Chiến tranh Nga-Ukraine 2022 – Thống kê & Sự thật
Cuộc chiến tranh của Nga vào Ukraine bắt đầu vào ngày 24/2/2022. Lực lượng Nga đã tấn công vào các thành phố lớn trên khắp Ukraine, bao gồm Berdyansk, Chernihiv, Kharkiv, Odesa, Sumy và thủ đô Kyiv. Các quan chức phương Tây tuyên bố rằng theo phạm vi, có thể đây là cuộc chiến lớn nhất ở châu Âu kể từ năm 1945. Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc (OHCHR) đã xác minh 953 thường dân ở Ukraine thiệt mạng trong chiến tranh tính đến ngày 21/3.
Sự khác biệt lớn giữa các bên
Năng lực quân sự của NATO, Nga và Ukraine tính đến năm 2022
Nguồn: Global Firepower, Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, NATO
Các số liệu của NATO không bao gồm Luxembourg và Iceland.
Cuộc chiến đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng nhân đạo, khi hàng nghìn người Ukraine chạy sang phía Tây của đất nước họ và sang nước ngoài. Nước láng giềng Ba Lan ghi nhận số lượng người tị nạn cao nhất, với hơn 2,1 triệu người tính đến ngày 21/3, tiếp theo là Romania, Moldova và Hungary.
Quân đội Nga và Ukraine so sánh như thế nào?
Lực lượng quân nhân tại ngũ của Nga lớn hơn Ukraine gấp 4 lần. Với gần 62 tỷ đô la Mỹ, Nga có mức chi tiêu quân sự cao thứ tư trên thế giới vào năm 2020, so với mức chi tiêu dưới 6 tỷ đô la Mỹ của Ukraine. Tổng số máy bay của Nga gấp 13 lần, số lượng xe bọc thép gấp 2,4 lần và hạm đội hải quân lớn gấp 16 lần so với Ukraine tính đến năm 2022. Trong cuộc chiến, chính phủ Nga được cho là đã yêu cầu viện trợ quân sự từ Trung Quốc. Chính phủ Ukraine đã nhận được vũ khí từ các thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng như thiết bị quân sự từ Phần Lan và Thụy Điển, những quốc gia không thuộc NATO.
Phản ứng quốc tế
Các nước phương Tây, chẳng hạn như các thành viên Liên minh Châu Âu (EU), Thụy Sĩ, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga. Các biện pháp trừng phạt đặc biệt nhắm vào lĩnh vực tài chính, các cá nhân liên kết với Chính phủ và xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao sang Nga. EU cũng cấm các hãng hàng không Nga đến không phận của mình và đặt ra các hạn chế về thương mại với các nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Luhansk ly khai. Hoa Kỳ đã cấm các giao dịch với Ngân hàng Trung ương Nga và trừng phạt các cá nhân ở Belarus vì đã hỗ trợ cuộc chiến tranh. Đức đã ngừng đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2. Albania, Australia, Canada, Nhật Bản, Kosovo, Bắc Macedonia, Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan đã công bố thêm các lệnh trừng phạt. Trong khi Trung Quốc và Ấn Độ giữ quan điểm trung lập trong cuộc xung đột, các chính phủ Belarus, Cuba, Iran, Myanmar, Syria và Venezuela chính thức ủng hộ Nga.
Ảnh hưởng kinh tế
Sau cuộc chiến tranh, giá trị của đồng rúp Nga so với đô la Mỹ và đồng Euro đã giảm xuống mức thấp lịch sử. Ngân hàng Trung ương Nga đã can thiệp vào thị trường ngoại hối để quản lý tiền tệ. Việc Hoa Kỳ cấm nhập khẩu năng lượng từ Nga và cam kết của các nước EU nhằm giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga đã dẫn đến việc tăng giá dầu và khí đốt. Chỉ riêng nguồn cung cấp khí đốt của Nga thông qua tuyến đường vận chuyển Ukraine đã chiếm 11% tổng lượng khí đốt nhập khẩu ròng ngoài của EU trong quý 3/2021. Nga và Ukraine là một trong những nước xuất khẩu lúa mì lớn trên toàn thế giới. Hơn nữa, Nga đã xuất khẩu khối lượng nhôm lớn thứ sáu và là nhà sản xuất palađi hàng đầu. Để đối phó với chiến tranh, các công ty quốc tế lớn như Apple, H&M, Ikea, Inditex và McDonald’s đã tạm ngừng hoạt động tại Nga.
Thu Hương (dịch)
Nguồn: https://www.statista.com/topics/9087/russia-ukraine-war-2022/#dossierKeyfigures