Hội nghị Thống kê toàn quốc
Sáng ngày 17 tháng 3 năm 2022, tại Hà Nội, được sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) tổ chức Hội nghị Thống kê toàn quốc. Đến dự và chỉ đạo trực tiếp tại Hội nghị có đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam; đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương. Tham dự Hội nghị trực tiếp, về phía các bộ, ngành, địa phương có đồng chí Nguyễn Sỹ Hiệp, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; đồng chí Trần Hồng Nguyên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội; đồng chí Nguyễn Tường Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành địa phương và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Về phía TCTK có Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Trung Tiến; đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc TCTK, lãnh đạo các Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ chính trị, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Hội nghị
Tại các điểm cầu trực tuyến có sự tham dự của các lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; lãnh đạo các sở, ngành thuộc Ủy ban nhân dân; lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy/Thành ủy, Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Lãnh đạo các cơ quan cấp tỉnh; lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện; Văn phòng huyện ủy/quận ủy/thị ủy/thành ủy; các phòng, ban; lãnh đạo và công chức 63 Cục Thống kê các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 2 Trường Cao đẳng Thống kê; Chi cục Thống kê ở cấp huyện. Ngoài ra còn có các cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài ngành đến đưa tin.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, Thống kê Việt Nam với nòng cốt là Tổng cục Thống kê trong những năm qua đã không ngừng nỗ lực, ứng dụng công nghệ thông tin, tổ chức triển khai công tác thống kê, tăng cường phối hợp, thực hiện Luật Thống kê và các Nghị định của Chính phủ, Quyết định, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Từ đó, công tác thống kê tập trung cũng như thống kê Bộ, ngành và địa phương đã có những chuyển biến tích cực: Hệ thống chỉ tiêu, chế độ báo cáo thống kê được bổ sung, hoàn thiện; ứng dụng công nghệ thông tin trong thu thập, tổng hợp, phân tích và phổ biến thông tin thống kê được chú trọng. Hoạt động cung cấp, phổ biến thông tin thống kê được đẩy mạnh, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của Chính phủ, của lãnh đạo bộ, ngành, địa phương và nhu cầu của người dùng tin. Công tác phối hợp, chia sẻ thông tin được quan tâm, thể hiện qua việc nhiều bộ, ngành đã ký quy chế phối hợp, chia sẻ thông tin với Tổng cục Thống kê; phối hợp hiệu quả trong triển khai thực hiện các cuộc Tổng điều tra và thực hiện các Đề án lớn của ngành Thống kê. Các bộ, ngành, địa phương cũng tích cực thực hiện Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030, triển khai kịp thời Luật Thống kê, đồng thời quan tâm củng cố, hoàn hiện tổ chức thống kê của bộ, ngành và địa phương.
Đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng,
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu khai mạc Hội nghị
Bộ trưởng cũng cho biết, Hội nghị Thống kê toàn quốc lần này có một ý nghĩa rất quan trọng, nhằm mục đích tăng cường kỷ luật, kỷ cương và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thống kê tập trung; thống kê bộ, ngành và địa phương thông qua việc đánh giá lại kết quả triển khai thực hiện Luật Thống kê và các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao như: Chiến lược phát triển Thống kê, Quyết định quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thống kê; Nghị định của Chính phủ về tổ chức thống kê bộ, ngành, đồng thời đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới để năm 2030 Thống kê Việt Nam đạt trình độ tiến tiến trong khu vực ASEAN và đến năm 2045 trở thành hệ thống thống kê hiện đại trên thế giới như mục tiêu đề ra tại Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bộ trưởng cũng đề nghị trong Hội nghị này, các đồng chí lãnh đạo bộ, ngành, địa phương; các đồng chí làm công tác thống kê tại các đơn vị và các đại biểu cần đánh giá một cách khách quan kết quả đạt được trên các mặt hoạt động cũng như thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập còn tồn tại và đâu là nguyên nhân chủ yếu của hạn chế, bất cập đó. Đồng thời, tập trung thảo luận, đưa ra các giải pháp nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thống kê tập trung; thống kê bộ, ngành và địa phương…
Hội nghị được nghe Báo cáo “Công tác thống kê Nhà nước – thực trạng và nhiệm vụ trong thời gian tới” do bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng TCTK trình bày. Báo cáo nhấn mạnh, cùng với sự phát triển của đất nước, công tác thống kê nhà nước không ngừng trưởng thành và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận: (1) Hoàn thiện thể chế, các văn bản pháp luật về thống kê; (2) Mô hình tổ chức của Tổng cục Thống kê được kiện toàn từ Trung ương tới địa phương, tổ chức thống kê tại bộ, ngành, địa phương được hình thành và củng cố; (3) Trình độ năng lực của người làm công tác thống kê ngày càng được nâng cao; (4) Công tác chuyên môn luôn được nghiêm túc triển khai thực hiện với kết quả tích cực; (5) Hoạt động điều phối thống kê được thực hiện có hiệu quả, giúp công tác thống kê được triển khai thống nhất, đồng bộ, toàn diện từ Trung ương đến địa phương; (6) Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam và các đề án lớn về thống kê được triển khai toàn diện trên phạm vi cả nước; (6) Hoạt động hợp tác quốc tế về thống kê được mở rộng theo hướng hội nhập sâu rộng, góp phần nâng cao năng lực, vị thế của Thống kê Việt Nam; (7) Nguồn lực cho hoạt động thống kê được tăng cường đáp ứng yêu cầu thực hiện chức năng, nhiệm vụ trước mắt và lâu dài.
Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương trình bày tại Hội nghị
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Thống kê Việt Nam còn tồn tại một số hạn chế: Dù hệ thống văn bản pháp luật về thống kê đã tương đối hoàn thiện nhưng việc việc thực hiện chưa nghiêm dẫn tới hiệu lực, hiệu quả trong công tác thống kê chưa được như mong muốn; Tổ chức, bộ máy chưa đáp ứng việc phục vụ điều hành của cấp huyện (đặc biệt ở 02 thành phố lớn là Hà Nội và Hồ Chí Minh có số lượng doanh nghiệp và quy mô dân số mỗi huyện xấp xỉ quy mô của 01 tỉnh); nhân lực làm công tác thống kê còn thiếu về số lượng và hạn chế về chuyên môn; công tác chuyên môn thống kê vẫn còn một số bất cập gây khó khăn trong công tác tổng hợp, tính toán các chỉ tiêu thống kê; cơ sở hạ tầng và kinh phí cho hoạt động thống kê còn chưa được đầu tư tương ứng với nhu cầu ngày càng tăng về dữ liệu và sản phẩm thống kê; chưa có các chỉ tiêu thống kê phù hợp cho các thành phố lớn theo mô hình “thành phố trong thành phố”; vị trí của Thống kê Việt Nam trong khu vực ASEAN đang tụt hạng trong những năm gần đây.
Nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thống kê nhà nước trong thời gian tới, Thống kê Việt Nam xác định cần khắc phục những hạn chế nêu trên, đồng thời thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các nhiệm vụ trong Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2014/QĐ-TTg ngày 01/12/2021, trước mắt tập trung vào các nội dung sau: (1) Hoàn thiện các văn bản pháp luật phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê; (2) Hiện đại hóa hoạt động thu thập, xử lý và quản trị dữ liệu thống kê; (3) Tăng cường công tác bảo đảm và phổ biến thông tin thống kê; (4) Xây dựng, hoàn thiện, ban hành và áp dụng các tiêu chuẩn, quy trình, mô hình thống kê; (5) Hoàn thiện mô hình tổ chức, phát triển nguồn nhân lực; (6) Tăng cường cơ sở vật chất và huy động các nguồn lực tài chính phục vụ công tác thống kê; (7) Tăng cường tuyên truyền; (8) Kiểm tra, giám sát, thanh tra chuyên ngành thống kê.
Tiếp theo, các đại biểu được nghe các Báo cáo: Báo cáo tham luận về thực hiện công tác thống kê tài nguyên và môi trường do đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường trình bày; Báo cáo tham luận về công tác phối hợp và chia sẻ thông tin thống kê hải quan do đại diện Tổng cục Hải quan trình bày; Báo cáo tham luận về thực trạng sử dụng số liệu thống kê trong công tác chỉ đạo điều hành của Ủy ban nhân tỉnh Quảng Ninh do ông Nguyễn Tường Văn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh trình bày; Phát biểu của bà Caitlin Wiesen, điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam; Báo cáo tham luận về mô hình tổ chức của TCTK do ông Nguyễn Văn Tuyên, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, TCTK trình bày; Báo cáo tham luận về ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng dữ liệu hành chính và dữ liệu lớn (Big data) trong hoạt động thống kê do bà Vũ Thị Thu Thủy, Cục trưởng Cục Thu thập dữ liệu và Ứng dụng công nghệ thông tin thống kê, TCTK trình bày; Một số khó khăn, bất cập trong triển khai công tác thống kê trên địa bàn cấp huyện do ông Phan Minh Khuê, Chi cục trưởng Chi cục Thống kê huyện Yên Thành, Cục thống kê Nghệ An trình bày.
Toàn cảnh Hội nghị
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thay mặt Chính phủ ghi nhận và biểu dương TCTK (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã nỗ lực vượt qua thách thức và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Uy tín của ngành Thống kê được nâng lên, đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh tinh thần cầu thị mà báo cáo của TCTK đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong hoạt động thống kê. Với tinh thần đó, Thủ tướng chỉ đạo TCTK cần tiếp tục giữ vững vai trò của Thống kê Việt Nam phải là tai, là mắt của Đảng, đồng chí đề nghị thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện những nhiệm vụ: (1) Cần nâng cao nhận thức về công tác thống kê, đặc biệt là người đứng đầu các cấp chính quyền; (2) Thực hiện công tác thống kê một cách đầy đủ, toàn diện, khách quan, trung thực, chính xác, kịp thời, thường xuyên, liên tục, minh bạch; (3) Thực hiện phân tích, đánh giá, dự báo phải sát với tình hình và sử dụng hiệu quả số liệu thống kê để số liệu thực sự “biết nói”, thành tai, mắt của Đảng và Nhà nước“nói có sách, mách có chứng”; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo, khai thác dữ liệu lớn để phát triển nhanh, bền vững, bao trùm; (4) Cần đầu tư cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo về công tác thống kê, phải nâng cao chất lượng gắn với việc cơ cấu lại đội ngũ tinh nhuệ, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo vị trí việc làm; (5) Coi trọng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đầu tư hơn nữa cho nâng cao chuyển đổi số; (6) Công tác hợp tác quốc tế phải sâu rộng, tranh thủ kiến thức của các nước, các tổ chức quốc tế để phát triển Thống kê Việt Nam.
Một số điểm cầu trực tuyến tại Hội nghị
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương, trân trọng cảm ơn Thủ tướng đã ghi nhận, cổ vũ, động viên những kết quả, thành tựu đã đạt được của hệ thống thống kê nhà nước. Những ý kiến đánh giá, chỉ đạo sát sao đầy tâm huyết, sâu sắc; những định hướng gợi mở của Thủ tướng thể hiện sự tin tưởng, kỳ vọng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cấp uỷ, chính quyền các cấp đối với công tác thống kê nhà nước. Đó chính là sự khích lệ to lớn, đối với công chức, viên chức và người lao động làm công tác thống kê Nhà nước. Toàn thể lãnh đạo, công chức, viên chức và người lao động làm công tác Thống kê sẽ lĩnh hội đầy đủ, quán triệt sâu sắc và triển khai nghiêm túc, hiệu quả những ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư bằng kế hoạch hành động cụ thể, thiết thực. Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương tin rằng, sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Thủ tướng, của Bộ trưởng là động lực để củng cố tinh thần đoàn kết, giữ vững kỷ luật, kỷ cương, ý chí quyết tâm tăng cường nâng cao vị thế của hoạt động thống kê Nhà nước trong thời gian tới. Với chủ đề “Tăng cường kỷ luật, kỷ cương; nâng cao hiệu lực, hiệu quả”, ngay sau Hội nghị này, Tổng cục Thống kê sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để thực hiện hiệu quả các kế hoạch, nội dung công việc đã đề ra nhằm củng cố, nâng cao năng lực Hệ thống thống kê Nhà nước, cùng thực hiện tốt công tác thống kê, đảm bảo thu thập và cung cấp thông tin kịp thời, chính xác phục vụ sự quản lý, chỉ đạo điều hành của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các bộ, ban, ngành và các địa phương.
Một số hình ảnh khác tại Hội nghị