Đo lường chỉ tiêu SDG về chi phí tuyển dụng của lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài và đánh giá khoảng trống về dữ liệu trong thống kê lao động di cư quốc tế ở Việt Nam
Chiều ngày 21/12/2022, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê (TCTK) phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức “Hội thảo công bố kết quả nghiên cứu Đo lường chỉ tiêu SDG về chi phí tuyển dụng của lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài và đánh giá khoảng trống về dữ liệu trong thống kê lao động di cư quốc tế ở Việt Nam”. Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương; bà Ingrid Christensen, Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam; bà Kristina Bünde, Trưởng ban Hợp tác phát triển, Đại diện Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có Phó Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Trung Tiến; các chuyên gia trong nước và quốc tế; đại diện các Bộ, Sở, ban, ngành có liên quan; các tổ chức quốc tế; các Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương dự trực tuyến.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh, TCTK với vai trò là cơ quan được Chính phủ giao chủ trì lĩnh vực thống kê, đã luôn chủ động xây dựng các phương pháp, thu thập thông tin để có thể tính toán một cách tốt nhất các chỉ tiêu phát triển bền vững (SDG) và một trong số đó là chỉ tiêu 10.7.1 về chi phí tuyển dụng của lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài.
Báo cáo “Đo lường mục tiêu phát triển bền vững – chỉ tiêu 10.7.1 về chi phí tuyển dụng của lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài” được xây dựng, sử dụng số liệu của Điều tra lao động việc làm năm 2021. Đây là lần đầu tiên TCTK công bố nghiên cứu về lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài với sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) trong khuôn khổ chương trình Di cư An toàn và Bình đẳng: Hiện thực hoá quyền của Phụ nữ Di cư khu vực ASEAN do Liên minh Châu Âu tài trợ.
Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương phát biểu khai mạc tại Hội thảo
Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương mong rằng qua hội thảo này, Thống kê Việt Nam cùng với các bộ, ngành, các chuyên gia trong nước và quốc tế có cơ hội làm việc, chia sẻ với nhau các kiến thức, kinh nghiệm nhằm giúp Thống kê Việt Nam có thêm năng lực để tìm ra được các nguồn thông tin, từ đó có thể khai thác, tổng hợp, tính toán một cách tốt nhất các chỉ tiêu thống kê liên quan đến lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc. Đồng thời, các thông tin thống kê lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc không còn là thách thức đối với Việt Nam mà trở thành nguồn thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời được các tổ chức trong và ngoài nước sử dụng hiệu quả và đánh giá cao.
Bà Kristina Bünde, Trưởng ban Hợp tác phát triển, Đại Biện Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam bày tỏ sự vui mừng với những hợp tác giữa TCTK và ILO trong việc thể chế hóa dữ liệu di cư lao động vào cơ chế khảo sát lực lượng lao động tại Việt Nam. Bà Kristina Bünde cho biết, quản lý tốt việc di cư có thể mang lại lợi ích đôi bên cùng có lợi cho người di cư, nước tiếp nhận và nước xuất xứ. Dữ liệu sẵn có ở cấp độ toàn cầu và khu vực cho thấy người di cư nói chung và lao động nữ di cư nói riêng đóng góp kiến thức, mạng lưới và kỹ năng của họ để xây dựng cộng đồng vững mạnh hơn, kiên cường hơn, và quan trọng nhất là đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội ở cả nước xuất xứ cũng như nước họ đến.
Bà Kristina Bünde khuyến khích TCTK tiếp tục nỗ lực phổ biến dữ liệu di cư lao động, đồng thời tin tưởng những nỗ lực chung giữa TCTK, ILO và các đối tác phát triển khác, bao gồm EU và các quốc gia thành viên, sẽ đóng góp đáng kể vào việc thực hiện hiệu quả Hiệp ước Toàn cầu về Di cư (GCM) cũng như thực hiện các quyền của phụ nữ và nam giới, lao động nhập cư…
Bà Ingrid Christensen, Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam chúc mừng sự hợp tác hiệu quả giữa ILO và TCTK nhằm tăng cường bằng chứng về di cư lao động quốc tế; và cho biết, TCTK và ILO đã hoàn thành hai báo cáo: đo lường chỉ số SDG 10.7.1 về chi phí tuyển dụng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và khoảng trống dữ liệu về di cư lao động quốc tế tại Việt Nam, nhằm đáp ứng một số khoảng trống về dữ liệu liên quan đến di cư lao độn. Điều này có ý nghĩa nhất định đối với công tác hoạch định chính sách ở Việt Nam.
Bà Ingrid Christensen hy vọng, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về thống kê, TCTK sẽ có nỗ lực hơn nữa để vận động xây dựng một cơ chế điều phối và hợp tác có hệ thống trong việc thu thập và chia sẻ thông tin về di cư lao động…
Tại Hội thảo, đại diện TCTK đã trình bày một số phát hiện chính về đặc điểm của lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc, đặc biệt là đo lường chỉ tiêu SDG 10.7.1 từ kết quả của cuộc điều tra thí điểm lồng ghép trong điều tra Lao động việc làm năm 2021. Theo đó, từ năm 2018 đến 2021, ước tính có khoảng hơn 250 nghìn lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài. Phần lớn là nam giới (69%) và chủ yếu đến từ khu vực nông thôn (86%); Hơn 70% lao động Việt Nam ở nước ngoài làm những công việc đòi hỏi kỹ năng trung bình, với khoảng 20% là lao động kỹ năng thấp và 10% là lao động kỹ năng cao; Khoảng 53% lao động Việt Nam ở nước ngoài tham gia vào các ngành “chế biến và chế tạo”, 13% tiếp theo trong ngành “xây dựng”; chưa đến 10% người lao động tham gia vào “dịch vụ lưu trú, ăn uống” nhưng đây là lĩnh vực chiếm tỷ lệ cao nhất lực lượng lao động nữ Việt Nam làm việc ở nước ngoài (51%). Chi phí tuyển dụng bình quân của lao động Việt Nam ở nước ngoài để có được việc làm đầu tiên ở nước ngoài là vào khoảng 165 triệu đồng; Lao động Việt Nam ở nước ngoài có trình độ trung học phổ thông hoặc sơ cấp hay trung cấp nghề có chi phí tuyển dụng bình quân cao nhất, vào khoảng 176 triệu đồng. Mức lương bình quân trong tháng đầu tiên của người lao động Việt Nam ở nước ngoài là 22,4 triệu đồng; Theo trình độ học vấn, lương tháng đầu tiên của người lao động tăng khi trình độ học vấn tăng lên, từ 19,2 triệu đồng đối với người có trình độ dưới trung học cơ sở lên 27,0 triệu đồng với người có trình độ từ cao đẳng trở lên. Người lao động Việt Nam ở nước ngoài sẽ mất khoảng 7,4 tháng lương đầu tiên để chi trả hoặc trang trải chi phí tuyển dụng để có được việc làm đầu tiên ở nước ngoài…
Toàn cảnh Hội thảo
Hội thảo cũng được nghe báo cáo Kết quả nghiên cứu đánh giá khoảng trống về dữ liệu thống kê lao động di cư quốc tế Việt Nam. Đây là vấn đề cần phải có sự thống nhất hành động trong thời gian tới để tiến tới đo lường một cách đầy đủ, chính xác đúng với mục tiêu của Chiến lược Phát triển Thống kê Việt Nam và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Cũng tại Hội thảo, các đại biểu tham dự được nghe các chuyên gia quốc tế chia sẻ những kinh nghiệm về thống kê lao động di cư quốc tế, cũng như các tham luận từ các Bộ, ngành để có cái nhìn toàn diện hơn về công tác thống kê lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc.
Kết luận Hội thảo, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương cảm ơn sự phối hợp, hỗ trợ của các bộ, ngành, các tổ chức quốc tế trong việc xây dựng báo cáo và thử nghiệm các nghiên cứu Đo lường chỉ tiêu SDG về chi phí tuyển dụng của lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài và đánh giá khoảng trống về dữ liệu trong thống kê lao động di cư quốc tế ở Việt Nam; đồng thời ghi nhận và đánh giá cao các chia sẻ, ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự. Tổng cục trưởng cũng đề nghị đơn vị chủ trì tiếp thu ý kiến của các chuyên gia để tiếp tục hoàn thiện báo cáo; từng bước xây dựng theo chuỗi các cơ sở dữ liệu ban đầu cũng như hỗ trợ các bộ, ngành về mặt kỹ thuật, nhằm tạo sự đồng thuận và thống nhất trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu phù hợp với khuyến nghị của quốc tế và thực tiễn tại Việt Nam.