Hội thảo “Xu hướng phân phối thu nhập và tiền lương trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng”

Ngày 29/5/2017 Viện Khoa học Lao động và Xã hội phối hợp với Viện Hanns Seidel (Cộng hòa Liên bang Đức) tổ chức Hội thảo “Xu hướng phân phối thu nhập và tiền lương trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng”, với mục tiêu: (i) Chia sẻ các kết quả nghiên cứu trong và ngoài nước về thực trạng, những vấn đề nảy sinh và xu hướng phân phối thu nhập, tiền lương trên thị trường lao động; mối quan hệ giữa tiền lương và năng suất lao động trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng; (ii) Trao đổi, thảo luận về những khuyến nghị và giải pháp chính sách nhằm giảm thiểu bất bình đẳng trong phân phối thu nhập và tiền lương.

TS. Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội và TS. Axel Neubert, Trưởng đại diện Văn phòng Hanns Seidel Foundation tại Việt Nam đồng trù trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có các đại diện đến từ Bộ Nội vụ; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Đại học Kinh tế Quốc dân; Đại học Lao động Xã hội; Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương; Viện Khoa học Thống kê; Viện Công nhân và Công đoàn; Tổ chức Lao động Quốc tế; Tổ chức Hanns Seidel Foundation; Chương trình Phát triển Liên hợp quốc; Quỹ Tiền tệ Quốc tế và một số đơn vị khác.

Các kết quả nghiên cứu được trình bày tại Hội thảo, gồm: (1) Xu hướng phân phối thu nhập và tiền lương ở Việt Nam – những vấn đề đặt ra; (2) Bất bình đẳng về tiền lương – hàm ý chính sách cho Việt Nam; (3) Chính sách tiền lương ở Việt Nam: Hiện trạng và định hướng cải cách; (4) Tiền lương tối thiểu vùng, thu nhập và mức sống của người lao động; (5) Bẫy thu nhập trung bình và kinh tế phi phát triển – khuyến nghị cho Việt Nam; (6) Đi học ở trẻ em có ảnh hưởng đến việc làm của bố, mẹ hay không? Kết quả nghiên cứu ở Việt Nam; (7) Vấn đề cải cách chính sách tiền lương cán bộ, công chức, viên chức; (8) Mối quan hệ giữa tiền lương, năng suất lao động và hiệu suất sử dụng lao động của doanh nghiệp.

Các ý kiến tham luận tại Hội thảo, tập trung vào một số vấn đề, như: Tăng tiền lương tối thiếu sẽ tác động như thế nào đến giá cả, lạm phát; tiền lương phải gắn với năng suất lao động và lợi nhuận; đánh giá tiền lương đặt trên lợi ích quốc gia; tiền lương nên được trả theo vị trí việc làm; tiền lương tối thiểu và mức sống tối thiểu cần được xém xét giữa các khu vực và những vấn đề đặt ra; mối quan hệ giữa mô hình tăng trưởng ở Việt Nam cần gắn liền với Chiến lược tăng trưởng xanh ở Việt Nam và đặc biệt gắn liền thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam; đảm bảo quyền bình đẳng trong xã hội và phát triển bền vững

Chủ trì Hội thảo kết luận 4 vấn đề: (1) Tám bài trình bày và các ý kiến tham luận rất tốt, đã bám sát mục tiêu của Hội thảo; (2) Các ý kiến tại Hội thảo là một trong những căn cứ tham khảo để hoàn thiện Đề án về cải cách chính sách tiền lương trình Thủ tướng Chính phủ; (3) Lựa chọn mô hình tăng trưởng của Việt Nam và chính sách được xem xét và bình luận từ nhiều góc độ khác nhau, như: Xem xét mối quan hệ giữa mức tiền lương tối thiểu và mức sống tối thiểu; mức tiền lương giữa khu vực quản lý nhà nước và khu vực sản xuất kinh doanh, đề xuất hướng tới chính sách tiền lương tối thiểu phải đạt mức sống tối thiểu, v.v…; (4) Mô hình tăng trưởng của Việt Nam phải đảm bảo phát triển bền vững, gắn với bảo vệ môi trường và bình đẳng xã hội./.

Một số hình ảnh tại Hội thảo:

TS. Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (trái) và TS. Axel Neubert, Trưởng đại diện Văn phòng Hanns Seidel Foundation Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo

Toàn cảnh Hội thảo

DTTP