Hội nghị công bố kết quả chính thức Tổng điều tra kinh tế và Điều tra cơ sở hành chính năm 2021
Chiều ngày 29/06, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê (TCTK) tổ chức Hội nghị Công bố kết quả chính thức Tổng Điều tra kinh tế và Điều tra cơ sở hành chính năm 2021. Ông Trương Hải Long, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, thành viên Ban Chỉ đạo (BCĐ) Điều tra cơ sở hành chính Trung ương chủ trì Hội nghị; Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Phó trưởng ban thường trực BCĐ Tổng điều tra kinh tế Trung ương đồng chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có sự góp mặt của Ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Tổng cục trưởng TCTK, Ủy viên BCĐ Tổng điều tra kinh tế Trung ương; Phó Tổng cục trưởng TCTK Lê Trung Hiếu; đại diện Lãnh đạo Bộ, ngành, địa phương tham gia Tổng điều tra kinh tế Trung ương và Điều tra cơ sở hành chính Trung ương năm 2021; Cục thống kê của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được kết nối bằng hình thức trực tuyến.
Ông Trương Hải Long, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, thành viên BCĐ Điều tra cơ sở hành chính Trung ương phát biểu khai mạc Hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, thành viên BCĐ Điều tra cơ sở hành chính Trung ương Trương Hải Long chia sẻ Tổng điều tra kinh tế và Điều tra cơ sở hành chính năm 2021 là hai cuộc điều tra thống kê nằm trong Chương trình điều tra thống kê quốc gia theo Quyết định số 307/QĐ-TTg ngày 27/02/2020 và Quyết định số 43/2016/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Điều tra cơ sở hành chính năm 2021 do Bộ Nội vụ lần đầu tiên chủ trì triển khai thực hiện là cuộc Điều tra thống kê quốc gia có quy mô lớn, đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn của Tổng cục Thống kê, sự phối hợp của các Bộ, ngành, địa phương và ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong hoạt động Điều tra (gồm thu thập thông tin và xử lý dữ liệu) đã giúp nâng cao hiệu quả của cuộc Điều tra.
Mặc dù cả hai cuộc Điều tra đã bị tác động bởi đại dịch Covid-19 gây ra nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thu thập thông tin, nhưng với quyết tâm chính trị, sự chỉ đạo quyết liệt và linh hoạt thích ứng của Ban Chỉ đạo các cấp, công tác thu thập thông tin và nghiệm thu kết quả điều tra đã hoàn thành; đạt yêu cầu để xử lý, tổng hợp số liệu, công bố kết quả chính thức theo đúng kế hoạch. Qua đó, Thứ trưởng Trương Hải Long gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các đồng chí thành viên Ban chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế và Ban Chỉ đạo Điều tra cơ sở hành chính các cấp, các Bộ ngành, địa phương đã luôn hỗ trợ, đồng hành trong thời gian qua để góp phần vào thành công chung của hai cuộc điều tra lớn kể trên.
Ban Chỉ đạo tham dự Hội nghị
Sau phần phát biểu, Hội nghị đã được nghe báo cáo chi tiết kết quả Tổng điều tra kinh tế năm 2021 của Tổng cục thống kê chịu trách nhiệm thực hiện, cụ thể: Số lượng và lao động của các đơn vị điều tra năm 2020 đều tăng so với năm 2016 nhưng mức độ tăng về lao động thấp hơn so với các giai đoạn trước. Năm 2020, cả nước có hơn 6,0 triệu đơn vị điều tra, tăng 7,5% (tương đương tăng 423,6 nghìn đơn vị) so với năm 2016; bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng 1,8%/năm, cao hơn mức tăng 1,5%/năm giai đoạn 2011-2016 và thấp hơn mức tăng 4,9%/năm giai đoạn 2006-2011. Số lao động trong các đơn vị điều tra năm 2020 là 27,5 triệu người, tăng 4,3% (tăng 1,1 triệu người); bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng 1,1%/năm, thấp hơn mức tăng 3,6%/năm giai đoạn 2011-2016 và mức tăng 7,7%/năm giai đoạn 2006-2011.
Doanh nghiệp, hợp tác xã tăng trưởng tích cực và đạt tốc độ tăng cao nhất trong các đơn vị điều tra; các cơ sở SXKD cá thể và cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng duy trì mức tăng trưởng nhưng có dấu hiệu chậm lại các đơn vị hành chính sự nghiệp, hiệp hội giảm mạnh trong 5 năm qua. Tính đến thời điểm 31/12/2020, cả nước có 684,3 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh với số lao động là 14,7 triệu người, tăng 35,5% về số doanh nghiệp và tăng 4,9% về số lao động so với năm 2016. Cũng tại thời điểm trên, cả nước có gần 15,3 nghìn hợp tác xã (HTX) với số lao động là 167 nghìn người, tăng 17,6% về số HTX và giảm 16,9% về lao động so với năm 2016. Số cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể (Cơ sở SXKD cá thể) năm 2020 đạt gần 5,2 triệu cơ sở với 8,7 triệu lao động, tăng 5,9% về số cơ sở và tăng 5,2% về số lao động so với năm 2016. Số đơn vị sự nghiệp là 52,5 nghìn đơn vị với 2,4 triệu lao động, giảm 28,6% về số đơn vị (giảm 21 nghìn đơn vị) và giảm 6,2% về số lao động (giảm 158 nghìn người) so với năm 2016. Các hiệp hội, tổ chức phi Chính phủ có gần 6,5 nghìn đơn vị với số lao động là 35,7 nghìn người, giảm 2,7% về số đơn vị và giảm 3,3% về số lao động so với năm 2016. Cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng có hơn 46,8 nghìn cơ sở với 167,2 nghìn chức sắc, nhà tu hành làm việc thường xuyên tại các cơ sở, tăng 9,6% về số cơ sở và tăng 19,2% về số người làm việc so với năm 2016. Đơn vị hành chính, tổ chức chính trị – xã hội có gần 32,3 nghìn đơn vị, giảm 49,1% (giảm 31,2 nghìn đơn vị) so với năm 2016.
Quy mô lao động bình quân một đơn vị điều tra năm 2020 biến động không đều so với năm 2016 giảm nhẹ từ 4,7 người năm 2016 xuống 4,6 người năm 2020, trong đó: Doanh nghiệp giảm từ 27,7 người xuống 21,5 người; HTX giảm từ 15,4 xuống 10,9 người; cơ sở SXKD cá thể có quy mô lao động bình quân 1,7 người tương đương năm 2016; các đơn vị sự nghiệp, hiệp hội, tổ chức phi Chính phủ và tôn giáo, tín ngưỡng lại có biến động tăng so với năm 2016. Xét theo khu vực kinh tế: Nông, lâm nghiệp và thủy sản là khu vực có số lượng lao động thấp nhất (chỉ chiếm 1,1% tổng số lao động của các đơn vị điều tra) nhưng có quy mô bình quân là 20,4 người, cao nhất trong 3 khu vực. Đứng thứ 2 và 3 lần lượt là khu vực Công nghiệp – Xây dựng và khu vực Dịch vụ.
Trình độ người đứng đầu các doanh nghiệp, cơ sở SXKD cá thể, hành chính, sự nghiệp và tôn giáo đã có sự thay đổi tích cực, trong đó khu vực hành chính, sự nghiệp dẫn đầu về trình độ đại học và trên đại học. Trình độ đào tạo của người đứng đầu có những cải thiện đáng kể, được thể hiện ở tỉ lệ người đã qua đào tạo năm 2020 đạt 53,3% tăng 5,1 điểm phần trăm so với năm 2016 và đều tăng lên ở tất cả các trình độ.
Tỉ lệ lao động nữ biến động không nhiều; khu vực dịch vụ vẫn thu hút nhiều lao động nữ nhất nhưng đang có xu hướng giảm dần. Năm 2020 số lao động nữ chiếm 48,4% tổng số lao động đang làm việc trong các đơn vị điều tra, giảm nhẹ so với tỉ lệ 48,5% của năm 2016.
Mức độ tập trung các đơn vị điều tra có sự chênh lệch giữa các vùng kinh tế, trong đó đồng bằng sông Hồng tiếp tục là vùng thu hút nhiều đơn vị điều tra nhất cả nước với 1,6 triệu đơn vị (chiếm 26% tổng số đơn vị điều tra của cả nước), thu hút 8,4 triệu lao động (chiếm 30,9% về lao động của cả nước).
Hoạt động đổi mới sáng tạo trong các đơn vị điều tra có nhiều cải thiện; khu vực Dịch vụ dẫn đầu về số lượng các đơn vị có hoạt động đổi mới sáng tạo; đồng bằng sông Hồng tập trung nhiều đơn vị có hoạt động đổi mới sáng tạo nhất cả nước.
Báo cáo về Điều tra cơ sở hành chính năm 2021 được Ủy viên thường trực Ban Chỉ đạo Điều tra cơ sở hành chính Trung ương trình bày sau đó cho thấy: Số lượng các cơ sở hành chính, cơ quan của đảng, tổ chức chính trị – xã hội năm 2020 giảm so với năm 2016. Tính đến ngày 31/12/2020, cả nước có gần 32,3 nghìn đơn vị hành chính, cơ quan của Đảng, tổ chức chính trị – xã hội (gọi tắt là đơn vị hành chính), giảm 49,1% so với năm 2016.
Lao động trong các cơ sở hành chính, cơ quan của Đảng, tổ chức chính trị – xã hội tăng 15% so với năm 2016 do mở rộng quy mô và phạm vi điều tra. Lao động bình quân trên một cơ sở hành chính, cơ quan của Đảng cộng sản, tổ chức chính trị – xã hội có sự phân hoá khá rõ nét theo loại hình hoạt động và theo vùng kinh tế. Trình độ người đứng đầu các cơ sở hành chính, cơ quan của Đảng, tổ chức chính trị – xã hội đạt trình độ đại học và trên đại học chiếm 97,85% trong tổng số người đứng đầu. Lao động phân theo giới tính có sự phân hóa rõ nét, số lượng lao động nữ trong cơ quan hành chính, cơ quan của Đảng, tổ chức chính trị xã hội chiếm 22,66% tổng số lao động trong cùng kỳ. Lực lượng lao động trẻ chiếm 78,51% trong tổng số lao động phân theo nhóm tuổi. Năng lực và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của các lao động ngày càng được nâng cao với số lao động xếp ngạch công chức là chuyên viên cao cấp và tương đương là 30,2 nghìn người, chiếm tỷ lệ 2,21%, chuyên viên chính và tương đương là 262,4 nghìn người, chiếm 19,2%.
Kết quả điều tra cơ sở hành chính năm 2021 cả nước có 90.551 địa điểm, cơ sở trực thuộc 32.292 đơn vị điều tra, trong đó, khối các tổ chức hành chính, Đảng, chính trị – xã hội cấp xã là 60.885 cơ sở, chiếm 67,24% tổng số địa điểm, cơ sở trực thuộc đơn vị điều tra; có 15.980 địa điểm, cơ sở trực thuộc đơn vị điều tra cấp huyện, chiếm tỷ lệ 17,65%, cấp tỉnh có 4.133 địa điểm, cơ sở trực thuộc, chiếm tỷ lệ 4,54% và khối cơ quan Trung ương có 9.553 địa điểm, cơ sở trực thuộc, chiếm tỷ lệ 10,55%.
Toàn cảnh Hội nghị
Sau phần trả lời câu hỏi của cơ quan báo chí cũng như các đại biểu quan tâm tới số liệu thống kê, Tổng cục trưởng TCTK, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế Trung ương Nguyễn Thị Hương khẳng định trong thời gian tới, Tổng cục Thống kê sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ và các Bộ, ngành liên quan cùng các địa phương sẽ tiếp tục hoàn thiện các ấn phẩm phân tích chuyên sâu, chia sẻ thông tin hữu ích đến với người dùng tin trong thời gian tới./.
Minh Tiến