Phương pháp tính GDP của Việt Nam theo đúng quy định LHQ
Dư luận trong và ngoài nước đang nghi ngờ về tính xác thực và minh bạch của các con số liên quan đến chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước (GDP) mà Tổng cục Thống kê đã đưa ra. Để giúp độc giả hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với tiến sỹ Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
– Vừa qua, dư luận hoài nghi về cách tính GDP của Tổng cục Thống kê, ông đánh giá thế nào về vấn đề này?
Tiến sỹ Nguyễn Bích Lâm: Thực hiện Quyết định số 183-TTg ngày 25/12/1992 của Thủ tướng Chính phủ về việc áp dụng hệ thống tài khoản quốc gia, Tổng cục Thống kê đã áp dụng các khái niệm, nguyên tắc, nguồn thông tin và phương pháp tính GDP theo đúng quy định trong hệ thống tài khoản quốc gia (SNA) của thống kê Liên hợp quốc.
Dựa vào phân tích luồng chu chuyển thu nhập và chỉ tiêu trong nền kinh tế, các nhà kinh tế đã chỉ ra mối quan hệ đẳng thức giữa tổng sản phẩm trong nước với tổng thu nhập từ sản xuất và tổng chi tiêu trong nền kinh tế. Các đẳng thức này là cơ sở lý luận của ba phương pháp tính chỉ tiêu GDP, đó là phương pháp sản xuất, phương pháp sử dụng và phương pháp thu nhập.
Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT) tổ chức họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm 2014. Ảnh: Danh Lam – TTXVN
Hiện nay, Tổng cục Thống kê áp dụng phương pháp sản xuất và phương pháp sử dụng để tính chỉ tiêu GDP hàng quý và cả năm; phương pháp thu nhập được áp dụng 5 năm một lần vào những năm tiến hành điều tra chuyên sâu để lập bảng cân đối liên ngành.
Trong thập kỷ 90 của thế kỷ trước, hàng năm Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) đến Việt Nam kiểm tra nguồn thông tin và phương pháp tính chỉ tiêu GDP do Tổng cục Thống kê thực hiện và các Tổ chức này đều khẳng định phương pháp tính của thống kê Việt Nam theo đúng phương pháp của thống kê Liên hợp quốc. Hiện nay họ không đặt vấn đề kiểm tra đối với thống kê Việt Nam mà hoàn toàn tin tưởng, sử dụng số liệu GDP do Tổng cục Thống kê tính toán và công bố.
Do vậy, tôi cho rằng, vừa qua, có một bộ phận dư luận hoài nghi về cách tính GDP của Tổng cục Thống kê là không có cơ sở, thậm chí một số ý kiến còn chỉ ra những bất cập của Tổng cục Thống kê trong biên soạn GDP.
Những ý kiến này thể hiện sự hiểu biết không thấu đáo và sai lệch về hệ thống tài khoản quốc gia, về chất lượng thông tin thống kê và phương thức tổ chức hoạt động thống kê của Việt Nam.
– Việc các địa phương tính toán GDP “mỗi nơi một kiểu” có phải là lý do khiến kết quả đánh giá “sức khỏe” của nền kinh tế thiếu chính xác hay không, thưa ông?
Tiến sỹ Nguyễn Bích Lâm: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 183, Tổng cục Thống kê đã biên soạn tài liệu hướng dẫn và triển khai tập huấn để áp dụng thống nhất cho tất cả các Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong thu thập thông tin, biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP). Vì vậy không thể nói các địa phương tính GRDP mỗi nơi một kiểu.
Tuy vậy, sau 20 năm thực hiện tính toán GRDP của địa phương, đã phát sinh hiện tượng chênh lệch số liệu GDP của toàn bộ nền kinh tế với GRDP của các địa phương. Tổng cục Thống kê đã xác định nguyên nhân của hiện tượng chênh lệch số liệu này để đưa ra giải pháp khắc phục triệt để trong những năm tới.
Hiện nay, Tổng cục Thống kê trực tiếp tính chỉ tiêu GDP của toàn bộ nền kinh tế theo phương pháp sản xuất và phương pháp sử dụng, không dựa trên cơ sở cộng đơn thuần số liệu GRDP của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Các Cục Thống kê tính GRDP cho cấp tỉnh theo phương pháp sản xuất chủ yếu để đáp ứng nhu cầu thông tin thống kê phục vụ sự lãnh đạo, điều hành kinh tế-xã hội của lãnh đạo Đảng và chính quyền các cấp ở địa phương.
Do vậy, tôi cho rằng, tình trạng chênh lệch số liệu GDP giữa Trung ương và địa phương không ảnh hưởng đến tính chính xác của số liệu GDP tính cho toàn bộ nền kinh tế và không ảnh hưởng tới đánh giá “sức khỏe” của toàn bộ nền kinh tế.
– Cũng có ý kiến cho rằng cách tính GRDP của các địa phương không chính xác là do nguồn thông tin tính GDP của các địa phương còn bất cập. Bên cạnh đó, việc xác định chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế của một số địa phương hàng năm còn do áp lực hoàn thành các chỉ tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Ông nhận định về vấn đề này thế nào?
Tiến sỹ Nguyễn Bích Lâm: GDP là chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, các nguyên tắc và phương pháp luận chỉ phù hợp tính cho toàn bộ nền kinh tế, vì thế phần lớn các nước trên thế giới chỉ tính GDP cho phạm vi toàn bộ nền kinh tế, song cũng có một số nước tính cho phạm vi cấp tỉnh hoặc vùng như Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan, Canada, Australia, Hàn Quốc.
Ở Việt Nam để đáp ứng nhu cầu thông tin phục vụ sự lãnh đạo, điều hành phát triển kinh tế-xã hội của Đảng bộ và chính quyền cấp tỉnh, Tổng cục Thống kê đã chỉ đạo tập trung, thống nhất các Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương biên soạn số liệu tổng sản phẩm trên địa bàn theo phương pháp sản xuất.
Theo tôi, một trong những nguyên tắc quan trọng phải áp dụng trong tính toán chỉ tiêu GDP và GRDP đó là nguyên tắc thường trú. Theo nguyên tắc này đơn vị thu thập thông tin để tính toán phải là “đơn vị cơ sở sản xuất thường trú,” nghĩa là đơn vị kinh tế chỉ tham gia vào một hoạt động sản xuất ở một địa điểm cố định. Rất khó áp dụng nguyên tắc này để thu thập thông tin tính GRDP.
Tôi lấy ví dụ: chẳng hạn một doanh nghiệp xây dựng đăng ký trụ sở chính tại Hà Nội, trúng thầu xây dựng ở Hải Dương, áp dụng nguyên tắc thường trú thì kết quả hoạt động xây dựng tại Hải Dương phải được tính vào GRDP của Hải Dương, trong trường hợp này Cục Thống kê tỉnh Hải Dương rất khó thu thập thông tin từ doanh nghiệp xây dựng của Hà Nội.
Thêm nữa, việc chấp hành chế độ kế toán của khối doanh nghiệp chưa tốt, nhất là khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp ngoài quốc doanh, số liệu quyết toán thiếu nhiều chỉ tiêu, không sát với tình hình sản xuất kinh doanh, do đó ảnh hưởng đến chất lượng thông tin thu thập của các cuộc điều tra thống kê.
Ngoài ra, việc tính chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế một số địa phương chịu nhiều áp lực với mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của từng giai đoạn và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hàng năm mà Đại hội Đảng bộ cấp tỉnh và Nghị quyết hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân cùng cấp đã đề ra. Hầu hết chỉ tiêu tăng trưởng GRDP được cấp tỉnh thông qua đều khá cao, chưa phù hợp với năng lực và điều kiện kinh tế của địa phương.
– Vậy trong thời gian tới, Tổng cục Thống kê đã có kế hoạch gì để nâng cao chất lượng các chỉ tiêu thống kê, thưa ông?
Tiến sỹ Nguyễn Bích Lâm: Một trong những giải pháp chính mà Tổng cục Thống kê chú trọng trong thời gian tới là sẽ nâng cao hơn nữa chất lượng trong quá trình thu thập, xử lý và tổng hợp số liệu thống kê.
Mặt khác, Tổng cục Thống kê đề nghị các đơn vị sản xuất kinh doanh, các đơn vị hành chính sự nghiệp và hộ dân cư cung cấp thông tin đúng thực trạng sản xuất kinh doanh, đảm bảo thời gian.
Bên cạnh đó, các Bộ ngành cũng cần quan tâm hơn nữa trong việc chia sẻ thông tin để Tổng cục Thống kê có đầy đủ thông tin biên soạn số liệu các chỉ tiêu thống kê khác được chính xác.
Ngoài ra, Tổng cục Thống kê sẽ tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy thống kê từ Trung ương xuống địa phương; nâng cao năng lực chuyên môn, tinh thần trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ công chức làm công tác thống kê. Đặc biệt, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để nâng cao chất lượng trong từng công đoạn của hoạt động thống kê.
– Xin cảm ơn ông!
Kim Oanh (st)
Nguồn: http://nguyentandung.org/phuong-phap-tinh-gdp-cua-viet-nam-theo-dung-quy-dinh-lhq.html