UNECE ban hành hướng dẫn để cải thiện các chính sách dựa trên dữ liệu về các thách thức môi trường
Các chỉ tiêu là công cụ quan trọng trong việc hoạch định chính sách kinh tế và môi trường. Chúng đơn giản hóa các vấn đề phức tạp thành các số liệu có thể quản lý được, hỗ trợ việc ra quyết định, đánh giá hiệu suất và đảm bảo trách nhiệm giải trình. Bằng cách cung cấp phương pháp tiếp cận có cấu trúc, các chỉ tiêu giúp đặt ra mục tiêu, theo dõi tiến độ và đánh giá hiệu quả của chính sách. Ngoài ra, chúng cũng tạo ra dữ liệu hỗ trợ cho các nghiên cứu sâu hơn, góp phần vào việc sửa đổi các chính sách.
UNECE, cùng với Nhóm đặc nhiệm chung về thống kê môi trường và các chỉ tiêu môi trường và Nhóm công tác về giám sát và đánh giá môi trường, đã công bố Hướng dẫn cập nhật về việc áp dụng các chỉ tiêu môi trường. Đây là một công cụ được thiết kế để tăng cường giám sát môi trường và hỗ trợ hoạch định chính sách trên toàn khu vực châu Âu.
Việc thiết lập các hướng dẫn sử dụng các chỉ tiêu thúc đẩy sự hợp tác quốc tế bằng cách tạo ra một cơ sở chung để so sánh. Việc chuẩn hóa giúp nâng cao chất lượng dữ liệu, cho phép các quốc gia học hỏi lẫn nhau và tạo điều kiện cho các đối phó phối hợp với các thách thức xuyên quốc gia. Từ đó sẽ giúp cải thiện sự hiểu biết về các điều kiện khu vực và hỗ trợ phát triển các mục tiêu.
Các hướng dẫn mới này cung cấp danh sách đã sửa đổi gồm 230 chỉ tiêu môi trường, trong đó 74 chỉ tiêu ưu tiên có siêu dữ liệu chi tiết. Mục đích là cung cấp thông tin tốt hơn cho hoạt động giám sát và ra quyết định theo các khung chính sách toàn cầu, tăng tính thân thiện với người dùng của siêu dữ liệu và liên kết chúng tốt hơn với các khung thống kê. Đặc biệt, các hướng dẫn này tìm cách tăng cường sự liên kết với Khung phát triển thống kê môi trường.
Khung thống kê môi trường của Liên hợp quốc (FDES) là một khung khái niệm và thống kê linh hoạt, đa mục đích, cung cấp một cấu trúc tổ chức để hướng dẫn việc thu thập và biên soạn số liệu thống kê môi trường ở cấp quốc gia. Khi áp dụng, nó tập hợp dữ liệu từ nhiều lĩnh vực và nguồn có liên quan, bao gồm các vấn đề và khía cạnh môi trường có liên quan đến phân tích chính sách và ra quyết định.
Để điều chỉnh phiên bản mới nhất của Hướng dẫn theo FDES ở mức độ tối đa có thể, danh sách các chỉ tiêu đã sửa đổi được sắp xếp theo sáu chủ đề chính của FDES: (1) Điều kiện và chất lượng môi trường, (2) Tài nguyên môi trường và việc sử dụng chúng, (3) Chất thải còn lại, (4) Sự kiện và thảm họa cực đoan, (5) Khu định cư của con người và sức khỏe môi trường, và (6) Bảo vệ, quản lý và cam kết môi trường. Cấu trúc này phù hợp với cấu trúc phân cấp của các thành phần và chủ đề thống kê của FDES, cung cấp một khung toàn diện cho thống kê môi trường với sự nhấn mạnh vào tầm quan trọng của việc phân tách dữ liệu.
Danh sách các chỉ tiêu được cập nhật sẽ được thúc đẩy và áp dụng trên toàn khu vực châu Âu. Danh sách được sửa đổi này bao gồm các chỉ tiêu từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm Mục tiêu phát triển bền vững (SDG), Công ước về đa dạng sinh học, Cơ quan môi trường châu Âu, Khung Sendai về giảm thiểu rủi ro thiên tai và Hội nghị các nhà thống kê châu Âu. Mỗi chỉ tiêu phục vụ một mục đích cụ thể, giúp giải thích nguyên nhân và tác động của các điều kiện môi trường. Chúng có thể được sử dụng để đánh giá môi trường trong khung phân tích của mô hình DPSIR (Động lực, Áp lực, Trạng thái, Tác động, Phản ứng). Các hướng dẫn sẽ vẫn là một tài liệu “sống”, ghi nhận nhu cầu liên tục phải phù hợp với các yêu cầu chính sách mới nổi và các diễn biến toàn cầu.
Cuối cùng, Phiên bản hướng dẫn năm 2023 tăng cường tính liên quan của các chỉ tiêu môi trường đối với báo cáo môi trường toàn cầu bằng cách liên kết với các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG). Chúng giới thiệu các chỉ tiêu mới và được cập nhật để đảm bảo rằng các hướng dẫn vẫn đáp ứng được các thách thức môi trường mới nổi. Sự nhất quán về phương pháp luận được cải thiện với các khuôn khổ thống kê như FDES đảm bảo dữ liệu có chất lượng cao và có thể so sánh được. Các hướng dẫn cũng thân thiện với người dùng hơn, với các mô tả và tài liệu tham khảo rõ ràng hơn, giúp chúng dễ tiếp cận hơn với các bên liên quan khác nhau tham gia vào hoạt động giám sát môi trường.
Phạm Hạnh (dịch)
Nguồn: https://unece.org/media/Statistics/press/394277