Tình hình Kinh tế – Xã hội của cả nước trong quý III và của 9 tháng năm 2024

Sáng ngày 6/05/2024, Tổng cục Thống kê đã tổ chức họp báo về Tình hình kinh tế – xã hội quý III và 9 tháng đầu năm 2024. Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương điều hành phiên họp.

Tham dự họp báo có các Phó Tổng cục trưởng: Nguyễn Trung Tiến, Lê Trung Hiếu, Nguyễn Thanh Dương, Đỗ Thị Ngọc; đại diện lãnh đạo và chuyên viên các đơn vị thuộc TCTK; đại diện lãnh đạo và chuyên viên các Cục thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tham dự qua kết nối trực tuyến; cùng đông đảo các phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn báo chí tới tác nghiệp.

Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương điều hành họp báo

Tại họp báo, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương cho biết, cơn bão số 3 vừa qua có tác động lớn đến nền kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng và mục tiêu hướng đến 6,8-7% trong năm nay. Tính riêng trong quý III năm 2024 GDP tăng trưởng tích cực với mức tăng 7,40% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tín hiệu phục hồi tích cực của nền kinh tế, các ngành, lĩnh vực đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo đà tăng trưởng cho những tháng còn lại của năm.

Tính chung 9 tháng năm 2024, GDP ước tăng 6,82% so với cùng kỳ năm trước. Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,20% (đóng góp 5,37%); Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,19% (đóng góp 46,22%); Khu vực dịch vụ tăng 6,95% (đóng góp 4,41%) trong đó một số ngành nổi bật và duy trì đà tăng trưởng có thể kể đến như: bán buôn bán lẻ tăng 7,56%; ngành vận tải, kho bãi tăng 11,03%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,47%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 9,48%.

Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, tính chung 9 tháng, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 86,9 nghìn doanh nghiệp, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước; gần 61,5 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 33,4%; gần 15,4 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 18,9%. Bình quân một tháng có 18,2 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Khu vực dịch vụ, hoạt động thương mại, vận tải, du lịch vẫn duy trì mức tăng trưởng mạnh mẽ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng năm 2024 tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước; vận chuyển hành khách tăng 7,4% và luân chuyển tăng 12,2%; vận chuyển hàng hóa tăng 13,7% và luân chuyển tăng 10,5%; Khách quốc tế đến Việt Nam tăng 43%; số lượt người Việt Nam xuất cảnh tăng 6,1%.

Họp báo có sự tham dự của đông đảo phóng viên, biên tập viên đến đưa tin và truyền thông

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 578,47 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ 9 tháng năm 2023, trong đó xuất khẩu tăng 15,4%; nhập khẩu tăng 17,3%. Cán cân thương mại hàng hóa sơ bộ xuất siêu 20,79 tỷ USD (cùng kỳ năm trước là 22,1 tỷ USD).

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,69% bởi ảnh hưởng từ một số nguyên nhân như: Giá lương thực, thực phẩm tăng cao tại các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng trực tiếp bởi bão và hoàn lưu bão; một số địa phương thực hiện tăng học phí theo lộ trình của Nghị định số 97/2023/NĐ-CP; và giá thuê nhà ở tăng.

Tại họp báo, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương chia sẻ, mục tiêu tăng trưởng ở ngưỡng cao từ 6,8-7% là một thách thức lớn với nền kinh tế trong năm nay. Để đạt được mức tăng trưởng GDP khoảng 7% trong năm nay thì tăng trưởng GDP quý IV phải tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước./.

Lãnh đạo các Vụ chuyên môn trả lời câu hỏi của phóng viên