Hội thảo kỹ thuật rà soát các chỉ tiêu thống kê thuộc Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển giới của quốc gia

Trong hai ngày 18 và 19 tháng 10 năm 2018, Tổng cục Thống kê phối hợp với Chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh (GIZ) tổ chức Hội thảo kỹ thuật rà soát các chỉ tiêu thống kê thuộc Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển giới của quốc gia. Ông Vũ Thanh Liêm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê phát biểu khai mạc và chủ trì hội thảo. Tham dự Hội thảo còn có các chuyên gia tư vấn kỹ thuật trong nước, đại diện của một số bộ, ngành và đơn vị có liên quan trong Tổng cục Thống kê.

Ông Vũ Thanh Liêm, Phó Tổng cục trưởng phát biểu khai mạc và chủ trì hội thảo

Hội thảo này là một trong các hoạt động nhằm triển khai thực hiện Quyết định số 668/QĐ-TTg ngày 16/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Khuyến nghị của Ủy ban về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ của Liên hợp quốc (trong đó giao Tổng cục Thống kê nghiên cứu, rà soát, sửa đổi và hướng dẫn sử dụng Bộ chỉ tiêu phát triển giới quốc gia; Tăng cường thu thập, công bố số liệu thống kê giới). Mục tiêu của Hội thảo để lấy ý kiến góp ý nhằm hoàn thiện danh mục Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển giới của quốc gia.

Để xây dựng dự thảo Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển giới của quốc gia mới, Tổng cục Thống kê đã đánh giá việc thực hiện Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển giới của quốc gia theo Quyết định số 56/2011/QĐ-TTg ngày 14/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đánh giá, trong số 105 chỉ tiêu thống kê theo Quyết định số 56/2011/QĐ-TTg, đến năm 2016: 7 chỉ tiêu đã công bố đầy đủ; 38 chỉ tiêu đã thu thập đầy đủ nhưng công bố không đầy đủ; 19 chỉ tiêu đã thu thập đầy đủ nhưng chưa công bố; 29 chỉ tiêu thu thập số liệu chưa đầy đủ; 12 chỉ tiêu chưa thu thập số liệu. Trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện Quyết định số 56/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, rà soát Bộ chỉ tiêu giới toàn cầu của Liên hợp quốc, Bộ chỉ tiêu giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Bộ chỉ tiêu phát triển bền vững toàn cầu và Việt Nam cùng Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 của Việt Nam, Vụ Phương pháp chế độ thống kê và Công nghệ thông tin đề xuất dự thảo danh mục Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển giới của quốc gia mới gồm 77 chỉ tiêu thuộc 6 nhóm:

  1. Dân số và nhân khẩu học (phục vụ quản lý chung): 13 chỉ tiêu;
  2. Lao động, việc làm và tiếp cận với các nguồn lực (phản ánh mục tiêu 2 của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới): 29 chỉ tiêu;
  3. Lãnh đạo, quản lý (phản ánh mục tiêu 1 của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới): 7 chỉ tiêu;
  4. Giáo dục và đào tạo (phản ánh mục tiêu 3 của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới): 11 chỉ tiêu;
  5. Y tế và các dịch vụ liên quan (phản ánh mục tiêu 4 của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới): 13 chỉ tiêu;
  6. Bảo trợ, an toàn xã hội và nhân quyền của phụ nữ và trẻ em gái (phản ánh mục tiêu 6 của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới): 4 chỉ tiêu.

Hội thảo đã dành phần lớn thời gian để thảo luận nhóm đối với từng chỉ tiêu cụ thể thuộc các nhóm chỉ nói trên nhằm nhằm xem xét sự cần thiết cũng như tính khả thi của các chỉ tiêu trong Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển giới của quốc gia. Trong tổng số 77 chỉ tiêu dự kiến, các đại biểu đã góp ý sửa đổi 36 chỉ tiêu, tách 2 chỉ tiêu, loại bỏ 8 chỉ tiêu và đề xuất bổ sung thêm 12 chỉ tiêu.

Quang cảnh hội thảo

Kết luận hội thảo, thay mặt đơn vị soạn thảo, ông Trần Tuấn Hưng, Vụ trưởng Vụ Phương pháp chế độ thống kê và Công nghệ thông tin trân trọng cảm ơn GIZ, các chuyên gia tư vấn và các đại biểu tham dự hội thảo đã hỗ trợ, tham dự hội thảo và đóng góp nhiều ý kiến rất hữu ích cho đơn vị soạn thảo để hoàn thiện Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển giới của quốc gia. Sau Hội thảo này, đơn vị soạn thảo mong tiếp tục nhận được các ý kiến góp ý từ các đại biểu; đồng thời sẽ hoàn thiện dự thảo danh mục Bộ chỉ tiêu và gửi lấy ý kiến góp ý của các bộ, ngành có liên quan nhưng chưa có điều kiện tham dự hội thảo lần này (đặc biệt là Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, cơ quan có chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực giới). Đơn vị soạn thảo cũng sẽ thảo luận cụ thể với những đơn vị có liên quan trong Tổng cục Thống kê về từng chỉ tiêu cụ thể, trong đó đặc biệt lưu ý đến việc lồng ghép các hình thức thu thập thông tin nhằm đảm bảo tính khả thi của các chỉ tiêu đề xuất trong Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển giới của quốc gia.

ĐBH