Hội thảo xin ý kiến dự thảo Tổng điều tra Nông thôn, nông nghiệp năm 2025
Trong bối cảnh, ngành Nông nghiệp đang đóng vai trò trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế, đảm bảo cho nền kinh tế xanh, xã hội bền vững. Để chuẩn bị cho cuộc Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025 (TĐT 2025) là nhiệm vụ trọng tâm của ngành Thống kê năm 2024. Chiều ngày 08/01/2024, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương đã chủ trì Hội thảo về nội dung và xin ý kiến Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025. Tham dự Hội thảo có các Phó Tổng cục trưởng: Nguyễn Thanh Dương; Nguyễn Trung Tiến, Lê Trung Hiếu và đại diện lãnh đạo, chuyên viên các đơn vị thuộc Tổng cục. Hội thảo được tổ chức tại trụ sở Tổng cục Thống kê (TCTK).
Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương phát biểu chủ trì hội thảo
Tại Hội thảo, đại diện lãnh đạo Vụ Thống kê Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản đã trình bày nội dung dự thảo TĐT 2025 (đã sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện theo ý kiến góp ý của các đơn vị thuộc TCTK) và một số đề xuất nội dung mới cần xin ý kiến tại hội thảo lần này. Theo đó, TĐT nông thôn, nông nghiệp 2025 gồm 3 thông tin cần thu thập như sau:
(i) Thông tin về thực trạng nền sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản: Số lượng đơn vị sản xuất; số lao động và cơ cấu lao động; quy mô sản xuất; năng lực sản xuất; tình hình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất; tiếp cận thông tin của các đơn vị sản xuất; thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; tác động của sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tới môi trường; thông tin về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng; phát triển kinh tế trang trại; phát triển sản xuất nông nghiệp hiệu quả và bền vững và vai trò của phụ nữ; kết quả hoạt động tự sản, tự tiêu của các hộ gia đình.
(ii) Thông tin về thực trạng khu vực nông thôn: Thực trạng và những chuyển biến về kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội nông thôn; các hình thức hỗ trợ kinh tế nông thôn (hệ thống khuyến nông, lâm, ngư, tiếp cận thị trường;…); vệ sinh môi trường nông thôn.
(iii) Thông tin về cư dân nông thôn: Khả năng huy động vốn, tình hình vay vốn, khả năng tiếp cận tín dụng của hộ sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản; các hình thức sản xuất ở nông thôn (làng nghề, tổ hợp tác…); đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tình hình sử dụng điện, nước sạch của cư dân nông thôn; khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Toàn cảnh hội thảo
Tiếp nối hội thảo, đại biểu tham dự đã được lắng nghe sáu nội dung đề xuất mới trong TĐT nông thôn, nông nghiệp năm 2025 cụ thể:
(1) Bổ sung các thông tin về sản xuất nông, lâm và thủy sản (NLTS) hiện đại, hiệu quả như: Thời gian (số giờ) tự làm NLTS; Diện tích cây trồng được tưới tiết kiệm, sử dụng công nghệ tự động; Diện tích cây trồng áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ/an toàn/tuần hoàn; Hộ có ứng dụng công nghệ thông tin trong giao dịch phục vụ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm qua mạng internet; Số hộ, diện tích và ứng dụng AI trong sản xuất nuôi trồng thủy sản, kiểm soát chất lượng nước; Bảo hiểm sản xuất NLTS; Số hộ và diện tích sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả và bền vững; Quy mô thu nhập từ nông, lâm nghiệp và thủy sản của hộ tự làm; Nguồn vốn của trang trại.
(2) Thông tin về hiện đại hóa nông thôn: Công trình năng lượng mặt trời, gió trên địa bàn xã; Xã đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao; Xã đạt tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu.
(3) Một số thông tin phục vụ hỗ trợ đánh giá hàng năm: Số hộ và diện tích chuyên sản xuất giống cây hằng năm và cây lâu năm; số hộ và diện tích chuyên sản xuất hoa, cây cảnh; Số đầu vật nuôi chủ yếu phân theo nhóm trọng lượng, điều tra trong phiếu hộ mẫu; Số hộ chuyên sản xuất giống vật nuôi; Số lượng địa điểm sản xuất của doanh nghiệp, hợp tác xã.
(4) Sử dụng thông tin dữ liệu hành chính: Vùng sản xuất được cấp mã số (trồng trọt, nuôi trồng thủy sản); vùng sản xuất cấp chứng chỉ rừng bền vững; số lượng tàu thuyền khai thác thủy sản; dịch vụ thủy sản theo đăng ký; số lượng trang trại theo đăng ký của doanh nghiệp.
(5) Để xuất một số thông tin dự kiến không thực hiện hoặc lồng ghép trong TĐT 2025: Thông tin về sử dụng chất đốt, dùng điện lưới của cư dân nông thôn; Vệ sinh môi trường của cư dân nông thôn; Số lao động, các hộ sống ở khu nhà tập trung ở nông thôn; Phiếu thu thập thông tin riêng về cánh đồng mẫu lớn; Phiếu thu thập thông tin về diện tích và sản lượng cây trồng, nuôi trồng thủy sản theo quy trình Vietgap và tương đương.
(6) Hình thức thu thập thông tin thay thế: Áp dụng CAPI để thu thập thông tin của phiếu hộ, trang trại; áp dụng thu thập qua web đối với đơn vị là UBND xã; Lồng ghép thu thập thông tin của doanh nghiệp, hợp tác xã trong Điều tra doanh nghiệp năm 2023; thu thập thông tin của các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng theo hình thức phân công của Bộ Quốc phòng.
Sau phần trình bày, các đại biểu tham dự đã tích cực thảo luận, cho ý kiến thiết thực góp ý về nội dung sửa đổi lần này của dự thảo TĐT 2025 sớm tiến tới hoàn thiện.
Phát biểu ý kiến tại Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Trung Tiến yêu cầu các đơn vị chủ trì tập trung làm rõ những điểm thay đổi để có được những đánh giá về việc áp dụng khoa học công nghệ ở khu vực nông thôn, sự biến đổi của môi trường, cơ cấu và chuyển dịch cơ cấu lao động trong khu vực nông thôn. Về cơ bản, ý kiến của các Phó Tổng cục trưởng Lê Trung Hiếu và Nguyễn Thanh Dương đều thống nhất với yêu cầu rà soát lại nội dung, tiếp thu và giải trình tiến tới hoàn thiện phương án TĐT 2025. Ngoài ra, Phó Tổng cục trưởng Lê Trung Hiếu cho rằng, dự thảo nội dung TĐT đang được xây dựng, thu thập khá đầy đủ các thông tin phục vụ đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Kết luận Hội thảo, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương đề nghị các đơn vị cần rà soát toàn bộ các chỉ tiêu thống kê quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã để xác định những chỉ tiêu thực hiện trong TĐT nông nghiệp, nông thôn năm 2025. Đồng thời, các đơn vị thuộc TCTK cũng như giữa TCTK với các Bộ, ngành cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa để kết quả điều tra mang lại giá trị lớn trong thực tiễn, góp phần hoàn thiện một bức tranh nông nghiệp, nông thôn, nông dân bao trùm, toàn diện./.