Dịch tễ học sốt xuất huyết và mối liên quan đến môi trường, khí hậu
1. Dịch tễ học bệnh sốt xuất huyết Dengue
- Khái niệm:
Sốt xuất huyết Dengue là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virut Dengue gây nên bênh lây theo đường máu, trung gian truyền bệnh là muỗi Aedes aegypti. Bệnh có biểu hiện lâm sàng chủ yếu là sốt cấp diễn và xuất huyết với nhiều dạng khác, nhưng thể nặng có sốc do giảm khối lượng máu lưu hành Địa bàn trong nước và quốc tế
- Lịch sử nghiên cứu
Bệnh sốt Dengue được Spaniards mô tả lần đầu tiên vào năm 1764. Căn nguyên gây bệnh là các virut Dengue do Ashburn và Graig phát hiện năm 1907. Năm 1953 một vụ dịch sốt xuất huyết Dengue xảy ra ở Philippin. Năm 1958 một vụ dịch tương tự xảy ra ở Thái lan, căn nguyên gây bệnh là các virut Dengue đã được xác định. Do dịch ngày càng lan rộng ra các nước Đông nam á, như Việt nam năm 1958- 1960, Singapo, Lào, Cămpuchia … và các nước Tây Thái Bình Dương trong những năm sau, tổ chức y tế thế giới (WHO) năm 1964 đã thống nhất tên gọi của bệnh là sốt xuất huyết Dengue.
Cho đến nay hầu hết các nước trên thế giới đều có thể có bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue. Nhiều công trình nghiên cứu về bệnh này đã được tiến hành. Tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề như co chế bệnh sinh của bệnh, điều trị những thể bệnh nặng và phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ.
- Dịch tễ học
- Mầm bệnh
Virut Dengue thuộc nhóm Flavivirus (họ Arbovirut nhóm B hay Flaviviridae) virut Dengue có 4 typ huyết thanh: 1,2,3 và 4. Có nhân ARN, có 3 gen Protein có cấu trúc Protein C (lõi), Protein M (màng), Protein (vỏ) và 7 Protein không cấu trúc. Protein E có chức năng trung hoà và tương tác với các thụ thể.
Các virut Dengue có nhiều kháng nguyên, có kháng nguyên đặc hiệu của typ, có nhữngkháng nguyên chung của phân nhóm và nhóm. Cả 4 typ huyết thanh virut Dengue có họ hàng với nhau phản ứng chéo nhau. Tuy nhiên, kháng thể thu được sau khi nhiễm một typ huyết thanh có phản ứng dương tính nhưng không trung hoà hoàn toàn được các typ còn lại
- Nguồn bệnh
Là bệnh nhân cần chú ý những người mắc bệnh thể nhẹ ít được quản lý nên là nguồn bệnh quan trọng. Những nghiên cứu ở Malaixia đã chứng minh được loài khỉ hoang dã là nguồn chứa mầm bệnh, nhưng chưa có bằng chứng bệnh lây từ khỉ sang người
- Đường lây
Bệnh lây theo đường máu qua muỗi Aedes.Muỗi chủ yếu: A. aegypti ở thành thị.Muỗi thứ yếu: A. acbopictus ở nông thôn, trong rừng A. Polynesiensis ở Nam thái bình dương. Một số loài muỗi khác như A. Scultellaris, A. niveus, A. cooki…là trung gian truyền bệnh thứ yếu.
Aedes aegypti là muỗi vằn, có nhiều ở thành phố, thị xã, sống trong nhà và ngoài trời sinh sản thuận lợi ở những dụng cụ chứa muỗi nhân tạo gần nhà. Nhiệt độ thuận lợi cho trứng muỗi phát triển là trên 260C (11- 18 ngày) ở nhiệt độ 32- 330 C chỉ cần 4-7 ngày. Muỗi Aedes aegypti ưa đốt người, đốt dai, đốt nhiều lần đến no máu thì thôi, đốt người chủ yếu vào ban ngày. Sau khi đốt no máu, muỗi đậu ở nơi tối, độ cao từ 2m trở xuống, bay xa được 400m
- Cơ thể cảm thụ
Các địa phương có dịch lưu hành nhiều năm, trẻ em dễ bị mắc bệnh, lứa tuổi bị bệnh có xu hướng ngày càng nhỏ dần.Địa phương lần đầu có dịch thì mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh.Không khác nhau về giới tính.
Dịch sốt xuất huyết Dengue hay xảy ra vào mùa mưa, nóng. Mật độ muỗi A. aegypti cao. Ở nước ta, dịch bệnh Dengue xuất huyết được chia thành 3 vùng.
+ Vùng 1: Có bệnh quanh năm phát triển dịch vào mùa hè thu gặp chủ yếu ở trẻ em, là những vùng có nhiệt độ trên 200 C, đồng bằng sông Cửu Long, ven biển miền trung.
+ Vùng 2: Không có bệnh vào những tháng rét, dịch xuất hiện vào các tháng mưa, nóng cả người lớn và trẻ em đều mắc bệnh, là vùng đồng bắc bộ khu 4
+ Vùng 3: Bệnh tản phát vào các tháng mưa, nóng thường không thành dịch nặng là vùng Tây Nguyên vùng núi phía bắc
2. Mối liên quan giữa môi trường khí hậu và dịch sôt xuất huyết
Có thể nói biến đổi khí hậu với biểu hiện cơ bản là sự nóng lên toàn cầu dẫn đến sự thay đổi và dịch chuyển của các đới khí hậu lên phía bắc, đồng thời ảnh hưởng đến độ ẩm, nhiệt độ trung bình năm, lượng mưa tại tất cả các nơi trên thế giới. Những yếu tố này là những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến sự sinh sản và phát triển của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết là muỗi Aedes aegypti, theo như dự đoán các yếu tố này sẽ thay đổi theo hướng tạo thuận lợi hơn cho sự phát triển của loài muỗi này. Đã có nhiều nghiên cứu dự đoán sự mở rộng phạm vi và số lượng các vụ dịch sốt xuất huyết nhìnchung sẽ gia tăng trên toàn cầu. Khu vực Đông Nam Á cũng trong xu hướng chung là mức độ bệnh sốt xuất huyết sẽ ngày càng mạnh và tần số bùng phát các vụ dịch ngày càng cao. Năm 2016 được ghi nhận là năm có số ca mắc sốt xuất huyết cao so với các năm trước ở hầu hết các nước thuộc khu vực Đông Nam Á, bao gồm cả Việt Nam.
Biến đổi khí hậu cũng sẽ làm gia tăng hiện tượng hạn hán, nắng nóng ở nhiều nơi. Sau hạn hán thường các vụ dịch sốt xuất huyết sẽ bùng phát mạnh hơn, có thể giải thích hiện tượng này là do sau hạn hán, miễn dịch của con người với sốt xuất huyết bị suy giảm nên dễ nhiễm bệnh hơn, đồng thời sau hạn hán sẽ có mưa ẩm tăng lên làm muỗi phát triển nhanh cũng là một yếu tố góp phần làm dich bệnh phát triển. Năm 2016 dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh tại miền Nam và Tây Nguyên – nơi chịu ảnh hưởng lớn của El Nino.
Một điều quan trọng khác của dịch bệnh có thể là sự tương tác của bốn týp huyết thanh sốt xuất huyết khác nhau. Mức độ phơi nhiễm trước của một quần thể dân cư cho mỗi týp huyết thanh sốt xuất huyết có thể là một yếu tố quyết định quan trọng đối với một dịch lớn xảy ra hơn là chu kỳ khí hậu.
Ngoài các yếu tố về thời tiết khí hậu có ảnh hưởng đến dịch tễ của bệnh sôt xuất huyết phải kể đến các yếu tố khác như dân số, đô thị hóa, dân trí, tình trạng môi trườngthiếu vệ sinh, tăng du lịch đường dài, kiểm soát muỗi không hiệu quả, năng lực của hệ thống y tế cơ sở… Tại thành phố, đô thị mật độ dân cư cao, nhà cửa chật hẹp và liền sát nhau sẽ tạo các ngóc ngách cho muỗi trú ngụ, sinh sôi phát triển. Những vùng dân cư dân trí thấp không biết tự phòng tránh muỗi như nằm ngủ không mắc màn, nguồn nước kém vệ sinh, vệ sinh môi trường kém, nhiều ao tù vũng nước đọng, bụi rậm cũng là những điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh xuất hiện. Ở nhiều nơi, hệ thống y tế yếu kém phát triển, khả năng tuyên truyền cảnh báo, phòng trừ dịch bệnh không hiệu quả cũng là một nguyên nhân khiến tỷ lệ mắc sốt xuất huyết không thể giảm xuống.
Như vậy, có thể nói môi trường, khí hậu và sốt xuất huyết có những mối quan hệ rất mật thiết. Sự thay đổi của môi trường và khí hậu sẽ kéo theo sự thay đổi của dịch bệnh sốt xuất huyết mà nguyên nhân chủ yếu liên quan đến sự phát triển của vật trung gian gây bệnh là muỗi Aedes.
3. Diễn biến dịch sốt xuất huyết hiện nay
- Tình hình sốt xuất huyết trên thế giới
Sốt xuất huyết là một trong những bệnh truyền nhiễm mới nổi có tốc độ gia tăng nhanh nhất trên thế giới. Trên 2,5 tỷ người hay trên 40% dân số thế giới hiện có nguy cơ mắc sốt xuất huyết.
Tỷ lệ mắc mới sốt xuất huyết cũng tăng đột biến trên khắp thế giới trong những thập kỷ gần đây. WHO ước tính mỗi năm có thể có tới 50-100 triệu người bị mắc sốt xuất huyết trên toàn thế giới. Khoảng 250.000 người có những biểu hiện thể bệnh nặng.
Không chỉ gia tăng về số lượng ca bệnh, sốt xuất huyết còn mở rộng phạm vi lây lan về mặt địa lý trong thập kỷ qua.
Trong khi chỉ có 9 nước bị những trận dịch nặng trước năm 1970, sốt xuất huyết ngày nay lưu hành tại hơn 100 quốc gia ở châu Phi, châu Mỹ, Đông Địa Trung Hải, Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương. Trong số những khu vực này, Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương, quê hương của các quốc gia thành viên ASEAN, bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Theo thông tin của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), dịch sốt xuất huyết tại một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á đang diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng.
Sự gia tăng về số ca bệnh và sự mở rộng về mặt địa lý của các quốc gia bị ảnh hưởng có thể quy cho một số yếu tố. Trong đó bao gồm cả công tác giám sát và báo cáo được cải thiện có thể góp phần vào sự gia tăng số lượng các ca bệnh được báo cáo. Tuy nhiên, điều đó vẫn nhấn mạnh gánh nặng to lớn mà căn bệnh truyền nhiễm mới nổi này gây ra cho toàn khu vực.
Tình hình mắc sốt xuất huyết tại Việt Nam.
- Theo WHO tình hình nhiễm sốt xuất huyết ở Việt Nam không ổn định nhưng thời kỳ cao điểm của dịch sốt xuất huyết là từ tháng 6 đến tháng 10 hàng năm. Tỷ lệ mắc sốt xuất huyết / 100.000 dân tăng liên tục, từ 32,5 ca năm 2000 (24.434 ca) lên 120 năm 2009 (105.370 ca), và 78 ca/ 100.000 dân năm 2011 (69.680 ca).
- Trên 85% ca mắc và 90% ca tử vong do sốt xuất huyết là ở các tỉnh miền Nam Việt Nam. Khoảng 90% số ca tử vong do sốt xuất huyết là ở nhóm tuổi dưới 15.
- Việt Nam đã thành công trong kiểm soát tỷ lệ tử vong do sốt xuất huyết. Từ năm 2005 đến nay tỷ lệ tử vong là dưới 1 ca /1000 ca bệnh. Tuy nhiên Việt Nam vẫn chưa đạt nhiều thành công trong việc giảm số ca mắc sốt xuất huyết.
- Gần như tất cả các ca mắc sốt xuất huyết và tử vong đều ở các tỉnh phía Nam. Trong giai đoạn từ 2001 đến 2011 có 76,9% ca mắc sốt xuất huyết và 83,3% ca tử vong do sốt xuất huyết là ở 20 tỉnh phía Nam.
- Dịch sốt xuất huyết thường xảy ra theo chu kỳ từ 3 đến 5 năm một lần.
Dịch sốt xuất huyết tại Việt Nam diễn biến phức tạp bất thường
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết từ đầu năm đến nay, cả nước đã có 49.209 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 9,7% so với cùng thời điểm năm 2016. 10 tỉnh có số mắc sốt xuất huyết cao như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cà Mau, Đồng Tháp… Dịch sốt xuất huyết tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền Nam và miền Trung chiếm tới 85% tổng số ca bệnh sốt xuất huyết trên cả nước. Khu vực phía Bắc ghi nhận chủ yếu ở Hà Nội.
Theo ông Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, tình hình dịch sốt xuất huyết đang diễn ra phức tạp. Dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố năm nay đến sớm hơn mọi năm khoảng 2 tháng, số ca mắc tăng nhanh từ tháng 5, 6, tập trung chủ yếu ở các quận nội thành, như: Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông, Cầu Giấy và Ba Đình. Tính đến ngày 29/6, toàn thành phố ghi nhận 2889 trường hợp sốt xuất huyết, 1 ca tử vong. Hơn 90% số trường hợp mắc đã khỏi bệnh, chỉ còn 230 trường hợp đang được điều trị tại các bệnh viện. Hầu hết các ổ dịch có quy mô khu dân cư, thôn, xóm, chưa có ổ dịch lớn tập trung. 10 năm trở lại đây, dịch cao đỉnh điểm nhất là năm 2009 với khoảng 16.000 ca, trung bình các năm là 5.000-6.000 ca.
Theo ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, tính đến 6/7, số ca bệnh mắc sốt xuất huyết là 9.628, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái (8.422 ca), 17/24 quận, huyện có số ca sốt xuất huyết tăng so với năm 2016, trong đó quận 12 tăng đến 85%. Thành phố đã có 3 trường hợp tử vong vì căn bệnh này. Đây là nơi có số lượng bệnh nhân mắc bệnh cao nhất cả nước.
Ngành y tế đã và đang tổ chức, phối họp các đơn vị ra quân đồng loạt để dập dich trên địa bàn Hà Nội và toàn quốc
Lệ Hằng (sưu tầm)
Nguồn: http://dichvu.nioeh.org.vn/suc-khoe-moi-truong/dich-te-hoc-benh-sot-xuat-huyet-va-moi-lien-quan-den-moi-truong-khi-hau