kinh tế, các nhà khoa học, các đối tượng bị tác động bởi chính sách và các cơ quan thông tấn báo chí đến tham dự và đưa tin.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, PGS.TS Bùi Đức Thọ cho biết, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, khi nền kinh tế càng phát triển, mối quan hệ giữa tự do kinh tế và tăng trưởng kinh tế ngày càng chặt chẽ hơn. Điều này có hàm ý rất rõ với Việt Nam hiện nay, do nền kinh tế của Việt Nam sắp vượt qua ngưỡng phát triển trung bình thấp. Vì thế, đã đến lúc Việt Nam phải quan tâm đến các chỉ số về tự do kinh tế như là thước đo cho sự phát triển nền kinh tế thị trường đầy đủ của Việt Nam. PGS.TS Bùi Đức Thọ hi vọng thông qua tọa đàm này, một sự kiểm định toàn diện về sự phát triển của nền kinh tế thị trường Việt Nam thông qua chỉ số EFW sẽ giúp chúng ta chuẩn đoán những thách thức và cơ hội hội cho sự phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam trong thời gian tới.
Tại buổi tọa đàm các diễn giả trình bày và đối thoại về các nội dung: Sự phát triển của nền kinh tế thị trường Việt Nam và một số vấn đề đặt ra: nhìn từ bộ chỉ số Economic Freedom of the World (EFW) của Fraser Institute, Canada; Đổi mới tư duy về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam; Mối quan hệ giữa tự do kinh tế và khả năng vượt bẫy thu nhập trung bình của các nước đang phát triển: kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam.
Theo GS.TS. Trần Thọ Đạt – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Kinh tế Quốc dân trên thế giới hiện nay có hai bộ chỉ số quan trọng để đánh giá mức độ phát triển nền kinh tế thị trường. Thứ nhất là Index of Economic Freedom do Quỹ di sản (The Heritage Foundation) và Tạp chí phố Wall (The Wall Street Journal) của Mỹ xây dựng từ năm 1995, thứ hai là Economic Freedom of the World do Viện Fraser Institute (Canada) xây dựng. GS.TS. Trần Thọ Đạt cho biết, đã đến lúc chúng ta phải quan tâm đến các chỉ số về tự do kinh tế như là thước đo cho sự phát triển nền kinh tế thị trường đầy đủ của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh Việt Nam sắp vượt qua ngưỡng phát triển trung bình thấp.
Sau phiên đối thoại toàn thể, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Văn Thạo và Chủ tịch Hội đồng trường ĐH KTQD Trần Thọ Đạt chủ trì phiên đối thoại về khu vực kinh tế nhà nước, hệ thống pháp luật và quyền sở hữu tài sản.
Phát biểu tại buổi Tọa đàm, Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương cho biết chỉ tiêu kinh tế tự do là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh toàn diện về tự do kinh tế dưới góc nhìn của nhà khoa học về kinh tế, xã hội và môi trường thể chế. Ngay từ khi áp dụng Hệ thống tài khoản quốc gia năm 1993, Tổng cục Thống kê đã rất quan tâm và mong muốn phân loại theo khu vực thể chế và phân loại phân tổ kinh tế tại Việt Nam. Bà cho rằng phân tổ thành phần kinh tế hay phân loại loại hình kinh tế cần được thay đổi và được nhìn nhận một cách đầy đủ hơn theo cả ý nghĩa về mặt lý thuyết và thực tiễn ở quốc tế và Việt Nam. Bà cho biết, ngày 23/3/2020, Bộ kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư 02/2020/TT-BKHĐT quy định phân loại khu vực thể chế áp dụng trong thống kê Việt Nam. Theo đó, Thông tư này, đã nêu đầy đủ khái niệm đến từng đơn vị thể chế; đáp ứng yêu cầu so sánh quốc tế về số liệu thống kê theo khu vực thể chế. Với sự phân chia như vậy, các chính sách ban hành mới thực sự phù hợp. Bà mong muốn trong thời gian tới TCTK sẽ phối hợp với Ngân hàng nhà nước, các chuyên gia trong nước và nước ngoài, cơ quan quốc tế để thảo luận chi tiết hơn nhằm triển khai vận dụng khu vực thể chế này hiệu quả nhất. Đồng thời, bà mong muốn TCTK tham gia sâu hơn tại các diễn đàn và phổ biến đến các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu về các phân loại phân tổ, về thành phần kinh tế, từ đó có một bức tranh khách quan, phù hợp với chuẩn quốc tế khi ban hành chính sách./.
Một số hình ảnh buổi tọa đàm:
Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Văn Thạo và
Chủ tịch Hội đồng trường ĐH KTQD Trần Thọ Đạt chủ trì phiên đối thoại
Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương phát biểu tại buổi tọa đàm
VTKE