Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tháng 02 năm 2023
1. Nông, lâm nghiệp và thủy sản
a) Nông nghiệp
– Lúa đông xuân: Tính đến trung tuần tháng Hai, cả nước đã gieo cấy được 2.693,4 nghìn ha, bằng 100,5% cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc đạt 823 nghìn ha, bằng 105,3%; các địa phương phía Nam đạt 1.870,4 nghìn ha, bằng 98,5%; riêng các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long gieo cấy được 1.475,1 nghìn ha, bằng 98,2%.
– Cây hàng năm: Tính đến trung tuần tháng 02/2023, cả nước gieo trồng được 215,9 nghìn ha ngô, bằng 100,8% so với cùng kỳ năm trước; 75,5 nghìn ha lạc, bằng 98%; 36,7 nghìn ha khoai lang, bằng 95,8%; 5,8 nghìn ha đậu tương, bằng 97,1%; 426,8 nghìn ha rau các loại, bằng 101,3%.
– Chăn nuôi: Chăn nuôi trong tháng phát triển ổn định. Ước tính tổng số lợn của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 02/2023 tăng 8,6% so với cùng thời điểm năm 2022; tổng số bò tăng 3,4%; tổng số trâu giảm 1,4%; tổng số gia cầm tăng 3%.
b) Lâm nghiệp
Sản xuất lâm nghiệp tập trung thực hiện phong trào Tết trồng cây, thu hoạch gỗ đến tuổi khai thác, chăm sóc, bảo vệ và chống cháy rừng. Tính chung hai tháng đầu năm 2023, diện tích rừng trồng mới tập trung của cả nước ước đạt 18,8 nghìn ha, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 17,0 triệu cây, tăng 7,4%; sản lượng gỗ khai thác đạt 1.982,1 nghìn m3, tăng 3,1%; diện tích rừng bị thiệt hại là 97,7 ha, giảm 29,1%, trong đó diện tích rừng bị cháy gần 6 ha, gấp 3,6 lần; diện tích rừng bị chặt, phá 91,7 ha, giảm 32,6 %.
c) Thủy sản
Sản lượng thủy sản tháng 02/2023 ước đạt 593,4 nghìn tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 332,2 nghìn tấn, tăng 2,1%; sản lượng thủy sản khai thác đạt 261,2 nghìn tấn, tăng 3%. Tính chung hai tháng đầu năm 2023, sản lượng thuỷ sản ước đạt 1.185,5 nghìn tấn, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước.
2. Sản xuất công nghiệp
– Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 02/2023 ước tính tăng 5,1% so với tháng trước và tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung hai tháng đầu năm 2023, IIP ước giảm 6,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 5,6%)[1]. Trong đó, ngành khai khoáng giảm 3,8% (cùng kỳ năm 2022 tăng 0,1%), làm giảm 0,6 điểm phần trăm trong mức tăng chung; ngành chế biến, chế tạo giảm 6,9% (cùng kỳ năm 2022 tăng 6,1%), làm giảm 5,3 điểm phần trăm; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 5,2% (cùng kỳ năm 2022 tăng 8,4%), làm giảm 0,5 điểm phần trăm; riêng ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,3% (cùng kỳ năm 2022 tăng 3,7%), đóng góp 0,1 điểm phần trăm.
– Chỉ số sản xuất công nghiệp hai tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 44 địa phương và giảm ở 19 địa phương trên cả nước.
– Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/02/2023 tăng 0,5% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 1,1% so với cùng thời điểm năm trước.
3. Tình hình đăng ký doanh nghiệp[2]
– Trong tháng Hai, cả nước có 8.841 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 18,5% so với tháng trước và tăng 21,4% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, cả nước còn có 3.927 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 73,9% so với tháng trước và giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2022; có 3.802 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 89,1% và tăng 9,7%; có 2.636 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 61,5% và tăng 37,5%; có 1.167 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 42,7% và giảm 5,4%.
– Tính chung hai tháng đầu năm 2023, cả nước có 37,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, giảm 11,2% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có gần 19 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 51,4 nghìn doanh nghiệp, tăng 14,5%; bình quân một tháng có 25,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
4. Đầu tư
– Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng Hai ước đạt gần 30 nghìn tỷ đồng, tăng 36,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung hai tháng đầu năm 2023, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 56,9 nghìn tỷ đồng, bằng 8,3% kế hoạch năm và tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 bằng 8% và tăng 14,6%).
– Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/02/2023 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 3,1 tỷ USD, giảm 38% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam hai tháng đầu năm 2023 ước tính đạt 2,55 tỷ USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm trước.
– Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong hai tháng đầu năm 2023 có 10 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 109,4 triệu USD, gấp 2,1 lần so với cùng kỳ năm trước; có 04 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh tăng 5,7 triệu USD (cùng kỳ là -7,2 triệu USD). Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 115,1 triệu USD, gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm trước.
5. Thu, chi ngân sách Nhà nước[3]
Tổng thu ngân sách Nhà nước tháng 02/2023 ước đạt 124,6 nghìn tỷ đồng. Lũy kế tổng thu ngân sách Nhà nước hai tháng đầu năm 2023 đạt 362,3 nghìn tỷ đồng, bằng 22,4% dự toán năm và tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng chi ngân sách Nhà nước tháng 02/2023 ước đạt 112,7 nghìn tỷ đồng; lũy kế hai tháng đầu năm 2023 ước đạt 242 nghìn tỷ đồng, bằng 11,7% dự toán năm và tăng 6% so với cùng kỳ năm trước.
6. Thương mại, giá cả, vận tải và du lịch
a) Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Hai ước đạt 481,8 nghìn tỷ đồng, giảm 6% so với tháng trước và tăng 13,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung hai tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 994,2 nghìn tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 0,9%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,2% (cùng kỳ năm 2022 giảm 1,1%).
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng hai tháng đầu năm 2023 tăng 24,9% so với hai tháng đầu năm 2019 – năm trước khi xảy ra dịch Covid-19. Mặc dù vậy, quy mô tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng hai tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 77,7% quy mô của chỉ tiêu này nếu ước tính trong điều kiện bình thường không xảy ra dịch Covid-19 từ năm 2020 đến nay.
b) Xuất, nhập khẩu hàng hóa
– Xuất khẩu hàng hóa
+ Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 02/2023 ước đạt 25,88 tỷ USD, tăng 9,8% so với tháng trước và tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung hai tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 49,44 tỷ USD, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm trước.
+ Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu hai tháng đầu năm 2023, nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 89,8%.
– Nhập khẩu hàng hóa
+ Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 02/2023 ước đạt 23,58 tỷ USD, tăng 2,3% so với tháng trước và giảm 6,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung hai tháng đầu năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 46,62 tỷ USD, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước.
+ Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu hai tháng đầu năm 2023, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 93,6%.
– Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa hai tháng đầu năm 2023, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 13,1 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 14,6 tỷ USD.
– Cán cân thương mại hàng hóa tháng Hai ước tính xuất siêu 2,3 tỷ USD. Tính chung hai tháng đầu năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 2,82 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 0,3 tỷ USD).
c) Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và chỉ số giá đô la Mỹ
– Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 02/2023 tăng 0,45% so với tháng trước. So với tháng 12/2022, CPI tháng Hai tăng 0,97% và so với cùng kỳ năm trước tăng 4,31%. Bình quân hai tháng đầu năm 2023, CPI tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2022; lạm phát cơ bản tăng 5,08%, cao hơn mức CPI bình quân chung (tăng 4,6%) chủ yếu do lạm phát cơ bản từ tháng 7/2022 đến tháng 12/2022 có mức tăng so với tháng trước cao hơn CPI chung do giá xăng dầu là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng CPI trong các tháng này thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính toán lạm phát cơ bản. Lạm phát cơ bản tháng 02/2023 ở mức nền cao hơn CPI chung nên có mức tăng so với cùng kỳ năm trước cao hơn.
– Chỉ số giá vàng tháng 02/2023 tăng 0,92% so với tháng trước; tăng 2,62% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân hai tháng đầu năm 2023, chỉ số giá vàng trong nước tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước.
– Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 02/2023 tăng 0,2% so với tháng trước do nguồn cung bảo đảm; tăng 3,67% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân hai tháng đầu năm 2023, chỉ số giá đô la Mỹ trong nước tăng 3,42% so với cùng kỳ năm trước.
d) Vận tải hành khách và hàng hóa
Nhu cầu đi lại của người dân trong tháng Hai giảm sau Tết Nguyên đán nên vận tải hành khách giảm 2,3% về vận chuyển và giảm 0,7% về luân chuyển so với tháng Một; vận tải hàng hóa tăng 3,9% về vận chuyển và tăng 0,8% về luân chuyển. Tính chung hai tháng đầu năm 2023, vận chuyển hành khách tăng 34,3% và luân chuyển tăng 69,9% so với cùng kỳ năm trước; vận chuyển hàng hóa tăng 15,7% và luân chuyển tăng 20,3% so với cùng kỳ năm trước.
đ) Khách quốc tế đến Việt Nam
Khách quốc tế đến Việt Nam tháng Hai đạt 933 nghìn lượt người, tăng 7,1% so với tháng trước và gấp 31,6 lần so với cùng kỳ năm trước do Việt Nam đã mở cửa du lịch, các đường bay quốc tế được khôi phục trở lại. Tính chung hai tháng đầu năm 2023, khách quốc tế đến nước ta đạt 1.804,1 nghìn lượt người, gấp 36,6 lần cùng kỳ năm trước nhưng vẫn chưa bằng 60% so với cùng kỳ năm 2019 – năm chưa xảy ra dịch Covid-19.
7. Một số tình hình xã hội
– Theo khảo sát tình hình đời sống của hộ dân cư tháng Hai năm 2023 tiếp tục được cải thiện. Công tác bảo đảm an sinh xã hội luôn được các cấp, ngành thực hiện kịp thời, hiệu quả. Để người dân không bị thiếu đói, trong tháng 02/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 139/QĐ-TTg ngày 21/02/2023 hỗ trợ 256,7 tấn gạo cho khoảng 4.854 hộ với 17,1 nghìn khẩu có nguy cơ thiếu đói trong kỳ giáp hạt năm 2023. Theo báo cáo từ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trong hai tháng đầu năm 2023, Chính phủ đã hỗ trợ hơn 18,2 nghìn tấn gạo cho 204,7 nghìn hộ với 1,2 triệu nhân khẩu, trong đó: Hỗ trợ gạo cho người dân dịp Tết Nguyên đán là 16,9 nghìn tấn gạo; hỗ trợ cho người dân kỳ giáp hạt năm 2023 hơn 1,3 nghìn tấn gạo.
– Dịch Covid-19 trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp[4]. Tại Việt Nam, các địa phương tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống và kiểm soát dịch, đặc biệt là tại các khu vực cửa khẩu để phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19, nhất là các đối tượng nhập cảnh từ các khu vực đang bùng phát dịch, từ các nơi xuất hiện các biến thể mới.
Công tác tiêm vắc xin phòng dịch Covid-19 tiếp tục được thực hiện. Từ ngày 08/3/2021 đến ngày 20/02/2023, tổng số liều vắc xin phòng Covid-19 đã được tiêm là 266,2 triệu liều, trong đó tiêm mũi 1 là 90,5 triệu liều; tiêm mũi 2 là 85,9 triệu liều; mũi bổ sung là 14,5 triệu liều; mũi nhắc lại lần 1 là 57,7 triệu liều; mũi nhắc lại lần 2 là 17,6 triệu liều.
– Trong tháng Hai (từ 15/01-14/02/2023), trên địa bàn cả nước xảy ra 832 vụ tai nạn giao thông. Tính chung hai tháng đầu năm nay, trên địa bàn cả nước xảy ra 1.629 vụ tai nạn giao thông. Bình quân 1 ngày trong hai tháng đầu năm, trên địa bàn cả nước xảy ra 26 vụ tai nạn giao thông, gồm 20 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 6 vụ va chạm giao thông, làm 17 người chết, 10 người bị thương và 7 người bị thương nhẹ.
– Thiệt hại do thiên tai trong tháng Hai chủ yếu do ảnh hưởng của mưa lớn. Tính chung hai tháng đầu năm nay, 123 ngôi nhà bị sập đổ và hư hỏng; 2,6 nghìn con gia súc, gia cầm bị chết; 9 nghìn ha lúa và hoa màu bị hư hỏng; tổng giá trị thiệt hại về tài sản ước tính 31,5 tỷ đồng, giảm 95,1% so với cùng kỳ năm 2022.
– Trong tháng 02/2023, theo báo cáo từ các Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan chức năng đã phát hiện 1.386 vụ vi phạm môi trường. Tính chung hai tháng đầu năm nay đã phát hiện 4.266 vụ vi phạm môi trường, trong đó xử lý 3.747 vụ với tổng số tiền phạt là 46,2 tỷ đồng, giảm 11,5% so với cùng kỳ năm trước.
– Trong hai tháng đầu năm nay, trên địa bàn cả nước xảy ra 303 vụ cháy, nổ, làm 8 người chết và 11 người bị thương, thiệt hại ước tính 16,7 tỷ đồng, giảm 63,8% so với cùng kỳ năm trước./.
[1] Do kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, biến động khó lường, lạm phát các nước mặc dù hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, đơn hàng giảm, kim ngạch xuất khẩu giảm.
[2] Nguồn: Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngày 24/02/2023.
[3] Theo Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và số 11/NQ-CP của Chính phủ trong lĩnh vực tài chính – ngân sách Nhà nước tháng 02/2023.
[4] Từ cuối tháng 12/2019 đến ngày 22/02/2023 trên thế giới có 678,9 triệu trường hợp mắc Covid-19 (6.792,6 nghìn trường hợp tử vong).
Nguồn: Tổng cục Thống kê