Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê – nâng cao tính pháp lý của quy trình biên soạn chỉ tiêu GDP và GRDP
Quy trình biên soạn GDP, GRDP đảm bảo tính tập trung, thống nhất, đồng bộ, hệ thống và logic
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) là chỉ tiêu kinh tế vĩ mô quan trọng, luôn là một trong những chỉ tiêu “nóng”, được đặc biệt quan tâm, nhất là trong bối cảnh kinh tế hiện nay. Chỉ tiêu GDP và GRDP phản ánh hiện trạng và diễn biến những thay đổi về quy mô và cơ cấu của nền kinh tế theo thời gian. Hiện nay, yêu cầu về đổi mới kinh tế nhằm bắt kịp với sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ và không bị bỏ lại quá xa với các nước phát triển đang đặt áp lực rất lớn lên Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế. Do đó, nhu cầu thông tin phục vụ quản lý, điều hành, hoạch định chính sách, đặc biệt là thông tin về GDP và GRDP luôn thường xuyên, liên tục và ở mức độ cao nhất.
Tổng cục Thống kê được Chính phủ giao là cơ quan chủ trì thực hiện thu thập thông tin, tổng hợp và biên soạn chỉ tiêu GDP và GRDP. Để đảm bảo sản xuất thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời và có độ tin cậy cao, Tổng cục Thống kê đã xây dựng và ban hành Quy trình biên soạn số liệu GDP, GRDP dựa trên cơ sở khoa học, thực tiễn, chuyên nghiệp và khả thi. Trải qua nhiều giai đoạn, việc tổ chức biên soạn GDP và GRDP được thực hiện theo các mô hình biên soạn tập trung, mô hình biên soạn phân tán hay mô hình biên soạn kết hợp. Từ 2017 đến nay, thực hiện Đề án 715[1], để đảm bảo chất lượng, hiệu quả, thống nhất, phù hợp và tương thích giữa số liệu GDP và GRDP, đảm bảo các mảnh ghép trong bức tranh kinh tế của các tỉnh, thành phố đồng nhất, hòa hợp với bức tranh kinh tế cả nước, Tổng cục Thống kê đang triển khai quy trình biên soạn GDP và GRDP theo mô hình biên soạn tập trung thống nhất tại Tổng cục Thống kê. Theo mô hình này, vai trò và trách nhiệm của Tổng cục Thống kê được đặt lên cao hơn; đồng thời đặc biệt nhấn mạnh vai trò kết nối, phối hợp và chia sẻ thông tin của Tổng cục Thống kê, các Cục Thống kê với các cơ quan quản lý nhà nước các cấp, các tổ chức trong và ngoài nước.
Quy trình biên soạn số liệu GDP, GRDP hiện hành phải đảm bảo ba nguyên tắc:
Thứ nhất, bảo đảm tính tập trung, thống nhất trong biên soạn, công bố số liệu tổng sản phẩm trong nước (GDP) và tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GRDP); đáp ứng việc tiếp cận, khai thác, sử dụng số liệu GDP và GRDP dễ dàng, thuận tiện, bình đẳng.
Thứ hai, bảo đảm tính đồng bộ, tính hệ thống và tính kết nối ở tất cả các khâu: Thu thập, xử lý, tổng hợp thông tin đầu vào, biên soạn, công bố, phổ biến số liệu đầu ra và lưu trữ số liệu GDP và GRDP và các số liệu thống kê liên quan khác.
Thứ ba, bảo đảm tính logic, tương thích, phù hợp giữa số liệu GDP và GRDP, giữa các chỉ tiêu thống kê liên quan khác như: Giá trị sản xuất (GO), chi phí trung gian (IC), giá trị tăng thêm (VA), chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP), xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ, thuế sản xuất và các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác.
Phương pháp biên soạn GDP, GRDP luôn thống nhất và kịp thời cập nhật những thay đổi theo các phiên bản hướng dẫn mới của Hệ thống Tài khoản quốc gia của Cơ quan Thống kê Liên hợp quốc. Theo đó, số liệu GDP được biên soạn và cân đối theo 3 phương pháp: Phương pháp sản xuất và phương pháp sử dụng biên soạn hàng quý, 6 tháng, 9 tháng, cả năm; phương pháp thu nhập biên soạn 05 năm một lần. Số liệu GRDP biên soạn theo phương pháp sản xuất định kỳ 6 tháng và cả năm.
Quy trình biên soạn số liệu GDP và GRDP cũng quy định cụ thể các loại số liệu theo các vòng tính toán của cơ quan thống kê Liên hợp quốc, bao gồm: Số liệu ước tính, số liệu sơ bộ và số liệu chính thức cho vòng 1 (Số liệu theo quý) và vòng 2 (Số liệu theo năm). Trên cơ sở đó, việc phân công nhiệm vụ và trách nhiệm của các đơn vị có liên quan trong và ngoài ngành Thống kê cũng được phân tách rõ ràng, cụ thể đảm bảo đúng chức năng, nhiệm vụ, tránh sự chồng chéo hoặc thiếu sót trong quá trình triển khai. Tổng cục Thống kê chủ trì phối hợp với Bộ, ngành và cơ quan thống kê địa phương biên soạn số liệu GDP hằng quý, 6 tháng, 9 tháng và cả năm theo phương pháp sản xuất và phương pháp sử dụng; theo phương pháp thu nhập 5 năm một lần. Tổng cục Thống kê chủ trì phối hợp với các Cục Thống kê biên soạn số liệu GRDP theo phương pháp sản xuất 6 tháng và cả năm. Các Bộ, Sở ngành tại địa phương phối hợp cung cấp thông tin phục vụ tính toán và giải trình kết quả tính toán cho Tổng cục Thống kê và các Cục Thống kê.
Theo mô hình biên soạn tập trung, quy trình biên soạn số liệu GDP/GRDP bao gồm 5 bước, cụ thể như sau:
Bước 1: Thu thập, xử lý, tổng hợp thông tin từ các nguồn thông tin
Tổng cục Thống kê triển khai các công việc chi tiết (trên cơ sở quy trình sản xuất thông tin thống kê cấp chi tiết) để tính toán và cung cấp số liệu thống kê đầu vào phục vụ công tác biên soạn chỉ tiêu GDP và GRDP.
Bước 2: Xử lý số liệu đầu vào
– Cục Thống kê các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm rà soát, kiểm tra, làm sạch số liệu trên địa bàn phục vụ tính toán các số liệu đầu vào; cung cấp cho Tổng cục Thống kê.
– Tổng cục Thống kê xử lý số liệu trên địa bàn do Cục Thống kê các tỉnh, thành phố cung cấp (kiểm tra tính logic, phù hợp trên góc độ tổng thể quốc gia), kết hợp với số liệu từ hồ sơ hành chính và báo cáo của các Bộ, ngành, Tập đoàn, Tổng công ty để tính toán số liệu thống kê đầu vào phục vụ biên soạn GDP và GRDP theo từng ngành kinh tế, theo tỉnh, thành phố; phù hợp với khuyến nghị của Thống kê Liên hợp quốc và đặc thù của Việt Nam.
– Cục Thống kê các tỉnh, thành phố rà soát, kiểm tra số liệu đầu vào do Tổng cục Thống kê thực hiện đảm bảo phù hợp với thực trạng hoạt động kinh tế – xã hội của địa phương.
Bước 3: Biên soạn số liệu GDP, GRDP
– Tổng cục Thống kê phân tích, rà soát số liệu đầu vào (được tính toán từ bước 2) trên cơ sở đối chiếu, so sánh các chỉ tiêu kinh tế tổng hợp có liên quan; cân đối, tính toán lần đầu số liệu GDP, GRDP và gửi Cục Thống kê các tỉnh, thành phố xem xét, cho ý kiến thống nhất số liệu GRDP.
– Cục Thống kê các tỉnh, thành phố phối hợp với Tổng cục Thống kê rà soát, phân tích số liệu GRDP do Tổng cục Thống kê tính toán nhằm đảm bảo phù hợp với thực trạng hoạt động kinh tế – xã hội của địa phương.
– Tổng cục Thống kê tiếp nhận các ý kiến góp ý, phản hồi của Cục Thống kê các tỉnh, thành phố về kết quả tính toán lần đầu; tiếp tục cân đối, điều chỉnh, hoàn thiện số liệu GDP, GRDP và gửi Cục Thống kê các tỉnh, thành phố xem xét, cho ý kiến thống nhất số liệu GRDP.
– Sau đạt được thống nhất về kết quả tính toán, Tổng cục Thống kê hoàn thiện kết quả; đồng thời phối hợp với các Bộ, ngành và Cục Thống kê các tỉnh, thành phố giải trình số liệu GDP, GRDP.
Bước 4: Công bố và phổ biến số liệu GDP, GRDP
– Số liệu GDP, GRDP được công bố theo thời gian quy định.
– Số liệu GDP, GRDP được phổ biến qua các hình thức chủ yếu sau: Trang thông tin điện tử của Tổng cục Thống kê và Cục Thống kê các tỉnh, thành phố; họp báo, thông cáo báo chí, đăng tin trên nền tảng mạng xã hội chính chủ của cơ quan; phương tiện thông tin đại chúng và các xuất bản ấn phẩm, các hình thức lưu giữ thông tin điện tử.
Bước 5: Lưu giữ số liệu GDP, GRDP
Số liệu GDP, GRDP được số hóa và lưu trữ trong phần mềm biên soạn và phổ biến số liệu GDP, GRDP, trên ổ dữ liệu chung của Tổng cục Thống kê, trên trang thông tin điện tử của Tổng cục Thống kê và Cục Thống kê các tỉnh, thành phố; dưới dạng ấn phẩm như niên giám thống kê, các ấn phẩm phân tích và số liệu khác.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thống kê bổ sung một số nội dung làm rõ quy trình biên soạn các chỉ tiêu thống kê quốc gia
Trải qua 5 năm triển khai thực tế, áp dụng quy trình biên soạn số liệu GDP và GRDP tập trung tại Tổng cục Thống kê đã mang lại hiệu quả rõ rệt trong công tác thống kê: Tình trạng chênh lệch số liệu GDP và GRDP giữa Trung ương và địa phương đã được khắc phục; chất lượng số liệu được nâng cao; bảo đảm kỳ hạn biên soạn và công bố số liệu GRDP theo quy định; nâng cao trách nhiệm và sự phối hợp giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ, ngành và địa phương trong việc biên soạn và công bố số liệu GDP, GRDP; nâng cao tính phù hợp, logic giữa số liệu GDP, GRDP và các chỉ tiêu khác có liên quan như: Giá trị sản xuất (GO), chi phí trung gian (IC), giá trị tăng thêm (VA), chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP), xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ, thuế sản xuất và các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác.
Quy trình biên soạn số liệu GDP và GRDP cũng tạo lập mạng lưới thông tin giữa Tổng cục Thống kê, Cục Thống kê với các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương. Tuy nhiên, việc kết nối và vận hành hệ thống thông tin còn chưa đạt kết quả mong muốn, cần có tính pháp lý cao hơn mức hiện tại. Bên cạnh đó, đây lại là quy trình có tính kỹ thuật chuyên sâu, cần được tham vấn bởi các chuyên gia có kinh nghiệm cả lý thuyết và thực tiễn về Tài khoản quốc gia nói riêng và thống kê nói chung. Do đó, để vận hành quy trình hiệu quả, linh hoạt và đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu số liệu GDP và GRDP trong quản lý và điều hành, Luật điều chỉnh nên bổ sung quy định gắn trách nhiệm của Chính phủ trong việc ban hành và thực hiện quy trình biên soạn số liệu GDP và GRDP. Với việc nâng cao tính pháp lý của quy trình như vậy, vai trò và trách nhiệm của Tổng cục Thống kê, Cục Thống kê và hệ thống thống kê Bộ, ngành được phân định rõ ràng; nâng cao mức độ ràng buộc và kết nối của các Bộ, ngành ở trung ương, Sở, ban, ngành ở địa phương trong phối hợp cung cấp, chia sẻ và sử dụng thông tin thống kê, đồng hành cùng Tổng cục Thống kê và các Cục Thống kê địa phương trong việc phác họa và lý giải hiện trạng bức tranh kinh tế của cả nước, từng địa phương theo ngành và lĩnh vực cụ thể. Việc luật hóa các quy định trên sẽ tăng cường hiệu lực pháp lý, hiệu quả trong công tác thống kê; nâng cao tính công khai, minh bạch cho số liệu thống kê nói chung và số liệu GDP, GRDP nói riêng.
Tiếp thu ý kiến góp ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê, trong đó phân định rõ ràng trách nhiệm của Tổng cục Thống kê, Cục thống kê, đơn vị thống kê bộ, ngành trong biên soạn số liệu GDP và GRDP nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quy trình biên soạn và nâng cao tính công khai và minh bạch số liệu này, Ban soạn thảo Luật đề xuất sửa đổi, bổ sung 3 nội dung lớn nhằm làm rõ quy trình biên soạn các chỉ tiêu thống kê quốc gia tại Điều 17, khoản 6 (sửa đổi và bổ sung điểm a,b); Điều 48, khoản 2 (bổ sung điểm d), cụ thể: (i) Bổ sung quy định về việc giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành và địa phương trình Chính phủ ban hành quy trình biên soạn Tổng sản phẩm trong nước (GDP) và Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (GRDP); (ii) Bổ sung quy định về việc định kỳ 05 năm rà soát về việc đánh giá lại quy mô Tổng sản phẩm trong nước báo cáo Chính phủ trình Quốc hội; (iii) Sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền công bố thông tin của người đứng đầu cơ quan thống kê cấp tỉnh đối với thông tin thống kê của chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh là phân tổ chỉ tiêu thống kê quốc gia. Sự thay đổi này không ảnh hưởng đến các nội dung trong các điều, khoản khác của Luật Thống kê hiện hành.
Như vậy, để có được “thành phẩm” cuối cùng là số liệu GDP, GRDP cung cấp đến người sử dụng thông tin là tổng hòa của chuỗi các hoạt động còn gọi là quy trình biên soạn chặt chẽ, logic, thực tiễn và khoa học với sự đóng góp, phối hợp, chia sẻ thông tin có trách nhiệm của cơ quan thống kê Trung ương, các cơ quan thống kê địa phương và Bộ, Sở ngành, địa phương./.
Nguyễn Diệu Huyền
Phó Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia – Tổng cục Thống kê
Nguồn: http://consosukien.vn/