Các cuộc khủng hoảng kinh tế và thống kê, từ 1880 đến 2010
Các cuộc khủng hoảng lớn đương nhiên là những thời điểm được viện dẫn mạnh mẽ để phác họa tính nghiêm trọng của tình thế. Nhưng đó cũng là những thời điểm của những cuộc tranh luận lớn, qua đó vai trò của Nhà nước trong việc điều tiết và lèo lái nền kinh tế được suy nghĩ lại một cách sâu sắc. Ứng với mỗi cuộc khủng hoảng là sự nổi lên của những cách lượng hóa mới thế giới xã hội. Những mô hình hành động mới kéo theo những biến mới và những hệ thống quan trắc mới.
Lịch sử kinh tế và chính trị của những năm 1880 cho đến nay cung cấp ít nhất ba (nếu không phải là bốn) ví dụ của những cấu hình như thế, kết hợp những cách tư duy xã hội, những cách tác động đến xã hội và những thống kê phù hợp với các tình thế này. Cuộc khủng hoảng những năm 1880 đã cho ra đời thống kê lao động và việc làm. Cuộc khủng hoảng 1929 nằm ở cội nguồn của các chính sách kinh tế vĩ mô keynesian và của hệ thống tài khoản quốc gia. Cuộc khủng hoảng những năm 1970 được tư duy bằng những phạm trù tân tự do của kinh tế học vi mô và đã dẫn đến những cải cách Nhà nước, đặc biệt đặt trọng tâm vào những chỉ báo thành tích. Cuối cùng hai cuộc khủng hoảng, sinh thái và tài chính, của những năm 2000 có thể sẽ ở cội nguồn của những cách tư duy và lượng hóa triệt để mới hành động công cộng. Nhắc lại cách mà vài cuộc khủng hoảng ít nhiều xa xưa đã từng trải qua, và những hệ quả của chúng đến những cách sử dụng thống kê công, có thể là có ích để suy nghĩ về tầm sâu rộng của những biến đổi có thể sẽ là kết quả của hai cuộc khủng hoảng gần đây.
1880-1930: thống kê lao động và phân tích chu kì kinh tế
Trong thế kỉ XIX, tư tưởng tự do thống trị trong các nước bắt đầu công nghiệp hóa kéo theo là Nhà nước can thiệp ít nhất càng tốt vào sự vận hành của các thị trường. Có một ngoại lệ (nhưng là một ngoại lệ quan trọng): ngoại thương. Các cuộc tranh luận giữa các nhà tự do và bảo hộ mậu dịch nổ ra gay gắt. Ngoài những thống kê dân số của nhà vua, có từ thế kỉ XVIII, những thống kê duy nhất quan trọng là thống kê về xuất và nhập khẩu.
Tất cả thay đổi với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng những năm 1870-1880. Cuộc khủng hoảng này được tư duy từ những hệ quả của nó bằng những khái niệm nghèo khó và thất nghiệp. Trong tất cả các thị trường mà tư duy kinh tế tự do giả định có khả năng tự cân bằng một cách tự phát, có một thị trường hiển nhiên là khác với các thị trường khác, đó là thị trường lao động. Trong các nước mới công nghiệp hóa (Anh, Hoa Kì, Đức, Pháp, các nước Bắc Âu), những nhà cải cách xã hội hình dung những pháp luật nhằm bảo vệ người lao động. Như vậy, luật lao động xuất hiện, cũng như những hình thức đầu tiên của Nhà nước phúc lợi, ví dụ ở Đức với hệ thống được gọi là “bismarckian”[1] về bảo hiểm xã hội, đặt cơ sở trên những đóng góp của người sử dụng lao động và người làm công ăn lương. Thống kê công cộng biến đổi để đáp ứng các nhu cầu mới này. Tại Pháp, một cơ quan lao động được thành lập năm 1891, với bộ phận trực thuộc là SGF (Statítique générale de France), tiền thân của INSEE (Institut National de la Statistique et des Études Économiques). Cơ quan này tiến hành nhiều cuộc điều tra lớn về việc làm và lương. Năm 1896, Lucien March biến đổi sâu sắc cuộc tổng điều tra dân số xưa để hướng đến những vấn đề về hoạt động nghề nghiệp và thất nghiệp. Mặt khác, mối quan tâm bảo vệ lương công nhân chống lại gia tăng của giá các sản phẩm tiêu dùng dẫn đến việc thiết lập các chỉ số giá cả và việc tổ chức những cuộc điều tra đầu tiên về ngân sách gia đình công nhân.
Trong mối liên hệ với các chính sách này, các phương pháp luận thống kê cũng biến hóa. Chẳng hạn, phương pháp điều tra xác suất, từng được Laplace hình dung vào thế kỉ XVIII, nhưng bị xem là thiếu chặt chẽ suốt thế kỉ XIX, quay trở lại vào đầu thế kỉ XX để cho phép triển khai những cuộc điều tra xã hội về thu nhập và nghèo khó, đặc biệt ở Na Uy và Anh, nhằm hỗ trợ các chính sách xã hội. Các công cụ như sự tương quan và hồi quy (do Francis Galton và Karl Pearson sáng tạo trong các năm 1880-1890 để phục vụ các chính sách ưu sinh ngày nay hoàn toàn bị bác bỏ) được các nhà kinh tế, như người Pháp Marcel Lenoir, ngay từ 1913 sử dụng để mô hình hóa các cuộc khủng hoảng chu kì.
Việc nghiên cứu các chu kì và mối bận tâm dự báo sự xuất hiện của các cuộc khủng hoảng đã dấy lên nhiều công trình trong những năm 1920. Những “phòng tình thế kinh tế” được thành lập trong nhiều nước. Tại Hoa Kì, “phong vũ biểu Harvard” phân tích những độ trễ trong thời gian giữa những biến thiên một số đại lượng kinh tế và tìm cách phát hiện biến nào (ví dụ những đơn đặt hàng carton bao bì) mà những biến thiên báo trước khủng hoảng.
Chẳng may phong vũ biểu này thất bại trong việc dự báo sự sụp đổ tháng mười 1929. Phương pháp này phá sản để sau này nhường chỗ cho những cuộc điều tra tình thế (là những cuộc điều tra dư luận) các chủ doanh nghiệp, rồi cho những mô hình hóa kinh trắc tinh vi hơn.
1930-1975: Các chính sách keynesian và hệ thống tài khoản quốc gia
Cuộc khủng hoảng 1929, kéo dài cho đến cuối những năm 1930, được tư duy bằng những khái niệm mới so với cuộc khủng hoảng trước đó. Lần này điều bị lên án là sự mất cân bằng toàn bộ giữa cung và cầu trên tất cả các thị trường, đặc biệt là do Keynes (nhưng không vì thế mà ông chủ trương chỉ huy nền kinh tế từ trung tâm, như lúc bấy giờ đang được thủ nghiệm tại Liên Xô). Cân bằng hay mất cân bằng được biểu trưng bằng “phương trình keynesian”:
Sản xuất + Nhập khẩu = Tiêu dùng + Đầu tư + Chi tiêu công cộng + Xuất khẩu
Cách đặt vấn đề như thế kéo theo việc trao một vai trò then chốt cho chi tiêu của chính phủ (trước đây vắng mặt trong phân tích của các nhà kinh tế) nhờ “số nhân keynesian”[2]. Nhiều chính sách, về nhiều mặt khá khác nhau, được tiến hành với hệ quả là bằng cách ấy đã kích được cầu. Đó là các chương trình công cộng lớn do Roosevelt khởi xướng ở Hoa Kì, hay việc chế tạo vũ khí được phe quốc xã tổ chức ở Đức. Mặt khác, mô hình hóa kinh trắc vĩ mô ra đời ở Na Uy với Ragnar Frisch và ở Hà Lan với Jan Tinbergen. Các chính sách và mô hình này đòi hỏi phải định hình và mô tả một cách hoàn toàn mới toàn bộ các luồng kinh tế tài chính luân chuyển giữa các tác nhân, mở đường cho sự ra đời của hệ thống tài khoản quốc gia dựa trên các khái niệm thu nhập quốc gia, tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tiêu dùng các hộ gia đình, tích lũy tài sản cố định (đầu tư), tiết kiệm và nhu cầu tài trợ.
Tại Hoa Kì nạn nhân nặng nhất của cuộc khủng hoảng là nông dân (khủng hoảng bán lỗ) và công nhân (thất nghiệp). Chính sách New Deal kéo theo những chính sách liên bang điều tiết thị trường nông nghiệp và hỗ trợ người thất nghiệp, đặc biệt bằng cách tạo việc làm trong khu vực công. Như vậy thống kê nông nghiệp được phương pháp điều tra ngẫu nhiên biến đổi hoàn toàn. Người thất nghiệp được tuyển dụng để tiến hành trên toàn lãnh thổ các cuộc điều tra này, những cuộc điều tra như vậy được phát triển ở châu Âu sau chiến tranh.
Trong bối cảnh biến đổi sâu sắc của hành động công, những cuộc điều tra thống kê trên những chủ đề có vẻ giống nhau, với thời gian thực ra đã thay đổi nội dung và ý nghĩa. Chẳng hạn, những cuộc điều tra trước đây về ngân sách công nhân, vốn chỉ liên quan đến những gia đình thuộc các giới bình dân, trở thành, kể từ những năm 1950, những “điều tra về tiêu dùng của các hộ gia đình”. Từ nay chúng bao phủ hết tất cả các giai cấp trong xã hội và đặc biệt nhằm vào việc lượng hóa biến “tiêu dùng” của phương trình keynesian. Chúng cũng được dùng để xác định các hệ số quyền số hóa những sản phẩm tiêu dùng tham gia vào việc tính chỉ số giá và từ nay chỉ số này liên quan đến chi tiêu của toàn thể dân chúng chứ không chỉ chi tiêu của công nhân không thôi.
Mặt khác, Nhà nước phúc lợi, vừa mới xuất hiện sau cuộc khủng hoảng cuối thế kỉ XIX, phát triển rộng và mang một ý nghĩa mới, trong bối cảnh keynesian. Thật vậy, sự bảo vệ được cung cấp bởi bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp gia đình, lương hưu và ngay cả bảo hiểm y tế góp phần làm dịu bớt sụt giảm của thu nhập và tiêu dùng mà các cuộc khủng hoảng kinh tế gây ra một cách cơ học. Nhờ thế các cuộc khủng hoảng 1975, 1993 và 2001 đã có những hậu quả ít bi thảm bằng cuộc khủng hoảng 1929. Điều tương tự cũng đã xảy ra vào năm 2008-2009.
Ở Pháp, thời kì những năm từ 1950 đến 1980 đã chứng kiến sự phát triển của những hệ thống rộng lớn điều tra xã hội và kinh tế, được định hướng một phần, nhưng không hoàn toàn chỉ bởi nhu cầu của hệ thống tài khoản quốc gia do Claude Gruson thiết lập (Fourquet, 1980). Một chủ đề lớn khác của thời kì này là cuộc chiến chống những bất bình đẳng xã hội, không chỉ trong lĩnh vực tiêu dùng, mà cả trong việc tiếp cận giáo dục, y tế và văn hóa. Các bất bình đẳng này được tư duy bằng các khái niệm nhóm xã hội thông qua lăng kính các “loại xã hội-nghề nghiệp” (CSP), được thống kê công cộng, nghiên cứu trong đại học và các viện điều tra thương mại sử dụng rộng rãi. Về phía phương pháp luận, kinh trắc học vĩ mô do Edmond Malinvaud du nhập vào Pháp, được triển khai trong các mô hình ít nhiều lấy cảm hứng từ tư tưởng Keynes cho đến những năm 1980 trước khi có sự can dự của “lí thuyết những dự kiến duy lí”[3]. Lí thuyết này trong một thời gian làm các chính sách keynesian mất tín nhiệm khi viện dẫn ý tưởng cho rằng các tác nhân, dự kiến những hệ quả của các chính sách kinh tế vĩ mô công, ngầm hành xử theo cách làm triệt tiêu những hệ quả được chờ đợi từ các chính sách ấy.
1975-2010: Quản lí công cộng mới, khủng hoảng sinh thái, khủng hoảng tài chính
Thời kì khủng hoảng dài kể từ sự gia tăng đột ngột của giá dầu lửa năm 1975 được trải nghiệm như việc hoàn toàn đặt lại vấn đề những mô hình giải thích và hành động bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng trước: mất tín nhiệm vào các chính sách keynesian và mô hình hóa kinh trắc vĩ mô, phê phán vai trò của Nhà nước, phi quy định hóa, lí tưởng hóa các cơ chế thị trường được giả định là có hiệu quả và tự điều tiết, tài chính hóa nền kinh tế, tầm nhìn ngắn hạn của các quyết định gây bất lợi cho ý tưởng dự báo và kế hoạch hóa dài hạn. Mặt khác, việc thiết lập Liên minh kinh tế và tiền tệ châu Âu và sự thành lập đồng euro trao cho các định chế của Liên minh, và đặc biệt là cho Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) một tầm quan trọng lớn.
Các diễn biến trên tác động, một mặt, đến sản xuất của các viện thống kê công cộng và mặt khác, một cách chung hơn, đến cả những cách sử dụng các chỉ báo định lượng, dù chúng bắt nguồn hay không từ các viện này. Các cách sử dụng này lấy cảm hứng từ “Quản lí công cộng mới” (New Public Management) được phổ biến ở Anh trong những năm 1980 và 1990 (Hood và Peters, 2004; Lascoumes và Le Galès, 2005). Đặc biệt, đó là trường hợp ở Pháp với việc áp dụng, kể từ 2005, “Luật tổ chức liên quan đến các luật ngân sách” (LOLF) dựa trên một số lớn chỉ báo thành tích của các cơ quan Nhà nước. Mặt khác, sự phổ biến các kĩ thuật gọi là “benchmarking” đặc trưng cho quan niệm tân tự do về nền kinh tế và vai trò của Nhà nước, một quan niệm từng được Michel Foucault trước đấy đã thấy rõ trong các bài giảng của ông ở Collège de France năm 1970. “Phương pháp phối hợp mở” (OMC) được Liên minh châu Âu vận dụng để định hướng các chính sách xã hội là một ví dụ tốt của kĩ thuật này. Nó dựa trên những bảng xếp hạng các Nhà nước theo những chỉ báo định lượng khác nhau[4].
ECB đòi hỏi công bố trong những thời hạn ngày càng ngắn các chỉ báo tình thế hằng tháng và hằng quý (về sản xuất, giá cả, việc làm, ngoại thương) để định hướng chính sách các lãi suất chỉ đạo, bị ám ảnh trước hết bởi nỗi lo sợ lạm phát. Do đó việc công bố các chỉ báo này trở thành một sự kiện truyền thông, thu hút những lời bình và tranh luận về hiệu quả của các chính sách, và ngay cả những thao túng bóp méo số liệu và những cách diễn giải chúng, đặc biệt là trong trường hợp của số liệu thất nghiệp. Sự tập trung này vào các chỉ báo tình thế càng làm cho sự trở ngược mạnh bạo và đột ngột của tình hình kinh tế trong mùa thu 2008, cũng không được dự báo tốt hơn như trong cuộc khủng hoảng 1929 trước đây, càng thêm đáng kinh ngạc và bi thảm.
Một giải thích được đề ra (sau khi sự việc đã xảy ra) cho sự mù quáng này là việc không tính đến những biến đổi của các công cụ tài chính (công cụ phái sinh, chứng khoán hóa) trong những phân tích trước đây vốn nhắm vào các biến kinh tế. Trên quan điểm của những chỉ báo định lượng, một hậu quả, ít được cảm nhận nhưng nghiêm trọng của việc tài chính hóa là sự thay đổi của những chuẩn kế toán châu Âu. Từ nay việc tài chính hóa này nhằm định giá tài sản trong bảng tổng kết tài sản theo “giá trị thị trường” (giá bán lại khả dĩ), hay fair value, chứ không theo giá gốc nữa. Cách làm này được sự quan tâm của các nhà đầu tư, các cổ đông và nhà đầu cơ, nhưng lại có xu hướng khiến bảng tổng kết tài sản các doanh nghiệp thêm thất thường, và qua đó làm khuếch đại sự biến thiên của các thống kê tài chính khiến cho cuộc khủng hoảng thêm trầm trọng.
Giá chứng khoán phản ảnh những hiện tượng bầy đàn tức thì. Chúng tương đối, ít ra là trong ngắn hạn, tách rời với những diễn biến kinh tế thực tế. Chúng mê hoặc các nhà đầu tư tài chính nhưng không tham gia vào các mô hình thuần túy kinh tế. Hơn thế nữa, chỉ báo có khả năng phản ảnh tốt nhất và ngay cả dự báo tính nghiêm trọng của các cuộc khủng hoảng tài chính, tức “tỉ suất cho vay liên ngân hàng” (Libor) từng đạt đến những đỉnh điểm ngay từ cuối năm 2007, ít được các phương tiện truyền thông đại chúng biết đến và bình luận, khác với các chỉ số CAC 40 hay Dow Jones, được các kênh thông tin truyền hình liên tục đăng tải. Tỉ suất Libor này tăng khi các ngân hàng không tin tưởng nhau nữa và từ chối cho nhau vay. Không nghi ngờ gì sự đột nhập mạnh mẽ của những hiện tượng tài chính là một trong những sự kiện nổi bật nhất, nhưng không duy nhất, của cuộc khủng hoảng hiện nay. Thêm vào đó còn có cuộc khủng hoảng sinh thái, một cuộc khủng hoảng xưa hơn nhưng ngày càng đáng lo ngại, và nỗi lo khí hậu nóng lên. Mối đe dọa này khơi lên lại các phê phán, đã có từ lâu, về những chỉ báo kinh tế của hệ thống tài khoản quốc gia.
Các mô hình kinh tế và rộng hơn, việc đánh giá mức sống và tăng trưởng của một nước sử dụng nhiều đại lượng gộp là tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Được quan niệm lúc khởi thủy để công cụ hóa các chính sách keynesian, ngày nay nó được cảm nhận, đúng hay sai, như một chỉ báo (tiền tệ) về phúc lợi, nếu không muốn nói là về hạnh phúc. Điều này khiến nó phải chịu nhiều phê phán: nó không phản ảnh sự bất bình đẳng xã hội, các hoạt động phi tiền tệ (lao động phụ nữ, lao động tự nguyện) và nhất là sự xuống cấp của thiên nhiên do hoạt động con người gây ra, được biểu trưng ngày nay bằng việc phát thải dioxide carbon (CO2). Các phê phán này, mà một số đã có mặt trong báo cáo nổi tiếng của Câu lạc bộ Roma năm 1971, ở cội nguồn của nhiều đề xuất những “chỉ báo mới về sự thịnh vượng”. Chỉ báo nổi tiếng nhất trong số này là Chỉ số phát triển con người (HDI), được nhà kinh tế Ấn Độ Amartya Sen đại chúng hóa. Công thức chỉ số này, rất sơ đẳng, là một trung bình của tuổi thọ con người, mức giáo dục và mức sống. Mặc dù thô sơ, chỉ báo này là một thành công lớn. Năm 2008, một Ủy ban do Amartya Sen và Joseph Stiglitz làm đồng chủ tịch được chính phủ Pháp giao nhiệm vụ đề xuất những khuyến nghị nhằm bổ sung hệ thống tài khoản quốc gia bằng những ước lượng các yếu tố xã hội và sinh thái mà từ nay hiện ra là có tính then chốt. Ủy ban đã nộp báo cáo vào tháng chín 2009, đề nghị tính một số chỉ báo phúc lợi mới[5]. Mặt khác một số nhà nghiên cứu và hoạt động ở Pháp tập hợp trong “Diễn đàn vì những chỉ báo thịnh vượng mới” (FAIR) vận động khơi lên một cuộc tranh luận rộng trong xã hội về chủ đề này. Tuy nhiên còn khó dự báo đầy đủ đâu là những hệ quả của cuộc khủng hoảng kinh tế nổ ra năm 2008 trên các chỉ báo thống kê. Ví dụ, ta có thể giả định rằng thị trường carbon, cũng như những hiệu ứng có thể của một thuế carbon khả dĩ có thể sẽ cấu thành những chỉ báo kết hợp các chiều kích của hai cuộc khủng hoảng trên.
Như vậy sự kết hợp của hai cuộc khủng hoảng, khủng hoảng tài chính và khủng hoảng sinh thái, có thể sẽ ở cội nguồn của một cấu hình mới về sản xuất và sử dụng những chỉ báo thống kê. Tầm quan trọng của những công trình thuộc Nhóm liên chính phủ đánh giá biến đổi khí hậu (IPCC) và các chỉ báo phát thải CO2, gia tăng nhiệt độ trung bình, mực nước biển lên hay dấu ấn sinh thái là những ví dụ đầu tiên. Như thế các cuộc khủng hoảng được biểu trưng bằng những chỉ báo thống kê nhưng đồng thời cũng ở cội nguồn của việc phối cảnh lại rộng lớn các chỉ báo này, như giai đoạn các năm 1880, 1930, 1970 và 2000 cho thấy. Trong trường hợp sau cùng này, tất nhiên là khó dự báo bối cảnh của những năm sắp tới. Cuối cùng bối cảnh này sẽ được các công dân thế giới và các chính phủ của họ quyết định qua việc xác định những ưu tiên trong số những khía cạnh trầm trọng nhất của các cuộc khủng hoảng và trong số những phương tiện để tác động đến chúng.
Alain Desrosières
[1] theo tên của Otto von Bismarck (1815-1898), chính khách Phổ được xem là người thống nhất nước Đức, chủ trương củng cố mối quan hệ giữa công dân Đức với Nhà nước mới vừa được thống nhất bằng việc thiết lập bảo hiểm đau ốm, tàn tật và một hệ thống lương hưu (ND).↩
[2] Xem mục “Số nhân keynesian” trong Từ điển phân tích kinh tế của Bernard Guerrien, nxb Tri thức, Hà Nội, 1997 (ND).↩
[3] Xem mục “Dự kiến duy lí” trong Từ điển phân tích kinh tế của Bernard Guerrien, nxb Tri thức, Hà Nội, 1997 (ND).↩
[4] “Từ này, thông dụng trong giới kinh doanh, là kết quả của việc danh từ hóa vị từ to benchmark trong tiếng Anh, có nghĩa là đánh giá bằng cách so sánh với một mô hình, một thước đo, một chuẩn bên ngoài.Benchmark là điểm quy chiếu. Về mặt từ nguyên học, bench là dấu do người đo đạc khắc vào đá để gắn chặt thiết bị đo lường. Trong thế kỉ XIX, từ này cũng được thợ mộc dùng để đo chân khách hàng đặt trên bàn làm việc (bench) và đánh dấu (mark) chiều dài bàn chân nhằm đóng giày cho đúng kích cỡ […] Benchmarking là một công nghệ cai quản, một nghệ thuật lãnh đạo rất đặc thù các tổ chức xã hội. với một cách thực hành không có tính máy móc hay tự nhiên. Nếu muốn đặc trưng động kĩ thuật benchmarking, có thể nhận diện một cách tiếp cận theo bốn bước sau:
• xác định một loạt những chỉ báo thống kê đo thành tích của một số tác nhân và hoạt động
• ấn định cho mỗi chỉ báo trên một mục tiêu được số hóa phải đạt được
• định một khung thời gian để mỗi tác nhân cố gắng đạt các mục tiêu ấy
• bố trí những nơi gặp gỡ (địa lí hay từ xa) để các tác nhân họp nhau, so sánh nhau và xác định những mục tiêu mới cho chu kì sắp tới”
Thái Học (sưu tầm)
Nguồn: http://www.phantichkinhte123.com/2014/08/cac-cuoc-khung-hoang-kinh-te-va-thong.html