ĐIỂM MỚI CẦN NGHIÊN CỨU SỬA ĐỔI TRONG HỆ THỐNG NGÀNH KINH TẾ VIỆT NAM
Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam (VSIC) là bảng phân loại chuẩn các hoạt động kinh tế diễn ra trong lãnh thổ kinh tế Việt Nam theo 5 cấp độ ngành và chú giải chi tiết nội dung từng ngành. Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam ban hành theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg (VSIC 2018) được phát triển đến cấp 5 (so với Phân loại chuẩn các hoạt động kinh tế của Liên hợp quốc phiên bản lần thứ 4 (ISIC 4) có 4 cấp).
Đến nay, quá trình số hóa đã thay đổi cách thức hoạt động của rất nhiều hoạt động kinh tế. Do đó, phân ngành chuẩn quốc tế đã được nghiên cứu sửa đổi và được thông qua tại kỳ họp lần thứ 55 của Ủy ban Thống kê Liên hợp quốc tại New York, Hoa kỳ tháng 3/2024 (ISIC 5). Lần sửa đổi này của ISIC nhằm nâng cao tính phù hợp của phân ngành kinh tế bằng cách phản ánh tốt hơn cấu trúc hiện tại của nền kinh tế thế giới, nhận biết các ngành mới, các hoạt động mới đã xuất hiện trong thời gian qua và tạo điều kiện so sánh quốc tế thông qua việc tăng cường sự đồng bộ với các phân loại khu vực hiện có. Tại phiên bản ISIC 5 cũng đưa ra mức độ chi tiết ngày càng cao về các hoạt động kinh tế, đặc biệt trong phần liên quan đến các hoạt động dịch vụ nhằm phản ánh sự tăng trưởng của lĩnh vực này trong nền kinh tế của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Khi ISIC thay đổi, bảng danh mục ngành kinh tế của các nước xây dựng trên cơ sở ISIC tất nhiên cũng sẽ cần thay đổi để đảm bảo tính so sánh số liệu quốc gia và quốc tế.
Theo quy định tại Điều 24 Luật Thống kê:“ Hệ thống ngành kinh tế là phân loại thống kê quốc gia; được xây dựng phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn Việt Nam, được sử dụng trong hoạt động thống kê nhà nước, trong xây dựng hệ thống đăng ký hành chính, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu bộ, ngành, cơ sở dữ liệu địa phương và các hoạt động quản lý nhà nước khác có liên quan”. |
Cùng với đó, tình hình kinh tế – xã hội Việt Nam đã có nhiều sự thay đổi dẫn đến các ngành kinh tế cũng thay đổi theo hướng phát triển đa dạng, phức tạp hơn. Với sự phát triển của công nghệ số trong xu hướng phát triển toàn cầu, nhiều vấn đề kinh tế mới xuất hiện ở Việt Nam. Đó là kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn hay phát triển bền vững đang kéo theo nó nhiều hoạt động kinh tế hoàn toàn mới. Bên cạnh đó, các hình thái hoạt động kinh tế truyền thống trước đây giờ có sự tác động của công nghệ đã trở nên hiệu quả hơn rất nhiều, song cũng đặt ra thách thức đối với các cơ quan chức năng cũng như các nhà sản xuất số liệu thống kê, như: các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên nền tảng số trở nên phổ biến và mang lại hiệu quả cho người sản xuất hơn rất nhiều lần so với hoạt động truyền thống trước kia; nhận thức về tác động của kinh tế đối với môi trường ngày càng được nâng cao đã tạo ra những hoạt động chuyên biệt nhằm bảo vệ môi trường; quan niệm mới của thế giới về phát triển kinh tế cũng làm xuất hiện nhiều hoạt động kinh tế mới… cần được xem xét, phản ánh trong bảng phân ngành kinh tế bảo đảm không bỏ sót bất kì hoạt động kinh tế nào và để số liệu sản xuất từ việc sử dụng bảng phân ngành được chính xác và đầy đủ.
Nền kinh tế Việt Nam được đánh giá là phát triển năng động và có độ mở cao. Mọi thay đổi diễn biến của nền kinh tế thế giới đã đang và sẽ tác động đến nền kinh tế Việt Nam và các xu hướng mới trong chuyển dịch, phát triển hay suy giảm của các ngành chắc chắn cũng sẽ diễn ra ở Việt Nam. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam để đảm bảo bao quát hết những thay đổi của nền kinh tế, góp phần giúp cho công tác đo lường, tính các chỉ tiêu kinh tế tổng hợp được cập nhật và chính xác, từ đó cung cấp dữ liệu thống kê chất lượng đáp ứng yêu cầu công tác hoạch định chính sách và lập kế hoạch của các nhà quản lý. Đây sẽ là các nội dung cần được giải quyết và phản ánh trong việc sửa đổi các ngành kinh tế trong bảng phân ngành kinh tế để phản ánh sát hơn các hoạt động kinh tế thực tế đang diễn ra.
Mặt khác, nhằm đáp ứng khả năng so sánh với phân loại chuẩn các hoạt động kinh tế của Liên hợp quốc phiên bản lần thứ 5 (ISIC 5), Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam sửa đổi cần có sự điều chỉnh, thay đổi đáng kể về cấu trúc tổng thể và chi tiết. Những thay đổi có thể chia thành 3 nhóm chính, đó là: (i) Nhận diện và đưa ra các ngành kinh tế mới và các hoạt động kinh tế mới; (ii) Tái cấu trúc các ngành , nhóm ngành trong nền kinh tế; (iii) Điều chỉnh nhỏ và làm rõ về khái niệm, nội dung cụ thể các hoạt động kinh tế.
Ở nước ta, hệ thống ngành kinh tế quốc dân đã được xây dựng và sửa đổi nhiều lần phù hợp với từng thời kỳ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và yêu cầu quản lý nhà nước. Sự thay đổi, cập nhật của hệ thống ngành kinh tế cần đáp ứng các yêu cầu sau:
Thứ nhất, danh mục ngành là danh mục các hoạt động kinh tế. Do đó, ngành kinh tế là tập hợp các hoạt động kinh tế giống nhau dựa trên 3 tiêu chí: (i) Quy trình sản xuất của hoạt động kinh tế; (ii) Nguyên liệu đầu vào mà hoạt động kinh tế sử dụng để tạo ra sản phẩm; (iii) Đặc điểm của sản phẩm đầu ra của hoạt động kinh tế.
Thứ hai, hệ thống ngành kinh tế mô tả nhiều nhất có thể các hoạt động kinh tế trong xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế các hoạt động kinh tế biến động và phát triển đa dạng, phức tạp và nhanh chóng. Chính vì vậy, những hoạt động kinh tế nào đủ lớn sẽ được xếp vào một mã riêng, còn đối với những hoạt động kinh tế nhỏ được xếp chung vào cùng nhóm mã ngành với các hoạt động kinh tế tương đồng khác hoặc mã ngành hoạt động khác chưa được phân vào đâu để đảm bảo nguyên tắc phản ánh bao trùm mọi hoạt động kinh tế phát sinh trong thực tiễn.
Thứ ba, bảo đảm tính so sánh quốc tế để số liệu thống kê Việt Nam so sánh được với số liệu của các tổ chức quốc tế và số liệu các nước cùng sử dụng một hệ quy chiếu là bảng phân ngành chuẩn quốc tế (ISIC). Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam được xây dựng dựa trên các phiên bản tương ứng của ISIC. Trong đó, các mã ngành cấp 1, cấp 2 của VSIC được giữ nguyên như phiên bản của Liên hợp quốc. Điều này đảm bảo số liệu thống kê kinh tế của Việt Nam khi được thu thập, tổng hợp có thể so sánh với các nước trên thế giới do sử dụng chung theo một bảng phân loại. Mặc dù vậy, yêu cầu so sánh quốc tế không có nghĩa là Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam sao y lại cấu trúc, nội dung của Bảng phân ngành chuẩn quốc tế ISIC của Liên hợp quốc. Từ ngành kinh tế cấp 3 đến cấp 5, cấu trúc phân loại của Việt Nam sẽ có thay đổi cho phù hợp với điều kiện thực tế của nền kinh tế Việt Nam với việc mở rộng hoặc thu hẹp các hạng mục chi tiết của ISIC để chuyển thành bảng danh mục ngành kinh tế quốc gia.
Sau đây là nội dung chính về những điểm mới cần nghiên cứu sửa đổi trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam, cụ thể:
- Sửa đổi mã ngành, tên ngành kinh tế, điều chỉnh giữa các ngành kinh tế hoặc làm rõ nội dung, phạm vi của ngành kinh tế
– Sửa đổi mã ngành kinh tế:
+ Bỏ mã 620 (Lập trình máy vi tính, dịch vụ tư vấn và các hoạt động khác liên quan đến máy vi tính) và sửa đổi các mã 6201, 6202, 6209 thành các mã tương ứng là 621 (Lập trình máy vi tính), 622 (Tư vấn máy vi tính và quản trị hệ thống máy vi tính), 629 (Hoạt động dịch vụ công nghệ thông tin và dịch vụ khác liên quan đến máy vi tính).
+ Các mã 7830, 78301, 78302 được sửa đổi thành các mã tương ứng là 7822 (Cung ứng và quản lý nguồn lao động), 78221 (Cung cứng và quản lý nguồn lao động trong nước), 78222 (Cung ứng và quản lý nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài).
– Sửa đổi tên ngành kinh tế:
+ Cụm từ “trong các cửa hàng kinh doanh” được xóa bỏ tại các tên các mã ngành kinh tế trong nhóm ngành 47 (Bán lẻ), ví dụ: nhóm 4711 (Bán lẻ lương thực, thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, thuốc lào chiếm tỷ trọng lớn trong các cửa hàng kinh doanh tổng hợp) sửa đổi tên thành 4711 (Bán lẻ lương thực, thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, thuốc lào chiếm tỷ trọng lớn), …
+ Nhóm 4752 (Bán lẻ đồ ngũ kim, sơn, kính và thiết bị lắp đặt khác trong xây dựng trong các cửa hàng chuyên doanh) sửa đổi tên thành nhóm 4752 (Bán lẻ đồ ngũ kim, sơn, kính, vật liệu và thiết bị lắp đặt khác trong xây dựng).
+ Nhóm 702 (Hoạt động tư vấn quản lý) được bổ sung, sửa đổi thành nhóm 702 (Hoạt động tư vấn quản lý kinh doanh và hoạt động tư vấn quản lý khác).
+ Nhóm 90 (Hoạt động sáng tác, nghệ thuật và giải trí) được sửa đổi tên thành nhóm 90 (Hoạt động sáng tạo nghệ thuật và biểu diễn nghệ thuật).
– Điều chỉnh giữa các ngành kinh tế:
+ Tái cơ cấu nhóm 3512 (Truyền tải và phân phối điện) với việc chuyển hoạt động của các trung gian hoặc đại lý điện vào nội dung nhóm 35400 (Hoạt động trung gian hoặc đại lý điện, khí đốt).
+ Các hoạt động trong nhóm 631 (Xử lý dữ liệu, cho thuê và các hoạt động liên quan; cổng thông tin) được chuyển vào các nhóm 591 (Hoạt động điện ảnh và sản xuất chương trình truyền hình), nhóm 592 (Hoạt động ghi âm và xuất bản âm nhạc), nhóm 631 (Cung cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, xử lý dữ liệu, cho thuê và các hoạt động liên quan) và nhóm 639 (Cổng thông tin và dịch vụ thông tin khác). Sau khi thay đổi, nhóm 631 chỉ còn chứa một nhóm duy nhất là 631 (Cung cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, xử lý dữ liệu, cho thuê và các hoạt động liên quan) để bao gồm các hoạt động như cung cấp cơ sở hạ tầng đám mây và nền tảng (IaaS, PaaS), điện toán đám mây (trừ xuất bản phần mềm và thiết kế hệ thống máy tính) có hoặc không kết hợp với cung cấp cơ sở hạ tầng, hoạt động xử lý dữ liệu công nghệ sổ cái phân tán (blockchain) và các dịch vụ cung cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật liên quan đến phát trực tuyến.
+ Nhóm 639 (Dịch vụ thông tin khác), sau khi chuyển hoạt động thông tấn trong nhóm 6391 về ngành J (Hoạt động xuất bản, phát thanh, sản xuất và phân phối nội dung) và gộp các hoạt động cổng tìm kiếm web của nhóm 631 (Xử lý dữ liệu, cho thuê và các hoạt động liên quan; cổng thông tin) thành nhóm 6390 (Cổng thông tin và dịch vụ thông tin khác). Nhóm này được điều chỉnh, thay đổi nhằm bao gồm các hoạt động của các trang web sử dụng công cụ tìm kiếm để tạo và duy trì cơ sở dữ liệu mở rộng về địa chỉ và nội dung Internet theo định dạng có thể tìm kiếm dễ dàng (Cổng thông tin).
+ Hoạt động “Phát triển các dự án xây dựng nhà ở hoặc các công trình xây dựng dân dụng bằng cách sử dụng các phương tiện tài chính, kỹ thuật và vật chất để thực hiện các dự án xây dựng để bán” tại ngành F (Xây dựng), nhóm 410 (Xây dựng nhà các loại) được chuyển về nhóm 681 (Kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê) tại ngành M (Hoạt động kinh doanh bất động sản) nhằm bảo đảm thống nhất với nội dung thay đổi của ISIC 5 và phù hợp với khái niệm “Kinh doanh bất động sản” quy định tại Luật Kinh doanh bất động sản của Việt Nam.
– Làm rõ nội dung, phạm vi của ngành kinh tế:
Các hoạt động kinh tế trong các ngành kinh tế có điều chỉnh, cập nhật, bổ sung nhằm làm rõ hơn về nội dung các hoạt động bảo đảm tính so sánh và thống nhất với chuẩn quốc tế và tạo điều kiện thuận lợi việc áp dụng thống nhất Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam trong thực tiễn, giảm thiểu sự chênh lệch về số liệu giữa các ngành, tăng cường khả năng so sánh số liệu thống kê, qua đó góp phần thúc đẩy sự hòa nhập ngày càng sâu rộng của thống kê Việt Nam với thống kê thế giới, cụ thể:
+ Nội dung nhóm 39000 (Xử lý ô nhiễm và hoạt động quản lý chất thải khác) được làm rõ bằng việc đề cập đến các hoạt động tín thu hồi và lưu trữ cacbon trong phần nội dung của mã ngành kinh tế này.
+ Phạm vi của nhóm 81300 (Dịch vụ chăm sóc và duy trì cảnh quan) được làm rõ bằng việc đề cập đến các hoạt động quản lý và bảo tồn hệ sinh thái và đa dạng sinh học trong phần nội dung của mã ngành kinh tế này.
+ Phạm vi ngành T (Hoạt động dịch vụ khác) được thay đổi vì các hoạt động sửa chữa và bảo dưỡng ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác được chuyển từ nhóm 45 (Bán, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác) của ngành G (Bán buôn và bán lẻ; Sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác) để thống nhất với nội dung thay đổi của ISIC 5.
- Thay đổi ngành kinh kế
– Đối với nội dung thương mại điện tử: Nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh, hoạt động thương mại điện tử chỉ là một trong nhiều phương thức mà qua đó bán hàng được thực hiện. Theo đó, các nguyên tắc phân loại các đơn vị này căn cứ theo hoạt động kinh tế chính để xếp ngành. Việc phân loại hoạt động bán lẻ được dựa trên hàng hóa được bán mà không dựa theo cách thức bán hàng (tại cửa hàng, trực tuyến, qua quầy hàng và chợ hay máy bán hàng tự động,…). Do đó, các hoạt động bán lẻ hàng hóa tại ngành G (Bán buôn và bán lẻ) có sự thay đổi, cụ thể:
+ Xóa bỏ các nhóm 478 (Bán lẻ lưu động hoặc bán tại chợ), nhóm 479 (Bán lẻ hình thức khác (trừ bán lẻ tại cửa hàng, lưu động hoặc tại chợ)).
+ Xóa bỏ các ngành cấp 5 gồm: nhóm 47111 (Bán lẻ trong siêu thị (Supermarket)), 47112 (Bán lẻ trong cửa hàng tiện lợi (Minimarket)); nhóm 47113 (Bán lẻ trong các cửa hàng kinh doanh tổng hợp khác); nhóm 47191 (Bán lẻ trong siêu thị (Supermarket)); nhóm 47192 (Bán lẻ trong cửa hàng tiện lợi (Minimarket)); nhóm 47199 (Bán lẻ trong các cửa hàng kinh doanh tổng hợp khác) vì nội dung được gộp tại các mã ngành cấp 4 tương ứng.
– Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam được xây dựng trên cơ sở thống nhất hoàn toàn đến cấp 2 với ISIC. Như vậy, tương ứng với ISCI 5, ngành 45 (Bán, sửa chữa xe ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác) bị loại bỏ để bảo đảm sự áp dụng nhất quán của nguyên tắc phân loại trong ngành G (Bán buôn và bán lẻ). Điều đó có nghĩa là các hoạt động bán buôn, bán lẻ ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác ở ngành 45 (Bán, sửa chữa xe ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác) được phân về các ngành 46 (Bán buôn) và ngành 47 (Bán lẻ) và các hoạt động bảo trì, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác được phân vào ngành 95 (Sửa chữa, bảo dưỡng máy tính, đồ dùng cá nhân và gia đình; ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác).
– Tích hợp một nhóm mới là nhóm 953 (Sữa chữa và bảo dưỡng ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác) và nhóm này bao gồm 2 nhóm là nhóm 9531 (Sửa chữa và bảo dưỡng ô tô và xe có động cơ khác) và nhóm 9532 (Sửa chữa và bảo dưỡng mô tô, xe máy). Những hoạt động này là do được chuyển từ nhóm 45 (Bán, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác) của ngành G (Bán buôn và bán lẻ; Sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác).
- Gộp ngành kinh tế
– Các mã ngành kinh tế cấp 4, cấp 5 là nhóm 4741 (Bán lẻ máy vi tính, thiết bị ngoại vi, phần mềm và thiết bị viễn thông trong các cửa hàng chuyên doanh); nhóm 47411 (Bán lẻ máy vi tính, thiết bị ngoại vi, phần mềm trong các cửa hàng chuyên doanh); nhóm 47412 (Bán lẻ thiết bị viễn thông trong các cửa hàng chuyên doanh); nhóm 4742 (Bán lẻ thiết bị viễn thông trong các cửa hàng chuyên doanh) bị xóa bỏ do nội dung các ngành này được gộp vào ngành cấp 3 là nhóm 474 (Bán lẻ thiết bị công nghệ thông tin liên lạc).
– Các mã ngành kinh tế cấp 5 là 52291 (Dịch vụ đại lý, giao nhận vận chuyển); 52292 (Logistics); 52299 (Dịch vụ hỗ trợ khác liên quan đến vận tải chưa được phân vào đâu) bị xóa bỏ do nội dung các ngành này được gộp vào ngành cấp 4 là 5229 (Hoạt động dịch vụ hỗ trợ khác liên quan đến vận tải).
– Xóa bỏ sự phân biệt giữa hoạt động viễn thông có dây, không dây và vệ tinh. Do đó, các ngành kinh tế trong nhóm 611 (Hoạt động viễn thông có dây), nhóm 612 (Hoạt động viễn thông không dây) và nhóm 613 (Hoạt động viễn thông vệ tinh) đã được hợp nhất thành 1 nhóm ngành cấp 3 duy nhất là nhóm 611 (Hoạt động viễn thông có dây, không dây và vệ tinh).
– Gộp ngành cấp 3 là nhóm 073 (Khai thác quạng kim loại quý hiếm) vào nội dung nhóm 072 (Khai thác quặng không chứa sắt (trừ quặng kim loại quý hiếm) thành nhóm 072 (Khai thác quặng không chứa sắt) để thống nhất với ngành cấp 3 của ISIC 5; đồng thời, chi tiết mã cấp 5 là nhóm 07292 (Khai thác quặng kim loại quý hiếm) nhằm phù hợp với đặc thù phát triển nền kinh tế Việt Nam và bảo đảm việc thu thập, tổng hợp số liệu thống kê được chính xác theo ngành.
– Một số ngành kinh tế đã được chuyển và gộp vào các ngành kinh tế khác, như: nhóm 47620 (Bán lẻ băng đĩa âm thanh, hình ảnh (kể cả băng, đĩa trắng) gộp vào ngành 47690 (Bán lẻ hàng văn hóa, giải trí khác chưa phân vào đâu); nhóm 77220 (Cho thuê băng, đĩa video) gộp toàn bộ nội dung vào nhóm 77290 (Cho thuê đồ dùng cá nhân và gia đình khác); nhóm 7722 (Cho thuê băng, đĩa video) được chuyển nội dung vào nhóm 7729 (Cho thuê đồ dùng cá nhân và gia đình khác).
– Nhóm 7830 (Cung ứng và quản lý nguồn lao động) được chuyển và gộp nội dung vào nhóm 7820 (Cung ứng lao động tạm thời) thành nhóm cấp 3 mới là nhóm 782 (Cung ứng lao động tạm thời và nguồn lao động khác).
– Các nhóm 801 (Hoạt động bảo vệ tư nhân); nhóm 802 (Dịch vụ hệ thống bảo đảm an toàn); nhóm 803 (Dịch vụ điều tra) được tích hợp vào một nhóm mới là 801 (Hoạt động điều tra bảo đảm an toàn). Trong đó, gộp các nhóm 8010 (Hoạt động bảo vệ tư nhân) và nhóm 8030 (Dịch vụ điều tra) thành nhóm mới 8011 (Dịch vụ điều tra và hoạt động bảo vệ tư nhân); nhóm 8020 (Dịch vụ hệ thống bảo đảm an toàn) được gộp vào thành một phần nội dung của nhóm mới 8019 (Dich vụ đảm bảo an toàn khác).
– Sáp nhập các nhóm 8211 (Dịch vụ hành chính văn phòng tổng hợp) và nhóm 8219 (Photo, chuẩn bị tài liệu và các hoạt động hỗ trợ văn phòng đặc biệt khác) thành một nhóm 8210 (Hoạt động hành chính và hỗ trợ văn phòng).
– Gộp các nhóm 9511 (Sửa chữa máy vi tính và thiết bị ngoại vi) và nhóm 9512 (Sửa chữa thiết bị liên lạc) thành nhóm 95100 (Sửa chữa và bảo dưỡng máy vi tính và thiết bị liên lạc).
- Phân tách ngành kinh tế
– Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam cũng bao gồm 22 ngành cấp 1 tương ứng như ISIC 5, tức tăng thêm 01 ngành kinh tế cấp 1 do ngành Thông tin và Truyền thông được tái cấu trúc để giải quyết việc phân loại các hoạt động kinh tế liên quan như truyền thông xã hội, công cụ tìm kiếm, công nghệ đám mây và các hoạt động an ninh mạng cũng như kinh tế số… Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và truyền thông đã thúc đẩy việc tái cấu trúc ngành này, cụ thể là tách ngành J (Thông tin và truyền thông) thành 2 ngành cấp 1 là ngành J (Hoạt động xuất bản, phát thanh, sản xuất và phân phối nội dung) và ngành K (Viễn thông; lập trình máy vi tính, tư vấn máy vi tính và các hoạt động dịch vụ thông tin khác).
Trong đó, ngành J (Hoạt động xuất bản, phát thanh, sản xuất và phân phối nội dung) bao gồm chủ yếu các nội dung hiện có ở nhóm 58 (Hoạt động xuất bản), 59 (Hoạt động điện ảnh và sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc), nhóm 60 (Hoạt động phát thanh, truyền hình), hoạt động thông tấn và các dịch vụ chuyển đổi ghi âm hậu kỳ thành định dạng phát trực tuyến ở nhóm 63 (Hoạt động dịch vụ thông tin). Ngành K (Viễn thông; lập trình máy vi tính, tư vấn máy vi tính và các hoạt động dịch vụ thông tin khác) bao gồm chủ yếu các nội dung hiện có ở nhóm 61 (Viễn thông), 62 (Lập trình máy vi tính, dịch vụ tư vấn và các hoạt động khác liên quan đến máy vi tính) và phần còn lại của nhóm 63 (Hoạt động dịch vụ thông tin).
– Một số ngành kinh tế trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam được tách thành các nhóm ngành tương ứng với ISIC 5, như: Tách riêng các nhóm 10761 (Chế biến chè), nhóm 10762 (Chế biến cà phê) hiện có trong nhóm 10790 (Sản xuất thực phẩm khác chưa được phân vào đâu); Tách nhóm 1103 (Sản xuất bia và mạch nha ủ men bia) thành nhóm 11030 (Sản xuất bia) và nhóm 11040 (Sản xuất mạch nha ủ men bia); Tách nhóm 2610 (Sản xuất linh kiện điện tử) thành nhóm 26110 (Sản xuất pin mặt trời, tấm pin mặt trời và bộ biến tần quang điện) và nhóm 26190 (Sản xuất kinh kiện điện tử khác); Tách nhóm 5510 (Hoạt động lưu trú ngắn ngày) thành nhóm 5510 (Khách sạn và dịch vụ lưu trú tương tự) và nhóm 5520 (Dịch vụ lưu trú ngắn ngày khác); Tách nhóm 90 (Hoạt động sáng tác, nghệ thuật và giải trí) thành 3 nhóm là nhóm 901 (Hoạt động sáng tạo nghệ thuật), nhóm 902 (Hoạt động biểu diễn nghệ thuật) và nhóm 903 (Hoạt động hỗ trợ sáng tạo nghệ thuật và biểu diễn nghệ thuật).
– Nhóm 6201 (Lập trình máy vi tính) được phân chia thành các nhóm 6211 (Phát triển trò chơi điện tử, phần mềm trò chơi điện tử và các công cụ phần mềm trò chơi điện tử) và nhóm 6219 (Lập trình máy vi tính khác).
– Nhóm 642 (Hoạt động công ty nắm giữ tài sản) được tách thành 2 nhóm là nhóm 6421 (Hoạt động của công ty nắm giữ tài sản) và nhóm 6422 (Hoạt động của các kênh tài chính).
– Nhóm 643 (Hoạt động quỹ tín thác, các quỹ và các tổ chức tài chính khác) được tách thành 3 nhóm là nhóm 6431 (Hoạt động quỹ thị trường tiền tệ), nhóm 6432 (Hoạt động quỹ đầu tư phi thị trường tiền tệ) và nhóm 6433 (Hoạt động quỹ tín thác, tài sản hoặc tài khoản ủy thác).
– Nhóm 649 (Hoạt động dịch vụ tài chính khác (trừ bảo hiểm và bảo hiểm xã hội) được phân chia thành các nhóm cụ thể hơn, đó là việc tách các hoạt động dịch vụ tài chính khác thành các nhóm 6492 (Hoạt động tài trợ thương mại quốc tế), nhóm 6493 (Hoạt động bao thanh toán) và nhóm 6494 (Hoạt động chứng khoán hóa).
– Nhóm 74 (Hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ khác) được tách thêm một nhóm 743 (Hoạt động phiên dịch) từ nội dung các hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ khác chưa được phân vào đâu.
– Nhóm 8412 (Hoạt động quản lý nhà nước trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa và các dịch vụ xã hội khác (trừ bảo đảm xã hội bắt buộc) được thành các nhóm 8412 (Hoạt động quản lý nhà nước trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa và các dịch vụ xã hội khác (trừ môi trường và bảo đảm xã hội bắt buộc) và nhóm 8413 (Hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực môi trường).
– Nhóm 869 (Hoạt động y tế khác) được chia nhỏ và tách riêng thêm nhóm 8693 (Hoạt động dịch vụ trung gian cho các dịch vụ y tế, nha khoa và dịch vụ y tế khác) từ nội dung hoạt động của nhóm 8699 (Hoạt động y tế khác chưa được phân vào đâu).
– Nhóm 90 (Hoạt động sáng tác, nghệ thuật và giải trí) được tách thành các nhóm mới là nhóm 901 (Hoạt động sáng tạo nghệ thuật), nhóm 902 (Hoạt động biểu diễn nghệ thuật) và nhóm 903 (Hoạt động hỗ trợ sáng tạo nghệ thuật và biểu diễn nghệ thuật).
– Nhóm 91 (Hoạt động của thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác) được tái cấu trúc hoàn toàn với việc phân chia và bổ sung các nhóm mới, cụ thể: gồm các nhóm 911 (Hoạt động thư viện và lưu trữ), nhóm 912 (Hoạt động bảo tàng, sưu tập, di tích và di sản), nhóm 913 (Bảo tồn, phục hồi và các hoạt động hỗ trợ khác cho di sản văn hóa) và nhóm 914 (Hoạt động của các vườn bách thảo, bách thú và khu bảo tồn tự nhiên).
- Bổ sung ngành kinh tế, hoạt động kinh tế
Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam sửa đổi lần này cung cấp nhiều nội dung chi tiết hơn ở mọi cấp độ ngành kinh tế nhằm đáp ứng yêu cầu của người sản xuất và người sử dụng số liệu thống kê. Trong khi một số ngành kinh tế không thay đổi thì hầu hết nội dung của các ngành kinh tế đều được bổ sung, cập nhật để nhấn mạnh sự thay đổi, phát triển của các hoạt động kinh tế, trong đó bao gồm các ngành kinh tế mới cần được quan tâm, chú trọng, cụ thể:
– Bổ sung các hoạt động dịch vụ trung gian bên cạnh các hoạt động trung gian hiện có nhằm phản ánh tầm quan trọng ngày càng tăng cũng như sự gia tăng mạnh mẽ của hoạt động môi giới nhờ những tiến bộ công nghệ thông qua các nền tảng kỹ thuật số trong giai đoạn hiện nay, như: Nhóm 35400 (Hoạt động trung gian hoặc đại lý điện, khí đốt”; nhóm 43400 (Hoạt động dịch vụ trung gian cho xây dựng chuyên dụng); nhóm 47900 (Hoạt động dịch vụ trung gian cho bán lẻ); nhóm 5231 (Hoạt động dịch vụ trung gian cho vận tải hàng hóa); nhóm 5232 (Hoạt động dịch vụ trung gian cho vận tải hành khách); nhóm 55300 “Hoạt động dịch vụ trung gian cho dịch vụ lưu trú); 56400 (Hoạt động dịch vụ trung gian cho dịch vụ ăn uống); nhóm 77500 (Hoạt động dịch vụ trung gian cho thuê đồ dùng hữu hình và tài sản vô hình phi tài chính); nhóm 82400 (Hoạt động dịch vụ trung gian cho hoạt động dịch vụ hỗ trợ kinh doanh); nhóm 85610 (Hoạt động dịch vụ trung gian cho các khóa học và gia sư); nhóm 86930 (Hoạt động dịch vụ trung gian cho các dịch vụ y tế, nha khoa và dịch vụ y tế khác); nhóm 87920 (Hoạt động dịch vụ trung gian cho các hoạt động chăm sóc tập trung); nhóm 95400 (Hoạt động dịch vụ trung gian cho sửa chữa, bảo dưỡng máy vi tính, đồ dùng cá nhân và gia đình; ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác); nhóm 96300 (Hoạt động dịch vụ trung gian cho dịch vụ phục vụ cá nhân khác).
– Tại ngành A (nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản), bổ sung nhóm 03300 (Hoạt động dịch vụ hỗ trợ khai thác, nuôi trồng thủy sản);
– Bổ sung các nhóm ngành kinh tế: Nhóm 47690 (Bán lẻ hàng văn hóa, giải trí khác chưa phân vào đâu); nhóm 60390 (Hoạt động các trang mạng xã hội và các hoạt động phân phối nội dung khác); nhóm733 (Hoạt động quan hệ công chúng).
– Cập nhật, bổ sung các hoạt động kinh tế mới xuất hiện, như: Dịch vụ chăm sóc, trông giữ, huấn luyện thú cưng; Hoạt động của các trại động vật hoang để chăm sóc động vật bị bỏ rơi; Hoạt động duy trì và giữ cho đất luôn trong tình trạng tốt mà chưa cần sử dụng ngay cho sản xuất nông nghiệp; Bảo vệ thủy sản khỏi sự săn mồi; Kiểm soát, quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản; Hoàn thổ và khoanh vùng bảo vệ đất tại các khu mỏ; Cô đặc uranium được bánh vàng (còn gọi là urania); Sản xuất quần áo cho động vật bằng da; Sản xuất chất lỏng (tinh dầu) thuốc lá điện tử; Giao dịch tiền điện tử; Sửa chữa và bảo dưỡng trạm xạc xe điện; Hoạt động của các trạm sạc cho xe điện; Bán buôn chất lỏng (tinh dầu) thuốc lá điện tử ; Giám sát trên không dân sự; Hoạt động sắp xếp các chuyến xe đi chung; Dịch vụ “chia sẻ kỳ nghỉ”;…
Tóm lại, phân loại chuẩn các hoạt động kinh tế của Liên hợp quốc phiên bản lần thứ 5 (ISIC 5) đã có sự điều chỉnh, thay đổi và hiệu chỉnh về nội dung các ngành kinh tế. Mà một trong những nguyên tắc cơ bản và quan trọng nhất khi xây dựng, sửa đổi Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam là dựa vào phân ngành chuẩn quốc tế (ISIC). Bên cạnh đó, toàn cầu hóa và số hóa đã làm các hoạt động kinh tế thay đổi nhanh chóng, nhiều hoạt động mới đã trở nên quan trọng cần được xem xét bổ sung hoặc thay thế. Đây là các nội dung chính cần được phản ánh và giải quyết trong việc sửa đổi phân ngành kinh tế. Chính vì vậy, Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam cần nghiên cứu sửa đổi, cập nhật những điểm mới nhằm phản ánh sát thực các hoạt động kinh tế hiện tại và bảo đảm so sánh quốc tế.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
Tiếng Việt
- Quốc hội (2015), Luật Thống kê số 89/2015/QH13;
- Quốc hội (2021), Luật số 01/2021/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê;
- 3. Chính phủ (2018), Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 06/7/2018 ban hành Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam;
Tiếng Anh
- UNSD (2006), Bảng phân loại chuẩn quốc tế về ngành kinh tế phiên bản 4.0;
- UNSD (2024), Bảng phân loại chuẩn quốc tế về ngành kinh tế phiên bản 5.0.