Đánh giá lại GDP: Chỉ là cập nhật số liệu đầy đủ, chính xác hơn
Trong thời gian vừa qua, Tổng cục Thống kê đã đánh giá lại quy mô GDP của nền kinh tế, theo đó hơn 76.000 doanh nghiệp được bổ sung vào đánh giá đã khiến GDP giai đoạn 2011-2017 tăng thêm 25,4%/năm.
Tọa đàm Đối thoại chính sách với chủ đề: “Đánh giá lại quy mô GDP của nền kinh tế: Những vấn đề đặt ra từ các góc nhìn đa chiều”
Sáng 31/10, tại Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp cùng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức tọa đàm Đối thoại chính sách với chủ đề: “Đánh giá lại quy mô GDP của nền kinh tế: Những vấn đề đặt ra từ các góc nhìn đa chiều”.
Phát biểu tại tọa đàm, PGS.TS. Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, việc tính toán lại quy mô GDP vừa qua đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ phía các cơ quan quản lý, các chuyên gia kinh tế, người dân và doanh nghiệp… Vì thế, việc tính toán này cần phải được nhìn nhận một cách cụ thể, từ góc nhìn khác nhau từ các bên liên quan để có những ý kiến xác đáng, giúp ích cho phát triển kinh tế vĩ mô.
Theo các chuyên gia, GDP là chỉ tiêu kinh tế vĩ mô quan trọng, không chỉ phản ánh quy mô, tiềm lực của nền kinh tế mà còn là cơ sở để tính toán nhiều chỉ tiêu kinh tế – xã hội làm đòn bẩy cho phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, Việt Nam đang thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đặc biệt là sự phát triển mạnh của khu vực kinh tế ngoài nhà nước, hoạt động sản xuất phát triển đa dạng… nên việc theo dõi, thu thập và cập nhất thông tin gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng tới chất lượng số liệu thống kê. Vì thế, việc đánh giá lại quy mô GDP là điều cần thiết.
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, hầu hết các nước trên thế giới đều đánh giá lại quy mô GDP nhằm đánh giá lại vai trò của nền kinh tế, từ đó thúc đẩy nền kinh tế. Vì thế, Tổng cục Thống kê sẽ tính toán trên nguyên tắc: đảm bảo tính toàn diện, đảm bảo thống nhất quy trình và phương pháp tính, đảm bảo tính lịch sử và tính so sánh.
Tuy nhiên, các chuyên gia tại Tọa đàm đặt ra lo ngại, việc tính toán lại GDP sẽ có tác động cả tích cực và tiêu cực đến nền kinh tế, nên vấn đề là làm thế nào để có sự hài hòa và phù hợp.
Theo chuyên gia kinh tế PGS.TS. Ngô Trí Long, GDP đánh giá lại tăng 25,4% sẽ gây lo ngại khi nguồn thu không đổi, dư địa chi tiêu, vay nợ sẽ nới rộng. Hơn nữa, việc đánh giá lại nằm ở giai đoạn 2011-2017 không còn nhiều ý nghĩa khi nền kinh tế đã diễn ra như vậy rồi, trong khi nghiên cứu tác động đến tương lai mới là điều đáng quan tâm. Bởi chỉ tiêu GDP là căn cứ và cơ sở quan trọng để tính một số chỉ tiêu như: nợ công, nợ nước ngoài, đầu tư công, thâm hụt ngân sách…
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, chúng ta có thể an tâm khi việc đánh giá lại quy mô GDP được Tổng cục Thống kê thực hiện trên các nguyên tắc và thông lệ quốc tế. Nên đây không phải là cách tính mới mà chỉ là cập nhất số liệu tính toán đầy đủ, chính xác hơn.
Thái học (St)