Hội thảo Quy trình sản xuất thông tin thống kê chung
Sáng ngày 09/12/2022, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê (TCTK) đã tổ chức Hội thảo Quy trình sản xuất thông tin thống kê chung. Phó Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Trung Tiến tham dự và chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có thủ trưởng, công chức một số đơn vị liên quan thuộc cơ quan Tổng cục Thống kê, Viện Khoa học Thống kê.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Trung Tiến cho biết, Quy trình sản xuất thông tin thống kê cấp cao được ban hành theo Quyết định số 945/QĐ-TCTK ngày 24/9/2013 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai còn có một số hạn chế, bất cập, bên cạnh đó, Quy trình này không còn phù hợp khi thực hiện cơ chế phối hợp chia sẻ thông tin do sự thay đổi về tổ chức bộ máy của TCTK trong thời gian qua và sự đổi mới khi ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác điều tra thống kê. Vì vậy, cần thiết phải ban hành Quy trình sản xuất thông tin thống kê chung. Phó Tổng cục trưởng đề nghị các địa biểu tham dự Hội thảo cần nghiêm túc lắng nghe, tập trung phát biểu vào những ý chính cần làm rõ.
Phó Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Trung Tiến phát biểu tại Hội thảo
Quy trình sản xuất thông tin thống kê là một tập hợp các hoạt động, nhiệm vụ có liên quan và có cấu trúc để chuyển đổi dữ liệu đầu vào thành thông tin thống kê. Quy trình sản xuất thông tin thống kê mô tả và xác định tập hợp các bước thực hiện cần thiết để sản xuất thông tin thống kê chính thức. Trong công tác thống kê, quy trình sản xuất thông tin thống kê có vai trò rất quan trọng, là một công cụ linh hoạt trong việc chuẩn hóa các hoạt động, thống nhất cơ chế sản xuất thông tin thống kê, điều chỉnh công việc hợp lý để giảm thiểu lỗi công tác quản lý đối với quá trình sản xuất thông tin thống kê, giảm chi phí sản xuất sản phẩm thống kê và cải thiện chất lượng dữ liệu. Quy trình sản xuất thông tin thống kê cấp cao được ban hành theo Quyết định số 945/QĐ-TCTK ngày 24/9/2013 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, gồm 7 bước thực hiện: (1) Xác định nhu cầu thông tin, (2) Chuẩn bị thu thập thông tin, (3) Thu thập thông tin, (4) Xử lý thông tin, (5) Phân tích thông tin, (6) Phổ biến thông tin và (7) Lưu trữ thông tin. Căn cứ vào quy trình sản xuất thông tin thống kê cấp cao, Tổng cục Thống kê đã áp dụng quy trình này trong việc thực hiện các cuộc điều tra, tổng điều tra và quy định cụ thể trong các phương án điều tra giúp nâng cao chất lượng thông tin thu thập. Xuất phát từ vai trò quan trọng và hạn chế, bất cập trong việc triển khai quy trình sản xuất thông tin thống kê cũng như đòi hỏi phù hợp với các chuẩn mực quốc tế mới, thì cần thiết phải ban hành quy trình sản xuất thông tin thống kê phù hợp với chuẩn mực, thông lệ quốc tế và điều kiện thực tế của Việt Nam.
Tại Hội thảo, đại diện Vụ Phương pháp chế độ và Quản lý chất lượng thống kê đã giới thiệu với các đại biểu tham dự về Quy trình sản xuất thông tin thống kê chung. Nội dung trình bày gồm có: Căn cứ pháp lý; Sự cần thiết xây dựng Quy trình sản xuất thông tin thống kê chung; Nguyên tắc xây dựng quy trình; Nội dung của Quy trình sản xuất thông tin thống kê chung; Sự khác biệt của Dự thảo Quy trình sản xuất thông tin thống kê chung so với Quyết định 945/QĐ-TCTK.
Theo đó, Nội dung của Quy trình sản xuất thông tin thống kê chung mới được TCTK xây dựng dự thảo bao gồm:
– Cấp độ 1: Gồm 08 giai đoạn: (1) Xác định nhu cầu thông tin; (2) Chuẩn bị thu thập thông tin; (3) Thu thập thông tin; (4) Xử lý thông tin; (5) Phân tích và dự báo; (6) Phổ biến thông tin thống kê; (7) Tư liệu hóa; (8) Đánh giá chất lượng.
– Cấp độ 2: Gồm 33 bước nằm trong 8 giai đoạn của quy trình sản xuất thông tin thống kê chung.
– Nội dung chi tiết của các giai đoạn/bước trong Quy trình sản xuất thông tin thống kê chung.
Trong quá trình xây dựng Quy trình sản xuất thông tin thống kê chung, Tổng cục Thống kê đã tiến hành: 1. Đánh giá thực trạng áp dụng quy trình sản xuất thông tin thống kê tại Việt Nam; 2. Tham khảo các quy trình sản xuất thông tin thống kê của một số nước trên thế giới và khu vực: Australia, Canada, Newzealand…; 3. Nghiên cứu quy trình sản xuất thông tin thống kê của Liên hiệp quốc (GSBPM phiên bản 5.1). GSBPM là quy trình 8 giai đoạn với tổng số 44 bước cụ thể; 4. Rà soát, chọn lọc từ thực tế tiến hành công việc để xác định các khâu công việc cần thực hiện để đạt mục tiêu đề ra một cách khả thi, hiệu quả nhất: Xác định thứ tự thực hiện các bước công việc theo từng gia đoạn, từ bước đầu đến bước kết thúc; 5. Đề xuất Quy trình sản xuất thông tin thống kê chung và xin ý kiến các đơn vị liên quan và các chuyên gia có kinh nghiệm trong nước và quốc tế; 6. Hoàn thiện Dự thảo Quyết định ban hành Quy trình sản xuất thông tin thống kê trình Bộ trưởng ký ban hành.
Sự khác biệt của Dự thảo quy trình sản xuất thông tin thống kê chung so với Quy trình được ban hành tại Quyết định số 945/QĐ-TCTK đó là: (1) Tăng 01 giai đoạn: Bổ sung thêm giai đoạn “Đánh giá chất lượng” và Sửa giai đoạn “Lưu trữ” thành “Tư liệu hóa”; (2) Quy định thêm “Cấp 2” Gồm 33 bước chi tiết nằm trong 8 giai đoạn của quy trình sản xuất thông tin thống kê chung; (3) Quy định nội dung chi tiết của các bước trong các giai đoạn của Quy trình chung.
Qua Hội thảo, Vụ Phương pháp chế độ và Quản lý chất lượng thống kê xin ý kiến các đại biểu tập trung vào 3 ý, đó là: Thống nhất về cấp 1 gồm 8 giai đoạn (tên gọi); Xin ý kiến về 33 bước tại cấp 2 (tên gọi và nội dung); Xin ý kiến Vụ Kế hoạch tài chính về nội dung quy trình do quá trình sản xuất gắn với kinh phí về thu thập thông tin thống kê. Trên cơ sở đó, các đại biểu tham dự đã cùng tham gia đóng góp ý kiến về các nội dung trong Quy trình sản xuất thông tin thống kê chung và các nội dung xin ý kiến nhằm hoàn thiện Quy trình. Nhìn chung, các đại biểu tham dự Hội thảo đều nhất trí với 8 giai đoạn của cấp 1 trong quy trình và nhiệt tình đóng góp ý kiến. Một số nội dung được các đại biểu đề cập đến có: Vai trò của chủ thể cung cấp thông tin thống kê, vấn đề nguồn nhân lực cần được đưa vào khâu chuẩn bị trước khâu lập kế hoạch; tên gọi của các bước; làm rõ một số từ ngữ trong Nội dung; xây dựng quy trình con; thay đổi thứ tự một số bước; bổ sung nguồn dữ liệu có dữ liệu hành chính; bên cạnh khái niệm, cần xác định cả đối tượng, phạm vi thu thập thông tin; xác định phương pháp, hình thức thu thập thông tin; thêm phần kiểm tra, giám sát thu thập thông tin trong mục 3.2; tổng hợp cả kết quả vĩ mô trong mục 4.7; thêm công tác tuyên truyền trong bước 6 Phổ biến thông tin thống kê; Tự đánh giá việc thực hiện trong bước 8… Các ý kiến đóng góp đều được Vụ Phương pháp chế độ và Chất lượng thông tin thống kê tiếp thu, giải đáp và nghiên cứu chỉnh sửa những phần hợp lý.
Toàn cảnh buổi Hội thảo
Kết thúc Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Trung Tiến đánh giá cao sự nghiêm túc và những ý kiến đóng góp của các đại biểu. Phó Tổng cục trưởng nhấn mạnh các bước hoạt động cần đúng khuôn khổ của Luật Thống kê; các đơn vị rà soát lại để đảm bảo đầy đủ tính hoạt động, bao phủ Phụ lục trong Quy trình; làm nổi bật hơn cơ sở dữ liệu hành chính cũng như các dữ liệu khác. Phó Tổng cục trưởng yêu cầu các đơn vị góp ý trực tiếp vào Dự thảo và gửi cho Vụ Phương Pháp chế độ và Chất lượng thông tin thống kê; yêu cầu Cục Thu thập dữ liệu và Ứng dụng CNTT thống kê tổ chức hội thảo, rà soát kĩ các nội dung, sau đó tổng hợp ý kiến gửi Vụ Phương pháp chế độ để có cơ sở hoàn thiện Dự thảo và trình Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phê duyệt.