Cục Thống kê TP Hà Nội báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng Mười và 10 tháng năm 2024

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

1.1. Nông nghiệp

Hoạt động trồng trọt trong tháng tập trung vào thu hoạch lúa, cây màu vụ Mùa và gieo trồng cây màu vụ Đông; chăm sóc phát triển đàn gia súc, gia cầm. Tính đến ngày 20/10/2024, toàn Thành phố thu hoạch được 63 nghìn ha lúa vụ Mùa, chiếm 87,6% diện tích gieo cấy và bằng 93,6% so với cùng kỳ năm trước; năng suất lúa ước đạt 57 tạ/ha, giảm 1,2 tạ/ha so với cùng kỳ, chủ yếu do ảnh hưởng của cơn báo số 3 (YAGI) gây mưa ngập ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cây trồng.

Thành phố có kế hoạch hỗ trợ các địa phương mở rộng sản xuất cây vụ Đông nên tiến độ cây màu vụ Đông năm nay gieo trồng nhanh hơn cùng kỳ. Tính đến 20/10/2024, Thành phố đã trồng được 4,3 nghìn ha ngô, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước; 420 ha khoai lang, bằng 87,5%; 516 ha đậu tương, bằng 95,6%; 127 ha lạc, bằng 99,2%; 10,7 nghìn ha rau các loại, tăng 9,2%; 164 ha đậu tăng 64%.

Trong thời gian gần đây, nhiều tỉnh, thành phố xuất hiện dịch tả lợn châu Phi với nguy cơ lây lan diện rộng và diễn biến phức tạp. Trước tình hình đó, các ngành chức năng của thành phố Hà Nội thực hiện giám sát chặt chẽ dịch bệnh tại cơ sở chăn nuôi trên địa bàn, tăng cường kiểm tra, áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, sát trùng, tiêu độc, kịp thời phát hiện, khoanh vùng và xử lý nhanh gọn khi có dịch bệnh xảy ra. Tổ chức tiêm phòng vắc xin cho đàn lợn thịt, đồng thời tuyên truyền sâu, rộng đến các hộ chăn nuôi về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh và công tác phòng chống dịch.

Chăn nuôi trong tháng phát triển ổn định, tiếp tục có sự phục hồi và phát triển đàn. Đàn trâu hiện có 29,5 nghìn con, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước; đàn bò 124,7 nghìn con, giảm 2,3%. Chăn nuôi lợn tiếp tục xu hướng tăng đàn, số lượng lợn hiện có ước đạt 1,47 triệu con, tăng 0,1% so với cùng kỳ; đàn gia cầm 42,4 triệu con, tăng 1,1% (đàn gà 28,4 triệu con, tăng 1,5%). Tính chung 10 tháng năm 2024, sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng ước đạt 1.773 tấn, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước; thịt bò đạt 8.856 tấn, giảm 0,1%; thịt lợn đạt 215,5 nghìn tấn, tăng 2,6%; thịt gia cầm đạt 139,4 nghìn tấn, tăng 3,5% (thịt gà 104,7 nghìn tấn, tăng 3,6%); trứng gia cầm 2.458 triệu quả, tăng 4,8% (trứng gà 1.202 triệu quả, tăng 4,4%).

1.2. Lâm nghiệp và thủy sản

Sản xuất lâm nghiệp trong tháng tập trung vào công tác chăm sóc, bảo vệ rừng, thu hoạch gỗ và lâm sản. Tháng Mười sản lượng gỗ khai thác ước đạt 2.020 m3, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm 2023; sản lượng củi đạt 77 ste, tăng 4,1%. Tính chung 10 tháng năm 2024, diện tích rừng trồng mới tập trung đạt 119 ha, giảm 2,5% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 630 nghìn cây, tăng 0,6%; sản lượng gỗ khai thác đạt 18,6 nghìn m3, giảm 3,9%; sản lượng củi đạt 678 ste, tăng 3,7%.

Sản lượng thủy sản tháng Mười ước đạt 11,5 nghìn tấn (chủ yếu sản lượng cá), tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó thủy sản nuôi trồng đạt 11,3 nghìn tấn, tăng 3,6%; thủy sản khai thác 166 tấn, giảm 1,8%. Tính chung 10 tháng năm 2024, tổng sản lượng thủy sản đạt 103,8 nghìn tấn, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó thủy sản nuôi trồng đạt 102,3 nghìn tấn, tăng 3,5%; thủy sản khai thác 1,5 nghìn tấn, giảm 1,4%.

2. Sản xuất công nghiệp

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng Mười ước tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,9% và tăng 6,5%; sản xuất và phân phối điện giảm 3,1% và tăng 8,0%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải giảm 8,7% và tăng 11,9%; ngành khai khoáng giảm 30,6% và giảm 9,1%.

Ước tính 10 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,0%; sản xuất và phân phối điện tăng 9,6%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 10,9%; công nghiệp khai khoáng giảm 0,3%.

Trong 10 tháng năm 2024, hầu hết các ngành chế biến, chế tạo đạt mức tăng khá so với cùng kỳ như: Sản xuất máy móc, thiết bị tăng 26,3%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 10,9%; sản xuất trang phục tăng 8,6%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế và công nghiệp chế biến chế tạo khác tăng 8,5%; dệt tăng 8,0%; chế biến thực phẩm tăng 7,4%… Bên cạnh đó, 4 ngành sản xuất có chỉ số IIP giảm so với cùng kỳ: Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ giảm 4,8%; sản xuất da và các sản phẩm liên quan giảm 0,8%; sản xuất xe có động cơ giảm 0,8%; sửa chữa, bảo dưỡng máy móc, thiết bị giảm 0,1%.

Lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp ước đến cuối tháng 10/2024 tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2024, chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp giảm 0,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó lao động đang làm việc trong doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước giảm 4,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 0,7%; khu vực Nhà nước tăng 1,7%. Chia theo ngành kinh tế: Lao động đang làm việc trong ngành chế biến, chế tạo giảm 1,3% (trong đó: sản xuất chế biến thực phẩm giảm 18%; dệt giảm 9,1%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ giảm 7,3%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế giảm 5,5%); ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt giảm 0,4%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,1%; ngành khai khoáng tăng 19,3%.

3. Thực hiện vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước (NSNN) do địa phương quản lý tháng Mười ước tính đạt 7.783 tỷ đồng, tăng 8,8 % so với thực hiện tháng trước và tăng 35% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó: Vốn NSNN cấp Thành phố 3.064 tỷ đồng, tăng 12,2% và tăng 43%; vốn NSNN cấp huyện 4.371 tỷ đồng, tăng 7% và tăng 26,4%; vốn NSNN cấp xã 348 tỷ đồng, tăng 3,3% và gấp 2 lần.

 Tính chung 10 tháng năm 2024, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN do địa phương quản lý thực hiện được 53,2 nghìn tỷ đồng, tăng 35,1% so với cùng kỳ năm trước và đạt 64,2% kế hoạch năm 2024, trong đó: Vốn NSNN cấp Thành phố 20,5 nghìn tỷ đồng, tăng 30,9% và đạt 56,7%; vốn NSNN cấp huyện 30,3 nghìn tỷ đồng, tăng 35,6% và đạt 69,8%; vốn NSNN cấp xã 2,4 nghìn tỷ đồng, tăng 75,7% và đạt 71,1%.

4. Đăng ký doanh nghiệp và thu hút đầu tư nước ngoài

4.1. Tình hình đăng ký doanh nghiệp

Trong tháng Mười, thành phố Hà Nội đã cấp giấy chứng nhận cho 2.318 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 20,6% so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký đạt 20,6 nghìn tỷ đồng, giảm 12,3%; 926 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 44,6%; 1.544 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 25,2%; 483 doanh nghiệp giải thể, tăng 59,3%; 601 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể, tăng 45,1%.

Tính chung 10 tháng năm 2024, Thành phố đã cấp giấy chứng nhận cho 24,9 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với vốn đăng ký 228,3 nghìn tỷ đồng, giảm 5,7% về số lượng doanh nghiệp và giảm 11,8% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; 8,6 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 15,1%; 21,8 nghìn doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 20,1%; 3,9 nghìn doanh nghiệp giải thể, tăng 28,0%; 4,8 nghìn doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể, tăng 27,1%. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng được duy trì 100%, đảm bảo chất lượng và đúng hạn.

4.2. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)

Trong tháng Mười, thành phố Hà Nội thu hút 58,4 triệu USD vốn FDI, trong đó: 25 dự án được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký đạt 13 triệu USD; có 13 dự án được điều chỉnh tăng vốn đầu tư với số vốn đăng ký tăng thêm đạt 4,5 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần 12 lượt, đạt 40,6 triệu USD.

Tính chung 10 tháng năm 2024, toàn Thành phố thu hút 1,6 tỷ USD vốn FDI, trong đó: Đăng ký cấp mới 233 dự án với số vốn đạt trên 1,1 tỷ USD; 160 lượt tăng vốn đầu tư với 184 triệu USD; 192 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 208 triệu USD.

5. Hoạt động thương mại, dịch vụ

5.1. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Trong tháng, tình hình cung cầu hàng hóa trên địa bàn Thành phố vẫn duy trì ổn định, công tác bình ổn giá cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng, bảo đảm an toàn thực phẩm tiếp tục được Thành phố quan tâm, chỉ đạo. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Mười ước tính đạt 77,5 nghìn tỷ đồng, tăng 2,7% so với tháng trước và tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 48,5 nghìn tỷ đồng, tăng 2,7% và tăng 9,6%; doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 11,2 nghìn tỷ đồng, tăng 3,0% và tăng 10,4%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 2,6 nghìn tỷ đồng, tăng 5,9% và tăng 32,1%; doanh thu dịch vụ khác đạt 15,2 nghìn tỷ đồng, tăng 1,7% và tăng 4,9%.

Tính chung 10 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 699,2 nghìn tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 441,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 63,1% tổng mức và tăng 10,7% (đá quý, kim loại quý tăng 37,1%; lương thực, thực phẩm tăng 13,7%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 12,8%; hàng may mặc tăng 10%; ô tô con tăng 8,3%; xăng dầu tăng 7,9%; đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình tăng 7,7%; phương tiện đi lại trừ ô tô con tăng 6,1%; hàng hóa khác tăng 11,7%). Doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 95,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 13,7% và tăng 11,1% (dịch vụ lưu trú tăng 32,2%; dịch vụ ăn uống tăng 8,9%). Doanh thu du lịch lữ hành đạt 23,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 3,3% và tăng 40,1%. Doanh thu dịch vụ khác đạt 139 nghìn tỷ đồng, chiếm 19,9% và tăng 6,5%.

5.2. Vận tải và bưu chính chuyển phát

Tổng doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi, dịch vụ hỗ trợ và bưu chính chuyển phát tháng Mười ước đạt 19,1 nghìn tỷ đồng, tăng 2,4% so với tháng trước và tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2024, Tổng doanh thu ước đạt 181,6 nghìn tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó:

Vận chuyển hành khách: Tháng Mười, hoạt động vận chuyển hành khách tiếp tục tăng trưởng khá. Số lượt hành khách vận chuyển ước đạt 36,5 triệu lượt người, tăng 3% so với tháng trước và tăng 20,4% so với cùng kỳ năm trước; số lượt hành khách luân chuyển ước đạt 1,1 tỷ lượt người.km, tăng 3,1% và tăng 7,1%; doanh thu ước tính đạt 1,9 nghìn tỷ đồng, tăng 3,2% và tăng 14,9%. Tính chung 10 tháng năm 2024, số lượt hành khách vận chuyển đạt 349,6 triệu lượt người, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước; số lượt hành khách luân chuyển đạt 10,4 tỷ lượt người.km, tăng 12,8%; doanh thu đạt 18,5 nghìn tỷ đồng, tăng 16,3%.

Vận tải hàng hóa: Khối lượng hàng hóa vận chuyển tháng Mười ước tính đạt 142,6 triệu tấn, tăng 2,2% so với tháng trước và tăng 15% so với cùng kỳ năm trước; khối lượng hàng hóa luân chuyển ước tính đạt 13,7 tỷ tấn.km, tăng 3,4% và tăng 12,2%; doanh thu ước tính đạt 8,1 nghìn tỷ đồng, tăng 2,7% và tăng 13,4%. Tính chung 10 tháng năm 2024, khối lượng hàng hóa vận chuyển đạt 1,4 tỷ tấn, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước; khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt 130,6 tỷ tấn.km, tăng 12,6%; doanh thu đạt 76,5 nghìn tỷ đồng, tăng 14,3%.

Doanh thu hoạt động kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng Mười ước tính đạt 7,9 nghìn tỷ đồng, tăng 1,9% so với tháng trước và tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2024, doanh thu đạt 75,6 nghìn tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu dịch vụ bưu chính chuyển phát tháng Mười ước tính đạt 1,2 nghìn tỷ đồng, tăng 2% so với tháng trước và tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2024, doanh thu đạt 11 nghìn tỷ đồng, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2023.

5.3. Hoạt động du lịch

Trong tháng, ngành Du lịch Thủ đô tiếp tục đưa ra nhiều chương trình kích cầu du lịch nội địa nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô 10/10. Thành phố xây dựng đa dạng các hình thức truyền thông trên các nền tảng số, Website, nền tảng mạng xã hội và các hình thức tuyên truyền quảng bá khác phù hợp trên không gian mạng nhằm tạo sức lan tỏa lớn và thu hút khách đến Hà Nội. Trong tháng, Thành phố đã tổ chức “Ngày hội văn hóa vì Hòa bình” kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Thủ đô và kỷ niệm 25 năm Hà Nội được vinh danh Thành phố vì hòa bình; tổ chức Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội 2024…

Tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội tháng Mười ước đạt 586 nghìn lượt người, tăng 18,1% so với tháng trước và tăng 16,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2024, khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 5.110 nghìn lượt người, tăng 28,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó:

Khách quốc tế tháng Mười ước đạt 405 nghìn lượt người, tăng 26,5% so với tháng trước và tăng 19,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2024, khách quốc tế ước đạt 3.521 nghìn lượt người, tăng 37,0% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến từ Hàn Quốc đạt 416,6 nghìn lượt người, tăng 9,9%; Trung Quốc 407 nghìn lượt người, tăng 70,5%; Mỹ 221,4 nghìn lượt người, tăng 21,6%; Nhật Bản 215,5 nghìn lượt người, tăng 25,5%; Anh 184,5 nghìn lượt người, tăng 38,9%; Pháp 161,3 nghìn lượt người, tăng 51,5%; Đức 119 nghìn lượt người, tăng 45,4%; Ma-lai-xi-a 91,8 nghìn lượt khách, tăng 11,1%; Xin-ga-po 76 nghìn lượt người, tăng 4,4%; Canada 59,5 nghìn lượt người, tăng 25,5%.

Khách du lịch nội địa tháng Mười ước đạt 181 nghìn lượt người, tăng 2,8% so với tháng trước và tăng 12,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2024, khách du lịch nội địa đến Hà Nội ước đạt 1.589 nghìn lượt người, tăng 13,0% so với cùng kỳ năm trước.

5.4. Xuất, nhập khẩu hàng hóa

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng Mười ước tính đạt 1,5 tỷ USD, tăng 2,1% so với tháng trước và tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó: Khu vực kinh tế trong nước đạt 842 triệu USD, tăng 2,3% và tăng 3,8%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 635 triệu USD, tăng 1,9% và tăng 7,0%. Trong tháng, một số nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ: Máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện đạt 211 triệu USD, tăng 15,6%; hàng dệt may đạt 192 triệu USD, tăng 26,7%; máy móc, thiết bị và phụ tùng đạt 191 triệu USD, tăng 10,6%; hàng nông sản đạt 127 triệu USD, tăng 36,2%; hàng hóa khác đạt 368 triệu USD, tăng 10,4%. Trong tháng Mười, có 4 nhóm hàng chủ yếu kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ: Phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 163 triệu USD, giảm 20,7%; xăng dầu đạt 85 triệu USD, giảm 35,7%; gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 52 triệu USD, giảm 23,3%; hàng gốm sứ đạt 18 triệu USD, giảm 10,2%.

Tính chung 10 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 15,5 tỷ USD, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Khu vực kinh tế trong nước đạt 9,1 tỷ USD, tăng 15,1%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 6,4 tỷ USD, tăng 8,6%. Một số nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ: Máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện đạt 2,3 tỷ USD, tăng 18,7%; hàng may, dệt đạt 1,9 tỷ USD, tăng 8,3%; máy móc thiết bị phụ tùng đạt 1,9 tỷ USD, tăng 9,2%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 1,8 tỷ USD, tăng 16,3%; hàng nông sản đạt 1,3 tỷ USD, tăng 43,9%; gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 632 triệu USD, tăng 0,4%; hàng hóa khác đạt 3,8 tỷ USD, tăng 10,6%. Có 2/12 nhóm hàng chủ yếu kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ: Xăng dầu đạt 1,1 tỷ USD, giảm 2,1%; giầy dép và sản phẩm từ da đạt 290 triệu USD, giảm 9,0%.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng Mười ước tính đạt 3,2 tỷ USD, tăng 3,7% so với tháng trước và giảm 2,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Khu vực kinh tế trong nước đạt 2,6 tỷ USD, tăng 3,8% và giảm 4,6%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 580 triệu USD, tăng 3,4% và tăng 10,1%. Một số nhóm hàng chủ yếu có kim ngạch nhập khẩu giảm so với cùng kỳ: Máy móc thiết bị, phụ tùng đạt 631 triệu USD, giảm 11,1%; xăng dầu đạt 246 triệu USD, giảm 47,6%; chất dẻo đạt 110 triệu USD, giảm 2,1%; ngô đạt 63 triệu USD, giảm 16,3%; thức ăn gia súc đạt 57 triệu USD, giảm 0,2%. Một số nhóm hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng so với cùng kỳ: Máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện đạt 227 triệu USD, tăng 16,2%; sắt thép đạt 206 triệu USD, tăng 3,1%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 189 triệu USD, tăng 47,6%; kim loại khác đạt 130 triệu USD, tăng 29,7%; vải đạt 95 triệu USD, tăng 30%; sản phẩm hóa chất đạt 72 triệu USD, tăng 13,8%; hàng hóa khác đạt 1,1 tỷ USD, tăng 7,1%.

Tính chung 10 tháng năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 33,2 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Khu vực kinh tế trong nước đạt 27,6 tỷ USD, tăng 10,2%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, đạt 5,6 tỷ USD, tăng 6,9%. Một số nhóm hàng có giá trị nhập khẩu lớn như: Máy móc thiết bị, phụ tùng đạt 5,7 tỷ USD, tăng 17,3%; xăng dầu đạt 3,8 tỷ USD, giảm 15,6%; máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện đạt 2,1 tỷ USD, tăng 14,5%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 1,9 tỷ USD, tăng 24,7%; sắt thép đạt 1,8 tỷ USD, tăng 20,2%; kim loại khác đạt 1,2 tỷ USD, tăng 48,5%; chất dẻo đạt 1,1 tỷ USD, tăng 5,6%; hàng hóa khác đạt 11,7 tỷ USD, tăng 10,3%.

6. Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và đô la Mỹ

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2024 tăng 0,28% so với tháng trước, tăng 2,24% so với tháng 12/2023 và tăng 2,20% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân 10 tháng năm nay tăng 4,61% so với bình quân cùng kỳ năm 2023.

Trong tháng Mười, 9/11 nhóm hàng CPI tăng so với tháng trước: Nhóm hàng ăn, dịch vụ ăn uống tăng 0,55% (tác động làm tăng CPI chung 0,17%) do giá lương thực tăng 0,80%; giá thực phẩm tăng 0,53%; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,51%. Nhóm giao thông tăng 0,53% (tác động làm tăng CPI chung 0,05%). Đồ uống và thuốc lá tăng 0,24%. Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,21%. Nhóm văn hóa, giải trí, du lịch tăng 0,17%. Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,39%. Các nhóm còn lại CPI tăng nhẹ: Nhà ở, điện, nước, chất đốt, vật liệu xây dựng tăng 0,07%; giáo dục tăng 0,06%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,03%. Bên cạnh đó, có 2/11 nhóm hàng CPI giảm so với tháng trước: Nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,19% (tác động làm giảm CPI chung 0,01%). Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình giảm nhẹ 0,01%.

Bình quân 10 tháng năm 2024, CPI tăng 4,61% so với bình quân cùng kỳ năm trước, trong đó 10/11 nhóm hàng CPI bình quân tăng: Nhóm giáo dục tăng 20,98% (tác động làm CPI bình quân chung 10 tháng năm nay tăng 1,66%) do 3 tháng đầu năm 2024 các trường công lập trên địa bàn Hà Nội áp dụng mức thu học phí theo Nghị quyết 03/2023/NQ-HĐND ngày 04/7/2023 của HĐND Thành phố, đồng thời một số trường dân lập, tư thục cũng áp dụng mức tăng thu học phí trong năm học 2023-2024. Nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 6,04% (tác động làm CPI tăng 1,23%) do giá nước sạch tăng 28,36%; giá điện tăng 7,80% so cùng kỳ do tăng giá điện 2 lần vào tháng 5 và tháng 11 năm 2023; giá nhà thuê tăng 8,38%. Thuốc và dịch vụ y tế tăng 5,05% (tác động làm CPI tăng 0,26%); Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,40% (tác động làm CPI tăng 1,06%) do giá lương thực tăng 10,97% (trong đó giá gạo tăng 14,85%); thực phẩm tăng 2,60%; ăn uống ngoài gia đình tăng 2,74%. Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 2,44% (tác động làm CPI tăng 0,05%); may mặc, mũ nón, giày dép tăng 1,74% (tác động làm CPI tăng 0,10%); văn hóa, giải trí, du lịch tăng 1,39% (tác động làm CPI tăng 0,07%); giao thông tăng 1,02% (tác động làm CPI tăng 0,10%); thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,17% (tác động làm CPI tăng 0,01%); hàng hóa và dịch vụ khác tăng 6,66% (tác động làm CPI tăng 0,32%) chủ yếu do giá vàng cao dẫn đến giá đồ trang sức tăng 31,10% và dịch vụ bảo hiểm y tế tăng 24,41%. Riêng nhóm bưu chính viễn thông giảm 1,23% (tác động làm CPI giảm 0,04%).

Chỉ số giá vàng tháng Mười tăng 6,26% so với tháng trước, tăng 35,45% so với tháng 12/2023 và tăng 46,59% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 10 tháng năm 2024, chỉ số giá vàng tăng 31,39% so với bình quân cùng kỳ năm 2023.

Chỉ số giá đô la Mỹ tháng Mười tăng 0,80% so với tháng trước, tăng 2,55% so với tháng 12/2023 và tăng 1,90% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 10 tháng năm 2024, chỉ số giá đô la Mỹ tăng 5,02% so với bình quân cùng kỳ năm 2023.

7. Tài chính, ngân hàng và thị trường chứng khoán

7.1. Thu, chi ngân sách

Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 10 tháng năm 2024 ước thực hiện 425,2 nghìn tỷ đồng, đạt 104,1% dự toán năm và tăng 21,8% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó: Thu nội địa 398,7 nghìn tỷ đồng, đạt 105,3% dự toán và tăng 22,5% so cùng kỳ với năm 2023; thu từ dầu thô 3,2 nghìn tỷ đồng, đạt 105,1% và giảm 17,9%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 23,1 nghìn tỷ đồng, đạt 85,6% và tăng 17,8%.

Một số lĩnh vực thu chủ yếu trong thu nội địa 10 tháng năm 2024: Thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước thực hiện 65,1 nghìn tỷ đồng, đạt 92,3% dự toán năm và tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 26,7 nghìn tỷ đồng, đạt 99,9% và tăng 10,9%; khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước 79 nghìn tỷ đồng, đạt 100,6% và tăng 22,2%; thuế thu nhập cá nhân 42,6 nghìn tỷ đồng, đạt 103,9% và tăng 25,9%; thu tiền sử dụng đất 33,3 nghìn tỷ đồng, đạt 92,3% và gấp hơn 4 lần; thu lệ phí trước bạ 6,1 nghìn tỷ đồng, đạt 93,3%  và tăng 14,5%; thu phí và lệ phí 20,1 nghìn tỷ đồng, đạt 103,3% và tăng 26,4%.

Chi ngân sách địa phương 10 tháng năm 2024 ước thực hiện 79,1 nghìn tỷ đồng, đạt 54,0% dự toán năm và tăng 20,9% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó: Chi đầu tư phát triển 35,5 nghìn tỷ đồng, đạt 45,0% dự toán và tăng 27,9%; chi thường xuyên 42,9 nghìn tỷ đồng, đạt 74,2% và tăng 15,5%.

7.2. Tín dụng ngân hàng

Tình hình thực hiện lãi suất: Tháng Mười, các Tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn thực hiện nghiêm quy định về lãi suất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Lãi suất cho vay bình quân của NHTM trong nước với các khoản vay cũ và mới còn dư nợ ở mức 6,8 – 9,2%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) bình quân khoảng 3,6%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của NHNN (4%/năm). Lãi suất tiền gửi tác động theo đó phổ biến ở mức 0,2 – 0,5%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 2,4 – 4,2%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,3 – 5,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 5,8 – 7,0%/năm.

Hoạt động huy động vốn: Ước đến cuối tháng 10/2024, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn Thành phố ước tính đạt 5.692 nghìn tỷ đồng, tăng 0,56% so với cuối tháng trước và tăng 6,68% so với thời điểm kết thúc năm 2023, trong đó tiền gửi đạt 5.005 nghìn tỷ đồng, tăng 0,63% và tăng 7,19%; phát hành giấy tờ có giá đạt 687 nghìn tỷ đồng, tăng 0,03% và tăng 3,16%.

Hoạt động tín dụng: Ước đến cuối tháng 10/2024, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn Thành phố đạt 4.153 nghìn tỷ đồng, tăng 0,61% so với cuối tháng trước và tăng 14,83% so với thời điểm kết thúc năm 2023, trong đó dư nợ ngắn hạn đạt 1.785 nghìn tỷ đồng, tăng 0,62% và tăng 18,64%; dư nợ trung hạn và dài hạn đạt 2.368 nghìn tỷ đồng, tăng 0,60% và tăng 12,11%. Tính đến cuối tháng 10/2024, tỷ lệ nợ xấu của các TCTD chiếm 1,81% trong tổng dư nợ. Tình hình thanh khoản của các TCTD trên địa bàn đảm bảo.

Dư nợ cho vay theo chương trình tín dụng trên địa bàn Thành phố: Cho vay theo chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp chiếm 13,68% trong tổng dư nợ cho vay nền kinh tế; cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 18,89%; chương trình nông nghiệp, nông thôn chiếm 8,93%; cho vay xuất khẩu chiếm 5,14%; cho vay công nghiệp hỗ trợ chiếm 2,32%; cho vay doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 0,35%; cho vay chính sách xã hội chiếm 0,43%.

7.3. Thị trường chứng khoán

Tính đến hết tháng Chín năm 2024, trên cả hai sàn giao dịch chứng khoán (HNX và Upcom) do Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội quản lý có 1.195 doanh nghiệp niêm yết và đăng ký giao dịch, trong đó HNX có 311 doanh nghiệp và Upcom có 884 doanh nghiệp. Giá trị niêm yết trên cả hai sàn đạt 619,3 nghìn tỷ đồng, tăng 2,7% so với tháng trước và tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó HNX đạt 157,2 nghìn tỷ đồng, tăng 0,2% và tăng 4,2%; Upcom đạt 462,1 nghìn tỷ đồng, tăng 3,6% và tăng 7,7%. Giá trị vốn hóa toàn thị trường tại thời điểm đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của tháng Chín đạt 1.763,7 nghìn tỷ đồng, giảm 2,0% so với tháng trước và tăng 27,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó HNX đạt 330 nghìn tỷ đồng, giảm 0,5% và tăng 6,2%; Upcom đạt 1.433,7 nghìn tỷ đồng, giảm 2,3% và tăng 33,3%.

Thị trường cổ phiếu niêm yết (HNX): Tháng Chín khối lượng giao dịch đạt 1.093 triệu CP được chuyển nhượng, giảm 18,3% so với tháng trước và giảm 50,5% so với cùng kỳ năm trước; giá trị giao dịch đạt 20,7 nghìn tỷ đồng, giảm 22,2% và giảm 52,5%. Trong đó, giao dịch khớp lệnh đạt 920 triệu CP, giảm 24,4% và giảm 54,5%; giá trị đạt 17,5 nghìn tỷ đồng, giảm 25,4% và giảm 56,5%. Tính chung 9 tháng năm 2024, khối lượng giao dịch đạt 14,8 tỷ CP với giá trị chuyển nhượng đạt 297,3 nghìn tỷ đồng, giảm 17,9% về khối lượng và tăng 2,4% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Hoạt động cấp mã giao dịch và số tài khoản của các nhà đầu tư (NĐT): Tháng Chín, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam đã cấp mới được 198 mã số giao dịch cho các NĐT nước ngoài (tổ chức 36 mã giao dịch; cá nhân 162 mã giao dịch). Số tài khoản giao dịch của các NĐT được cấp mới 9 tháng năm 2024 đạt 1.272 nghìn tài khoản.

8. Một số vấn đề xã hội

8.1. Giải quyết việc làm

Theo Báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội, trong tháng Mười, Thành phố giải quyết việc làm cho hơn 17,5 nghìn lao động, trong đó 1,3 nghìn lao động được tạo việc làm từ nguồn vốn ngân sách Thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền là 104 tỷ đồng; 1,9 nghìn lao động nhận được việc làm sau khi phỏng vấn tại các phiên, sàn giao dịch việc làm; trên 14,3 nghìn lao động được giải quyết việc làm qua hình thức xuất khẩu lao động, cung ứng dịch vụ việc làm của các doanh nghiệp và qua các hình thức khác. Cũng trong tháng Mười, Thành phố ra quyết định trợ cấp Bảo hiểm thất nghiệp cho 5,6 nghìn người với số tiền hỗ trợ 180 tỷ đồng.

Tính chung 10 tháng năm 2024, Thành phố giải quyết việc làm cho 196,3 nghìn lao động, đạt 118,9% kế hoạch năm và tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2023; quyết định hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho 64,5 nghìn người với số tiền hỗ trợ 1.978 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ học nghề để tìm việc mới cho hơn 0,9 nghìn người với số tiền 3,7 tỷ đồng.

8.2. Bảo đảm an sinh xã hội

Tháng Mười, công tác đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội tiếp tục được chính quyền các cấp quan tâm thực hiện. Thành phố đã tiếp nhận và giải quyết 1.246 hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi đối với người có công, thân nhân người có công và các đối tượng liên quan; tiếp nhận, thẩm định và ra quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp 5.560 trường hợp với số tiền hỗ trợ 180 tỷ đồng. Tính chung 10 tháng năm 2024 giải quyết trên 9,4 nghìn hồ sơ với kinh phí trên 2,1 nghìn tỷ đồng.

Toàn Thành phố hiện có trên 203 nghìn đối tượng đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Tổng kinh phí chi trả 10 tháng năm 2024 gần 1,5 nghìn tỷ đồng. Thực hiện chăm sóc, nuôi dưỡng 3.080 đối tượng bảo trợ xã hội (là người cao tuổi cô đơn, người khuyết tật, trẻ em bị mất nguồn nuôi dưỡng và các đối tượng bảo trợ xã hội khác) tại các cơ sở trợ giúp xã hội của Thành phố. Các Trung tâm nuôi dưỡng người có công của Thành phố đã phối hợp các quận, huyện, thị xã đón và thực hiện điều dưỡng tập trung đối với 2.883 lượt người có công và thân nhân với kinh phí gần 11 tỷ đồng; Tính chung 10 tháng năm 2024, thực hiện điều dưỡng tập trung trên 18,4 nghìn lượt người, với tổng kinh phí trên 81,5 tỷ đồng, đạt 86,9% so với Kế hoạch.

8.3. Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp

Năm 2024, theo kế hoạch Thành phố giao: Tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm y tế (BHYT) đạt 94,5% dân số. Tỷ lệ tham gia Bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc đạt 45% số người trong độ tuổi lao động; số người tham gia BHXH tự nguyện đạt 2,5%. Số người tham gia Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đạt 40% lực lượng lao động.

Ước tính đến hết 10 tháng năm 2024 theo Báo cáo của Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội, tỷ lệ bao phủ BHYT của Thành phố đạt 94,9% dân số với 8.082 nghìn người tham gia, tăng 1,8% so với thời điểm 31/12/2023 và tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước. Có 2.132 nghìn người tham gia BHXH bắt buộc (chiếm 45,6% lực lượng trong độ tuổi lao động), tăng 3,6% và tăng 5,4%; hơn 100 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện (chiếm 2,8%), tăng 22,3% và tăng 25,7%. Số người tham gia BHTN là 2.065 nghìn người (chiếm 44,1%), tăng 3,8% và tăng 5,5%.

Tính đến cuối tháng 10/2024, tổng số tiền thu từ BHXH, BHYT, BHTN là 55,4 nghìn tỷ đồng, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm trước. Tổng chi BHXH, BHYT, BHTN là 60,6 nghìn tỷ đồng, tăng 6,0% so với cùng kỳ năm 2023 (trong đó chi lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng là 37,6 nghìn tỷ đồng; chi khám chữa bệnh BHYT 20,7 nghìn tỷ đồng).

8.4. Giáo dục, đào tạo và dạy nghề

Trong tháng Mười, Thành phố triển khai thực hiện 02 Nghị quyết của HĐND Thành phố về mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập tự bảo đảm chi thường xuyên; cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập chất lượng cao của thành phố Hà Nội năm học 2024-2025 và giá dịch vụ giáo dục để thực hiện thí điểm đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông sử dụng ngân sách nhà nước của thành phố Hà Nội.

Tính đến cuối tháng 9/2024, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia toàn Thành phố đạt 64,5%, trong đó: Mầm non đạt 55,5%; tiểu học 72,8%; trung học cơ sở 81,0%; trung học phổ thông 37,1%. Thành phố tiếp tục triển khai Kế hoạch xây dựng, phấn đấu đến cuối năm 2024 hoàn thành chỉ tiêu công nhận mới 114 trường công lập đạt chuẩn quốc gia và công nhận lại 300 trường đạt chuẩn.

Về giáo dục nghề nghiệp, trong 10 tháng năm 2024 các cơ sở có hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thành phố đã tuyển sinh được 226,5 nghìn lượt người (trong đó 29,2 nghìn người trình độ cao đẳng; 27,5 nghìn người trình độ trung cấp; 169,8 nghìn người trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng), đạt 96,4% kế hoạch tuyển sinh năm 2024.

8.5. Tình hình dịch bệnh

Theo số liệu của Sở Y tế Hà Nội, trong khoảng thời gian từ ngày 14/9 đến ngày 14/10/2024 tình hình các dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn Thành phố cơ bản được kiểm soát tốt, cụ thể như sau:

Bệnh Sốt xuất huyết Dengue có xu hướng tăng, trong tháng ghi nhận 1.194 ca mắc, tăng 7,8% so với tháng trước; cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay Thành phố ghi nhận 4.160 ca mắc, giảm 79,8% so với cùng kỳ năm 2023. Bệnh Tay chân miệng 225 ca mắc, tăng 36,4% so tháng trước; cộng dồn từ đầu năm có 2.186 ca mắc, giảm 3% so với cùng kỳ năm 2023. Ho gà 8 ca mắc, giảm 33,3% so với tháng trước; cộng dồn từ đầu năm có 236 ca mắc, bằng cùng kỳ năm 2023. Bệnh liên cầu lợn 01 ca mắc; cộng dồn năm 2024 ghi nhận 09 trường hợp mắc, 01 tử vong, số mắc giảm 40,0% so với cùng kỳ năm 2023. Bệnh thủy đậu 56 ca mắc, giảm 12,5% so tháng trước; cộng dồn từ đầu năm 804 ca mắc, giảm 60,2% so với cùng kỳ năm 2023. Các dịch bệnh khác không có gì đặc biệt, Thành phố chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ và bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân ở trẻ.

Tình hình dịch bệnh trong khu vực ngập lụt do ảnh hưởng của cơn bão số 3 có 505 người mắc bệnh về da, 42 người mắc bệnh tiêu hóa, 117 người mắc bệnh về mắt, 01 ca sốt xuất huyết. Ngay khi cơn bão qua, các Trung tâm y tế đã chủ động cấp phát thuốc phòng bệnh cho người dân tại điểm ngập úng, đồng thời cấp phát thuốc, hóa chất khử trùng phục vụ cho công tác xử lý nước, môi trường.

Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm luôn được Thành phố quan tâm. Thành phố đẩy mạnh các biện pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống buôn bán hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Duy trì công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố tại 100% xã, phường, thị trấn và các trường học trên địa bàn Thành phố.

8.6. Hoạt động văn hóa, thể thao

– Hoạt động văn hóa: Vào ngày 10/10/2024, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam – Quốc hội – Chủ tịch nước – Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và thành phố Hà Nội đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Tại đây, những chia sẻ của nhân chứng lịch sử và đại diện thế hệ trẻ Thủ đô sẽ góp phần nâng cao ý thức, lòng tự hào về truyền thống lịch sử vẻ vang, hào hùng, hòa bình, hữu nghị của Thăng Long – Hà Nội.

Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, tại khu vực nội thành, trung tâm Thành phố và các trục đường chính, công tác tuyên truyền, cổ động trực quan được thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú theo nội dung, mẫu tranh cổ động đã được phê duyệt. Trong đó, tập trung trang trí tại các khu vực trung tâm, các tuyến đường chính, các điểm văn hoá công cộng, nơi đông người qua lại… Đài truyền thanh cơ sở tăng cường tin bài, thời lượng phát thanh tuyên truyền trước, trong và sau ngày Kỷ niệm tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong các tầng lớp nhân dân.

Trong tháng Mười, các đơn vị nghệ thuật tổ chức biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị, đối ngoại và phục vụ đông đảo các tầng lớp Nhân dân với 223 buổi diễn (49 buổi phục vụ chính trị và 174 buổi diễn doanh thu đạt 4,8 tỷ đồng).

Hoạt động thể thao: Trong tháng Mười, Thành phố đã cử các đoàn huấn luyện viên, vận động viên đi tập huấn, thi đấu các giải đấu trong nước và quốc tế. Thể thao thành tích cao trong tháng đạt 303 huy chương trong nước (119 huy chương Vàng, 76 huy chương Bạc, 108 huy chương Đồng) nâng tổng số huy chương của thành phố Hà Nội trong 10 tháng năm 2024 đạt 2.914 huy chương các loại, trong đó: 250 huy chương tại các giải đấu quốc tế (102 huy chương Vàng, 68 huy chương Bạc, 80 huy chương Đồng) và 2.664 huy chương trong nước (1.001 huy chương Vàng, 792 huy chương Bạc, 871 huy chương Đồng).

8.7. Trật tự an toàn xã hội, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ

Theo số liệu tổng hợp từ Công an thành phố Hà Nội, tình hình trật tự an toàn xã hội, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ tháng Mười (từ 15/9/2024 đến 14/10/2024) trên địa bàn Hà Nội như sau:

Phạm pháp hình sự: Trong tháng phát hiện hơn 627 vụ phạm pháp hình sự, trong đó có 365 vụ do công an khám phá. Số đối tượng vi phạm bị bắt giữ theo luật là 687 đối tượng. Phát hiện, bắt giữ 333 vụ vi phạm pháp luật về kinh tế với 358 đối tượng, thu nộp ngân sách 329 tỷ đồng.

Tệ nạn xã hội: Trong tháng đã phát hiện 50 vụ cờ bạc, bắt giữ 219 đối tượng; phát hiện 239 vụ tội phạm và vi phạm pháp luật về ma tuý, bắt giữ 368 đối tượng, trong đó xử lý hình sự 232 vụ với 338 đối tượng.

Tai nạn giao thông: Tháng Mười, trên địa bàn Thành phố đã xảy ra 109 vụ tai nạn giao thông làm 60 người chết và bị thương 84 người (đều tai nạn giao thông đường bộ). Chia theo mức độ nghiêm trọng, có 1 vụ tai nạn rất nghiêm trọng làm chết 2 người; có 66 vụ tai nạn nghiêm trọng làm chết 58 người và bị thương 22 người; số vụ tai nạn ít nghiêm trọng và va chạm là 42 vụ làm 62 người bị thương. Cộng dồn 10 tháng năm 2024, xảy ra 1.249 vụ tai nạn giao thông, trong đó 1.229 vụ tai nạn đường bộ và 20 vụ tai nạn đường sắt, làm 554 người chết và 1.034 người bị thương.

Bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ: Trong tháng phát hiện 888 vụ vi phạm về bảo vệ môi trường với 890 đối tượng; xử lý 902 vụ với 902 đối tượng; thu nộp ngân sách 5,6 tỷ đồng. Cũng trong tháng Mười, trên địa bàn Thành phố xảy ra 108 vụ cháy nổ, làm 01 người chết, trong đó: 01 vụ cháy lớn, 22 vụ cháy trung bình và 85 vụ cháy nhỏ. Hiện các cơ quan chức năng đang tiếp tục xác minh nguyên nhân cháy và đánh giá thiệt hại về tài sản do các vụ cháy gây ra. Cộng dồn 10 tháng năm 2024, trên địa bàn Thành phố xảy ra 1.034 vụ cháy, nổ làm 26 người chết và 14 người bị thương./.