Thế nào là “Cơ sở khoa học” ?
Hai chữ “khoa học” đang trở thành một loại ngôn ngữ thời thượng của một số người muốn tăng trọng lượng cho phát biểu của mình. Các quan chức, không chỉ riêng ngành y tế, sử dụng hai chữ đó như là một dấu ấn cho độ tin cậy của những nhận xét. Nhưng tôi e rằng hai chữ “khoa học” đã bị hiểu lầm, rồi từ hiểu lầm dẫn đến lạm dụng, và lạm dụng khoa học dẫn đến việc gây khó khăn cho nhiều người và bất bình đẳng trong xã hội.
Khi được hỏi dựa trên cơ sở nào mà Bộ Y tế ra qui định người lái xe gắn máy trên 50 cc phải có chiều cao trên 145 cm và cân nặng trên 40 kg, các quan chức y tế cho biết họ dựa trên “cơ sở khoa học”. Họ giải thích thêm rằng đó là những số liệu về chiều cao và trọng lượng trung bình tính từ một cuộc điều tra nhân trắc học ở nước ta vào thập niên 1990. Phát biểu của một quan chức y tế cho biết: “Người Việt Nam 20-24 tuổi, nam có chiều cao là 163,72±4,67cm, cân nặng là 52,11±4,70 và nữ có chiều cao là 153,00±4,32cm, cân nặng là 44,60±4,22. […] Như vậy, việc quy định người có chiều cao dưới 1m45 hoặc cân nặng dưới 40kg thì không được lái xe A1 là có cơ sở khoa học và cũng phù hợp với hầu hết người dân Việt Nam.” Ngoài ra, Bộ Y tế còn cho biết họ đã tham khảo với các chuyên gia về nhân trắc học, xã hội học, chuyên gia pháp luật, và các giáo sư và những vị có uy tín trong ngành y tế.
Thật khó hiểu được cái logic biện chứng cho tiêu chuẩn thể trạng về an toàn giao thông bằng một liên kết giữa những con số trung bình và qui định về một ngưỡng chiều cao hay cân nặng. Thật ra, một liên kết như trên càng không thể xem đó là giải thích “khoa học”. Thế thì câu hỏi đặt ra là: cơ sở khoa học là gì? Theo cách hiểu được cộng đồng khoa học nhất trí, một qui định hay phát biểu được xem là khoa học nếu hội đủ ít nhất là 3 điều kiện: dữ liệu thật, công bố trước công chúng, và tính tái xác định. Một qui định hay phát biểu không hội đủ 3 điều kiện này không thể xem là mang tính khoa học được.
Khoa học dựa vào sự thật hay dữ liệu thật. Những sự thật phải được quan sát hay thu thập và đo lường bằng những phương pháp chuẩn. Điều quan trọng và cần thiết trong khoa học là không chỉ sự thật, mà là dữ liệu có liên quan đến vấn đề đang được điều tra. Ở đây vấn đề đang được quan tâm là an toàn giao thông và yếu tố gây nên tai nạn giao thông, chứ không phải những con số thống kê mang tính mô tả về chiều cao, cân nặng, hay vòng ngực. Do đó, đưa ra những con số trung bình từ một cuộc điều tra cộng đồng (chưa hẳn là một nghiên cứu khoa học) chẳng có liên quan gì đến an toàn giao thông không thể xem là bằng chứng khoa học được.
Khoa học không dựa vào kinh nghiệm cá nhân (dù cá nhân đó là chuyên gia) hay suy luận theo cảm tính. Theo y học thực chứng, ý kiến cá nhân của các giáo sư và chuyên gia có giá trị khoa học thấp nhất. Điều này đúng vì lịch sử y tế và y học cho thấy suy luận theo cảm tính đã gây ra rất nhiều tác hại cho bệnh nhân. Do đó, dựa vào ý kiến của chuyên gia thì không thể nói đó là bằng chứng khoa học được.
Bằng chứng khoa học là những kết quả và dữ liệu nghiên cứu đã được công bố trên các tập san khoa học chuyên ngành, và các tập san này có hệ thống bình duyệt (phản biện) từ các chuyên gia. Người viết bài này đã xem qua thư viện y sinh học quốc tế và chưa thấy bất cứ một nghiên cứu nào từ Việt Nam về mối liên hệ giữa chiều cao, cân nặng, hay vòng ngực và tai nạn giao thông. Các nghiên cứu từ nước ngoài cho thấy chẳng có mối tương quan nào giữa chiều cao hay trọng lượng và tai nạn giao thông, nhất là ở nữ. Do đó, chưa có thể nói rằng những qui định của Bộ Y tế về thể trạng để cấp bằng lái xe gắn máy là dựa vào bằng chứng khoa học được.
Để mang tính chất khoa học, tất cả kết quả nghiên cứu đều phải có khả năng tái xác nhận. Liên quan đến đặc tính này, có thể nói mối liên hệ giữa chiều dài của chân và chiều cao mang tính khoa học, bởi vì nghiên cứu từ Việt Nam, Đài Loan, Trung Quốc, và Nhật đều cho ra một kết quả nhất quán: chiều dài của chân bằng 46% chiều cao khi đứng. Kết quả của một nghiên cứu đơn thuần chưa thể xem là mang tính khoa học nếu kết quả này chưa được lặp lại nhiều lần trong nhiều quần thể khác nhau. Do đó, giả định của Bộ Y tế cho rằng chiều dài của chân bằng 51,7% chiều cao (để qui định chiều cao tối thiếu 145 cm) là không có cơ sở khoa học. Cho đến nay, chúng ta chưa thấy bất cứ một mối liên hệ nào giữa thể trạng và tai nạn giao thông tại Việt Nam, cho nên chúng ta có quyền nghi ngờ “cơ sở khoa học” của Bộ Y tế.
Y tế và y khoa ngày nay dựa vào bằng chứng khoa học (còn gọi là y học thực chứng – evidence-based medicine). Bằng chứng khoa học có thể không hoàn hảo, nhưng dựa vào bằng chứng khoa học chúng ta ít sai hơn là dựa vào kinh nghiệm và niềm tin duy ý chí. Do đó, ở các nước tiên tiến ngày nay, mọi chính sách y tế công cộng đều dựa vào bằng chứng từ nghiên cứu khoa học và kiến thức thực địa, chứ không phải dựa vào ý kiến cá nhân của chuyên gia hoặc một chỉ đạo duy ý chí nào.
Chính vì dựa vào bằng chứng khoa học về mối liên hệ giữa việc thắt dây an toàn và tai nạn giao thông mà ở các nước phương Tây, Nhà nước có qui định bắt buộc người lái xe và hành khách xe ôtô phải thắt dây an toàn, hay người đi xe gắn máy và xe đạp phải đội nón bảo hộ. Nhưng vì chưa đủ bằng chứng khoa học về thể trạng và an toàn giao thông, cho nên chưa có nước nào dựa vào chiều cao hay cân nặng hay vòng ngực để hạn chế cấp bằng lái xe gắn máy. Thật vậy, ở các nước phương Tây, người khuyết tật, người mắc bệnh mãn tính như tiểu đường, thấp khớp, cao huyết áp, v.v… cũng được quyền lái xe.
Những lí giải trên đây cho thấy rõ ràng rằng qui định của Bộ Y tế chẳng những không có cơ sở khoa học, mà còn không phù hợp với trào lưu quốc tế, và vô hình chung gây khó khăn cho hàng triệu người, nhất là phụ nữ, gây bất bình đẳng xã hội một cách nghiêm trọng.
Điều đáng khích lệ là Bộ Y tế đã thấy sai lầm và đã rút lại qui định này. Nhưng quan trọng hơn là Bộ cần phải tài trợ nhiều nghiên cứu khoa học hơn nữa để trong tương lai các chính sách của Bộ mang tính khoa học hơn.
Bằng chứng khoa học là những kết quả và dữ liệu nghiên cứu đã được công bố trên các tập san khoa học chuyên ngành, và các tập san này có hệ thống bình duyệt (phản biện) từ các chuyên gia. Người viết bài này đã xem qua thư viện y sinh học quốc tế và chưa thấy bất cứ một nghiên cứu nào từ Việt Nam về mối liên hệ giữa chiều cao, cân nặng, hay vòng ngực và tai nạn giao thông. Các nghiên cứu từ nước ngoài cho thấy chẳng có mối tương quan nào giữa chiều cao hay trọng lượng và tai nạn giao thông, nhất là ở nữ. Do đó, chưa có thể nói rằng những qui định của Bộ Y tế về thể trạng để cấp bằng lái xe gắn máy là dựa vào bằng chứng khoa học được.
Để mang tính chất khoa học, tất cả kết quả nghiên cứu đều phải có khả năng tái xác nhận. Liên quan đến đặc tính này, có thể nói mối liên hệ giữa chiều dài của chân và chiều cao mang tính khoa học, bởi vì nghiên cứu từ Việt Nam, Đài Loan, Trung Quốc, và Nhật đều cho ra một kết quả nhất quán: chiều dài của chân bằng 46% chiều cao khi đứng. Kết quả của một nghiên cứu đơn thuần chưa thể xem là mang tính khoa học nếu kết quả này chưa được lặp lại nhiều lần trong nhiều quần thể khác nhau. Do đó, giả định của Bộ Y tế cho rằng chiều dài của chân bằng 51,7% chiều cao (để qui định chiều cao tối thiếu 145 cm) là không có cơ sở khoa học. Cho đến nay, chúng ta chưa thấy bất cứ một mối liên hệ nào giữa thể trạng và tai nạn giao thông tại Việt Nam, cho nên chúng ta có quyền nghi ngờ “cơ sở khoa học” của Bộ Y tế.
Y tế và y khoa ngày nay dựa vào bằng chứng khoa học (còn gọi là y học thực chứng – evidence-based medicine). Bằng chứng khoa học có thể không hoàn hảo, nhưng dựa vào bằng chứng khoa học chúng ta ít sai hơn là dựa vào kinh nghiệm và niềm tin duy ý chí. Do đó, ở các nước tiên tiến ngày nay, mọi chính sách y tế công cộng đều dựa vào bằng chứng từ nghiên cứu khoa học và kiến thức thực địa, chứ không phải dựa vào ý kiến cá nhân của chuyên gia hoặc một chỉ đạo duy ý chí nào.
Chính vì dựa vào bằng chứng khoa học về mối liên hệ giữa việc thắt dây an toàn và tai nạn giao thông mà ở các nước phương Tây, Nhà nước có qui định bắt buộc người lái xe và hành khách xe ôtô phải thắt dây an toàn, hay người đi xe gắn máy và xe đạp phải đội nón bảo hộ. Nhưng vì chưa đủ bằng chứng khoa học về thể trạng và an toàn giao thông, cho nên chưa có nước nào dựa vào chiều cao hay cân nặng hay vòng ngực để hạn chế cấp bằng lái xe gắn máy. Thật vậy, ở các nước phương Tây, người khuyết tật, người mắc bệnh mãn tính như tiểu đường, thấp khớp, cao huyết áp, v.v… cũng được quyền lái xe.
Những lí giải trên đây cho thấy rõ ràng rằng qui định của Bộ Y tế chẳng những không có cơ sở khoa học, mà còn không phù hợp với trào lưu quốc tế, và vô hình chung gây khó khăn cho hàng triệu người, nhất là phụ nữ, gây bất bình đẳng xã hội một cách nghiêm trọng.
Điều đáng khích lệ là Bộ Y tế đã thấy sai lầm và đã rút lại qui định này. Nhưng quan trọng hơn là Bộ cần phải tài trợ nhiều nghiên cứu khoa học hơn nữa để trong tương lai các chính sách của Bộ mang tính khoa học hơn.
Nguyễn Văn Tuấn
PĐQ (sưu tầm)