Chính phủ Ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Lưu trữ

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình vừa ký Quyết định số 1116/QĐ-TTg ngày 07/10/2024 ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Lưu trữ.

Theo đó, Luật Lưu trữ số 33/2024/QH15 được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 7 ngày 21 tháng 6 năm 2024, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2025, để triển khai thi hành Luật kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Lưu trữ với mục đích:

– Xác định cụ thể nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức liên quan trong việc tổ chức thi hành Luật Lưu trữ bảo đảm đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả.

– Xác định trách nhiệm và cơ chế phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các địa phương và các cơ quan, tổ chức liên quan trong việc thực hiện các hoạt động triển khai thi hành Luật Lưu trữ trên phạm vi cả nước.

– Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và Nhân dân trong việc triển khai, thi hành Luật Lưu trữ và các văn bản quy định chi tiết một số điều của Luật.

Nội dung của Kế hoạch gồm:

Tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật; xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lưu trữ; tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tập huấn chuyên sâu về Luật Lưu trữ và các văn bản quy định chi tiết một số điều của Luật; Bộ Nội vụ và các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức có liên quan rà soát, thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao trong Luật theo lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được phân công.

Trong đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nội vụ tiến hành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến Luật Lưu trữ thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của bộ; các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan, tổ chức liên quan tổ chức rà soát văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến Luật Lưu trữ thuộc lĩnh vực, địa bàn quản lý nhà nước được phân công và gửi kết quả rà soát về Bộ Nội vụ để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ phân công các bộ, ngành liên quan xây dựng: Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Lưu trữ; các Thông tư quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lưu trữ; Thông tư quy định quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thông tin mạng trong lưu trữ tài liệu điện tử…

Về tổ chức thực hiện:

Bộ trưởng Bộ Nội vụ có trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan, tổ chức liên quan triển khai thực hiện Kế hoạch này.

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thực hiện, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả, tiết kiệm, tránh hình thức, lãng phí; gửi kết quả thực hiện theo Kế hoạch về Bộ Nội vụ để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Trong quá trình thực hiện Kế hoạch, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan, tổ chức liên quan kịp thời phản ánh về Bộ Nội vụ để tổng hợp, hướng dẫn giải quyết hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu đăng tải, cập nhật toàn văn nội dung Luật Lưu trữ và các văn bản quy định chi tiết một số điều của Luật trên Cổng/Trang thông tin điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản quy phạm pháp luật và các hình thức phù hợp khác để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân dễ dàng tiếp cận, khai thác, sử dụng.

Viện Khoa học Thống kê giới thiệu toàn văn Quyết định số 1116/QĐ-TTg tại đây./.

Luật Lưu trữ số 33/2024/QH15 được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 7 ngày 21/6/2024, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025; gồm 08 chương, 65 điều, quy định về quản lý tài liệu lưu trữ và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ; nghiệp vụ lưu trữ; tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ; lưu trữ tư; hoạt động dịch vụ lưu trữ và quản lý nhà nước về lưu trữ.

Trên cơ sở kế thừa quy định của Luật Lưu trữ năm 2011, Luật Lưu trữ năm 2024 được xây dựng tập trung làm rõ 04 chính sách lớn gồm: 1) Thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ thuộc Phông Lưu trữ quốc gia Việt Nam; 2) Quản lý tài liệu lưu trữ điện tử đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số và phát triển Chính phủ điện tử; 3) Quản lý tài liệu lưu trữ tư; 4) Quản lý hoạt động dịch vụ lưu trữ. Các chính sách này được quy định thống nhất, xuyên suốt trong toàn bộ Luật Lưu trữ năm 2024./.