Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng phân loại ngành kinh tế xanh

Chiều ngày 24/6/2024, Tổng cục Thống kê (TCTK) phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp Quốc (UNFPA) tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng phân loại ngành kinh tế xanh. Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương và Ông Matt Jackson, trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp Quốc đồng chủ trì hội thảo.

Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương và Ông Matt Jackson điều hành hội thảo

Tham dự hội thảo có các Phó Tổng cục trưởng: Nguyễn Trung Tiến, Lê Trung Hiếu, Nguyễn Thanh Dương, Đỗ Thị Ngọc; đại diện các Bộ, ngành, trường đại học và chuyên gia các tổ chức trong nước và quốc tế.

Phát biểu tại Hội thảo, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương cho biết, phân loại ngành kinh tế xanh quốc gia là bộ công cụ giúp phân loại các hoạt động kinh tế dựa trên tính bền vững môi trường và đóng góp cho các mục tiêu khí hậu. Xu thế này mang tính toàn cầu hóa, ngày càng có nhiều quốc gia xây dựng và áp dụng rộng khắp trên thế giới. Để làm được điều này, Việt Nam cần nghiên cứu và học hỏi kinh nghiệm từ các tổ chức, quốc gia khác có kinh nghiệm để xây dựng một hệ thống phân loại ngành kinh tế xanh phù hợp vừa đáp ứng được các mục tiêu trong nước vừa đảm bảo tính so sánh quốc tế.

Phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn và tăng trưởng xanh là xu hướng chuyển dịch tất yếu của thế giới – Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương chia sẻ tại hội thảo

Ông Matt Jackson – Trưởng đại diện UNFPA cho biết, Việt Nam trong vài thập kỷ qua đã có những bước tiến đáng kể trong phát triển kinh tế – xã hội và cải thiện mức sống dân cư. Các chỉ số kinh tế – xã hội gia tăng qua các năm (GDP tăng từ 2.761$ năm 2016 lên 4.284,5$ năm 2023; Tỷ lệ nghèo đa chiều giảm từ 9,2% năm 2016 xuống 3,2% năm 2023). Chỉ số phát triển con người (HDI) tăng lên 0,726 vào năm 2022 sau những khó khăn của đại dịch COVID-19, là quốc gia có mức phát triển con người cao kể từ năm 2019. Các thành tựu này là cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững và các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Đồng thời, hy vọng trở thành Quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045, đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Chia sẻ tại hội thảo, Ông Matt Jackson cho biết việc phát triển phân loại xanh cho Việt Nam cần thiết có 02 nguyên tắc như sau: (1) Cách tiếp cận của chính phủ để phát triển một hệ thống phân loại xanh phù hợp và khả thi; (2) Khung phân loại xanh được điều chỉnh phù hợp với bối cảnh ở Việt Nam, có tính đến các chính sách tài chính và môi trường cũng như năng lực của quốc gia. Để thực hiện các nguyên tắc này cần sự tham gia của các bên liên quan bao gồm các cơ quan chính phủ, tổ chức tài chính, nhà đầu tư, khu vực tư nhân và nhà nước giúp nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm và nghĩa vụ trong việc triển khai thực hiện.

Thời gian hội thảo, đại biểu tham dự đã được nghe các chuyên gia quốc tế chia sẻ các nội dung về việc xây dựng và thực hiện phân loại xanh ở khu vực Châu Á, Thái Bình Dương; khu vực Liên minh Châu Âu; Một số quốc gia như Trung Quốc, Thái Lan, Mông Cổ và Bhutan; cùng với đó là phân loại tài chính bền vững của ASEAN. Các chia sẻ cùng dẫn chứng cụ thể mà chuyên gia đem đến là những kinh nghiệm giúp Việt Nam tiến gần hơn với thành công trong việc xây dựng và triển khai phân loại ngành kinh tế tại Việt Nam.

Toàn cảnh hội trường diễn ra hội thảo

Trong thời gian thảo luận, các đại biểu và cùng các chuyên gia cũng đã nêu ra và cùng giải đáp các câu hỏi liên quan đến cách tiếp cận trong xây dựng kinh tế xanh; cách định hướng dòng vốn xanh, dự án xanh; đóng góp đối với kinh tế xanh trong GDP…

Kết thúc hội thảo, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương đánh giá cao chất lượng của buổi gặp gỡ và chia sẻ. Đồng thời, bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được các tham vấn, những chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia trong nước và quốc tế, các nhà nghiên cứu để xây dựng và phân loại, đánh giá ngành kinh tế xanh theo chuẩn quốc tế trong thời gian tới./.