Đại dịch Covid 19 đẩy các mục tiêu SDG ra xa phạm vi tiếp cận của khu vực Châu Á- Thái Bình Dương
Năm 2022 đánh dấu năm thứ hai của đại dịch COVID-19. Dù đại dịch sắp kết thúc nhưng ảnh hưởng và hậu quả của nó sẽ còn kéo dài trong nhiều thập kỷ tới. Đồng thời, các mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững đang ngày càng trở nên xa vời. Chương trình phải sử dụng 17 mục tiêu phát triển bền vững như một lộ trình để phục hồi.
Ấn bản năm 2022 của Báo cáo Tiến trình SDG khu vực Châu Á và Thái Bình Dương do ESCAP xuất bản cho thấy ba xu hướng đáng báo động. Thứ nhất, khu vực này đang mất dần vị thế trong tham vọng năm 2030 của mình. Ngoài tiến trình bị chậm lại, các cuộc khủng hoảng và thiên tai do con người gây ra cũng cản trở khả năng đạt được các mục tiêu. Khoảng cách ngày càng rộng ra theo từng năm. Với tốc độ hiện tại, Châu Á – Thái Bình Dương hiện chỉ được kỳ vọng đạt được 17 mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2065 – chậm hơn 3,5 thập kỷ so với mục tiêu ban đầu. Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cần phải nắm bắt mọi cơ hội để bắt kịp xu hướng giảm và đẩy nhanh tiến độ.
Thứ hai, trong khi tiến trình của một số mục tiêu đã được thực hiện, một số mục tiêu đang đi theo hướng ngược lại, với tốc độ đáng lo ngại. Mặc dù cuộc khủng hoảng khí hậu ngày càng nghiêm trọng, nhưng đã có sự suy giảm về tiêu dùng và sản xuất có trách nhiệm (Mục tiêu 12) và hành động vì khí hậu (Mục tiêu 13). Các mục tiêu liên quan đến công nghiệp, đổi mới và cơ sở hạ tầng (Mục tiêu 9) và năng lượng sạch, giá cả phải chăng (Mục tiêu 7) không đạt được tốc độ cần thiết để đáp ứng Chương trình nghị sự 2030.
Cuối cùng, nhu cầu tiếp cận những người ở phía sau xa nhất chưa bao giờ lớn hơn thế. Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đang có sự chênh lệch ngày càng lớn và mức độ dễ bị tổn thương ngày càng gia tăng. Các nhóm yếu thế và dễ bị tổn thương nhất – bao gồm phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, người di cư và tị nạn, người dân nông thôn và các hộ gia đình nghèo hơn là nạn nhân của các xu hướng phát triển không bền vững và không hòa nhập. Một số nhóm có đặc điểm nhân khẩu học hoặc kinh tế xã hội khác biệt bị loại ra khỏi sự tiến bộ ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Hiểu được mối giao giữa các thách thức và các đặc điểm dân số như tuổi, giới tính, chủng tộc, dân tộc, sức khỏe, vị trí, tình trạng di cư và thu nhập là rất quan trọng để đạt được sự phục hồi cân bằng hơn. Cần có sự hợp tác cùng nhau để đảm bảo rằng không có ai hoặc quốc gia nào bị tụt lại phía sau.
Mặc dù những xu hướng này là vô cùng đáng lo ngại, nhưng cũng có một số tin tốt như: Số lượng các chỉ số có sẵn dữ liệu đã tăng gấp đôi kể từ năm 2017. Sự hợp tác giữa các cơ quan giám sát quốc gia và quốc tế đối với các chỉ số của mục tiêu phát triển bền vững đã góp phần đáng kể vào tăng cường tính sẵn có của dữ liệu. Tuy nhiên, cần phải tiếp tục tăng cường hợp tác này để thu hẹp các khoảng cách còn lại, vì 57 trong số 169 mục tiêu SDG vẫn chưa thể đo lường được.
Việc tập trung duy nhất vào phục hồi kinh tế sau đại dịch có khả năng cản trở tiến trình hướng tới các mục tiêu phát triển pền vững, vốn đã bị tụt hậu so với ban đầu. Khi khu vực nỗ lực xây dựng trở lại và phục hồi tốt hơn, Chương trình nghị sự 2030 có thể đóng vai trò là cơ chế định hướng cho phát triển kinh tế và xã hội. Các chính phủ, các bên liên quan và các tổ chức của Liên hợp quốc cần phải duy trì cam kết tập thể hướng tới một thế giới xanh và thịnh vượng hơn.
Phạm Hạnh (dịch)
Nguồn: https://www.unescap.org/op-ed/pandemic-pushes-sdgs-further-out-reach-asia-and-pacific