“Đánh thức” nguồn lực tài chính từ dân cư, xây một nền sản xuất lớn và hiện đại
Phát triển kinh tế có vai trò quyết định sự nghiệp phát triển chung của đất nước. Muốn phát triển kinh tế nhanh và bền vững, Đất nước cần nguồn lực tài chính đủ mạnh để đáp ứng cho một nền sản xuất lớn và hiện đại. Vốn vay từ nước ngoài cũng cần thiết, nhưng thường mang lại nhiều rủi ro và phụ thuộc, ít nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến tính bền vững của nền kinh tế. Hàng năm, nguồn vốn trong dân cư được hình thành và ngày càng nhiều lên. Nguồn vốn này nếu được huy động hiệu quả chắc chắn sẽ gia tăng tổng nguồn vốn đầu tư phát triển xã hội, đồng thời giảm vay vốn từ bên ngoài.
Đến năm 2018, tiền tiết kiệm trong dân cư vượt cao hơn tổng thu ngân sách nhà nước, khoảng 27% (1.818 nghìn tỷ đồng so với 1.431 nghìn tỷ đồng) |
“Dân giàu, nước mạnh” là mục tiêu và động lực của phát triển đất nước ta. Đây là mục tiêu tốt đẹp, tập hợp trí tuệ và sức mạnh của nhân dân, động viên nhân dân xây dựng chủ nghĩa xã hội, phát huy tính tích cực và tự giác của nhân dân trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bên cạnh đó, “dân giàu, nước mạnh” còn có mối quan hệ biện chứng với nhau. Dưới góc độ kinh tế, dân giàu là “dân có của ăn, của để”, hay cụ thể là có tiền và tài sản khác để tiết kiệm. Khi đã có khoản tiết kiệm, số tiền hoặc tài sản đó cần được sử dụng để đầu tư để tạo lợi nhuận cho chính người dân và hơn thế là góp phần xây dựng, phát triển đất nước. Có như vậy thì nước mới mạnh và mục tiêu “dân giàu, nước mạnh” sẽ sớm được hoàn thành. Làm cách nào để nguồn vốn trong dân cư được huy động cho công cuộc xây dựng đất nước, phát triển kinh tế hiện đại, bền vững là câu chuyện rất đáng bàn và tìm các giải pháp khả thi trong giai đoạn tới.
Nền kinh tế tăng trưởng, dân giàu lên, nguồn lực tài chính ngày càng lớn
Sau 35 năm đổi mới, nền kinh tế nước ta liên tục tăng trưởng với mức cao, trong cả giai đoạn bình quân tăng 5,9%/năm, theo đó thu nhập của người dân cũng không ngừng tăng lên. Việt Nam từ một nước nghèo, lạc hậu, đến năm 2010, nước ta chuyển sang nước có thu nhập trung bình thấp. Trong dân cư xuất hiện ngày càng nhiều tầng lớp trung lưu, hộ gia đình khá và giàu. Chênh lệch giữa thu nhập và chi tiêu ngày càng doãng ra, nên tiền để dành, tiết kiệm trong dân cư ngày càng nhiều.
Theo số liệu thống kê từ cuộc Khảo sát mức sống dân cư, do Tổng cục Thống kê thực hiện, năm 2014 tiền tiết kiệm trong dân cư khoảng 843 nghìn tỷ đồng (theo giá hiện hành), năm 2016 là 1.126 nghìn tỷ đồng và năm 2018 tăng vọt lên khoảng 1.818 nghìn tỷ đồng. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, quy mô nguồn vốn này tăng với tốc độ bình quân trong giai đoạn 2015 – 2018 đạt 18,1%/năm.
Nguồn vốn này so với tổng thu ngân sách nhà nước năm 2014 gần bằng nhau, chiếm khoảng 96,12% (843 nghìn tỷ đồng so với 877 nghìn tỷ đồng). Đến năm 2018, tiền tiết kiệm trong dân cư còn vượt cao hơn tổng thu ngân sách nhà nước, khoảng 27% (1.818 nghìn tỷ đồng so với 1.431 nghìn tỷ đồng). Tương tự, so sánh với chi ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển, năm 2014 gấp 3,4 lần và năm 2018 gấp 4,2 lần.
Như vậy, quy mô nguồn lực tài chính trong dân cư qua các năm càng ngày càng lớn hơn, việc huy động được một phần của nguồn vốn này vào đầu tư phát triển không chỉ tăng quy mô vốn mà còn góp phần bền vững cho nền kinh tế.
Bên cạnh đó, tiền tiết kiệm, theo tập quán của người dân Việt Nam, thì thường sẽ mua vàng hoặc ngoại tệ để tích trữ. Theo thông tin báo chí, căn cứ vào con số do Hiệp hội Kinh doanh vàng thế giới công bố dựa trên số liệu nhập vàng của Việt Nam thời gian qua, trong dân cư có khoảng trên dưới 500 tấn vàng. Nếu một phần lượng vàng này tách khỏi cất trữ, chuyển hóa thành tiền, đưa vào lưu thông sẽ đem lại lượng vốn lớn cho nền kinh tế.
Ngoài ra, trong những năm qua, các cơ quan chức năng đã phát hiện và triệt phá được nhiều đường dây đánh bạc, cá độ bóng đá hàng ngàn tỷ đồng, chủ yếu có hình thức online, máy chủ đặt tại nước ngoài. Công ty Cá cược Ladbrokes tại Anh quốc cho rằng, doanh số của thị trường cá cược bóng đá bất hợp pháp tại Việt Nam ước tính từ 3-5% GDP (khoảng 10 tỷ USD). Thêm nữa, gần đây xuất hiện các sàn giao dịch tài chính hình thức đa cấp, tiền ảo đã dụ dỗ rất nhiều người dân tham gia “đầu tư” với cam kết lơi nhuận “không tưởng”. Tất cả những hoạt động này đều không được sự cho phép của Nhà nước nhưng lại thu hút được rất nhiều tiền của người dân đổ vào. Phần lớn số tiền khổng lồ này đang “chảy” bất hợp pháp ra nước ngoài mỗi năm.
Gợi mở giải pháp huy động nguồn lực tài chính trong dân cư
Để các giải pháp huy động nguồn vốn trong dân cư khả thi và đạt hiệu quả, trước hết, Nhà nước phải đảm bảo nguyên tắc tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh công bằng, minh bạch để người dân tin tưởng, sẵn sàng mang vốn từ trong “két” ra để đầu tư. Tác giả đề xuất một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), vừa đảm bảo an toàn về vốn, tài sản cho người dân (tư nhân) trong và sau triển khai đầu tư dự án, ưu tiên đảm bảo nhà nước sẽ sử dụng vốn của người dân có hiệu quả, tức là “vốn tạo lời”. Nhà nước công khai và kêu gọi các lĩnh vực cần người dân tham gia đầu tư, không chỉ giới hạn đầu tư cơ sở hạ tầng mà mở rộng sang đầu tư các dự án công, xây dựng trụ sở làm việc cho các cơ quan nhà nước thuê…
Thứ hai, các ngân hàng thương mại (NHTM) cần tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển công nghệ kỹ thuật, tuyên truyền, quảng cáo để thu hút nhiều hơn nữa tiền gửi từ dân cư. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cần sử dụng hiệu quả 4 công cụ chính trong việc điều hành chính sách tiền tệ để đạt mục đích của mình. Trong tình huống cụ thể, cần xác định mục đích rõ ràng là huy động vốn nhiều trong dân cư, từ đó đưa ra các điều chỉnh hợp lý, đặc biệt việc điều chỉnh lãi suất cơ bản vì đó là công cụ rất mạnh tác động trực tiếp đến lãi suất huy động và cho vay của các NHTM.
Thứ ba, Nhà nước cần tuyên truyền, phổ biến kiến thức, hướng dẫn, tạo môi trường lành mạnh, thuận lợi cho người dân chủ động, tích cực tham gia các thị trường vốn (tín dụng, trái phiếu), thị trường chứng khoán, bất động sản, xổ số kiến thiết… Đặc biệt với thị trường chứng khoán, sau một thập kỷ “ngủ yên”, từ giữa năm 2020 đến nay đã có sự trỗi dậy mạnh mẽ. Theo Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, 6 tháng đầu năm, toàn thị trường chứng khoán có thêm 500.000 tài khoản mới mở, bình quân mỗi ngày có khoảng 3.800 tài khoản cá nhân mới tham gia thị trường. Đặc biệt hơn, thanh khoản trên thị trường chứng khoán tiếp tục tăng rất mạnh, kể từ đầu tháng 6 đến nay, giao dịch bình quân đạt trên 32.000 tỷ đồng/phiên. Chứng khoán thu hút mọi tầng lớp người dân quan tâm, góp tiền, từ bà bán nước, bác lái xe, chứ không chỉ nhà đầu tư chuyên nghiệp. Đây là một tín hiệu tích cực nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Nhà nước cần kịp thời nắm bắt, rút kinh nghiệm từ những bài học trong quá khứ, đưa ra khung pháp lý, chính sách cụ thể để tạo đà phát triển cho thị trường chứng khoán, vận hành thị trường theo đúng bản chất của nó.
Thứ tư, Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường quản lý xã hội, theo dõi sát tình hình thực tế, thực hiện sớm và xử lý mạnh mẽ những hoạt động bất hợp pháp, tích cực truyền thông, cảnh báo về những hoạt động tài chính lừa đảo để tránh dòng tiền trong dân cư đi vào đó. Song song đó, cần nghiên cứu, xây dựng văn bản quy định về một số hình thức đánh bạc, cá cược thể thao có tính khả thi để tiền trong dân được sử dụng có ích hơn cho xã hội.
Thứ năm, khuyến khích người dân tiêu dùng hợp lý theo hướng nâng cao sức khỏe, trình độ và chất lượng sống. Đây là một hình thức đầu tư gián tiếp, có ý nghĩa trong dài hạn, tạo động lực làm đòn bẩy cho nền kinh tế.
Nhà nước và Nhân dân đồng lòng vì mục tiêu chung “dân giàu, nước mạnh”
thì công cuộc phát triển kinh tế bền vững của đất nước chắc chắn thành công
Thứ sáu, tiếp tục kiên định các giải pháp vĩ mô đồng bộ làm thay đổi thói quen, nhu cầu nắm giữ vàng của người dân, làm suy giảm sức hấp dẫn của vàng miếng, ngăn chặn tình trạng vàng hóa, chuyển hóa vàng thành tiền để sẵn sàng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội. Việc chuyển hóa nguồn lực vàng là một quá trình lâu dài, các giải pháp để chuyển hóa nguồn lực vàng cần thực hiện nhất quán, đồng bộ và từng bước.
Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, mặc dù việc huy động nhiều hơn nữa nguồn lực tài chính trong dân cư không đơn giản, nhưng không phải là bất khả thi. Nhà nước kiến tạo niềm tin, động lực, người dân hưởng ứng. Nhà nước và Nhân dân đồng lòng vì mục tiêu chung “dân giàu, nước mạnh” thì công cuộc phát triển kinh tế bền vững của đất nước chắc chắn thành công./.
ThS. Vũ Trọng Nghĩa, Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia, Tổng cục Thống kê
Nguồn: kinhtevadubao.vn