Có số lượng lớn doanh nhân hoạt động kinh tế ngầm ở các nước đang phát triển

Theo một nghiên cứu mới, có số lượng lớn doanh nhân ở các nước đang phát triển không đăng ký kinh doanh chính thức, đang cản trở sự tăng trưởng kinh tế.

Các doanh nhân hoạt động kinh tế ngầm là các cá nhân quản lý doanh nghiệp, bán hàng hóa và dịch vụ hợp pháp nhưng họ không đăng ký kinh doanh. Điều này có nghĩa là họ không phải đóng thuế, hoạt động trong nền kinh tế ngầm (kinh tế ngoài luồng/ kinh tế phi chính thức), các hoạt động kinh doanh được thực hiện ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan quản lý. Hoạt động trong nền kinh tế ngầm dẫn đến thất thu thuế, cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp có đăng ký, và hiệu suất thấp-các nhân tố cản trở sự phát triển kinh tế. Bởi vì các doanh nghiệp này không đăng ký, nên hoạt động của chúng vượt ra ngoài tầm kiểm soát của pháp luật và làm cho các doanh nhân trong nền kinh tế ngầm dễ bị các quan chức nhà nước đòi hối lộ.

Trong một nghiên cứu gồm 68 quốc gia, Giáo sư Erkko Autio và Tiến sĩ Kun Fu từ trường Imperial College Business School đã ước tính hoạt động kinh doanh của các doanh nhân không chính thức có thể chiếm hơn 80% của tổng số hoạt động kinh tế ở các nước đang phát triển. Loại hình doanh nghiệp này bao gồm dịch vụ taxi không phép, các quán ăn bên đường và các hoạt động cảnh quan.

Đây là lần đầu tiên số lượng các doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế ngầm được ước tính.Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng Indonesia là nước có số doanh nhân trong nền kinh tế ngầm cao nhất, với tỷ lệ hơn 130 doanh nghiệp hoạt động kinh tế ngầm trên 1 doanh nghiệp đăng ký hợp pháp. Sau Indonesia là các nước Ấn Độ, Philippines, Pakistan, Ai Cập và Ghana.

Ngược lại, Vương quốc Anh thể hiện tỷ lệ thấp nhất về hoạt động kinh tế ngầm trong 68 quốc gia đã khảo sát, với tỷ lệ chỉ có 1 doanh nghiệp hoạt động kinh tế ngầm trên khoảng 30 doanh nghiệp đăng ký hợp pháp.

Các nhà nghiên cứu cũng thấy rằng chất lượng thể chế chính trị và kinh tế có ảnh hưởng lớn đến việc các doanh nhân đăng ký kinh doanh của họ trên toàn thế giới.

Giáo sư Erkko Autio, Imperial College Business School, đồng tác giả của Báo cáo, cho biết:” Hiểu biết về doanh nhân hoạt động trong nền kinh tế ngầm hết sức quan trọng đối với nước đang phát triển vì nó là  nhân tố chính ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế. Chúng tôi thấy rằng các chính sách của chính phủ có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các doanh nhân hoạt động trong nền kinh tế ngầm chuyển đổi sang kinh tế chính thức. Điều này quan trọng bởi vì các doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế ngầm ít có khả năng sáng tạo, tích lũy vốn và đầu tư trong nền kinh tế, các yếu tố đó cản trở tăng trưởng kinh tế”.

Các nhà nghiên cứu cho rằng các doanh nhân hoạt động kinh tế ngầm rất nhạy cảm với chất lượng của các thể chế chính trị và kinh tế. Ở nơi nào đưa ra các khung khổ kinh tế và chính trị thích hợp, thì các cá nhân có nhiều khả năng trở thành doanh nhân “chính thức” và đăng ký hoạt động kinh doanh của họ, vì đăng ký hoạt động kinh doanh cho phép họ tận dụng lợi thế của pháp luật và các quy định bảo vệ công ty của họ, chẳng hạn như văn bản pháp luật về đăng ký nhãn hiệu.

Các nhà nghiên cứu gợi ý rằng nếu Ấn Độ đã cải thiện chất lượng về các thể chế dân chủ có thể sánh được với của Malaysia, thì có thể tăng tỷ lệ các doanh nhân hoạt động kinh tế chính thức lên đến 50%, còn cắt giảm tỷ lệ các doanh nhân làm việc trong nền kinh tế ngầm lên đến một phần ba. Điều này có nghĩa là chính phủ có thể được hưởng lợi từ thu nhập tăng thêm ví dụ như thuế.

Để tạo ra bảng xếp hạng các quốc gia tham gia khảo sát, các nhà nghiên cứu đã kết hợp dữ liệu từ Dự án Giám sát kinh doanh toàn cầu  (GEM – Global Entrepreneurship Monitor) và Ngân hàng Thế giới(WB – World Bank).

NTH

Nguồn: http://www3.imperial.ac.uk/newsandeventspggrp/imperialcollege/newssummary/news_27-5-2014-9-53-29