Tăng cường năng lực nghiên cứu cho đăng ký hộ tịch toàn dân và dữ liệu dân số chính xác

Tại sao trẻ em ở khu vực thành thị Nepal ít có khả năng được đăng ký khai sinh hơn trẻ em ở vùng nông thôn trong khi theo thông thường thì ngược lại? Làm thế nào chúng ta có thể cải thiện cách tính số ca tử vong trong các cuộc khảo sát để đánh giá hiệu quả hoạt động của hệ thống đăng ký tử vong? Những trẻ em nào không được đăng ký khai sinh ở Indonesia? Tại sao những thay đổi về luật pháp không đủ để đảm bảo đăng ký khai sinh và tử vong phổ cập? Làm thế nào để đăng ký hộ tịch có thể hoạt động trong các cuộc khủng hoảng nhân đạo? Các tác động kinh tế của hệ thống đăng ký hộ tịch đối với việc phân bổ nguồn lực trên khắp các lĩnh vực xã hội là gì?

Một nhóm các nghiên cứu viên về đăng ký hộ tịch và thống kê sinh tử (CRVS) của Châu Á và Châu Phi hiện đang tìm hiểu những câu hỏi này và 25 câu hỏi khác. Họ đã tiến hành một nghiên cứu để giải quyết các vấn đề chính liên quan trực tiếp đến công việc hàng ngày trong hệ thống CRVS quốc gia rộng lớn hơn. Đây là nhóm nghiên cứu đầu tiên của sáng kiến ​​Đào tạo nghiên cứu ứng dụng CRVS (CART) mới ra mắt.

Sáng kiến ​​CART tập trung vào việc cải thiện CRVS ở các quốc gia thông qua việc hỗ trợ nghiên cứu ứng dụng về các chiến lược, biện pháp can thiệp và công cụ. Bao gồm việc thiết kế các dự án để giải quyết các câu hỏi thực tế và sử dụng các phương pháp mạnh mẽ để tiến hành nghiên cứu hiệu quả, đồng thời phổ biến các phát hiện để đảm bảo chúng được tiếp nhận và ứng dụng thực tế. Nhu cầu tăng cường năng lực nghiên cứu đã trở nên rõ ràng trong Diễn đàn nghiên cứu CRVS Châu Á – Thái Bình Dương năm 2023. Trong diễn đàn, nhiều ý tưởng đầy hứa hẹn đã được đưa ra nhưng không được chuyển thành các dự án nghiên cứu chất lượng cao. Có một khoảng cách tồn tại trong việc thực hiện bước nhảy vọt để tạo ra bằng chứng có giá trị, xây dựng dựa trên kiến ​​thức sâu sắc và gần gũi của họ về các chương trình và hệ thống.

Việc phát triển một số lượng lớn các nhà nghiên cứu được đào tạo tiếp tục làm việc tại quốc gia của họ là rất quan trọng, vì những cá nhân tài năng có thể không tham gia nghiên cứu hoặc rời đi để theo đuổi các cơ hội nghiên cứu ở các quốc gia khác, dẫn đến tình trạng thiếu hụt năng lực nghiên cứu – và nhiều câu hỏi chưa được giải đáp. Sáng kiến ​​CART nhằm mục đích giải quyết vấn đề này bằng cách tăng cường khả năng của các học viên CRVS trong việc tiến hành nghiên cứu ứng dụng có liên quan, chất lượng cao, có thể cung cấp thông tin và cải thiện các chính sách và chương trình quốc gia tương ứng của họ.

Hợp tác với Ủy ban Kinh tế Châu Phi (ECA), sáng kiến ​​CART đã được triển khai vào tháng 3 năm 2024. Trong chương trình kéo dài một năm này, những người tham gia sẽ hoàn thành khóa đào tạo trực tuyến, tham dự các cuộc họp trực tuyến về kỹ năng nghiên cứu và hợp tác với cố vấn và giám sát viên để phát triển và tinh chỉnh các dự án nghiên cứu của họ. Các dự án này bao gồm nhiều chủ đề, bao gồm cải tiến hệ thống, phân tích dữ liệu tử vong, giải quyết sự chênh lệch về mức độ hoàn thiện của hồ sơ đăng ký và chất lượng dữ liệu, khám phá nhiều thách thức và giải pháp liên quan đến CRVS, ví dụ như ước tính mức độ hoàn thiện của hồ sơ đăng ký khai sinh và tử vong, tiến bộ công nghệ trong hệ thống đăng ký và triển khai nhiều chương trình CRVS khác nhau.

Nhóm đầu tiên của những người tham gia CART đã họp tại Dubai từ ngày 26 đến ngày 30 tháng 8 để chia sẻ công việc của họ, tham dự các hội thảo đào tạo và tham gia vào quá trình học tập ngang hàng[1] chuyên sâu. Sự kiện đã quy tụ 29 học viên tham gia từ nhóm đầu tiên, đến từ 16 quốc gia, cùng với các chuyên gia CRVS từ ESCAP và ECA, và các học viên từ cả Châu Á – Thái Bình Dương và Châu Phi. Sự kiện đã mang đến cơ hội quý giá để những người tham gia học hỏi lẫn nhau, xây dựng mạng lưới các nhà nghiên cứu hỗ trợ và tiếp xúc với các nguyên tắc nghiên cứu và học thuật quan trọng. Trong giai đoạn tiếp theo, những người tham gia sẽ nhận được sự hỗ trợ bổ sung để thúc đẩy các đề xuất của họ đi đến thành quả. Bao gồm việc học trực tuyến và họp trực tuyến, cũng như sự cố vấn liên tục và hướng dẫn của chuyên gia để tạo ra các bài báo nghiên cứu chất lượng cao. Một hội thảo khác sẽ tiếp tục được tổ chức vào tháng 2 năm 2025, nơi những người tham gia sẽ trình bày các bài báo dự thảo và những phát hiện của họ. Hội thảo thứ hai này sẽ tập trung vào việc hoàn thiện các bài báo này và thảo luận về các chiến lược phổ biến, tiếp nhận và ứng dụng.

Đơn đăng ký cho nhóm thứ hai của sáng kiến ​​CART đang được mở. UNESCAP khuyến khích học viên CRVS nào ở Châu Á và Thái Bình Dương có ý tưởng nghiên cứu hãy cân nhắc nộp đơn tại: https://www.getinthepicture.org/2024-crvs-applied-research-training-initiative?_gl=1*1ucfbpn*_ga*MTE3Mzg1MTQyMy4xNjM1MzA2NjYy*_ga_SB1ZX36Y86*MTcyNzIyODMxNi4zMTkuMS4xNzI3MjI4NTA1LjYwLjAuMA..

Nguyễn Mai (lược dịch)

Nguồn: https://www.unescap.org/blog/ideas-impact-strengthening-research-capacity-universal-civil-registration-and-accurate

[1] Hoặc là học tập đồng đẳng. Đây là hình thức học tập 2 chiều. Trong đó, học sinh cùng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm với nhau về 1 chủ đề, mục tiêu là để chủ động học tập cùng nhau và phát triển đi lên