Hội nghị tập huấn nghiệp vụ thống kê xã hội môi trường
Sáng ngày 15/5/2024, tại Bình Định, Tổng cục Thống kê (TCTK) tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ thống kê xã hội môi trường. Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Trung Tiến; đại diện lãnh đạo và chuyên viên các đơn vị thuộc TCTK; đại diện lãnh đạo Cục và lãnh đạo phòng các Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương cho biết, công tác thống kê xã hội và môi trường (XHMT) ngày càng có vị trí, vai trò quan trọng, phản ánh tình hình phát triển kinh tế – xã hội thông qua các chỉ số về an sinh xã hội, đời sống dân cư cũng như môi trường mà người dân đang sinh sống. Bên cạnh đó, xu hướng vận động và phát triển của nền kinh tế nước ta đang hướng tới phát triển xanh và bền vững; công tác xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân luôn được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, coi đây là yêu cầu cấp bách, là một nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược của quá trình phát triển nhanh, bền vững của đất nước. Vì vậy, công tác thống kê xã hội, môi trường đòi hỏi ngày càng đáp ứng nhiều hơn các yêu cầu mới, làm cơ sở để đánh giá các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.
Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương chủ trì Hội nghị
Theo Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương, tỷ lệ các chỉ tiêu thống kê về xã hội, môi trường ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong các hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã (chiếm khoảng 30% tới gần 60%), đặc biệt trong bộ chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững của Việt Nam (chiếm tới 60%).
Trong thời gian qua, công tác thống kê XHMT đã có nhiều cố gắng đổi mới và phát triển. Các chỉ tiêu về thu nhập, chi tiêu, giảm nghèo, mức sống tối thiểu, môi trường, bình đẳng giới, thanh niên… luôn được Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan thông tấn, báo chí, các nhà nghiên cứu quan tâm theo dõi thường xuyên và sử dụng trong công tác nghiên cứu, đánh giá, phân tích, xây dựng chiến lược. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thống kê XHMT cũng cần phải hoàn thiện và đổi mới hơn nữa để đáp ứng nhu cầu thông tin trong bối cảnh kinh tế – xã hội nước ta đang trên đà phát triển và hội nhập ngày càng sâu rộng, tình hình kinh tế – xã hội trong nước không chỉ bị tác động bởi các yếu tố nội sinh mà còn bị tác động không nhỏ bởi yếu tố ngoại sinh như ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trên toàn cầu, ô nhiễm không khí…
Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương cho rằng, những yếu tố trên đòi hỏi công chức làm công tác thống kê XHMT cần phải tích cực nghiên cứu chuyên sâu và trở thành chuyên gia thống kê trong từng lĩnh vực xã hội, môi trường; các chỉ tiêu thống kê phải đa dạng, phong phú hơn nữa, phản ánh được nhiều chiều, theo kịp sự phát triển nhanh chóng và đa dạng của xã hội trong tình hình mới; phải cập nhật phương pháp luận thống kê quốc tế, nghiên cứu ứng dụng cho phù hợp với thực tiễn nước ta, song vẫn đảm bảo được tính so sánh quốc tế; nhất là trong điều kiện chuyển đổi số mạnh mẽ như hiện nay, nhất thiết chúng ta phải hướng đến ứng dụng mạnh mẽ CNTT từ khâu thu thập, tổng hợp thông tin đến khâu xử lý và phân tích, báo cáo kết quả.
Để Hội nghị tập huấn nghiệp vụ thống kê XHMT đạt được kết quả tốt nhất, Tổng cục trưởng đề nghị, Vụ Thống kê XHMT chuẩn bị đầy đủ nội dung, tài liệu tập huấn; Các công chức trình bày đầy đủ nội dung, ngắn gọn, đi sâu vào những nội dung trọng tâm yêu cầu cụ thể; nhấn mạnh nội dung thảo luận vào những vấn đề nghiệp vụ cần giải quyết để nâng cao chất lượng số liệu báo cáo; giải đáp thỏa đáng các ý kiến của các địa phương…
Đối với các Cục Thống kê, quán triệt các nội dung Hội nghị tập huấn; tham dự đầy đủ, nghiêm túc; Tích cực, chủ động đóng góp ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm thực tế tại địa phương. Sau hội nghị tập huấn, các đồng chí tham gia có trách nhiệm hướng dẫn lại nghiệp vụ công tác thống kê xã hội, môi trường cho các công chức đang thực hiện công việc này ở địa phương; chủ động trao đổi với Vụ Thống kê XHMT các phát sinh vướng mắc trong quá trình thực hiện công việc để có biện pháp giải quyết kịp thời và xử lý thống nhất trên toàn quốc.
Bà Phạm Thị Quỳnh Lợi, Vụ trưởng Vụ Thống kê XHMT giới thiệu về công tác thống kê XHMT
Tại Hội nghị, bà Phạm Thị Quỳnh Lợi, Vụ trưởng Vụ Thống kê XHMT giới thiệu về công tác thống kê xã hội môi trường. Theo đó, các lĩnh vực thống kê XHMT có phạm vi rộng, bao trùm nhiều lĩnh vực như: Mức sống dân cư, môi trường, an toàn xã hội, thống kê giới, khoa học công nghệ, văn hóa thể thao, y tế, giáo dục đào tạo, thanh niên, trẻ em, người khuyết tật, nông thôn mới…
Nguồn thông tin đầu vào của thống kê XHMT chủ yếu là điều tra thống kê, chế độ báo cáo thống kê quốc gia, các báo cáo thống kê khác và trong tương lai sẽ khai thác từ các dữ liệu hành chính.
Các sản phẩm đầu ra của thống kê XHMT gồm: Báo cáo nhanh về tình hình xã hội, môi trường; Tổng hợp các chỉ tiêu thuộc các HTCTTK phục vụ biên soạn Niên giám, báo cáo VSDG, thanh niên; Báo cáo kết quả các cuộc điều tra (khảo sát mức sống, khuyết tật); Các chuyên đề phân tích, ấn phẩm (thống kê giới; Môi trường; Y tế; giáo dục đào tạo Việt Nam qua kết quả Tổng điều tra kinh tế 2021) và báo cáo khác…
Hội thảo dành thời gian để các đại biểu tham dự thảo luận, đóng góp ý kiến về các nội dung nghiệp vụ XHMT. Nhiều vấn đề liên quan nghiệp vụ thống kê xã hội môi trường được các đại biểu các Cục Thống kê địa phương quan tâm và trao đổi như: Chế độ báo cáo, thời gian nộp báo cáo, các chỉ tiêu về bảo vệ môi trường, báo cáo về nông thôn mới… Các vấn đề này đã được Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Trung Tiến và Lãnh đạo Vụ XHMT hướng dẫn và giải đáp thỏa đáng.
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Trung Tiến và lãnh đạo Vụ XHMT giải đáp thắc mắc cho các đại biểu tại Hội nghị
Kết luận tại Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Trung Tiến ghi nhận và đánh giá cao những nội dung trình bày của các công chức Vụ Thống kê XHMT. Những nội dung được trình bày đã giúp các đại biểu có cái nhìn tổng quan về công tác thống kê xã hội, môi trường; sự phức tạp, khó khăn và thách thức trong quá trình triển khai thực hiện công tác này ở cả trung ương và địa phương.
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Trung Tiến kết luận tại Hội nghị
Phó Tổng cục trưởng cho biết, khác với lĩnh vực thống kê kinh tế có thể chủ động được nguồn thông tin đầu vào từ các cuộc điều tra sẵn có của Tổng cục Thống kê, lĩnh vực thống kê xã hội, môi trường lại phụ thuộc khá nhiều vào công tác thống kê của các Bộ, Ban, ngành ở trung ương cũng như các Sở, ban, ngành ở địa phương thực hiện. Vì vậy, để thực hiện tốt công tác này, đòi hỏi cơ quan thống kê cần phối hợp chặt chẽ, chia sẻ thông tin với các cơ quan có liên quan trong quá trình thực hiện; đồng thời yêu cầu mỗi công chức làm công tác thống kê xã hội, môi trường cần phải tích cực, chủ động nghiên cứu tìm hiểu, nắm chắc các chỉ tiêu thống kê do Bộ, ban, ngành thực hiện thuộc lĩnh vực mình phụ trách để có được nguồn thông tin đầu vào đầy đủ, kịp thời phục vụ báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tháng, quý và năm. Trong quá trình thực hiện xét thấy chỉ tiêu quan trọng có thể đề xuất đưa vào các bộ chỉ tiêu thống kê trong thời gian tới.
Toàn cảnh Hội thảo
Sau khi Hội nghị kết thúc, Phó Tổng cục trưởng đề nghị Vụ Thống kê Xã hội và Môi trường trong thời gian tới, nghiên cứu đề xuất đưa các chỉ tiêu thống kê xã hội, môi trường hiện đang thực hiện trong báo cáo tình hình kinh tế – xã hội hàng tháng, quý và năm vào các bộ chỉ tiêu thống kê phù hợp đảm bảo căn cứ pháp lý khi triển khai thực hiện; Tăng cường công tác phối hợp, chia sẻ dữ liệu, thông tin với các Bộ, ngành trong quá trình triển khai thực hiện nhệm vụ; Tiếp tục nghiên cứu, các phương pháp thống kê mới của quốc tế về lĩnh vực xã hội, môi trường để ứng dụng vào tình hình thực tiễn ở Việt Nam; Nghiên cứu các nội dung kiến nghị, vướng mắc của các Cục Thống kê tiếp tục trao đổi và hướng dẫn Cục Thống kê thực hiện tốt công tác thống kê xã hội, môi trường.
Các Cục Thống kê tiếp thu và hướng dẫn các nội dung đã được tập huấn tại Hội nghị cho các công chức đang thực hiện công tác thống kê xã hội, môi trường ở địa phương; Tăng cường công tác chia sẻ dữ liệu hành chính phục vụ biên soạn, tổng hợp báo cáo tình hình kinh tế – xã hội trên địa bàn trong thời gian tới; Chủ động trao đổi trực tiếp với Vụ Thống kê XHMT nếu có phát sinh vướng mắc trong quá trình thực hiện công việc để có biện pháp giải quyết kịp thời và thống nhất thực hiện trên toàn quốc./.
Nguồn: TCTK