Công bố kết quả điều tra thực trạng kinh tế – xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019
Chiều ngày 03/07/2020 Ủy ban Dân tộc (UBDT) phối hợp với Tổng cục Thống kê (TCTK) tổ chức Hội nghị công bố kết quả điều tra, thu thập thông tin về thực trạng tình hình kinh tế – xã hội của 53 dân tộc thiểu số (DTTS) năm 2019.
Điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế – xã hội của 53 DTTS thời điểm ngày 01/10/2019 được thực hiện theo Quyết định số 02/QĐ-TTg ngày 05/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế – xã hội của 53 DTTS và Quyết định số 593/QĐ-TCTK ngày 30/7/2018 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê về việc ban hành Phương án Điều tra 53 DTTS năm 2019. Đây là cuộc Điều tra lần thứ hai do Tổng cục Thống kê phối hợp với Ủy ban Dân tộc thực hiện.
Tham dự Hội nghị có Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến; Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT: Lê Sơn Hải; Nông Quốc Tuấn; Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương; Ủy viên thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Leo Thị Lịch; Phó trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam bà Sitara Syed; chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới, ông Obert Pimhidzai; đại diện lãnh đạo và chuyên viên các đơn vị thuộc cơ quan UBDT và TCTK; và các cơ quan thông tấn báo chí đến đưa tin.
Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh “Cuộc điều tra này có tính đầy đủ, bao hàm cả tính chính trị, xã hội, có tính thực tiễn rất cao với phương pháp điều tra mới tiến cận công nghệ thông tin. Vì vậy, cuộc điều tra xử lý số liệu nhanh chóng và chính xác, tin cậy để sử dụng”.
Tại Hội nghị, Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương trình bày một số kết quả chính thức của cuộc điều tra. Theo kết quả điều tra, trên phạm vi cả nước, có 5.468 xã vùng DTTS và miền núi (viết gọn là xã vùng DTTS), chiếm 49,0% tổng số xã toàn quốc. Các xã vùng DTTS phân bố chủ yếu ở khu vực nông thôn (87,3%), thuộc phạm vi quản lý của 503/713 huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tính đến thời điểm ngày 01/4/2019, dân số của 53 DTTS là 14,1 triệu người, chiếm 14,7% tổng dân số cả nước. Sau 10 năm, từ năm 2009 đến năm 2019, quy mô dân số của 53 DTTS đã tăng gần 1,9 triệu người. Tỷ lệ tăng dân số bình quân năm giai đoạn 2009-2019 của 53 DTTS là 1,42%, cao hơn tỷ lệ tăng bình quân của dân tộc Kinh (1,09%) và tỷ lệ tăng bình quân của cả nước (1,14%).
Trong tổng số 14,1 triệu người DTTS, nam giới chiếm tỷ lệ cao hơn nữ giới, tương ứng là 50,1% so với 49,9%. Tỷ số giới tính của 53 DTTS là 100,4 nam/100 nữ, cao hơn tỷ số giới tính của cả nước (99,1 nam/100 nữ) và tỷ số giới tính của dân tộc Kinh (98,8 nam/100 nữ).
Có 8,03 triệu người DTTS từ 15 tuổi trở lên tham gia lực lượng lao động; tỷ lệ người DTTS tham gia lực lượng lao động là 83,3%. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nam DTTS cao hơn nữ DTTS 7,8 điểm phần trăm, của khu vực nông thôn cao hơn khu vực thành thị 12,9 điểm phần trăm.
Gần như toàn bộ các hộ DTTS đã có nhà ở (đạt 99,8%). Trong số các hộ DTTS có nhà ở, 95% hộ có nhà riêng, 5% hộ ở nhà thuê mượn (thuê mượn của nhà nước, tư nhân hoặc nhà của tập thể). Phần lớn các hộ DTTS đều sống trong các ngôi nhà kiên cố hoặc bán kiên cố, chiếm tỷ trọng 79,2%, thấp hơn 13,9 điểm phần trăm so với mức bình quân chung của cả nước (93,1%). Cả nước vẫn còn 20,8% hộ DTTS đang sống trong các ngôi nhà thiếu kiên cố hoặc đơn sơ. Diện tích nhà ở bình quân đầu người của các hộ DTTS là 16,9m2/người, thấp hơn 6,3m2/người so với mức bình quân chung của cả nước (23,2m2/người).
Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương cũng cho biết, cuộc điều tra này thực hiện trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam và trên thế giới, nên việc cải tiến phương pháp điều tra nhằm nâng cao chất lượng số liệu, rút ngắn thời gian biên soạn kết quả đã được áp dụng triệt để. Với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các giai đoạn điều tra, trong đó sử dụng 100% phiếu điện tử bằng hình thức CAPI và Webform, thời gian điều tra và xử lý số liệu đã được rút ngắn đáng kể. Nhờ đó, việc biên soạn các chỉ tiêu thống kê cơ bản của cuộc điều tra đã được thực hiện và cung cấp sớm chỉ sau khoảng hai tháng kết thúc giai đoạn thu thập thông tin tại địa bàn.
Đánh giá về kết quả cuộc điều tra, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh “Kết quả cuộc điều tra này là căn cứ pháp lý để đánh giá kết quả thực hiện các chính sách dân tộc giai đoạn 2015-2020 và Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2011-2020; chuẩn bị xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2030, kế hoạch 5 năm 2021-2025 và chuẩn bị văn kiện phục vụ Đại hội đại biểu các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”.
Một số hình ảnh Hội nghị:
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến phát biểu tại Hội nghị
Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương
trình bày một số kết quả chính thức của cuộc điều tra
Toàn cảnh Hội nghị
Khương Duy