Hội nghị công bố Kết quả hoạt động Tư vấn thể chế quốc gia hỗ trợ Tổng cục Thống kê áp dụng phương pháp đo lường MDP quốc gia mới và đẩy nhanh việc công bố số liệu khảo sát mức sống hộ gia đình Việt Nam (VHLSS) để giám sát và ứng phó kịp thời với tình trạng nghèo đang thay đổi nhanh chóng ở Việt Nam
Sáng ngày 16/6/2021, Tổng cục Thống kê (TCTK) đã phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã tổ chức Hội nghị công bố kết quả hoạt động “Tư vấn thể chế quốc gia hỗ trợ Tổng cục Thống kê áp dụng phương pháp đo lường nghèo đa chiều (MDP) quốc gia mới và đẩy nhanh việc công bố số liệu khảo sát mức sống hộ gia đình Việt Nam (VHLSS) để giám sát và ứng phó kịp thời với tình trạng nghèo đang thay đổi nhanh chóng ở Việt Nam”. Phó Tổng cục trưởng TCTK, Phạm Quang Vinh chủ trì Hội nghị. Tham gia Hội nghị, về phía TCTK có đại diện lãnh đạo chuyên viên các đơn vị liên quan của TCTK và 7 đầu cầu trực tuyến tại các Cục Thống kê: TP. Hà Nội, Sơn La, TP. Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Bình, Phú Thọ và Phú Yên. Về phía UNDP tại Việt Nam, có ông Jonathan Pincus, Chuyên gia kinh tế quốc tế cao cấp; ông Đoàn Hữu Minh – cán bộ của chương trình cùng với một số đại biểu khác bên UNDP.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng TCTK, Phạm Quang Vinh cho biết, trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm tới công tác giảm nghèo và bảo trợ xã hội. Theo đó, ngày 19/11/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 59/2015/QĐ-TTg về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020. Căn cứ vào Nghị định 59, TCTK đã triển khai các hoạt động tính toán các chỉ tiêu liên quan đến nghèo đa chiều, đồng thời tổ chức thực hiện triển khai các đoàn giám sát các chính sách, chương trình hỗ trợ xã hội. Trong quá trình thực hiện cho thấy, kết quả tính toán chủ yếu công bố hàng năm nhưng chưa có công bố hàng quý, trong khi các công ty và các chính phủ, các nhà hoạch định chính sách cần thông tin có tính cập nhật hơn. Một điểm khác là chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng trong giai đoạn 2016-2020 của Việt Nam có tính đặc thù ngoài 5 chiều có bổ sung thêm tiêu chí thu nhập, chính vì vậy, về khách quan có sự khác biệt khi so sách kết quả tính toán của Việt Nam với các kết quả của các nước khác trên thế giới. Chính vì vậy, theo Phó Tổng cục Phạm Quang Vinh do có sự khác về tiêu chí thu nhập nên có sự bất cập trong việc tính toán, công bố thông tin nghèo đa chiều ở Việt Nam giai đoạn 2016-2020. Ngày 27/1/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 07/2021/NĐ-CP Quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2020-2025. Theo đó, Nghị định đã quy định rất rõ riêng năm 2021, Việt Nam vẫn áp dụng chuẩn nghèo theo Nghị định 59 nhưng từ giai đoạn 2022-2025 Việt Nam có quy định theo chuẩn nhóm mới. Để áp dụng các chuẩn mới trong giai đoạn tới, Phó Tổng cục trưởng Phạm Quang Vinh nhấn mạnh tới 3 nhiệm vụ, cụ thể:
Thứ nhất, cần có thử nghiệm tính toán chuẩn bị trước để tới đúng giai đoạn TCTK sẽ triển khai thực hiện; và xuất phát từ vấn đề này, phía UNDP đã chủ động phối hợp đề xuất TCTK công việc liên quan đến tính toán nghèo đa chiều áp dụng vào thực tế;
Thứ hai, cần xem xét thiết kế điều tra, điều tra theo kết quả công bố theo quý;
Thứ ba, thí nghiệm theo tính toán theo chuẩn nghèo mới áp dụng cho giai đoạn 2021-2025 theo Nghị định 07 của Chính phủ. Phó Tổng cục trưởng Phạm Quang Vinh cho biết, hiện bước đầu trong hợp tác giữa TCTK với UNDP đã có sự thống nhất với việc hình thành nên dự án “Thử nghiệm đo lường nghèo đa chiều ở Việt Nam theo phương pháp mới của quốc tế” đã được triển khai từ tháng 9/2020 đến nay kết quả đã hoàn thành.
Phó Tổng cục trưởng Phạm Quang Vinh phát biểu khai mạc Hội nghị
Kết quả tính toán về nghèo đa chiều Việt Nam giai đoạn 2016-2020 do TCTK thực hiện trong khuôn khổ hoạt động hợp tác với UNDP năm 2020 cho thấy, tình trạng nghèo đa chiều trong giai đoạn 2016-2020 được cải thiện là do tỷ lệ hộ nghèo (độ rộng của nghèo) giảm nhanh, còn mức độ thiếu hụt (độ sâu của nghèo) không có sự thay đổi đáng kể. Cụ thể, trong giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều chung Việt Nam có xu hướng giảm qua các năm, từ 9,9% năm 2016 xuống còn 4,5% năm 2020. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở nông thôn vẫn luôn cao hơn nhiều thành thị, nhưng khoảng cách đang giảm dần.
Chỉ số nghèo đa chiều (MPI) chung cả nước giảm từ 0,035 năm 2016 xuống còn 0,015 năm 2020 cho thấy tình trạng nghèo đa chiều ở Việt Nam đã được cải thiện đáng kể. Xu hướng này diễn ra ở cả khu vực thành thị, nông thôn và 6 vùng kinh tế.
Tình trạng nghèo đa chiều vẫn còn có sự chênh lệch tương đối lớn giữa khu vực thành thị và nông thôn. Năm 2020, MPI của khu vực nông thôn là 0,018, cao gần gấp 2 lần khu vực thành thị (0,010). Các vùng có tình trạng nghèo đa chiều cao gồm: Tây Nguyên, Trung du và miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng bằng sông Hồng là vùng có tình trạng nghèo đa chiều thấp nhất.
Tỷ lệ hộ gia đình thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản trong giai đoạn 2016-2019 có xu hướng giảm qua các năm ở đa số các chỉ số. Điều này cho thấy các hộ gia đình Việt Nam tiếp cận ngày càng tốt hơn với các dịch vụ xã hội cơ bản. Riêng năm 2020, do tác động của đại dịch Covid-19 nên xu hướng giảm này không còn tiếp diễn ở một số chỉ số.
Chỉ số có mức độ thiếu hụt nhiều nhất là bảo hiểm y tế, tuy nhiên đây cũng là chỉ số có mức giảm nhanh nhất, từ 40,6% năm 2016 giảm xuống còn 19,0% năm 2020. Khám chữa bệnh và giáo dục trẻ em là các chỉ số có mức độ thiếu hụt rất ít. Các chỉ số có mức độ thiếu hụt không thay đổi đáng kể qua các năm là tài sản tiếp cận thông tin, khám chữa bệnh, giáo dục trẻ em và giáo dục người lớn.
Các chỉ số có đóng góp nhiều vào mức độ nghèo đa chiều năm 2020 là giáo dục người lớn (19,1%), hố xí hợp vệ sinh (16,2%), bảo hiểm y tế (13,6%) và diện tích nhà (11,9%). Tại khu vực thành thị có 3 chỉ số đóng góp nhiều vào mức độ nghèo đa chiều là bảo hiểm y tế, giáo dục người lớn và diện tích nhà. Khu vực nông thôn là hố xí hợp vệ sinh, giáo dục người lớn và chất lượng nhà. Ở vùng Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ các chỉ số đóng góp nhiều vào mức độ nghèo đa chiều là: Bảo hiểm y tế, diện tích nhà và giáo dục người lớn. Trong khi đó, hố xí hợp vệ sinh và giáo dục người lớn là các chỉ số đóng góp nhiều vào mức độ nghèo đa chiều ở các vùng còn lại.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe và cho ý kiến vào báo cáo dự án thử nghiệm đo lường nghèo đa chiều ở Việt Nam theo phương pháp mới của quốc tế và Kết quả tính toán về nghèo đa chiều Việt Nam giai đoạn 2016-2020. Theo đó, các ý kiến đều đánh giá cao kết quả triển khai dự án và là tiền đề quan trọng trong hợp tác giữa UNDP với TCTK. Ngoài ra, các đại biểu cũng cho ý kiến vào việc sử dụng mẫu mang tính đại diện, vấn đề phối kết hợp trong tổ chức điều tra, phần mềm trong triển khai thực hiện.
Tại Hội nghị, đại diện UNDP tin tưởng với sự cam kết mạnh mẽ của lãnh đạo TCTK và sự sáng tạo của đội ngũ cán bộ thống kê ở cả cấp trung ương và địa phương sẽ giúp TCTK vượt qua thách thức. UNDP khẳng định luôn sẵn sàng hợp tác với TCTK trong việc bảo đảm thu thập dữ liệu theo tiêu chuẩn quốc tế, công bố kịp thời và rộng rãi các dữ liệu thống kê về nghèo.
Kết thúc Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng TCTK Phạm Quang Vinh đánh giá cao công tác triển khai thực hiện dự án và việc công bố số liệu thống kê về giảm nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020. Đồng thời, đánh giá cao sự hợp tác, giúp đỡ của UNDP trong các hoạt động của TCTK nói chung và kết quả nghèo đa chiều nói riêng. Phó Tổng cục trưởng TCTK Phạm Quang Vinh bày tỏ mong muốn thời gian tới sẽ tiếp tục nhận được sự hợp tác giúp đỡ của UNDP trong các hoạt động của TCTK.
Toàn cảnh Hội nghị công bố số liệu
Khương Duy