Vai trò của số liệu thống kê với sự phát triển kinh tế

Số liệu thống kê của mỗi ngành nghề, lĩnh vực kinh tế không chỉ giúp cho ngành đó, lĩnh vực đó phát triển mà còn có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hoạch định, đưa ra những chính sách phát triển kinh tế. Tuy nhiên, hiện nay có quá nhiều tổ chức, đơn vị đưa ra những số liệu thống kê khác nhau, còn chung chung, hình thức, thiếu căn cứ khoa học. đây chính là một trong những nguyên nhân căn bản dẫn đến nhiều chính sách hỗ trợ chưa phù hợp với tình hình thực tế.

Nhìn vào số liệu thống kê về sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2012 và nhận xét của Bộ Công thương: “cứu cánh của sản xuất công nghiệp 9 tháng được bù đắp bởi một số ngành như đóng tàu và cấu kiện nổi (tăng 248%), sản xuất thiết bị truyền thống (tăng 57%), sản xuất phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho xe có động cơ và động cơ xe (tăng 44%), sản xuất linh kiện điện tử (tăng 22%)… Điều này cho thấy trong bối cảnh kinh tế gặp khó khăn nhưng ngành cơ khí vẫn có những dấu hiệu phát triển, chính sách hỗ trợ phát triển ngành đã bắt đầu có tác dụng…”. Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực được thống kê trên đây vẫn đang hết sức khó khăn, cần những chính sách hỗ trợ cấp kíp.

Trở lại Đề án về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp của Bộ Công thương trước đó, Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Lê Hồng Thăng nhận xét, việc đưa ra những nhận định về nền kinh tế, doanh nghiệp còn chung chung, thiếu các số liệu cụ thể nên thiếu tính thuyết phục. Vấn đề nhận định và đánh giá này trong đề án có nêu nhưng chưa có số liệu cụ thể, mà nếu như nhận định chưa rõ như vậy thì trong quá trình giải pháp phấn đấu sẽ thiếu tính quyết liệt.

Nguồn: ITN

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, trong quá trình phát triển kinh tế, Việt Nam cũng đang từng bước chú ý hơn đến công tác thống kê. Tuy nhiên cho đến nay trên thực tế, chất lượng thống kê cũng như tính thống nhất, đồng bộ giữa các ngành, các địa phương về con số thống kê cũng đang còn nhiều bức xúc. Đơn cử trong quá trình viết báo cáo của một tỉnh nếu hỏi số liệu từ 5 sở về 1 địa phương thì cũng có tới 5 con số, thậm chí ngay trong 1 sở mà hỏi 5 phòng thì cũng lại có tới 5 con số… Vì vậy, có thể nói sự bất cập của các con số thống kê đang gây ra rất nhiều bức xúc và những hệ quả. Một là nó không cho phép so sánh và đánh giá chính xác thực trạng của các ngành kinh tế ngay cả những con số về nợ, con số liên quan đến hiệu quả và sự phát triển của nền kinh tế cũng như các vấn đề khác. Thứ hai, từ việc không nắm chắc được thực tế thì đưa ra những phân tích và kết luận không xác đáng, và từ đó nó gây hệ quả đến các đề xuất về chính sách quản lý của các cơ quan chức năng và kể cả từ Chính phủ… thậm chí gây ra sự lệch lạc của các quyết sách gắn với những con số không chính xác.

Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Mại cho rằng, trong khi có quá nhiều số liệu trùng nhau được đưa ra từ nhiều tổ chức, nhưng còn rất nhiều những số liệu chưa được mổ xẻ phân tích để đưa ra những quyết sách kinh tế cụ thể, rõ ràng, như mối quan hệ giữa các chỉ số xuất nhập khẩu với tổng sản phẩm quốc dân (GNP) và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chẳng hạn. Theo ông Nguyễn Mại, số liệu thống kê của ta hiện nay có quá nhiều vấn đề và không ai nghiên cứu những quan hệ như vậy cả. Kinh tế bao giờ cũng là các mối quan hệ. Chúng ta không thể tăng mãi xuất nhập khẩu mà không tính xem nó đóng góp vào GDP như thế nào. Mục tiêu của xuất khẩu không phải là chỉ có thu ngân sách, chỉ có giải quyết lao động mà còn phải là đóng góp vào GDP nữa…

Có thể nói, những tác động của số liệu thống kê không chỉ có ảnh hưởng mà còn mang tính quyết định tới sự phát triển của các ngành kinh tế, mỗi địa phương và đất nước. Vì vậy, làm gì để cải thiện chất lượng số liệu thống kê đang là một đòi hỏi cấp bách.

ĐN (st)

nguồn: http://daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=75&NewsId=260392