Hội thảo Khung khái niệm mới của Tổ chức Lao động quốc tế về chỉ tiêu thống kê lao động, việc làm

Ngày 03 tháng 8 năm 2018, Tổng cục Thống kê phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức Hội thảo Khung khái niệm mới của ILO về chỉ tiêu thống kê lao động, việc làm. Tham dự Hội thảo có đại diện của ILO tại Việt Nam và các tổ chức quốc tế; đại diện các bộ, ngành, các đơn vị trong Tổng cục Thống kê và một số Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các chuyên gia, nhà nghiên cứu từ các trường đại học và viện nghiên cứu. Ông Phạm Quang Vinh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê tham dự, phát biểu khai mạc và chủ trì Hội thảo.

Công tác thống kê lao động, việc làm của Tổng cục Thống kê hiện đang áp dụng các tiêu chuẩn thống kê dân số hoạt động kinh tế, việc làm, thất nghiệp và thiếu việc làm được ILO khuyến nghị tại Hội nghị quốc tế về Thống kê lao động lần thứ 13 năm 1982 (ICLS 13). Tuy nhiên, Hội nghị quốc tế về Thống kê lao động lần thứ 19 năm 2013 (ICLS 19) đã cập nhật lại các tiêu chuẩn trước đó về thống kê dân số hoạt động kinh tế, việc làm, thất nghiệp và thiếu việc làm của ICLS 13[*]. Sự khác biệt giữa khung khái niệm của ICLS 19 và ICLS 13 chủ yếu liên quan tới hoạt động sản xuất tự cung tự cấp: ICLS 13 coi sản xuất tự cung tự cấp là một công việc, trong khi ICLS 19 thì lại không coi sản xuất tự cung tự cấp là một công việc.

Theo ICLS 13, những người từ 15 tuổi trở lên làm việc để được trả công/trả lương, làm việc để thu lợi nhuận, sản xuất sản phẩm tự sản tự tiêu, làm việc để học việc, làm tình nguyện cho các tổ chức, làm tình nguyện để tạo ra sản phẩm cho hộ gia đình được coi là có việc làm; và nếu những người này cung cấp dịch vụ tự sản tự tiêu (nấu ăn, dọn dẹp,…), tình nguyện cung cấp dịch vụ tự sản tự tiêu cho hộ gia đình thì được coi là không có việc làm. Trong khi đó, theo ICLS 19, những người từ 15 tuổi trở lên làm việc để được trả công/trả lương, làm việc để thu lợi nhuận thì được coi là có việc làm; và nếu những người này cung cấp dịch vụ tự sản tự tiêu (nấu ăn, dọn dẹp,…), tình nguyện cung cấp dịch vụ tự sản tự tiêu cho hộ gia đình, sản xuất sản phẩm tự sản tự tiêu, học việc không được trả công, làm tình nguyện cho các tổ chức, làm tình nguyện để tạo ra sản phẩm cho hộ gia đình thì được coi là không có việc làm.

Tổng cục Thống kê đã thí điểm áp dụng khung khái niệm mới theo ICLS 19 của ILO trong điều tra lao động việc làm tại Thái Bình và Hà Giang trong năm 2015,2016 và thực hiện thí điểm ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương vào năm 2017. So sánh kết quả khi áp dụng khung khái niệm của ICLS 19 và ICLS 13 từ điều tra lao động việc làm năm 2017 của một số chỉ tiêu chủ yếu như sau:

Tên chỉ tiêu

Đơn vị tính

ICLS 13

ICLS 19

Lực lượng lao động

Nghìn người

54.823

51.999

Tỷ lệ lực lượng lao động đã qua đào tạo

%

21,7

22,9

Tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm

%

74,7

70,6

Tỷ lệ lao động trong độ tuổi có việc làm

%

82,4

78,7

Tỷ lệ thất nghiệp

%

2,04

3,14

Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp

%

7,50

9,10

Tỷ lệ người thiếu việc làm

%

1,6

2,4

Tiền công, lương bình quân tháng

Nghìn đồng

5.358

5.361

Thu nhập bình quân một người/tháng của hoạt động chính

Nghìn đồng

4.266

4.548

Thu nhập bình quân một người/tháng của các hoạt động kinh tế

Nghìn đồng

4.427

4.755

Năng suất lao động xã hội (GDP/lao động) bình quân năm

Triệu đồng/lao động

93,2

99,1

Thảo luận tại Hội thảo, từ những thay đổi về khung khái niệm của ILO và các kết quả thí điểm của Tổng cục Thống kê, các đại biểu tham dự Hội thảo đều ủng hộ việc áp dụng khung khái niệm mới của ILO trong công tác thống kê lao động, việc làm của Việt Nam. Tuy nhiên, các ý kiến góp ý và thảo luận cũng cho thấy nhiều vấn đề thách thức khi áp dụng khung khái niệm mới này của ILO cả về mặt pháp lý, lộ trình thực hiện cũng như kỹ thuật tính toán các chỉ tiêu thống kê có liên quan.

Kết luận Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Phạm Quang Vinh đánh giá cao sự có mặt và đóng góp ý kiến của các đại biểu tham dự, đặc biệt là sự hỗ trợ của ILO cho Tổng cục Thống kê trong thời gian qua cũng như sắp tới. Các ý kiến thảo luận, góp ý của các căn cứ quan trọng để Tổng cục Thống kê tiếp tục hoàn thiện kỹ thuật tính toán và lộ trình thực hiện, áp dụng khung khái niện mới của ILO trong công tác thống kê lao động, việc làm. Ông Vinh cũng chỉ đạo Vụ Thống kê Dân số và Lao động nghiên cứu kỹ các ý kiến thảo luận, góp ý của đại biểu tham dự hội thảo để tiếp thu và giải trình đầy đủ. Vụ cũng cần tìm hiểu, học hỏi thêm kinh nghiệm của các nước khác trong việc áp dụng khung khái niệm mới của ILO. Sau Hội thảo này, Tổng cục Thống kê sẽ tổ chức các cuộc họp ở cấp cao hơn với các bộ, ngành có liên quan nhằm tiếp tục hoàn thiện các tài liệu (đặc biệt sự cần thiết phải áp dụng khung khái niệm mới của ILO, lộ trình thực hiện cũng như xử lý các khó khăn vướng mắc đã được chỉ ra) trước khi triển khai áp dụng chính thức.

ĐBH


[*] Sự thay đổi này xuất phát từ 3 lý do chính:

(1) Những hạn chế và bất cập do thông tin thị trường lao động không được phản ánh đầy đủ do áp dụng các tiêu chuẩn theo ICLS 13 (đặc biệt trong những thời kỳ khủng hoảng kinh tế thế giới).

(2) Những người sản xuất sản phẩm cho chính họ, hay nói cách khác những người sản xuất sản phẩm tự cung tự cấp, họ không được trả tiền và không nhận được bất kỳ lợi nhuận nào từ việc này. Do vậy, sản xuất tự cung tự cấp không thể được coi là một công việc.

(3) Bối cảnh kinh tế đang thay đổi, đặc biệt là các phương thức sản xuất thay đổi, ngày càng có ít quốc gia có nền sản xuất tự cung tự cấp. Nhiều quốc gia phát triển về cơ bản không có sản xuất tự cung tự cấp. Do đó, số liệu thống kê về việc làm bao gồm sản xuất tự cung tự cấp sẽ không thể so sánh được ở tất cả các quốc gia.